Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường Nghĩ về những ngày dạy online đáng nhớ!

Nghĩ về những ngày dạy online đáng nhớ!

16/05/2020

Những ngày ấy, cùng chung tay với xã hội đẩy lùi dịch Covid – 19, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai và hướng dẫn cho giáo viên thực hiện "dạy học trực tuyến" trong mùa dịch. Chúng tôi - những giáo viên ở tuyến sau, vẫn miệt mài soạn giảng, học hỏi thêm CNTT, cùng với nhà trường tổ chức dạy học online cho học sinh. Và bao suy tư, xúc cảm đã gọi về...

Không chỉ là một giáo viên trực tiếp dạy online, tôi còn đồng hành cùng con mình trong những giờ học online của cấp tiểu học và trung học cơ sở. Vì thế, tôi càng thấm thía về những điểm mạnh và hạn chế nhất định của hình thức dạy và học online này.
 
Ảnh 1: Các bài giảng Hóa học 12 của cô Nguyễn Thị Thái trên YouTube.

Thế mạnh trong dạy học online là thuận tiện về thời gian, địa điểm, nguồn tài nguyên. Kiểm tra cho kết quả nhanh, thống kê, phân loại chính xác và chi tiết. Nguồn tài nguyên cũng rất đa dạng và phong phú.
Điểm hạn chế đối với không ít giáo viên là công nghệ. Một số giáo viên chưa thích ứng kịp với những phần mềm mới nên gặp nhiều vất vả. Hệ thống mạng không ổn định, việc quản lý sự theo dõi bài của học sinh vì thế mà khó khăn. Ví dụ học sinh không bật camera nên không biết học sinh đang làm gì, có bật cũng khó ép học sinh theo dõi bài liên tục; có khi đăng nhập để đấy còn bản thân đi làm việc khác. Trong quá trình làm bài kiểm tra, học sinh vẫn có thể trao đổi hoặc lấy bài của nhau, thậm chí ngồi trước màn hình nhưng không nghe giáo viên giảng bài mà chat chit hoặc làm việc riêng khác.

Ảnh 2: Các bài giảng Hóa học 12 của cô Nguyễn Thị Thái trên YouTube.
Đường link: https://www.youtube.com/channel/UCfn5LOqYPWz0-1CItTlv60w/videos?view_as=subscriber

Để khắc phục hạn chế trong hình thức dạy học online này, thiết nghĩ: giáo viên phải đầu tư bài rất nhiều, soạn chu đáo, ngắn gọn, hấp dẫn. Tạo các trò chơi trực tuyến để kích thích hứng thú của học sinh. Không những thế, giáo viên dạy online muốn có kết quả tốt và gần với học sinh thì đầu tư thời gian, tâm sức hơn nữa.
Dạy online sẽ phát huy hiệu quả khi đối tượng dạy học là những học sinh chăm ngoan, ý thức tự giác cao, biết lựa chọn và tìm đến những bài giảng trên các trang mạng có chất lượng, biết tiếp cận đa chủ thể, đa thông tin thì học online phát huy được sự tích cực chủ động nhiều. Tài nguyên phong phú, nhiều trải nghiệm, và làm quen áp lực thi cử.
Ngược lại, với những học sinh chưa tự giác, năng lực còn hạn chế thì dạy học online ít tác dụng. Với đối tượng này, việc tăng cường tương tác với giáo viên là điều quan trọng nhất. Các phần mềm dạy trực tuyến mà giáo viên đang dùng đều bị hạn chế ở chỗ học sinh không bật cam, muốn biết học sinh theo dõi không đều phải là có bản quyền, tuy nhiên nhắc mà học sinh không quay lại giờ học thì giáo viên cũng không thể làm được.

Ảnh 3: Một số bài giảng Hóa học 12 điển hình của cô Nguyễn Thị Thái trên YouTube.
Đường link: https://www.youtube.com/channel/UCfn5LOqYPWz0-1CItTlv60w/videos?view_as=subscriber

Để việc học và dạy online tốt hơn thì :
    - Học sinh, giáo viên và phụ huynh phải cùng hợp tác (tự giác, ý thức, cùng muốn học...)
    - Có hệ thống mạng ổn định
    - Có hệ thống pháp lí đồng bộ, bảo mật tốt
    - Có hệ thống cơ sở hạ tầng, chương trình dạy online đảm bảo
    - Học sinh nghèo.... được hỗ trợ thiết bị!
Dù dịch bệnh đã hạn chế, học sinh đã trở lại trường và những lớp học truyền thống đã duy trì nhưng việc dạy và học online của giáo viên và học sinh vẫn đang được phát huy. Dù trong hoàn cảnh nào, giáo viên chúng tôi vẫn cố gắng vươn mình để mặt đất dù khô cằn sỏi đá vẫn nở ra những chùm hoa thật đẹp! “Cứ vươn mình bằng tất cả sức mạnh và ý chí, và dù có giông bão quật ngã thì cũng không hối tiếc vì ta đã nở cho đời, cho thanh xuân loài hoa rực rỡ nhất’’(trích trong lưu bút ngày xanh của em Vũ Minh Đức học sinh lớp 12 Toán 1-K98). Để sau này không phải nói 2 tiếng “giá như”...
                                                                                                          
                                                                                                            Nguyễn Thị Thái
                                                             Giáo viên môn Hóa học trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định