Thực tế hiện nay cho thấy, học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập trong những điều kiện học tập khác nhau và đa số là trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Quan điểm của Đề án Ngoại ngữ 2020 là tìm để giới thiệu những mô hình dạy học và học ngoại ngữ thành công trong điều kiện thực tế của mình.
Nắm bắt được nhu cầu chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm tốt trong đổi mới dạy học ngoại ngữ ở các nhà trường, tiến tới hình thành và kết nối mạng lưới rộng rãi các đơn vị về đổi mới dạy - học ngoại ngữ, báo Giáo dục và Thời đạiphối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Kinh nghiệm từ trường điển hình đổi mới dạy - học ngoại ngữ" với sự tham gia của các vị khách mời:
1. TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng Ban Thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020;
2. Ông Ngô Vỹ Nông - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định;
3. PGS.TS Lê Văn Canh - Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội);
4. Thạc sỹ Vũ Đức Thọ - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định).
Đúng 9h, buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Nam - Tổng Biên tập báo Giáo dục và Thời đại phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến, mong muốn thông qua cầu nối này, những chia sẻ, kinh nghiệm của các vị khách mời sẽ góp phần làm lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong việc dạy và học ngoại ngữ.
TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng Ban Thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, đại diện đơn vị phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến và cũng là vị khách mời trong chương trình - tặng hoa các vị khách mời.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Nam phát biểu chào mừng các vị khách mời |
Tôi từng được nghe một chia sẻ khá thú vị từ lãnh đạo một trường ĐH khi triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, đó là: Không phải cứ đặt chuẩn thấp là sẽ có nhiều sinh viên đạt được chuẩn; tăng thời lượng lên lớp học tiếng Anh chưa hẳn là giải pháp hữu hiệu; vấn đề của học tiếng Anh là rèn luyện kỹ năng mà kỹ năng thì không bao giờ đủ thời gian để rèn luyện theo kiểu tổ chức các lớp học chính thức của nhà trường. Tiến sĩ Lê Văn Canh nghĩ sao về những chia sẻ này?
Mai Thu Huệ - giảng viên, Thái Nguyên
Chất lượng giáo dục chỉ được nâng lên khi chúng ta có kỳ vọng cao (High expectations) và sự hỗ trợ tương thích với kỳ vọng. Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn là không phải cứ hạ thấp chuẩn là đạt được chuẩn. Tăng thời lượng trên lớp vừa không khả thi vừa không bảo đảm cho việc đạt được chuẩn.
Giải pháp tối ưu là coi trọng nhiều hơn các hoạt động tự học của học sinh bên ngoài lớp học bằng cách gắn kết học trên lớp với học ngoài lớp và phát triển kỹ năng tự học cho học sinh. Để đạt được hiệu quả của tự học thì người học phải có động lực học tập mãnh liệt.
Giáo viên cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển dộng lực học cho học sinh.
Không biết, việc sử dụng trang thiết bị dạy học ngoại ngữ ở Nam Định có được Sở GD&ĐT trực tiếp đi kiểm tra hay chỉ nghe các trường báo cáo trên giấy tờ. Tôi thấy rằng, hiện nay ở một số trường, việc chỉ đạo giáo viên sử dụng triệt để các trang thiết bị dạy học đã được trang bị chưa thực sự được chú trọng, gây lãng phí không nhỏ.
thangpm83@...
Sở GD&ĐT đã trực tiếp tổ chức kiểm tra việc sử dụng thiết bị ở các nhà trường. Việc sử dụng thiết bị dạy học ngoại ngữ thông dụng là khá hiệu quả.
Nhưng việc sử dụng các phòng ngoại ngữ chuyên dụng, các phòng lab ở nhiều trường hiệu quả chưa cao, thậm chí có nơi còn để lãng phí.
Vì vậy, những năm gần đây, chúng tôi đã chỉ đạo viêc mua các thiết bị dạy ngoại ngữ thông dụng, thiết yếu để hiệu quả sử dụng tốt hơn.
Rất hoan nghênh Đề án Ngoại ngữ Quốc gia trong việc nhân rộng xây dựng điển hình dạy học ngoại ngữ. Chúng tôi là tỉnh lẻ kinh tế còn khó khăn, việc bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh ở trong nước, vừa “dỗ” vừa “dọa” giáo viên mới đi bồi dưỡng ở các trường ĐH trong nước, nay nếu triển khai bồi dưỡng giáo viên ở nước ngoài và mời giáo viên người bản địa đến dạy ở các trường phổ thông của tỉnh thì thật sự còn quá khó khăn. Rất mong được Đề án tháo gỡ, tư vấn giúp khó khăn này. Xin trân trọng cảm ơn!
giaovienthichngoaingu@...
Sự thay đổi về nhận thức cần được diễn ra trước hết trong đội ngũ lãnh đạo và quản lý rồi đến đội ngũ giáo viên. Nếu giáo viên mà không có thái độ đúng đắn về công tác bồi dưỡng cũng như tự bồi dưỡng thì không thể có thành công.
Để có được thái độ đúng đắn đó, phụ thuộc rất nhiều vào tâm huyết, trách nhiệm của người giáo viên cũng như sự động viên, hỗ trợ kịp thời của các cấp lãnh đạo, cũng như các lực lực tham gia vào quá trình giáo dục như đồng nghiệp, người học..
Việc cử giáo viên ngoại ngữ đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài, cũng như mời giáo viên nước ngoài tham gia dạy học ở các trường tại Việt Nam là cần thiết để góp phần chia sẻ những trải nghiệm, kinh nghiệm và kiến thức về đổi mới dạy học ngoại ngữ vì học thông qua cách người khác làm là một trong những con đường học tập nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Vấn đề kinh phí là một yếu tố rất quan trọng, ở đây chúng ta cần quan tâm đến ưu tiên đầu tư không dàn trải cũng như không thể đầu tư đại trà.
Trước hết, Ban quản lý Đề án cũng như các đơn vị đầu tư cần lựa chọn những giáo viên xuất sắc có những cam kết cống hiến cho cộng đồng cao nhất và khả thi nhất, cũng như các đơn vị điển hình cam kết các cách làm hiệu quả nhất để đảm bảo mục tiêu chuẩn đầu ra cho người học để tập trung đầu tư, hỗ trợ cơ hội cũng như các nguồn lực khác (tài chính…)
Theo ông, nhân tố quan trọng nhất để làm nên thành công trong xây dựng điển hình dạy học ngoại ngữ là gì? Rất mong được nghe chia sẻ kinh nghiệm của Nam Định - địa phương mà tôi được biết đã làm rất tốt nội dung này? Xin cảm ơn.
Lê Thị Mận - Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc
Nam Định đã triển khai xây dựng đơn vị điển hình đổi mới dạy học ngoại ngữ được 2 năm |
Bên cạnh đó, việc giao quyền chủ động cho các cơ sở để phát huy khả năng sáng tạo của từng nhà trường trong việc triển khai các hoạt động đã mang lại các hiệu quả thiết thực.
Thực tế hiện nay, không phải giảng viên dạy ngoại ngữ nào cũng đạt chuẩn ngoại ngữ. Tôi từng nghe hiệu trưởng một trường ĐH được coi là một trong những trường đi đầu trong triển khai đề án Ngoại ngữ 2020 tâm sự: Sau 3 năm, với rất nhiều giải pháp quyết liệt, trường mới có được 93% giảng viên dạy lý thuyết đạt chuẩn tiếng Anh. Liệu, ở một trường chuyên ngữ như ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) có giảng viên không đạt chuẩn hay không? Nếu có thì lộ trình tiến tới 100% giảng viên đạt chuẩn của nhà trường như thế nào?
Vũ Cẩm Bình - Bình Thạch, TP Hồ Chí Minh
Chúng ta đang đi trên lộ trình để hướng về cái đích là 100% giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ chứ chúng ta chưa về đích.
Để về đích, thì giáo viên phải có thái độ tích cực về quá trình tự học, tự bồi dưỡng, biết tự đánh giá năng lực của mình và đề ra mục tiêu phấn đấu.
Bên cạnh đó, giáo viên cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiều về chuyên môn và điều kiện tự học cũng như sự động viên của lãnh đạo nhà trường, của đồng nghiệp.
Nếu giáo viên thấy “cô đơn” thì họ dễ cảm thấy thiếu tự tin và điều đó ảnh hưởng đến kết quả tự học của họ. Một điều nữa tôi muốn nói là năng lực sử dụng ngoại ngữ của giáo viên là quan trọng nhưng nếu chỉ có riêng năng lực sử dụng ngoại ngữ không thôi thì chưa thể có người giáo viên giỏi.
Hiện nay vẫn có không ít ý kiến hoài nghi về kết quả của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Từ phía cơ sở, ý kiến của ông như thế nào? Việc triển khai Đề án 2020 có thực sự giúp thay đổi diện mạo dạy học ngoại ngữ của địa phương hay không?
Bùi Thanh Tùng – Ba Đình, Hà Nội
Chúng tôi cho rằng, triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 thực sự thay đổi chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng nghe – nói của cả giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, đây là một chương trình triển khai trên diện rộng, nên cũng không thể yêu cầu tất cả mọi người đều đạt được một trình độ như nhau.
Ngoài việc nâng cao chất lượng chung thì các học sinh có nhu cầu nâng cao về trình độ ngoại ngữ đã đạt được những tiến bộ vượt bậc so với trước khi triển khai Đề án.
Trong tương lai gần, chúng ta sẽ có một lượng học sinh không nhỏ có trình độ ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước.
Tôi công tác ở trường phổ thông. Khi được chọn là trường điển hình về dạy học ngoại ngữ, cái khó của chúng tôi là vấn đề con người và kinh phí. Không biết, khi xây dựng đơn vị điển hình ở bậc ĐH có gặp phải khó khăn này?
ndtanh@...
Theo PGS.TS Lê Văn Canh, kinh phí là cần thiết nhưng kinh phí có thể lãng phí nếu không được sử dụng phù hợp. |
Theo cách suy nghĩ của tôi: Trường điển hình là trường bình thường, làm được những việc bình thường nhưng đạt hiệu quả cao bằng cách tối ưu hóa nguồn lực hiện có với những ý tưởng sáng tạo.
Con người là nguồn lực lớn nhất nhưng hiệu quả của nguồn nhân lực phụ thuộc vào văn hóa nhà trường. Có văn hóa nhà trường phù hợp thì sẽ tạo ra được sự đồng thuận cao “muôn người một ý chí, hiệu trưởng, giáo viên đồng lòng, hòa chén rượu đổi mới giáo dục ngọt ngào”.
Kinh phí là cần thiết nhưng kinh phí có thể lãng phí nếu không được sử dụng phù hợp.
Được biết, trong kế hoạch dạy học của các trường điển hình thường có nội dung mời giáo viên nước ngoài về giảng dạy tại trường. Tôi được biết, việc thuê giáo viên người nước ngoài thường kinh phí khá cao, ngoài ra còn mắc nhiều thủ tục khác nữa. Rất mong ông chia sẻ kinh nghiệm về nội dung này?
Trần Đặng Thanh Ngân - Thành phố Bến Tre
Ở Nam Định, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT rất quan tâm đến việc tăng cường học ngoại ngữ có yếu tố người nước ngoài, nên đã có những văn bản chỉ đạo và tạo hành lang pháp lý tốt cho các trường trong việc mời giáo viên nước ngoài về dạy.
Ngoài ra, để giảm bớt kinh phí, có thể ký hợp tác với các tổ chức tình nguyện viên.
Tôi được biết, ngoài việc triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, mỗi địa phương đều có thêm các nội dung bồi dưỡng khác tuỳ thuộc vào điều kiện của địa phương. Rất mong được nghe chia sẻ kinh nghiệm của Nam Định về việc bồi dưỡng giáo viên ngoài kế hoạch của Bộ?
cuongnguyensp@...
Ngoài bồi dưỡng giáo viên theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nam Định còn bồi dưỡng thêm về các nội dung mà chúng tôi cho là cấp thiết, như bồi dưỡng năng lực về kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng về dạy học đáp ứng kỳ thi THPT quốc gia, bồi dưỡng năng lực giáo viên cốt cán (phối hợp với Hội đồng Anh)…
Thầy Vũ Đức Thọ có thể chia sẻ về phương pháp dạy học tích hợp môn tiếng Anh được không? Nơi tôi công tác là miền núi, nên rất khó để sử dụng CNTT để giảng dạy.
Nguyễn Thị Thắm – Lai Châu
Tôi nghĩ, nếu bạn khó khăn trong việc sử dụng CNTT để giảng dạy, bạn nên sử dụng giáo cụ trực quan cho học sinh.
Trường tôi có vẻ không giống các trường khác, đó là giáo viên rất hào hứng tham gia các khóa tập huấn nâng cao trình độ ngoại ngữ. Thế nhưng, khi lựa chọn, lãnh đạo lại ưu tiên giáo viên có chuyên môn tốt trước. Không biết, về vấn đề lựa chọn giáo viên đi bồi dưỡng Sở GD&ĐT Nam Định có quy định cụ thể không hay giao quyền chủ động hoàn toàn cho nhà trường?
minh-buivan@...
Ở Nam Định, việc lựa chọn giáo viên tham gia các khóa bồi dưỡng hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu của từng khóa bồi dưỡng. Như bồi dưỡng nâng cao năng lực, năm đầu ưu tiên những giáo viên cận chuẩn để đáp ứng triển khai dạy chương trình tiếng Anh hệ 10 năm và sau đó lần lượt các giáo viên còn lại đều được tham gia tập huấn.
Còn các khóa tập huấn khác như bồi dưỡng cốt cán thì phải chọn giáo viên giỏi; bồi dưỡng kiểm tra đánh giá phải chọn các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn…
Trong tháng 12, tôi thấy có giao lưu trực tuyến về Xây dựng Cộng đồng học tập Ngoại ngữ và hiện giờ là xây dựng các đơn vị điển hình đổi mới dạy học ngoại ngữ. Tôi nhận thấy việc triển khai dạy học tiếng Anh dường như mới chú trọng đến đối tượng trong nhà trường là chính. Vậy những đối tượng ngoài nhà trường thì sao? Đề án dành những hình thức học tập ngoại ngữ nào cho các đối tượng này?
Nguyễn Văn Thế - Thái Nguyên
TS Vũ Thị Tú Anh: Học ngoại ngữ giống như học bơi! |
Vấn đề xây dựng cộng đồng học tập Ngoại ngữ, xây dựng điển hình đổi mới dạy học Ngoại ngữ trước hết nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển các môi trường học tập và sử dụng ngoại ngữ giúp cho người học có được động lực, động cơ học tập và sử dụng ngoại ngữ hiệu quả nhất.
Các mô hình này đều hướng đến việc mở rộng không gian học tập (trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường, trực tiếp và trực tuyến), đa dạng hóa các phương thức học tập (chính khóa, ngoại khóa, mọi nơi, mọi lúc…), thành phần tham gia vào quá trình dạy học cũng được mở rộng với các vai trò tham gia linh hoạt (học cộng tác, người học cũng có thể là người dạy, người dạy là người tư vấn. …).
Như vậy, mọi thành phần, lực lượng người học, người sử dụng ngoại ngữ đều có thể tham gia vào các mô hình nói trên như: Doanh nghiệp, người lao động, công chức… đều có thể trở thành các chủ thể tích cực trong cộng đồng học tập ngoại ngữ; các tình nguyện viên bản ngữ, giáo sinh ngoại ngữ có thể tham gia hỗ trợ các hoạt động học tập ngoại khóa tại các nhà trường, các trung tâm ngoại ngữ, các diễn đàn giao lưu, các câu lạc bộ học tiếng Anh…liên thông các cấp học và trình độ đào tạo cũng như các môi trường học ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường.
Năm nay, địa phương tôi chỉ hỗ trợ 300 triệu/trường từ Chương trình mục tiêu quốc gia dành cho tất cả các hoạt động. Thực sự mà nói, với rất nhiều các hoạt động, từ bồi dưỡng giáo viên, tổ chức hoạt động ngoại khóa, thuê giáo viên nước ngoài,... kinh phí này thực sự rất ít ỏi. Xin được hỏi, các trường học ở Nam Định, con số được hỗ trợ là bao nhiêu? Ngoài chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương còn có thêm nguồn kinh phí nào hỗ trợ các trường hay không?
Hoàng Văn Tam – thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre
Số tiền hỗ trợ cho mỗi đơn vị điển hình về ngoại ngữ là do quy định của Đề án. Tỉnh Nam Định cũng không có nguồn hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của Nam Định là phát huy nội lực trong chính các nhà trường để tổ chức các hoạt động thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí.
Hiện nay các phần mềm dạy học tiếng Anh rất nhiều và thực tế, về phía cơ sở, khá khó khăn trong việc lựa chọn phần mềm phù hợp. Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có đưa ra tiêu chí cụ thể giúp các giáo viên dễ dàng lựa chọn hơn không?
Một cán bộ giáo dục tại Đắk Nông
Theo chúng tôi, các phần mềm và các tài liệu học tập tiếng Anh nên để tổ chuyên môn thẩm định và lựa chọn.
Nếu tổ chuyên môn thấy những tài liệu đó phù hợp với đơn vị của mình thì sẽ chọn lựa.
1. Chúng ta nên dạy như thế nào để giúp học sinh vùng sâu vùng xa như Đạ Tẻh, Lâm Đồng có thể đạt được điểm cao trong kì thi Trung học phổ thông quốc gia 2016 và có thể tiếp cận được việc học tiếng Anh khi đổ vào các trường cao đẳng - đại học? (Xin quý thầy cô gợi ý một số nguồn tại liệu phù hợp để luyện tập cho học sinh trước kì thi.)
2. Xin quý thầy cô cho biết về định dạng đề thi THPT Quốc gia 2016 môn tiếng Anh về độ khó - độ phân hóa? Tương đương - dễ hơn hay khó hơn so với đề 2015. Rất mong quý thầy cô bớt chút thời gian trả lời giúp. Xin chân thành cảm ơn.
HỒ NGỌC ÂN, 37 tuổi, Đạ Tẻh, Lâm Đồng
PGS.TS Lê Văn Canh tâm huyết trả lời câu hỏi bạn đọc gửi đến |
Con đường tối ưu là giáo viên cần tìm cách khuyến khích học sinh học ngoài giờ lên lớp (out-of-class learning). Không thể nào đạt mục tiêu học ngoại ngữ nếu chỉ học trên lớp. Do vậy giáo viên cần xây dựng các chương trình học ngoài lớp học và đặc biệt hướng dẫn học sinh kỹ năng tự học.
Học sinh kém tiếng Anh vì vốn từ vựng rất hạn chế. Muốn tăng vốn từ vựng thì con đường hiệu quả nhất là đọc tiếng Anh nhiều. Bạn hãy lựa chọn những câu chuyện vui, không dài quá, không khó quá bằng tiếng Anh cho học sinh đọc ở nhà kèm theo một hai bài tập ví dụ kể lại câu chuyện em đọc. Nếu bạn khó khăn trong tìm tài liệu thì hãy tìm trên mạng internet và lựa chọn những gì thích họp cho học sinh bạn.
Về tài liệu ôn thi thì trên mạng cũng có nhiều. Thầy/cô hướng dẫn các em lựa chọn nhé.
Riêng câu hỏi thứ 2 của bạn, rất tiếc tôi không tham gia làm đề thi nên không thể trả lời được.
Chúc thầy/cô năm nay có nhiều học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi môn tiếng Anh.
Tôi chắc rằng, việc triển khai xây dựng đơn vị điển hình về dạy học ngoại ngữ sẽ khó khăn hơn nhiều khi Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 kết thúc, trong đó khó khăn lớn nhất sẽ là cơ chế chính sách và kinh phí. Nam Định có đến việc này? Liệu sau kết thúc đề án, địa phương có tiếp tục mở rộng số trường điển hình?
Văn Trung – Vũ Thư, Thái Bình
Như chúng tôi đã trả lời trong các câu hỏi trên, việc quan trọng nhất trong xây dựng các đơn vị điển hình là phương pháp tổ chức các hoạt động của nhà trường.
Kinh phí của Đề án cho các trường điển hình là không nhiều. Phương pháp tổ chức hoạt động của các trường điển hình sẽ được đúc kết và phổ biến đến tất cả các trường học khác.
Vì vậy, chúng tôi tin là việc xây dựng các trường điển hình có tác dụng rất lớn kể cả khi Đề án Ngoại ngữ 2020 đã kết thúc.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong lấy nguồn kinh phí ở đâu để mời giáo viên nước ngoài về dạy trong trường?
thonghd@...
Chào bạn!
Chúng tôi đã sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trong bồi dưỡng giáo viên, và chủ yếu, trường sử dụng nguồn kinh phí từ xã hội hóa để mời giáo viên nước ngoài về dạy tiếng Anh trong trường.
Xin hỏi, ở Nam Định có quy định cụ thể trong việc lựa chọn giáo viên nước ngoài dạy học ngoại ngữ trong nhà trường hay không? Tôi thấy hiện nay nhiều giáo viên nước ngoài được mời dạy tiếng Anh không phải người bản xứ, lại chưa chắc đã có chuyên môn sư phạm, nên những phụ huynh như chúng tôi rất băn khoăn về chất lượng.
Hoàng Ngọc Minh - Thừa Thiên Huế
Giáo viên nước ngoài được phép dạy ở trong các nhà trường phải có các điều kiện như sau: Phải có bằng tốt nghiệp ĐH ở một nước nói tiếng Anh như ngôn ngữ chính và có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế được công nhận.
Đối với các tình nguyện viên nước ngoài, họ chỉ tham gia hỗ trợ giảng dạy kỹ năng giao tiếp nên không yêu cầu về bằng cấp, nhưng phải đến từ những nước nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất như Anh, Mỹ, Úc, New Zealand.
Nếu phụ huynh, học sinh thấy có vấn đề về năng lực hoặc các vấn đề khác liên quan đến giáo viên, đề nghị phản ánh với nhà trường, phòng GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT.
Xin hỏi, giáo viên THPT sau khi được bồi dưỡng 3 đợt nhưng thi C1 không qua, liệu có được thi lại hay không? Nếu được thi lại thì kinh phí bố trí cho việc này như thế nào?
P.Thanh (giáo viên tại Lào Cai)
Các vị khách mời nhiệt tình trả lời câu hỏi của bạn đọc gửi tới |
Những vấn đề này thuộc quyền của Sở GD&ĐT, bạn nên hỏi trực tiếp Sở mà bạn đang công tác để có được những giải đáp và nắm rõ quy định của đơn vị mình.
Bởi, mỗi Sở có những quy định khác nhau về bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ phù hợp với từng địa phương.
Mặc dù trong dạy học ngoại ngữ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là vô cùng quan trọng, nhưng bản thân tôi thì cho rằng, yếu tố hàng đầu vẫn là trình độ của giáo viên. Không biết, ở Nam Định, khi triển khai xây dựng trường điển hình dạy học ngoại ngữ đặt sự quan tâm hàng đầu vào yếu tố nào? Kinh phí của địa phương cho việc này tập trung cho đầu tư trang thiết bị hay nâng cao chất lượng đội ngũ?
nguyenhuengoc123@...
Chúng tôi rất đồng ý với quan điểm của anh/chị cho rằng yếu tố hàng đầu là trình độ của giáo viên.
Khi triển khai xây dựng trường điển hình về ngoại ngữ, chúng tôi tập trung vào việc nâng cao trình độ giáo viên trong giảng dạy và tổ chức các hoạt động tạo môi trường học tiếng Anh.
Kinh phí hỗ trợ cho các trường điển hình chỉ dành tối đa 25% cho việc mua các thiết bị thiết yếu phục vụ dạy học ngoại ngữ.
Tôi đã từng đi dự một khóa bồi dưỡng giáo viên về dạy học ngoại ngữ cách đây 5 năm và thấy có hai điểm khiến lớp học chưa hiệu quả. Thứ nhất là số học viên quá đông; thứ hai, chúng ta không có sự phân loại học viên, ví dụ như theo trình độ hay theo vùng miền chẳng hạn. Không biết hiện nay các lớp tập huấn, bồi dưỡng đã có cải tiến hay vẫn thực hiện như vậy?
Trần Tất Đạt - Cai Lậy, Tiền Giang
Bạn nói đúng và tiếc rằng tình hình hiện nay cũng chưa cải thiện được bao nhiêu vì nhiều lý do khác nhau. Chúng tôi đã nhận thấy vấn đề này và luôn tìm cách khắc phục.
Chúng tôi hi vọng rằng, chắc chắn sẽ có những thay đổi tích cực trong thời gian tới.
Tại tỉnh tôi một số giáo viên phổ thông năng lực ngoại ngữ rất thấp, chỉ đạt cấp độ A1, A2 nên việc bồi dưỡng cho số giáo viên này đạt cấp độ B2 và C1 rất khó khăn. Hiện chúng tôi chưa có giải pháp nào cho việc này. Mong được Đề án kịp thời tư vấn giúp. Xin cảm ơn!
vanphongsogiaoduc@...
Chúng ta cần dành khoảng thời gian và các điều kiện cần thiết để các giáo viên học tập và bồi dưỡng nâng chuẩn.
Bên cạnh đó, mỗi giáo viên cần phải xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng và lộ trình đạt chuẩn phù hợp.
Để thúc đẩy việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viêncũng như đảm bảo chất lượng hiệu quả của công tác bồi dưỡng nâng chuẩn, các cấp quản lý cũng cần công bố các chế độ, chế tài phù hợp và quyết liệt.
Hiện có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội. Nhà trường có sáng kiến nào sử dụng mạng xã hội để nâng cao trình độ tiếng Anh cho giáo viên, học sinh không?
lemina999@...
Học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong đã có đề tài sử dụng facebook trong học tập và đã đạt giải thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp Quốc gia.
Học sinh đã dùng facebook để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp học tập giữa các học sinh và các học sinh với giáo viên.
Em là sinh viên không chuyên ngữ nhưng rất thích học ngoại ngữ. Tuy nhiên, có một điều em thấy tủi thân là chúng em không được trang bị phòng máy trong giờ học ngoại ngữ; không được học trong không gian phòng lab đầy đủ tiện nghi như wifi, bảng tương tác, micro, màn hình lớn... Đây cũng là nguyên nhân khiến chất lượng học tập ngoại ngữ không cao.
Em rất tò mò muốn biết các bạn ở Trường ĐH Ngoại ngữ được tạo điều kiện như thế nào trong học tập? Đặc biệt, qua chương trình, nhờ thầy Lê Văn Canh giúp em một vài lời khuyên để những sinh viên không chuyên ngữ như chúng em có thể học tốt ngoại ngữ. Em cảm ơn nhiều!
linhbirain@...
Em học sinh thân mến. Cách đây trên 30 năm thầy bắt đầu học tiếng Anh trong một điều kiện vô cùng khó khăn: Không giáo trình, không từ điển nói gì đến phòng lab. Thế mà vẫn học được và trình độ sử dụng tiếng Anh cũng không đến nỗi nào. Tất cả các bạn học của thầy thời đó đều học giỏi.
Phòng lab hay các thiết bị khác là quan trọng nhưng tất cả sẽ không có ý nghĩa gì nếu người học không quyết tâm cao em ạ.
Bây giờ người ta không ai coi trọng vai trò của phòng lab trong học ngoại ngữ nữa vì công nghệ đã phát triển cao: Internet, facebook, truyền hình cáp... Nếu có say mê và quyết tâm cao em hãy tận dụng tất cả những gì hiện có để học.
Điều thầy muốn khuyên em là hãy tìm ra cho mình phương pháp học hiệu quả nhất. Chúc em thành công!
Tôi được biết Nam Định là địa phương triển khai rất hiệu quả Đề án Ngoại ngữ 2020, trong đó có việc xây dựng đơn vị điển hình dạy học Ngoại ngữ. Đến thời điểm này, địa phương đã có tổng kết, đánh giá nội dung này? Trình độ ngoại ngữ của giáo viên và học sinh trên địa bàn sau một vài năm triển khai đã có những biến chuyển như thế nào?
Nguyễn Viết Bân - Yên Mỹ, Hưng Yên
Thầy Ngô Vỹ Nông - PGĐ Sở GD&ĐT Nam Định - trả lời câu hỏi của bạn đọc |
Theo báo cáo từ các trường điển hình, học sinh rất hào hứng học ngoại ngữ, vì ngoài những đổi mới phương pháp dạy học trên lớp, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động khác, số lượng học sinh chọn tiếng Anh là môn học tự chọn tăng cao.
Giáo viên cũng rất phấn khởi vì có điều kiện nâng cao năng lực ngoại ngữ, như được tiếp xúc với người nước ngoài, tham gia các hội thảo quốc tế, tham gia các khóa đào tạo của Hội đồng Anh… Phong trào ngoại ngữ không chỉ có tác dụng đối với các trường điển hình mà còn lan tỏa tới các trường khác.
Vào cuối năm học này, chúng tôi sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm về xây dựng trường điển hình đổi mới dạy học ngoại ngữ để triển khai cho những năm học sau.
Kết quả các khóa bồi dưỡng cho thấy, trình độ nhiều giáo viên sau bồi dưỡng vẫn chưa đạt chuẩn. Có giáo viên học đến 2 lần vẫn chưa đạt. Ở trường THPT Lê Hồng Phong có trường hợp nào như vậy không? Và nhà trường có chế tài thưởng phạt gì không với những giáo viên đạt chuẩn và không đạt chuẩn?
Mai Anh Thùy - Văn Bàn, Lào Cai
Chúng tôi nghĩ, các trường nên tìm hiểu kỹ xem giáo viên thiếu và yếu cái gì thì bồi dưỡng, đào tạo cái đó.
Các trường cũng nên ký hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ để đào tạo giáo viên, tăng cường cơ hội cho các giáo viên của trường giao lưu, học tập với các giáo viên nước ngoài.
Tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, 100% giáo viên tiếng Anh đều đạt chuẩn và trên chuẩn.
TS Lê Văn Canh suy nghĩ như thế nào trước một số ý kiến hoài nghi về việc chúng ta có thể cán đích theo đúng lộ trình Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đặt ra? Ví dụ, giai đoạn 2011 – 2015 đặt ra yêu cầu triển khai chương trình dạy bằng ngoại ngữ một số môn cơ bản, chuyên ngành và chuyên sâu ở một số ngành trọng điểm ở năm cuối bậc ĐH, bắt đầu với khoảng 20% sinh viên của các ĐHQG, Đại học vùng và một số trường đại học trọng điểm khác. ĐHQG Hà Nội đã thực sự đạt được con só 20% như trên hay chưa?
annatrinhhien@...
Hoài nghi là một phần tất yếu của cuộc sống. Người càng thông minh càng hay hoài nghi. Mác nói: “Hoài nghi tất cả”. Nhưng hoài nghi ở đây là hoài nghi khoa học.
Chúng ta hoài nghi để chúng ta nhìn nhận mục tiêu một cách đầy đủ hơn, những khó khăn và thách thức trên con đường đi tới mục tiêu đó từ đó tìm ra con đường đến đích phù hợp nhất chứ không phải quay lưng lại với mục tiêu.
Tất nhiên trên con đường đi chúng ta có thể thay đổi mục tiêu cho phù hợp với điều kiện hiện tại. Mục tiêu của Đề án như bạn nói là lộ trình chứ chưa phải cái chúng ta có ngay ngày hôm nay.
Tôi là giảng viên đại học, từng trực tiếp giảng dạy các lớp bồi dưỡng. Một trong những khó khăn khiến hiệu quả bồi dưỡng chưa cao đó chính là sự chênh lệch trình độ rất lớn ở người học; đặc biệt, giáo viên thành thị và giáo viên nông thôn. Một số giáo viên nhiều kinh nghiệm trong phương pháp lại xa dần năng lực chuẩn. Ngược lại, giáo viên, đa phần giáo viên trẻ gần với năng lực chuẩn nhưng thiếu nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Xin hỏi Đề án có biết việc này không? Và có điều chỉnh gì để việc bồi dưỡng có hiệu quả hơn?
htmai77@...
"Ban quản lý Đề án xác định công tác bồi dưỡng nâng chuẩn là một công việc thường xuyên, định kỳ và lâu dài" - TS Vũ Thị Tú Anh |
Một trong những yêu cầu trọng tâm của đổi mới dạy học Ngoại ngữ là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Việc đạt chuẩn (về năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm) theo những tiêu chí mới đối với đội ngũ giáo viên ngoại ngữ là nhiệm vụ chung của Ngành, của từng đơn vị cũng như của mỗi cá nhân người dạy.
Sự không đồng đều về chuẩn năng lực ngoại ngữ cũng như chuẩn nghiệp vụ sư phạm trong đội ngũ giáo viên ngoại ngữ là một thực tế khách quan do các yếu tố về đào tạo, về môi trường, điều kiện dạy học…
Vì vậy, Ban quản lý Đề án xác định công tác bồi dưỡng nâng chuẩn là một công việc thường xuyên, định kỳ và lâu dài. Trước mắt, chúng tôi đã thực hiện đa dạng hóa các loại hình và phương thức tổ chức bồi dưỡng phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên ngoại ngữ.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến mô hình bồi dưỡng tại cơ sở, thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn ở các nhà trường và hỗ trợ, khuyến khích giáo viên tăng cường tự học, tự bồi dưỡng.
Giáo viên chúng tôi rất quan tâm tới việc trường ĐH hỗ trợ cho các trường xây dựng đơn vị điển hình của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Tôi muốn hỏi thầy Thọ là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã và đang được trường ĐH nào hỗ trợ về chuyển giao phương pháp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ thử nghiệm dạy và học theo phương pháp mới?
Lê Minh Hải Hậu – Đà Nẵng
Trên thực tế, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía các trường ĐH, nhưng chúng tôi đã liên kết với Trung tâm ngoại ngữ E - Connect để đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh.
Qua quá trình bồi dưỡng, đào tạo, giáo viên của trường đã nâng cao được trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giảng dạy ngoại ngữ của người nước ngoài. Học sinh cũng tiếp thu được với nguồn tiếng Anh phong phú, học đi đôi với hành và có những kết quả khả quan trong việc dạy và học ngoại ngữ.
Xin Phó Giám đốc Ngô Vỹ Nông cho biết Sở GD&ĐT Nam Định chọn giáo viên tiếng Anh đi tập huấn tại nước ngoài theo những tiêu chí nào? Có phải chỉ giáo viên dạy ở trường xây dựng điển hình mới được đi tập huấn hay không? Là một giáo viên trẻ, tự nhận thấy có năng lực và khát khao được học hỏi, tôi luôn phấn đấu, hy vọng mình được nằm trong danh sách này. Hy vọng giải đáp của ông sẽ giúp tôi rõ thêm để có phương hướng tiếp tục phấn đấu.
thangmn2005@...
Cho đến nay, Sở GD&ĐT Nam Định mới có 20 giáo viên được cử đi tập huấn ở nước ngoài từ nguồn kinh phí của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.
Việc chọn giáo viên đi tập huấn ở nước ngoài căn cứ vào các tiêu chí về năng lực ngoại ngữ, vị trí công tác (chuyên viên phòng GD&ĐT, mạng lưới cốt cán, giáo viên các trường chất lượng cao), khả năng tham gia vào việc tập huấn nâng cao năng lực cho các giáo viên khác.
Nếu bạn có nguyện vọng có thể đăng ký với phòng Giáo dục Trung học của Sở GD&ĐT để chúng tôi xem xét, nếu có chỉ tiêu của các đợt sau, hoặc chúng tôi giới thiệu bạn đăng ký với các chương trình xét học bổng của nước ngoài.
Một số giáo viên ngoại ngữ ở trường tôi đi tập huấn ở trường ĐH về có phản ánh kết quả đạt chưa được như mong muốn, một mặt vì thời gian tập huấn ngắn, một mặt nội dung kiến thức giảng viên truyền đạt chưa sát với thực tế phổ thông? Tiến sĩ Lê Văn Canh suy nghĩ như thế nào về những phản ánh này? Theo tiến sĩ, nội dung cũng như phương pháp tập huấn của chúng ta cần thay đổi như thế nào để hiệu quả hơn?
Đỗ Thu Trang - Kim Bảng, Hà Nam
PGS.TS Lê Văn Canh: Mục tiêu bây giờ là dạy học theo nguyên tắc chứ không phải theo một phương pháp dạy học nào cụ thể một cách cứng nhắc. |
Bạn nói đúng. Tập huấn luôn có hai hạn chế cơ bản: Thời gian ngắn; Nội dung thường không phù hợp với nhu cầu và mong muốn của giáo viên.
Để cải tiến việc này, trước hết giáo viên tham gia tập huấn cần nhận thức được rằng những nội dung được truyền đạt trong tập huấn chỉ là những gợi ý. Sau khi về trường cần vận dụng những nội dung đó trong thực tế giảng dạy và đánh giá, điều chỉnh những nội dung đó cho phù hợp với thực tế giảng dạy.
Đồng thời cần có sự bàn bạc giữa giáo viên tham gia tập huấn với giảng viên về nội dung. Một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của chương trình tập huấn giáo viên là những nội dung tập huấn phải giúp giáo viên giải quyết được những vấn đề thực tế, cụ thể nảy sinh trong giảng dạy.
Tôi nghĩ rằng, con đường tốt nhất trong điều kiện của nước ta là các chương trình tập huấn về phương pháp giảng dạy nên bắt đầu từ việc phân tích sách giáo khoa, các phương án khác nhau có thể sử dụng để dạy các nội dung hay thực hiện các hoạt động trong sách giáo khoa rồi giáo viên tự quyết định lựa chọn phương án nào tốt nhất.
Điều này đòi hỏi giảng viên phải là người có kiến thức sâu và cập nhật về những lý thuyết dạy và học ngoại ngữ mới của thế giới, biết đánh giá cái hay, cái hạn chế của những lý thuyết đó và đặc biệt phải có sự hiểu biết về thực tế dạy và học của những giáo viên tham gia bồi dưỡng.
Ngoài ra, giáo viên phải được trang bị những kỹ năng đánh giá những cách dạy mới và nghĩ ra cách điều chỉnh cho phù hợp với từng đối tượng người học.
Không có một phương pháp dạy học nào mang lại hiệu quả cho tất cả các đối tượng người học khác nhau. Mục tiêu bây giờ là dạy học theo nguyên tắc chứ không phải theo một phương pháp dạy học nào cụ thể một cách cứng nhắc. Hôm nay người ta nói đến ‘pedagogy’ hoặc ‘methodology’ chứ không nói nhiều đến ‘method’.
Là giáo viên lâu năm, tôi thấy việc sinh hoạt tổ chuyên môn là rất quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học, trong đó có dạy học ngoại ngữ. Nhưng việc này còn được thực hiện một cách hình thức và chưa thực sự hiệu quả. Tôi rất mong được nghe những chia sẻ từ nhà trường về các giải pháp thực hiện cải tiến các hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn để tham khảo, học tập?
Tăng Quốc Bảo - Thái Thụy, Thái Binh
Ở trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, mỗi tuần có 2 tiết sinh hoạt tổ chuyên môn. Mỗi buổi sinh hoạt tổ, giáo viên phải thực hiện được một số nhiệm vụ:
- Giao ban và nắm được chỉ đạo của cấp trên.
- Thống nhất nội dung, chương trình giảng dạy, rèn luyện kỹ năng cho học sinh ở các lớp khác nhau.
- Có ít nhất 1 thành viên trong tổ chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm của mình.
Tôi thấy rằng, điều khó khăn nhất trong triển khai xây dựng điển hình dạy học ngoại ngữ ở cơ sở vẫn là vấn đề kinh phí. Từ thực tế triển khai, tôi thấy trường nào nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ phụ huynh học sinh, huy động được kinh phí từ nguồn xã hội đó, trường đó sẽ triển khai rất thuận lợi Tuy nhiên, trong nhà trường, từ "xã hội hóa" vốn rất nhạy cảm vì nếu không khéo léo sẽ bị cho là lạm thu. Rất mong được Sở GD&ĐT chia sẻ kinh nghiệm trong việc này?
Trịnh Mai Bình - Vĩnh Thạch, Cần Thơ
"Khi triển khai XHH, các trường phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tự nguyện" - Phó Giám đốc Ngô Vỹ Nông |
Trong điều kiện kinh phí các trường còn nhiều khó khăn, việc xã hội hóa để tạo thêm điều kiện cho dạy và học góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học.
Việc xã hội hóa phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng nhà trường và trong mỗi nhà trường thì phụ thuộc vào nhu cầu, điều kiện, tinh thần tự nguyện của mỗi phụ huynh học sinh.
Khi triển khai xã hội hóa, các trường phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tự nguyện. Trong vấn đề này, công tác tuyên truyền đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trường tôi năm nay cũng bắt đầu được giao xây dựng trường điển hình nhưng thực sự chưa biết bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào... Mong ông Vũ Đức Thọ chia sẻ kinh nghiệm của nhà trường lúc khởi đầu xây dựng trường điển hình đổi mới dạy học ngoại ngữ?
hungdt78@...
Về kinh nghiệm, chúng tôi nghĩ, các nhà trường nên thực hiện một số nội dụng:
Thứ nhất, xây dựng Đề án dạy học ngoại ngữ trong nhà trường cho phù hợp với đối tượng học sinh và hoàn cảnh thực tại (nên xây dựng Đề án ngắn hạn và dài hạn).
Thứ hai, trang bị về cơ sở vật chất cho các phòng học (có thể sử dụng ngân sách hoặc xã hội hóa).
Thứ ba, tổ chức cho giáo viên được học và tăng cường trình độ ngoại ngữ cũng như phương pháp giảng dạy ngoại ngữ của người nước ngoài (có thể ký kết với trường ĐH hoặc các Trung tâm ngoại ngữ có danh tiếng).
Thứ tư, nên tổ chức khảo thí độc lập để thúc đẩy học sinh học ngoại ngữ (có thể hợp tác liên kết với các Trung tâm ngoại ngữ để khảo thí).
Thứ năm, tổ chức các lớp học ngoại ngữ có yếu tố người nước ngoài (có thể mời các chuyên gia, giảng viên, tình nguyện viên nước ngoài).
Xin hỏi lãnh đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, tiêu chí xây dựng đơn vị điển hình đổi mới dạy học ngoại ngữ hiện nay có khác ngày trước không? Sau một thời gian triển khai, đã có những bài học kinh nghiệm, điều chỉnh gì lớn trong việc xây dựng đơn vị điển hình dạy học ngoại ngữ?
lanhoahoang@...
Ban quản lý Đề án không quy định các tiêu chí bắt buộc về đơn vị điển hình đổi mới dạy học ngoại ngữ.
Trong khu vực giáo dục phổ thông, mục tiêu sau khi tốt nghiệp tiểu học trình độ ngoại ngữ của học sinh phải đạt bậc 1, THCS là bậc 2, THPT là bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.
Nhiều cơ sở giáo dục phổ thông đón nhận cơ hội này với niềm hứng khởi và quyết tâm rất cao, phát huy nội lực, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của xã hội để sớm đạt được những mục tiêu đề ra.
Trong quá trình phấn đấu này, nhiều cách làm mới, nhiều gương sáng điển hình sáng tạo, nhiều mô hình thực tiễn hiệu quả đã xuất hiện, chứng mình tính đúng đắn của các mục tiêu đề ra, tính khả thi của các nội dung đổi mới, đó là những mô hình cần thiết được chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng.
Chúng tôi quan niệm không có một mô hình điển hình duy nhất mà sẽ có nhiều mô hình phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học Ngoại ngữ cụ thể của các nhà trường. Quan niệm trên đến nay vẫn được thống nhất trong quá trình chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các điển hình dạy học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục Quốc dân.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động dạy học nhằm đảm bảo kết quả đầu ra của học sinh cuối cấp học?
btquoc@...
Thầy Vũ Đức Thọ trả lời câu hỏi của bạn đọc |
Về chương trình dạy học: Đầu năm, các tổ chuyên môn xây dựng chương trình giảng dạy cho từng khối lớp, từng đối tượng học sinh của các khối chuyên khác nhau.
Tích cực tổ chức cho học sinh tự học, tự kiểm tra, đánh giá và kiểm tra đánh giá lẫn nhau.
Do nhà trường làm tốt hai việc trên nên kết quả đầu ra của học sinh cuối cấp rất tốt.
Có ý kiến cho rằng, chúng ta dù không có kiến thức về ngữ âm tiếng Việt nhưng cũng có thể bắt chước và phát âm tiếng Việt rất tốt. Với tiếng Anh cũng vậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu thiếu kiến thức về ngữ âm của một ngôn ngữ nào đó sẽ dẫn tới tình trạng mơ hồ giữa cái đúng và cái sai, đặc biệt khi nghe phát âm của các vùng miền khác nhau, đặc biệt là phương ngữ. Do đó, tôi đề nghị cần tăng thêm 2 tín chỉ ngữ âm học trong giờ học ngoại ngữ tăng cường. Rất mong được nghe quan điểm của tiến sĩ Lê Văn Canh về vấn đề này?
quyennd@...
Ngữ âm cần dạy lồng ghép vào dạy từ vựng, dạy ngữ pháp, dạy các kỹ năng ngôn ngữ. Người học không cần biết nhiều về lý thuyết ngữ âm. Mục đích là họ phát âm đúng theo nghĩa người nghe hiểu đúng ý họ định nói gì.
Con đường học ngữ âm tốt nhất là thực hành nói, nghe kể cả đọc to (reading aloud). Lưu ý cần xem những khó khăn trong phát âm của tùng nhóm người học cụ thể là gì từ đó giáo viên chọn giáo trình, bài tập và kể cả phần mềm dùng để dạy ngữ âm cho phù hợp.
Xin được gửi câu hỏi đến ông Ngô Vỹ Nông. Được biết các địa phương đều tổ chức khảo sát trình độ Ngoại ngữ của giáo viên; có tỉnh công bố số lượng giáo viên đạt chuẩn với con số rất thấp. Tuy nhiên, hình như Nam Định chưa từng công bố con số này? Sở GD&ĐT có giải pháp nào đối với số giáo viên chưa đạt chuẩn?
lady-moon@...
Sau mỗi lần Sở GD&ĐT tổ chức các đợt khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh đều công bố công khai kết quả và danh sách, bảng điểm từng giáo viên.
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn chung toàn tỉnh được công bố thường xuyên trong các hội nghị sơ kết, tổng kết năm học. Hiện nay, Nam Định có 89,3% giáo viên tiểu học, 89,7% giáo viên THCS đạt chuẩn B2 và 70,4% giáo viên THPT đạt chuẩn C1.
Với các giáo viên chưa đạt chuẩn, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các thầy cô học tập nâng cao trình độ và được khảo sát ngay tại tỉnh do Sở GD&ĐT phối hợp với các trường ĐH có uy tín, đủ thẩm quyền tổ chức.
Xin hỏi sau 3 năm (nếu tôi nhớ không nhầm) triển khai xây dựng trường đổi mới dạy học ngoại ngữ, hiện có bao nhiêu đơn vị xây dựng điển hình đổi mới dạy học ngoại ngữ trên cả nước? Và con số này đạt bao nhiêu phần trăm so với mục tiêu đặt ra?
Đỗ Trọng Khơi – Bắc Giang
TS Vũ Thị Tú Anh rất vui được giao lưu, trao đổi với các thầy cô giáo, HS, SV, cán bộ quản lý cả nước về kinh nghiệm xây dựng trường điển hình đổi mới dạy - học ngoại ngữ |
Năm 2014, có 37 Sở GD&ĐT đã giới thiệu xây dựng để nhân rộng một mô hình điển hình dạy học ngoại ngữ/cấp học.
Năm 2015, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình dạy học Ngoại ngữ trên cả 3 cấp học phổ thông.
Bên cạnh đó, các trường đại học chuyên ngữ như: Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế), Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng)…
Cũng như nhiều trường đại học, cao đẳng đa ngành thuộc các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực giới thiệu và nhân rộng các mô hình điển hình về đổi mới dạy học ngoại ngữ trong đơn vị và cho các đơn vị bạn trên cả nước như các trường: Đại học Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải), Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên – Bộ GD&ĐT), Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, Cao đẳng Sư phạm Lào Cai…
Tôi thấy một trong những trở ngại của người học Ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay là "học mà chưa được hành nhiều", vậy theo ông/bà, cần phải có giải pháp nào cho khó khăn hiện nay? Nên chăng nghiên cứu thêm những phương án thiết thực để có thêm nhiều các hoạt động giao lưu, ứng dụng được các kiến thức đã học ở trên lớp, và làm thế nào để tổ chức cho các em các chương trình/game show để các em học sinh cảm thấy thật hào hứng, vui vẻ khi được tham gia và sử dụng ngoại ngữ?
ngô diệu hồng, 35, Nguyễn Trãi, Hà Nội, cán bộ tư vấn tài chính
Chúng tôi đã triển khai một loạt các giải pháp để có thêm cơ hội cho học sinh thực hành, như: Mời các giáo viên tình nguyện nước ngoài để học sinh được giao tiếp với người nước ngoài, tổ chức các cuộc thi hùng biện tiếng Anh, thi kể chuyện bằng tiếng Anh, thi hát và thi Rung chuông vàng bằng tiếng Anh…Tổ chức các hoạt động dạ hội, như gala tiếng Anh, đêm halloween, đêm Giáng sinh…
Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo các trường tổ chức các câu lạc bộ nói tiếng Anh, CLB hát tiếng Anh và CLB giúp đỡ nhau học tiếng Anh…
Đặc biệt, hiện nay Nam Định cũng triển khai việc dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Những hoạt động này, ngoài nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên và học sinh còn tạo hứng thú rất lớn giúp học sinh thêm say mê và yêu thích môn học này.
Đồng thời, nên mời các chuyên gia, các tình nguyện viên nước ngoài về để giao lưu với các học sinh. Đó cũng là cơ hội để học sinh được giao tiếp với người bản địa, nâng cao khả năng tiếng Anh của mình.
Con tôi năm nay học lớp 4 và mỗi tháng cháu phải nộp một khoản (dù không lớn) để học tiếng Anh do giáo viên nước ngoài dạy. Tuy nhiên, một bạn tôi đang dạy học ở Bắc Ninh lại cho biết học sinh ở trường bạn cũng được học giáo viên nước ngoài mà không mất khoản phí nào. Như vậy, tôi thấy dù quy định chung là học sinh từ lớp 3 trở lên phải học ngoại ngữ bắt buộc nhưng trên thực tế việc triển khai lại không giống nhau ở các địa phương. Xin hỏi ở Nam Định, việc dạy Tiếng Anh cho học sinh tiểu học được thực hiện như thế nào, học sinh có phải mất tiền để học tiếng Anh hay không?
Nguyễn Tâm Như – Hai Bà Trưng, Hà Nội
Việc học tiếng Anh theo chương trình chính khóa ở các trường, phụ huynh không phải đóng tiền.
Ở các trường có mời được tình nguyện viên là người nước ngoài hỗ trợ cho việc dạy học hoặc các trường điển hình thuê giáo viên nước ngoài về dạy bằng kinh phí của Đề án Ngoại ngữ 2020, thì phụ huynh cũng không phải đóng tiền.
Tuy nhiên, nếu trường thuê giáo viên người nước ngoài đến dạy tăng cường và phụ huynh tự nguyện đăng ký thì phải đóng học phí.
Xin hỏi, những trường được chọn xây dựng trường điển hình về dạy học ngoại ngữ có điểm gì khác so với những trường bình thường về trang bị cơ sở vật chất, chương trình học tập, tổ chức hoạt động dạy học?
Trần Thị Thùy Dung - Ý Yên, Nam Định
Có thể nói, những trường điển hình sẽ được ưu tiên về trang thiết bị, cơ sở vật chất.
Trường điển hình cũng được chủ động xây dựng chương trình và tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với điều kiện của nhà trường.
Tôi là một giáo viên tiểu học ở Nam Định, trường tôi phong trào học ngoại ngữ cũng khá tốt, hàng năm, số học sinh dự thi và đoạt giải cuộc thi tiếng Anh qua mạng internet khá cao. Chúng tôi có được phép đăng ký trở thành đơn vị điển hình về dạy học ngoại ngữ không? Và nếu được thì chúng tôi phải làm thế nào?
phamthuy@...
Rất hoan nghênh tinh thần tích cực của thầy/cô. Thầy cô có thể đề nghị nhà trường đề xuất với phòng GD&ĐT, hoặc đề xuất trực tiếp với Sở GD&ĐT để Sở xem xét, đưa vào danh sách các trường điển hình của các năm sau.
Tôi có tham khảo một số trường điển hình, thấy rằng một trong những công việc được những trường này chú trọng là bổ sung học liệu, tài liệu, phần mềm dạy và học ngoại ngữ và các trang thiết bị. Xin hỏi, trường mình có chuẩn bị những nội dung này và nếu chuẩn bị thì mình bổ sung tài liệu, phần mềm gì?
Lưu Thu Hòa (An Dương, Hải Phòng)
Xin chào anh, chị!
Do trường tôi có đặc thù là trường chuyên, nên được ưu tiên hơn so với các trường khác về trang thiết bị, cơ sở vật chất.
Để chuẩn bị cho học sinh học ngoại ngữ, chúng tôi đã trang bị được 1 phòng học tiếng, 100% các lớp có máy chiếu, máy tính nối mạng. Các tài liệu, các phần mềm học ngoại ngữ được trang bị trương đối đầy đủ.
Dường như sinh viên của tôi vẫn chưa thoát được khỏi cách học ở phổ thông, tức là miệt mài học từ vựng, cấu trúc câu, luyện đọc các bài đọc hiểu và tập viết theo chủ đề được hướng dẫn trong sách, nhiều em phát âm chỉ đơn thuần là bắt chước… Bản thân tôi đã cố gắng hướng sinh viên chú trọng hơn về ngữ dụng học nhưng vẫn ít hiệu quả. Nhiều khi cũng cảm thấy bất lực, không chỉ bởi sinh viên mà cả sự non kém trong nghiệp vụ của mình. Rất mong qua chương trình được nghe TS Lê Văn Canh chia sẻ, giúp tôi có thêm kinh nghiệm trong giảng dạy?
mai.dangxuan@...
Trong học tiếng Anh cũng như học bất cứ ngoại ngữ nào thì cái nền cơ bản là từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm còn việc học như thế nào, dạy như thế nào để có vốn từ vựng, kiến thức ngữ pháp và cách phát âm tốt lại là câu chuyện khác.
Đối với năng lực ngữ dụng thì đây là một trong những bình diện của năng lực giao tiếp người học cần có vì ngôn ngữ và văn hóa luôn gắn kết với nhau.
Để phát triển năng lực ngữ dụng cho người học thì giáo viên cần trước hết nâng cao nhận thức của người học về sự khác biệt trong cách dùng ngôn ngữ do cách dùng ngôn ngữ luôn bị chi phối bỏi yếu tố văn hóa.
Ví dụ: Khi gặp nhau người nói tiếng Anh chào nhau: How are you? hay How are you doing? Còn người Việt thì chào nhau thế nào? Giáo viên nêu câu hỏi cho học sinh trả lời qua đó các em so sánh sự khác biệt trong cách dùng ngôn ngữ từ đó phát triển năng lực ngữ dụng.
Ví dụ khác thế này: Khi một người nước ngoài nói với bạn : I’ll invite you out for lunch one day thì người nghe phải hiểu rằng đây không phải là lời hứa mà chỉ là một câu xã giao thông thường.
Nói tóm lại, khi dạy các cấu trúc ngữ pháp hay từ vựng, giáo viên nên chú ý đến cấu trúc ngữ pháp đó được dùng vào chức năng giao tiếp gì trong bối cảnh giao tiếp nào hay quan hệ giữa người nói và người nghe như thế nào: quen nhau, thân mật, đồng đẳng hay cấp trên, cấp dưới, v.v.
Bạn hãy luôn cho học sinh so sánh giữa cách nói trong tiếng Anh với cách nói trong tiếng Việt cho cùng một chức năng giao tiếp.
Tôi được biết, năm học 2015 - 2016 này, Nam Định lựa chọn 9 trường để xây dựng điển hình học tập ngoại ngữ, trong đó có 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 3 trường THPT. Xin ông Ngô Vỹ Nông cho biết, những trường này được chọn dựa trên cơ sở nào? Có tính đến tính vùng miền hay chỉ đơn thuần là chọn trường đủ điều kiện thực hiện?
quytk52@...
Sở GD&ĐT Nam Định chọn các trường điển hình là trường có đội ngũ cán bộ quản lý tích cực, năng động và tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn cao; ưu tiên trường đã đạt chuẩn quốc gia để có điều kiện về cơ sở vật chất khá tốt.
Việc lựa chọn trường điển hình của Nam Định cũng tính đến yếu tố vùng miền, theo đó có trường ở vùng thuận lợi và vùng không thuận lợi để có thể phát huy tác dụng lan tỏa đối với các trường xung quanh có điều kiện tương tự.
Hiện trong số các điển hình về ngoại ngữ của Nam Định có trường chất lượng cao, có trường chất lượng trung bình, có trường ở thành phố, trường ở nông thôn.
Trung bình một tuần giáo viên tiếng Anh trường tôi phải dạy khoảng 30 tiết, thời gian đảm nhiệm công việc chuyên môn cũng khá nhiều. Do đó, mỗi khi có đợt tập huấn, việc cử giáo viên tham gia quả thực không dễ dàng. Trong khi đó, sau mỗi đợt tập huấn về, tôi không thấy có biến chuyển gì nhiều trong cách dạy, cách học của giáo viên và học sinh. Không biết Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có cơ chế nào để động viên, khuyến khích giúp các thầy cô nhiệt tình tham gia bồi dưỡng và khi tham gia, nỗ lực đạt kết quả cao nhất hay không? Xin cảm ơn.
htmai@...
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong là trường chuyên của tỉnh, được tuyển chọn giáo viên. Mỗi giờ dạy chuyên được nhân hệ số 3, nên số tiết thực dạy của giáo viên ở trường là không nhiều.
Giáo viên của trường dành nhiều thời gian cho việc tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn.
Trường chúng tôi đang rất nỗ lực để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh nhưng có một khó khăn là học sinh không có nhiều môi trường để giao tiếp tiếng Anh. Các em chủ yếu chỉ được học ở trên lớp. Chúng tôi tìm hiểu và rất tâm đắc, tuy nhiên chưa có kinh nghiệm triển khai, với mô hình tổ chức các hoạt động cộng đồng nhằm thu hút du khách nước ngoài tham quan để tăng cường giao tiếp tiếng Anh cho học sinh. Không biết Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã từng triển khai hoạt động này? Nếu có mong được nhà trường chia sẻ kinh nghiệm?
Cao Thanh Hoa - Bỉm Sơn, Thanh Hóa
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến |
Để tăng cường giao tiếp tiếng Anh cho học sinh, nhà trường đã cho các em thành lập các CLB tiếng Anh, thường xuyên tổ chức các buổi dạ hội tiếng Anh.
Trường thường phối hợp với các tổ chức tình nguyện quốc tế, để đưa các tình nguyện viên về giảng dạy tại trường.
Đồng thời, trường cũng liên kết với Trung tâm đào tạo Ngoại ngữ E-Connect để tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh.
Ngoài ra, trường cũng tổ chức cho các em học sinh tham gia các buổi tư vấn du học do các Trung tâm ở Hà Nội phối hợp với các trường đại học của các nước tổ chức.
Tôi là phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực - Nam Định), cũng là trường được chọn xây dựng điển hình dạy học ngoại ngữ. Xin được hỏi ông Ngô Vỹ Nông, sau khi kết thúc bậc tiểu học, những học sinh như con tôi có được ưu tiên vào trường THCS cũng là đơn vị được chọn xây dựng điển hình dạy học ngoại ngữ hay không? Phụ huynh chúng tôi rất hy vọng con mình sẽ tiếp tục có một môi trường học ngoại ngữ tốt như các cháu đã có ở bậc tiểu học.
Nguyễn Văn Phúc, 35 tuổi, Nam Trực, Nam Định
Học sinh học ở trường điển hình ngoại ngữ sẽ có năng lực tốt hơn về ngoại ngữ. Vì vậy, sẽ có các cơ hội tốt hơn để lựa chọn các trường ở bậc học tiếp theo.
Tuy nhiên, các trường điển hình không phải là hệ thống liên thông giữa các cấp học và có thể không phù hợp về vị trí địa lý đối với học sinh, nên chúng tôi không đặt ra vấn đề học sinh đã học ở các trường điển hình ở cấp tiểu học sẽ học ở trường điển hình cấp THCS.
Hiện nay, như tôi tìm hiểu thì giáo trình tiếng Anh nào được chọn, được xuất bản cũng đều có thể giúp sinh viên luyện thi TOEIC đầu ra, hỗ trợ các kỹ năng cho sinh viên và phục vụ như giáo trình chính ngoài những tư liệu tham khảo thêm. Thế nhưng, sinh viên sẽ học theo cách nào, sẽ thi theo cách nào, được đánh giá theo cách nào và sử dụng tiếng Anh trong công việc của mình như thế nào, vẫn còn tùy thuộc vào việc thiết kế chương trình chung và chương trình riêng cho môn tiếng Anh của từng trường. Rất mong được nghe TS Lê Văn Canh chia sẻ về kinh nghiệm của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) về nội dung trên.
Nguyễn Tú Giáp - giảng viên, Thanh Xuân, Hà Nội
Điều đầu tiên tôi muốn nói là giáo trình dù có hay, có tốt mấy đi nữa thì cũng chỉ là công cụ. Cho đến nay không có một giáo trình dạy tiếng Anh hay luyện thi tiếng Anh phù hợp với mọi đối tượng người học.
Do vậy, bạn nói rất đúng là khi sử dụng giáo trình, giáo viên cần xem xét mục tiêu chương trình học và các yếu tố liên quan đến người học như trình độ tiếng Anh của họ so với yêu cầu cần đạt được đã ghi trong chương trình.
Thứ hai, một thách thức lớn đối với giáo viên tiếng Anh toàn cầu là họ không biết sau khi hoàn thành khóa học, người học sẽ sử dụng tiếng Anh vào những mục đích gì trong công việc.
Để giải quyết các mâu thuẫn này, giáo viên cần có hiểu biết kỹ về mục tiêu chương trình, về người học, thời gian dạy và học để quyết định việc sử dụng giáo trình nào. Sau khi đã chọn được giáo trình rồi thì vẫn cần điều chỉnh giáo trình kể cả việc sử dụng thêm các giáo trình bổ trợ. Nguyên tắc chung là: "Dạy học sinh chứ không phải dạy giáo trình."
Đồng thời người giáo viên cũng cần quan tâm đến xu thế chung về mục đích sử dụng tiếng Anh ngoài đời để đưa ra những quyết định về nội dung và kỹ năng gần với thực tế cuộc sống.
Các vị khách mời chụp ảnh cùng phóng viên, biên tập viên báo Giáo dục và Thời đại điện tử |
Trong chương trình giao lưu, chúng tôi đã nhận được hơn 350 câu hỏi của bạn đọc gửi về.
Do thời gian giao lưu có hạn nên nhiều thắc mắc của bạn đọc chưa được các khách mời giải đáp. giaoducthoidai.vn đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý bạn đọc đến các khách mời để sớm có giải đáp riêng, trao đổi trong những chương trình giao lưu trực tuyến tiếp theo.
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý bạn đọc!