Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường Hội thảo chuyên môn cụm trường THPT khu vực thành phố Nam Định - Đổi mới và thiết thực

Hội thảo chuyên môn cụm trường THPT khu vực thành phố Nam Định - Đổi mới và thiết thực

29/11/2021

Hoạt động của cụm trường THPT khu vực thành phố Nam Định luôn được đổi mới để ngày càng thiết thực và chất lượng hơn. Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tổ chức các hoạt động giáo dục của cụm diễn ra vào chiều thứ Năm ngày 25 tháng 11 năm 2021 do trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chủ trì đã thành công tốt đẹp, tạo đà cho sự kết nối bền vững, sâu rộng của các trường THPT trước bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.


NGUT. Trần Thị Mai - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng, Cụm trưởng cụm các trường THPT khu vực TP Nam Định phát biểu khai mạc Hội thảo

Đây là lần đầu tiên một hội thảo chuyên môn sâu của cụm trường được diễn ra trên môi trường số. Mỗi trường THPT, mỗi tổ chuyên môn của từng trường trên địa bàn thành phố là một điểm cầu, các điểm cầu đã cùng trao đổi những kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Các điểm cầu được kết nối trực tiếp trên nền tảng phần mềm Zoom Pro, tạo một không gian ảo, giao lưu trực tuyến không giới hạn khoảng cách địa lí, dễ dàng tương tác. Các điểm cầu dễ dàng tương tác, đặt câu hỏi trực tiếp với điểm cầu chính và báo cáo viên tại các điểm cầu. Sử dụng mô hình lớp học đảo ngược (Flipped classroom) - một phương pháp dạy học hiện đại cho hội thảo, các đơn vị đều được nghiên cứu trước các tham luận sẽ báo cáo tại hội thảo, từ đó, các đơn vị chủ động trong việc đóng góp ý kiến, trao đổi chuyên môn sâu về các vấn đề được đặt ra trong hoạt động giáo dục hiện nay. Hội thảo trực tuyến diễn ra trong không khí cởi mở, chân tình, đạt chất lượng cao. Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Bùi Văn Khiết - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt, thích ứng nhanh của cụm trường trong việc tiếp cận công nghệ thông tin để quản lí giáo dục, đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Sự đổi mới này là bước đi quan trọng góp phần đưa giáo dục Nam Định hội nhập nhanh với xu thế giáo dục hiện đại.


Ông Bùi Văn Khiết - Trưởng phòng Phòng Giáo dục Trung học Sở GDĐT phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Nội dung hội thảo xoay quanh các vấn đề trọng tâm của các nhà trường hiện nay, trong thời đại công nghệ 4.0 và giai đoạn chuẩn bị thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hội thảo đã lắng nghe 5 tham luận, là những kinh nghiệm sâu sắc trong công tác giáo dục các đơn vị, mang tính thời sự, thiết thực.

Để đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vừa đảm bảo chương trình kế hoạch dạy học, các nhà trường đều nhận thức rõ vai trò của công nghệ, ứng dụng công nghệ để thay đổi môi trường dạy học truyền thống, nâng cao chất lượng dạy học. Tham luận “Chuyển đổi số trong dạy và học” của thầy giáo Bùi Xuân Phong, đơn vị trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã đem đến một cái nhìn tổng quát về sức mạnh của công nghệ với giáo dục, chuyển đổi số trong dạy và học và chuyển đổi số nhà trường. Công cuộc chuyển đổi số diễn ra không chỉ trên bề rộng mà còn có chiều sâu, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ trong việc dạy học, quản lí giáo dục, quản lí sự thay đổi. Nền tảng của chuyển đổi giáo dục là chuyển đổi số trong dạy và học, khi giáo viên dựa vào công nghệ biết tạo ra những không gian học tập, thiết bị học tập, chương trình và đánh giá để người học thực sự là người làm chủ việc học. Thầy cô giáo đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi giáo dục, kĩ năng dạy học với sự hỗ trợ của các công cụ số là trung tâm của quá trình chuyển đổi số trong dạy và học. Lúc đó, chúng ta sẽ xây dựng được trường học thông minh, để không bị lùi lại phía sau trước xu hướng giáo dục hiện đại của thế giới.

 

Tham luận của thầy Bùi Xuân Phong - Đại diện trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Trong bối cảnh công nghệ đang vươn cách tay khổng lồ tới từng nhà trường, gia đình, tác động trực tiếp tới từng đối tượng học sinh, vấn đề văn hóa học đường lại càng quan trọng và cần có các định hướng, bước đi cụ thể. Tham luận “Xây dựng văn hóa học đường trong thời đại giáo dục số” của cô giáo Nguyễn Thị Thuý, đơn vị trường THPT Ngô Quyền đã phân tích sâu sắc thực trạng về văn hoá ứng xử của học sinh, của giáo viên trên môi trường mạng, từ đó, đưa ra những giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử của cán bộ, giáo viên và học sinh trên không gian mạng. Sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, làm chủ được công nghệ, có hiểu biết sâu sắc về pháp luật và đạo đức truyền thống là một một trong những giải pháp trọng tâm để xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, bảo mật thông tin trong thời đại số.


Tham luận của cô giáo Nguyễn Thị Thuý - Đại diện trường THPT Ngô Quyền

Mấu chốt của giáo dục là đào tạo học sinh có đức có tài. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của các nhà trường hiện nay đang có sự tham gia tích cực và đã khai thác triệt để các ứng dụng của công nghệ thông tin. Tham luận “Kinh nghiệm phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi” của thầy giáo Vũ Văn Hợp, đơn vị trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã tập trung vào các giải pháp toàn diện để phát hiện sớm và bồi dưỡng các học sinh có năng khiếu tham gia các kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế. Trước sự tham gia mạnh mẽ của công nghệ vào quá trình dạy học, người dạy và người học vẫn giữ vai trò quan trọng, sử dụng công nghệ như một công cụ hỗ trợ việc dạy và học. Công nghệ giúp người thầy chuyển giao nhiệm vụ học tập, kiểm tra đánh giá học sinh, xây dựng bộ học liệu môn học để giúp học sinh chủ động khai thác kiến thức, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu - năng lực đặc biệt cần thiết với học sinh giỏi. Người thầy cần luôn tự đào tạo, tự bồi dưỡng chuyên môn thông qua việc trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong tổ chuyên môn, trong trường, trong cụm trường,… để nâng cao trình độ.


Tham luận của thầy giáo Vũ Văn Hợp - Đại diện trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Tại hội thảo, vấn đề chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình GDPT 2018 được đặc biệt quan tâm. Trong đó, với vai trò là những “huấn luyện viên” trong các tổ chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn cần phải có năng lực gì trong công tác quản lí. Tham luận đầy tâm huyết của thầy giáo Trịnh Minh Nghĩa, trường THPT Trần Hưng Đạo “Phát huy vai trò của TTCM trong chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018” là câu trả lời cho những băn khoăn đó. Trước yêu cầu đổi mới cơ bản, toàn diện, tổ trưởng chuyên môn phải là người có kỹ năng lãnh đạo, quản lý sự thay đổi. Nguyên tắc quản lí sự thay đổi là xây dựng được lòng tin ở các tổ viên; tổ trưởng chuyên môn phải đi tiên phong trong thực hiện sự thay đổi; mọi tổ viên phải được làm chủ sự thay đổi; thay đổi phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và khả năng quản lý; thay đổi phải có tính kế thừa và đảm bảo sự "cân bằng động". Muốn làm được điều này, tổ trưởng chuyên môn cần vượt qua rào cản của bản thân, tự học tự rèn luyện, nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của thời đại số và đổi mới giáo dục.


Tham luận của thầy Trịnh Minh Nghĩa - Đại diện trường THPT Trần Hưng Đạo

Trong chương trình GDPT năm 2018, giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể”. Trong những năm qua, một số nhà trường đã triển khai giáo dục STEM đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Là trường đã đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi Khoa học kĩ thuật, STEM cấp tỉnh, quốc gia, trường THPT Nguyễn Khuyến đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng tiết học STEM với cụm trường qua tham luận “Kinh nghiệm xây dựng tiết dạy STEM” của cô giáo Mai Thị Hậu.


Tham luận của cô giáo Mai Thị Hậu - Đại diện trường THPT Nguyễn Khuyến

Ngoài ra, hội thảo là cơ hội để các trường trong cụm trường THPT khu vực thành phố trao đổi những khó khăn, vướng mắc, giải đáp những thắc mắc liên quan tới việc triển khai kế hoạch chuyển đổi số của các nhà trường và việc chuẩn bị thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đây là dịp để đội ngũ giáo viên các trường chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ tập thể, nâng cao năng lực chuyên môn và công tác quản lý trong giai đoạn đổi mới giáo dục. 
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tổ chức các hoạt động giáo dục của cụm trường THPT khu vực thành phố Nam Định đã khẳng định sự đổi mới và tính thiết thực trong hoạt động các cụm trường. NGUT. Trần Thị Mai - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, Cụm trưởng các trường THPT khu vực thành phố Nam Định đã đánh giá cao chất lượng của các tham luận tại Hội thảo, ghi nhận tâm huyết của các nhà trường trong việc cùng xây dựng môi trường học tập chung, trao đổi chuyên môn chung của cụm trường thành phố. Sau hội thảo, các tham luận sẽ được tập hợp thành kỉ yếu gửi về các trường để cùng tham khảo.


TS. Phạm Thị Huệ - Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chủ trì phần hội thảo

Tổng kết hội thảo, TS. Phạm Thị Huệ - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã nhấn mạnh “Hội thảo lần này là demo sơ khai của lớp học đảo ngược, đánh dấu việc chuyển đổi số có chiều sâu trong việc quản lí, dạy và học của các nhà trường”. Trong thời gian tới, cụm trường sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động giao lưu ý nghĩa, thiết thực để tạo cơ hội cho cán bộ, giáo viên, học sinh các trường được giao lưu, học hỏi và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng xu thế giáo dục hiện đại./.

Hình ảnh tham gia hội thảo tại các điểm cầu


Cô Trần Thu Thuỷ - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng và điểm cầu trường THPT Nguyễn Huệ


Điểm cầu trường THPT Ngô Quyền


Điểm cầu trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
 
Nguyễn Thị Hồng
Ban TTTT-GDTT, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong