Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường NAM ĐỊNH – ĐIỆN BIÊN CHẶNG ĐƯỜNG TÌM VỀ LỊCH SỬ

NAM ĐỊNH – ĐIỆN BIÊN CHẶNG ĐƯỜNG TÌM VỀ LỊCH SỬ

05/06/2015

Nhân dịp kỉ niệm 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã tổ chức chuyến tham quan học tập tại Sơn La, Điện Biên từ ngày 29/4 đến 2/5/2015.

Xe ô tô bắt đầu chuyển bánh lúc 6h sáng ngày 29/4 đưa chúng tôi đến với miền Tây Bắc. Lên tới cao nguyên Mộc Châu thì trời cũng đã gần trưa, những đồi chè xanh ngút ngàn trải dài vô tận dưới ánh nắng đầu hè như đang chào đón chúng tôi. Điểm dừng chân đầu tiên của cả đoàn là hang Dơi ở thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Sơn La, một hang động đá vôi rộng lớn với những khối thạch nhũ lấp lánh. Bầu không khí mát lành ở trong động đã xua đi cái nắng oi bức của mùa hè, tiếp thêm sức cho chúng tôi vượt qua chặng đường dài phía trước.

Sáng hôm sau chúng tôi ghé thăm nhà máy thủy điện Sơn La, đây là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á. Hiện ra trước mắt chúng tôi là con đập bê tông cao lừng lững ngăn nước sông Đà để sản xuất điện mang, ánh sáng về cho khắp các bản làng trên đất nước Việt Nam. Dòng sông Đà dữ dội trong những áng văn của Nguyễn Tuân nay đã chịu khuất phục dưới bàn tay lao động của con người.

 

 Dừng chân trên đập thủy điện

Tạm biệt với Sơn La, xe chúng tôi thẳng tiến về Điện Biên. Bắt đầu từ đây đường đi cứ lên cao dần cao dần, vùng núi Tây Bắc với biết bao núi cao vực sâu là đây. Bây giờ tôi mới thực sự hiểu được ý nghĩa của những vần thơ Quang Dũng từng viết:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Chiếc xe cứ lắc lư theo những con đường đèo quanh co khúc khuỷu, xe đang đi trên đèo Pha Đin, ranh giới tự nhiên giữa Sơn La và Điện Biên, cũng là con đường đã thấm biết bao mồ hôi xương máu của cha ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Trên con đường ấy, cách đây 61 năm, hàng nghìn đoàn người đã không tiếc thân mình vận chuyển hàng hóa, lương thực, súng đạn… làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hôm nay, chúng tôi được bước đi từng bước trên con đường năm xưa mà lòng không khỏi bồi hồi xúc động.

 

 Lên đỉnh đèo Pha Đin

Vượt qua được đèo Pha Đin, chúng tôi đến được mảnh đất Điện Biên một thời khói lửa. Trời Điện Biên xanh quá, những mái nhà sàn đơn sơ thoắt ẩn thoắt hiện trên những triền núi triền đồi, thấp thoáng trên những ruộng lúa, nương ngô là các cô các chị gái Thái đang hăng say làm việc, cuộc sống nơi đây thật thanh bình, yên ả. Vậy mà chính nơi đây đã từng ghi dấu ấn một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của lịch sử Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, pháo đài bất khả xâm phạm của giặc Pháp đã hoàn toàn sụp đổ dưới sức công phá của bộ đội ta, buộc giặc Pháp phải kí hiệp định Genève và rút quân về nước.

Chúng tôi ở Điện Biên một ngày, buổi sáng chúng tôi đi thăm Mường Phăng, vốn là căn cứ của bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Buổi chiều chúng tôi được tới bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bảo tàng được thiết kế theo hình chiếc mũ cối của bộ đội Điện Biên năm xưa. Toàn bộ diễn biến của chiến dịch, những chiến công của quân và dân ta được trưng bày, gìn giữ và tái hiện lại trong bảo tàng. Được tận mắt nhìn thấy những hiện vật của trận đánh, những chiếc xe thồ thô sơ, những hình ảnh chiến đấu của quân dân ta nhiều người trong chúng tôi đã không kìm được nước mắt.

 

 Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng

 

 Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Rời bảo tàng, chúng tôi tới nghĩa trang viếng mộ các liệt sĩ đã hi sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các anh đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này để chúng ta có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay. Xin được gửi tới các anh những bông hoa tươi thắm với lòng biết ơn chân thành nhất.

Chúng tôi tiếp tục đi lên đồi A1, một trong những cánh cửa thép bảo vệ cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của giặc Pháp, được Pháp xây dựng trở thành cứ điểm mạnh nhất của Điện Biên Phủ, chiếm được đồi A1 là chiếm được Điện Biên Phủ. Chẳng thế mà trận chiến đồi A1 là một trong những trận chiến ác liệt nhất của chiến dịch. Quân ta đã giành nhau từng tấc đất, từng nhành cây ngọn cỏ với kẻ thù. Sau hơn 36 ngày đêm giành giật, ta đã chiếm được đồi A1, tiêu diệt 828 lính Pháp nhưng bên phía quân ta, hơn 2500 chiến sĩ đã phải hi sinh. Và hôm nay đây chiếc hố của quả bộc phá nặng hơn 1000kg vẫn còn như một minh chứng cho trận chiến đấu gay go quyết liệt ấy.

 

 Đồi A1 – Đỉnh đồi chiến thắng

Một địa điểm không thể không đến thăm khi tới Điện Biên Phủ đó chính là hầm làm việc của tướng Đờ Cát, Tổng tư lệnh, chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của giặc Pháp. Xế chiều, mặc dù đã thấm mệt những chúng tôi vẫn quyết tâm leo lên tượng đài chiến sĩ Điện Biên. Tượng đài được xây dựng trên đỉnh đồi D1 ngày xưa để tưởng nhớ tới chiến công hiển hách của cha ông ta ở Điện Biên Phủ.

 

 Thăm hầm của tướng Đờ Cát

Nhắc tới Tây Bắc, nhắc tới Điện Biên không thể không nhắc tới những điệu múa sạp của đồng bào dân tộc Thái. Buổi tối hôm đó ở Điện Biên chúng tôi đã được tới bản Mển, một trong những bản người Thái để thưởng thức những món ăn truyền thống, được cùng các cô gái Thái múa sạp rất vui vẻ. Những người dân nơi đây rất thân thiện hiếu khách. Khi chương trình giao lưu văn nghệ kết thúc, chúng tôi cùng những người dân trong bản mặc dù không quen biết nhau nhưng không ai bảo ai cùng nắm tay kết thành vòng tròn và hát vang bài hát “nối vòng tay lớn”.

 

 Điệu múa sạp miền Tây Bắc

Sáng sớm hôm sau, đoàn chúng tôi phải lên đường trở về Nam Định nhưng lòng ai cũng bồi hồi, lưu luyến như chưa muốn rời xa nơi này. Những cái tên như Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, La Văn Cầu… hình như vẫn còn văng vẳng đâu đây. Mỗi chúng tôi ai cũng tự nhủ với lòng mình phải sống thật tốt, làm việc thật tốt để xứng đáng với những gì mà cha ông đã hi sinh cho chúng ta ngày hôm nay.