Một số giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học môn Lịch sử ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
17/08/2020Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, điều đó cho thấy Lịch sử là một môn học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tư tưởng và tinh thần của mỗi người.
* Thay đổi từ nhận thức
Lịch sử là môn học có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối việc giáo dục thế hệ trẻ. Nó sẽ giúp học sinh hiểu biết về quá khứ, cội nguồn của dân tộc, giáo dục cho học sinh ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, ý thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước. Vì thế, môn Lịch sử trong trường phổ thông có vị trí riêng của nó và được nhà trường quan tâm đầu tư. Trong bối cảnh xã hội hiện nay chưa thực sự coi trọng các môn khoa học xã hội thì ngay từ ở nhà trường, chúng ta cần làm thay đổi quan niệm đó trong suy nghĩ của giáo viên và học sinh.
* Tăng cường bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Lịch sử
Hiện nay nhóm Lịch sử của trường gồm 8 giáo viên, phần lớn có trình độ thạc sĩ, nhiều giáo viên từng là học sinh của trường đã đạt giải HSG quốc gia, sau khi học xong lại quay về trường công tác hoặc là những giáo viên xuất sắc của các trường trong tỉnh được tăng cường về trường chuyên. Đội ngũ giáo viên nhìn chung đều tâm huyết, có sự học hỏi và kế thừa qua các thế hệ, khá nhạy bén và năng động trong việc tiếp cận với các phương pháp dạy học mới.
Hàng năm, nhà trường đều rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội ngũ đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên thông qua các hình thức:
- Cử đi học (ngắn hạn, dài hạn);
- Bồi dưỡng tại chỗ thông qua các công việc được giao, thông qua sinh hoạt chuyên môn;
- Tăng cường giao lưu với các trường trong và ngoài tỉnh, nhất là các trường chuyên để tạo điều kiện cho giáo viên giao lưu học hỏi
- Động viên giáo viên tự học, tự nghiên cứu: Hàng năm, mỗi giáo viên đăng kí các chuyên đề tự bồi dưỡng và trình bày trước tổ trong các giờ sinh hoạt. Sau khi được nhận xét, bổ sung hoàn thiện thì chuyên đề có có thể dùng để giảng dạy ở các lớp hoặc phục vụ công tác bồi dưỡng HSG, Đó là cách đào tạo đội ngũ tại chỗ rất hiệu quả.
- Cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn chuyên môn của Bộ và trở thành giáo viên cốt cán trong Hội đồng chuyên môn của Sở.
* Xây dựng khung chương trình và kế hoạch dạy học phù hợp với từng khối lớp
Thực hiện sự chỉ đạo của nhà trường, tổ bộ môn đã chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng của học sinh. Trong các giờ học lịch sử đã chú trọng lồng ghép Lịch sử địa phương qua các bài lịch sử dân tộc và giáo dục tư tưởng, đạo đức, bồi dưỡng nhân cách cho học sinh. Đối với môn sử ở lớp chuyên, các giáo viên trong tổ đã phân công xây dựng các chuyên đề nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của các kì thi học sinh giỏi các cấp.
* Đẩy mạnh phong trào đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Lịch sử
Trong nhiều năm qua, nhóm sử rất chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh với phương châm: Dạy kiến thức để hình thành phương pháp và rèn luyện tư duy, trên cơ sở đó, học sinh tự vận động để tiếp nhận kiến thức mới; Tạo động lực và áp lực vừa sức khích lệ học sinh và giáo viên say mê, nghiên cứu, sáng tạo và tìm được niềm vui, yêu thích môn, yêu công việc; Dạy cho học sinh phương pháp tự học, nâng cao hiệu quả tự học của học sinh.
Trong nhiều giờ học Lịch sử, chúng tôi đã ứng dụng Công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng, khai thác hiệu quả các tranh ảnh, đồ dùng trực quan sinh động, các phim tư liệu… làm cho giờ học sinh động, hấp dẫn, tự tương tác giữa thầy và trò tăng lên. Việc học tập lịch sử đã được gắn liền với các hoạt động ngoại khóa, các buổi trải nghiệm sáng tạo như thăm quan các khu di tích lịch sử, cho HS đi thực tế tại các bảo tàng lịch sử…
Về đổi mới kiểm tra đánh giá: được tiến hành đồng thời với đổi mới phương pháp dạy học, hướng tới đánh giá toàn diện học sinh, tạo điều kiện cho HS được tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Các hình thức kiểm tra cũng phong phú hơn, bắt kịp với xu thế đổi mới giáo dục hiện nay.
* Một số kinh nghiệm ôn thi THPT Quốc gia hiệu quả để chinh phục điểm cao môn Lịch sử
Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện “Đổi mới kì thi tốt nghiệp THPT, kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, khách quan và công bằng; kết hợp kiểm tra đánh giá trong quá trình giáo dục với kết quả thi”, do đó môn Lịch sử chính thức chuyển từ thi tự luận sang hình thức trắc nghiệm khách quan. Với tinh thần chủ động, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch đưa ra những giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo, nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới thi cử. Thực hiện chủ trương của Ban giám hiệu với trách nhiệm cao, tổ nhóm chuyên môn chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, đề ra những giải pháp, rút kinh nghiệm sau mỗi kì thi, năm thi và điều chỉnh kịp thời, đúng hướng. Do đó, chúng tôi đã đúc rút được những kinh nghiệm góp phần ổn định và nâng cao chất lượng bộ môn qua các năm thi.
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng cụ thể (học sinh thi tốt nghiệp, học sinh xét kết quả đại học). Kế hoạch nêu rõ kiến thức cần đạt, kiến thức nâng cao, kĩ năng, tài liệu tham khảo, kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm…
Thứ hai, hướng dẫn học sinh học tập bám sát sách giáo khoa là chìa khóa để chắc kiến thức. Bởi thi trắc nghiệm khác xa so với đề thi tự luận (kiến thức được bao trùm toàn bộ chương trình), tuyệt đối không dạy “tủ”, học “tủ”, không bỏ qua câu hỏi cuối bài, ôn tập nghiêm túc các bài tổng kết để khái quát kiến thức. Trên cơ sở nắm chắc kiến thức cơ bản, giáo viên hướng học sinh tìm hiểu, tham khảo các nguồn tư liệu khác, đặc biệt là cập nhật những kiến thức liên hệ thực tiễn để trả lời được các câu hỏi ở cấp độ cao.
Thứ ba, thiết kế các chủ đề học tập để ôn luyện sau khi đã hoàn thành kiến thức cơ bản. Các chuyên đề này giúp học sinh hệ thống kiến thức, sâu chuỗi được vấn đề và hiểu được mối liên hệ giữa các sự kiện với nhau. Nhờ đó, học sinh nắm chắc được bản chất của sự kiện. Ví dụ, lịch sử lớp 11 (từ giữa thế kỉ XIX đến năm 1918), gồm 3 chủ đề: Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1858 – 1884); phong trào yêu nước chống Pháp theo phạm trù phong kiến (1885 – 1896); phong trào yêu nước ở Việt Nam (từ đầu thế kỉ XX đến năm 1918).
Thứ tư, biên soạn hệ thống câu hỏi bài tập tự luận, trắc nghiệm theo bài, theo chủ đề với 4 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Sau mỗi bài, mỗi chủ đề giáo viên giao bài tập cho học sinh ôn luyện kiến thức và có chữa bài, giải đáp thắc mắc…
Thứ năm, rèn luyện cho học sinh những kĩ năng quan sát, nhận định, đánh giá, phân tích, so sánh, tổng hợp, hệ thống hóa sự kiện, hiện tượng lịch sử; rèn luyện phong cách tự học (tự học trên lớp – chọn lọc kiến thức để ghi chép, tự trả lời câu hỏi của giáo viên nêu ra…, tự học ở nhà…)
Thứ sáu, hướng dẫn học sinh phương pháp học tập bộ môn như: lập đề cương học tập thông qua “sơ đồ tư duy" dựa trên nguyên lý từ "cây" đến "cành" đến "nhánh", từ ý lớn sang ý bé; học một nhóm các sự kiện lịch sử có liên hệ với nhau…
Thứ bảy, dạy học có phân hóa: tìm và phát hiện những học sinh có triển vọng, giáo viên lên kế hoạch bổ trợ kiến thức thông qua bài tập mở rộng, tài liệu tham khảo nâng cao để bồi dưỡng, khích lệ các em phát huy hết nội lực chinh phục đỉnh cao tri thức.
Thứ tám, hướng dẫn học sinh kĩ năng làm bài thi, đây là khâu quan trọng góp phần làm lên thành công của bài thi: Đọc thật kĩ câu hỏi, tìm “từ khóa” trong các câu hỏi, dùng phương pháp loại trừ… để lựa chọn phương án trả lời đúng nhất. Đây là cách giúp các em giải quyết câu hỏi nhanh nhất và không bị lạc đề hay nhầm kiến thức.
Với kinh nghiệm luyện thi của đội ngũ giáo viên tâm huyết cùng với sự quyết tâm cố gắng của học sinh, nhiều năm nay chúng tôi đều đạt được kết quả đáng khích lệ thể hiện qua kết quả của các kì thi các cấp, trong đó có kì thi THPT Quốc gia và thi Học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi thiết nghĩ không hài lòng với những gì hiện có mà phải thường xuyên học tập, bồi dưỡng để nâng tầm chuyên môn đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại.
Dự giờ các giáo viên trong tổ chuyên môn
Học sinh sơ đồ hóa nội dung kiến thức Lịch sử
Học sinh sử dụng phần mềm powerpoint để thuyết trình nội dung bài học
Học sinh xem phim tư liệu về Lịch sử liên quan đến nội dung bài học
Tổ chức cho HS vẽ và trình bày với lược đồ
Sinh hoạt chuyên môn: Em Nguyễn Vũ Mỹ Duyên học sinh lớp 11 chuyên Sử trình bày về Dự án phát triển du lịch đền Trần dưới sự góp ý của các thầy cô trong tổ chuyên môn.
Hội thảo khối chuyên Sử năm học 2019 - 2020
Tin liên quan
- Đón đoàn công tác của Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai – len thăm và làm việc tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định
- Thầy Nguyễn Văn Huyên- Người “kiến tạo” những tấm Huy chương
- Gặp gỡ, chúc mừng đồng chí Bùi Thị Bích Phượng – Nguyên giáo viên môn Tiếng Anh nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
- Thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được vinh danh, trao thưởng
- Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt kết quả xuất sắc tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng tỉnh Nam Định năm 2024