Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong năm học 2021-2022 – Dấu ấn tiên phong trong Hành trình đánh thức đam mê, khơi nguồn sáng tạo

Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong năm học 2021-2022 – Dấu ấn tiên phong trong Hành trình đánh thức đam mê, khơi nguồn sáng tạo

10/01/2022

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, luôn là tâm điểm của xã hội. Mỗi vấn đề của giáo dục không chỉ được số đông quan tâm mà còn được nhìn ở góc nhìn khác nhau, có khi là trái chiều. Với các cuộc thi, hội thi, thường có những thái độ e ngại, đôi khi là định kiến và cho rằng các cuộc thi chỉ tạo thêm áp lực, mang tính hình thức, xoay quanh bệnh thành tích, báo cáo…  Nhưng khi tham dự buổi khai mạc, phần thi thứ nhất - tổ chức Báo cáo trình bày giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm của Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi với chủ đề: Ứng dụng CNTT trong công tác chủ nhiệm hướng tới xây dựng văn hoá học đường trong thời đại số của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong diễn ra vào 14h00 ngày 08/01/2022 trên nền tảng Zoom Pro thì các suy nghĩ, định kiến không tốt về các cuộc thi sẽ phải chững lại, suy ngẫm, có khi là thay đổi cách nhìn và quan điểm…


Background của Hội thi

 
Mỗi hành trình luôn có một đích đến. Sự thiết thực, đích đến của Hội thi là nằm ở chính mục đích của Hội thi. Trong bối cảnh nghỉ học trực tiếp và học online kéo dài, cuộc thi GVCN giỏi có ý nghĩa vô cùng thiết thực, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác chủ nhiệm lớp, quản lí tổ chức lớp học trong môi trường ảo. Hội thi đã giúp chúng ta trả lời được các câu hỏi: Văn hóa học đường trong thời đại số của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định là gì? Sẽ ứng dụng CNTT như thế nào trong công tác chủ nhiệm lớp để hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa đó? Để ứng dụng CNTT hiệu quả mỗi nhân tố (Phụ huynh, Giáo viên, Học sinh, Cán bộ quản lí các cấp,…) trong quá trình giáo dục phải trang bị kiến thức, kĩ năng nào? Dù hội thi mới chỉ những bước đi khởi đầu của nhà trường nhưng là sự chuẩn bị cho một hành trình mới đầy gian nan, thách thức là đào tạo HS thành những công dân toàn cầu của thế kỉ XXI, cũng là sân chơi để kết nối những trái tim nhiệt huyết, tạo nên động lực, niềm vui của nhà giáo trong lĩnh vực chủ nhiệm - công việc với vô vàn khó khăn nhưng cũng đầy vinh quang và sáng tạo.


Thầy giáo Bùi Thái Học, Phó Hiệu trưởng dẫn và giới thiệu về Hội thi

 
Sức hấp dẫn của mọi vấn đề luôn nằm ở nội dung, ý nghĩa nội tại của nó. Vấn đề đặt ra của Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường năm học 2021 – 2022 là văn hóa học đường trong thời đại số. Văn hóa là vấn đề muôn thuở xuyên suốt lịch sử lâu đời của xã hội loài người. Nhưng văn hóa lại chưa bao giờ là chuyện cũ. Khoa học, giáo dục, kinh tế và chính trị đang đưa xã hội vận động tiến tới hai chữ văn minh. Nhưng cái lõi của văn minh, cái đích của khoa học giáo dục luôn ở khái niệm trung tâm văn hóa. Văn hoá học đường là hệ các chuẩn mực, giá trị giúp các cán bộ quản lí nhà trường, các thầy cô, các vị phụ huynh và các em học sinh có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp. Xin được trích lời phát biểu khai mạc Hội thi của Tiến sĩ Phạm Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường để thấy rõ hơn vai trò của văn hóa, văn hóa học đường: “Lịch sử 100 năm hình thành và phát triển của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là lịch sử trao truyền và gìn giữ của các giá trị cốt lõi trong văn hóa nhà trường. Để xây dựng văn hóa học đường, mỗi trường đều có Hệ giá trị (Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi) làm chuẩn mực để mọi thành viên đồng thuận lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, thước đo thành quả của bản thân, của lớp, của trường”. Văn hóa, văn hóa học đường vốn trừu tượng, là vấn đề động, luôn vận động theo thời đại, nay lại cần được xác lập, định hướng đúng hơn trong bối cảnh thời đại 4.0, trong bối cảnh thực tế của đại dịch Covid 19. Ý nghĩa của Hội thi lại càng được làm sáng tỏ hơn qua sự trao đổi của cô giáo Nguyễn Phương Hạnh, giáo viên môn Toán, khối trường khối 12, thành viên Ban giám khảo: “Văn hóa học đường là một câu chuyện dài và cần nhiều tâm huyết của những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Muốn để học sinh học tập, rèn luyện và trưởng thành từ ngôi trường có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa thì thầy cô cũng cần tự hoàn thiện mình để luôn lan tỏa những năng lượng tích cực cho học sinh. Bởi hạnh phúc của người thầy luôn có mạch nguồn từ hạnh phúc của học trò. Giáo viên, giáo viên chủ nhiệm tận tâm, tận lực vẫn là chưa đủ vì trong bối cảnh đại dịch, thời đại số còn cần hơn hết là sự năng động, sáng tạo, thích ứng – thay đổi để làm mới mình hơn …”. Văn hóa chỉ thực sự hiện hình, lan tỏa xác lập chỗ đứng và giá trị khi mỗi chủ thể của xã hội có ý thức đúng đắn tiến bộ và thực hành môi trường văn hóa từ chính mình. Cái lõi văn hóa đó, nay qua một Hội thi lại càng hấp dẫn hơn trong cách thức, phương tiện và kĩ thuật – sức mạnh công nghệ, thông tin và kết nối.

Tiến sĩ Phạm Thị Huệ, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng khai mạc Hội thi

 
Hội thi đã mang đến bầu không khí cởi mở dân chủ, tràn niềm vui hào hứng cùng với những sản phẩm báo cáo tâm huyết, chất lượng của các thầy cô chủ nhiệm – người đóng vai thí sinh của Hội thi sẽ là những minh chứng xác thực, xác tín nhất. Hội thi không chỉ đánh thức đam mê khơi, nguồn sáng tạo với những nhà giáo làm công tác chủ nhiệm tham gia Hội thi mà còn gợi ra nhiều ý tưởng, gọi thêm những cách làm hay, phương án thực tiễn cho mỗi nhà giáo thêm vào hành trang làm công tác giáo dục chủ nhiệm.
Các thầy cô giáo đã báo cáo đề tài trong Hội thi:
1. Thầy giáo Bùi Văn Toan - GVCN lớp 10 chuyên Toán 1: đề tài Ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác chủ nhiệm hướng tới xây dựng văn hóa học đường trong thời đại số;
2. Thầy Trịnh Phương Dũng - GVCN lớp 11 chuyên Lí: đề tài Ứng dụng Công nghệ thông tin trên nền tảng Microsoft Team trong công tác chủ nhiệm hướng tới xây dựng văn hóa học đường trong thời đại số;
3. Cô Ngô Thu Vân - GVCN lớp 10 chuyên Sinh: đề tài Thành lập các ban hỗ trợ Giáo viên chủ nhiệm quản lý lớp học trên nền tảng ứng dụng CNTT;
4. Thầy Phạm Bá Quyết - GVCN lớp 10 chuyên Văn 1: đề tài Ứng dụng Công nghệ thông tin trong tạo lập văn hóa đọc sách góp phần nâng cao văn hóa học đường cho học sinh;
5. Thầy Trần Đình Huy - GVCN lớp 10 chuyên Sử: đề tài Xây dựng Ban công nghệ thông tin lớp học trong công tác chủ nhiệm hướng tới xây dựng văn hóa học đường trong thời đại số;
6. Cô Trần Thị Phượng - GVCN lớp 10 chuyên Anh 1: đề tài Nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm bằng việc dùng ứng dụng Zalo, Facebook, Google;
7. Cô Trần Hải Tú - GVCN lớp 10 chuyên Pháp với đề tài Ứng dụng Office 365 kết hợp một số ứng dụng công nghệ hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả quản lí lớp học và tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh;
8. Cô Trần Thị Trang - GVCN lớp 11A2 với đề tài Ứng dụng Zalo, Facebook, Messenger hướng tới xây dựng văn hóa học đường trong thời đại số.
Mỗi báo cáo không chỉ thể hiện sự vững vàng trong chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, tầm vóc trí tuệ mà ở đó ta còn thấy được tâm huyết, tình yêu nghề, sự sáng tạo của mỗi người thầy. Có những người thầy tóc đã bắt đầu điểm bạc nay lại say mê làm mới mình trong sức mạnh công nghệ. Có những thầy cô trẻ, mang sức mạnh công nghệ thời đại lại là một tấm gương sống với chiều sâu văn hóa, trầm mặc mà vẫn trẻ trung. Các thầy cô đã đem chính hiện thực đời sống của nghề làm nên thành công báo cáo. Chân thành mà sâu sắc thấu đáo, tâm giao mà thiết thực hiệu quả. Đúng như lời của cô Trần Hải Tú - GVCN lớp 10 chuyên Pháp, thí sinh tham dự Hội thi chia sẻ: “Mỗi người sẽ có 1 cách làm của riêng mình. Có thể những điều 8 thầy cô thể hiện trong cuộc thi này hiệu quả với lớp này nhưng chưa phù hợp với lớp khác, có thể đúng với năm nay nhưng sang năm chưa chắc còn phù hợp, cũng có thể chưa thể hiện được hết tâm sức và những điều quý giá mà thực tế các thầy cô đã dành cho các lớp chủ nhiệm của mình. Nhưng em tin chắc rằng đây đã là sự nỗ lực của em và các thầy cô, với mong muốn chia sẻ 1 ý tưởng nào đó mà mình cảm thấy tâm đắc khi thực hiện với lớp chủ nhiệm. 8 giáo viên là 8 ý tưởng, như những món quà mà chúng em trân trọng chia sẻ cùng hội đồng chủ nhiệm”.
Niềm vui nối tiếp niềm vui. Từ điểm tựa ngôi trường trăm tuổi với bao trầm tích văn hóa mà lớp lớp các thành viên của mái trường Lê Hồng Phong xây dựng, nay lại hân hoan trong một hành trình khát vọng mới. Hội thi là một dấu ấn tiên phong cho hành trình đánh thức đam mê khơi nguồn sáng tạo của mái trường trong thế kỉ thứ hai. Không còn xa vời, văn hóa học đường đã hiện hữu ngay chính ở Hội thi – một bầu không khí văn hóa học đường trong thời đại số - thân thiện, ấm áp mà hiệu quả. Do dịch bệnh, dù ở những không gian khác nhau, nhưng nhờ kết nối mạng, phương tiện hiện đại, các thầy cô trong Ban giám hiệu, Ban tổ chức, Giám khảo, các thầy cô thí sinh, các thầy cô tham dự cùng các bác phụ huynh của nhà trường đã gắn kết tạo nên buổi khai mạc của Hội thi hồ hởi và ý nghĩa. Văn hóa đã thành hơi thở và nếp sống của người trường Lê. Và CNTT sẽ giúp chúng ta đưa lớp học đến với mỗi gia đình. Trường học ngày nay không chỉ là nơi xây dựng kiến thức, kĩ năng mà còn là nơi xây dựng các kết nối. Và không ai khác, GVCN sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự kết nối này. CNTT sẽ là một phương tiện hữu ích đánh thức tiềm năng, khơi nguồn sáng tạo, chắp cánh cho sứ mệnh văn hóa của người thầy.
Và chúng ta đang háo hức chờ đợi phần thi thực hành tại các lớp học qua nền tảng CNTT của các thầy cô vào thời gian sắp tới …
Không ngủ quên trong lầu đẹp trăm năm
Lưng chúng tôi óng lên màu trí tâm lao động
Bàn tay vững vàng trước gió giông bão dịch
Công nghệ thông tin, văn hóa suối nguồn vui

Sau đây là một số hình ảnh của Hội thi:









 
-Đoàn Văn Hiệu-