Vũ Đức Tài: Bố là khởi nguồn cho niềm đam mê Toán học
Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi, đã là điều đáng ngưỡng mộ.
Nhưng các em có điều kiện khá giả, biết vượt lên trên mọi cám dỗ, không dựa dẫm, để vươn lên
tự lực, học giỏi, chẳng phải cũng đáng trân trọng hay sao? Vũ Đức Tài, chàng lớp trưởng điển
trai của lớp 12 Toán 2 là một trong số ấy. Gia đình em là chủ một siêu thị đồ gỗ nội thất lớn tại
của TP Nam Định, trang bị cho em những điều kiện tốt nhất cho việc học. Ngay từ những tháng
ngày thơ bé, em luôn được đón nhận một tình yêu thương nồng ấm cùng với sự chăm sóc tận
tình, chu đáo từ cha mẹ. Bố của em là một doanh nhân, vì thế, lúc còn nhỏ, em đã sớm được tiếp
xúc với những con số và những phép tính. Phát hiện ra khả năng của em, bố luôn dành nhiều thời
gian để dạy dỗ, chỉ bảo ân cần, động viên để em phát huy được tài năng của mình. Bố thường
nói: “Toán học chính là cội nguồn của mọi ngành khoa học khác. Muốn học giỏi thì truớc hết
phải giỏi toán, muốn thành đạt trong cuộc sống thì cũng phải giỏi toán”. Và có lẽ Tài yêu Toán
bắt đầu từ đó. Vì thế, bố chính là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự lựa chọn của Tài. Suốt
quãng thời gian Tài tham gia đội tuyển học sinh giỏi, bố em luôn đồng hành cùng đội tuyển trong
mọi nhiệm vụ: cho xe đưa đón Tài và các bạn đi học ở Hà Nội, đón tiếp các thầy bất kể thời gian
nào. Để đảm bảo sức khỏe của em, bố em luôn tự mình đưa đón con đi học, đặc biệt trong thời
gian gần sát những ngày thi. Sự quan tâm đó đã tạo cho Tài niềm tin, sự yên tâm để có thể phát
huy năng lực cũng như “cháy” hết sự đam mê của mình; là động lực, là điểm tựa tinh thần vững
chắc để Tài đạt thành tích cao trong các kì thi. Tấm Huy chương đồng Olympic Toán quốc tế
2016 là món quà vô giá em dành tặng cho cha mẹ của mình.
Gia đình và các thầy cô, bạn bè đón Tài khi em vừa từ Hồng Kong trở về
Đinh Thị Hương Thảo: Mẹ là điểm tựa tinh thần để em luôn vững tin
Trái ngược với Tài, gia đình của Thảo mở 1 quán cơm nhỏ ở chợ. Cha mẹ em lúc nào
cũng luôn chân luôn tay, chịu khó đi đưa bún từ lúc 4 giờ sáng. Có lẽ sự chăm chỉ cần cù, tháo
vát nhanh nhẹn của cha mẹ đã xây dựng trong Thảo từ nhỏ đức tính siêng năng, chăm chỉ cần cù.
Do bố mẹ bận bịu cả ngày nên buổi trưa Thảo thường trông em phụ giúp bố mẹ. Thương con
phải đạp xe đi học xa, nên cả bố và mẹ đều cố gắng thay phiên nhau đưa Thảo đến trường, mặc
dù lúc em tan trường hay lúc em đi học là lúc cửa hàng của gia đình em bận rộn nhất. Mẹ của
em, tuy không được học tập nhiều, nhưng luôn luôn theo sát quá trình học tập của con. Từ ngày
Thảo đi học, các bài kiểm tra của em, từ nhận xét của thầy cô đến điểm số đều được mẹ xem và
nắm rõ. Sợ môi trường chợ búa xung quanh rình rập nhiều thói hư tật xấu hay những lời nói
không hay, mẹ của em luôn mẫu mực để các con noi theo. Chuyện trường lớp, Thảo đều tâm sự
với mẹ. Năm lớp 11 và 12, Thảo phải xa nhà lên Hà Nội trong khoảng thời gian khá lâu, nhưng
tối nào em cũng gọi về cho gia đình, và mẹ luôn là người bạn thân thiết để Thảo chia sẻ mọi vui
buồn. Từ điểm tựa tinh thần ấy, em luôn vững vàng trong cuộc sống, và 2 năm liền đoạt Huy
chương vàng Olympic Vật lí quốc tế là thành tích xuất sắc của cô bé hạt tiêu.
Đinh Thị Hương Thảo được nhận giải nữ sinh Châu Á đạt kết quả cao nhất
Cánh diều no gió dẫu bay cao mãi giữa bầu trời gió lộng cũng vẫn có sợi dây bám chắc
vào đất mẹ. Tài năng thiên bẩm, niềm đam mê mãnh liệt của Vũ Đức Tài, Đinh Thị Hương Thảo
hay Nguyễn Ngọc Nam (đội tuyển Vật lí quốc tế 2016), Nguyễn Thành Trung (đội tuyển Hóa
học quốc tế 2016) sẽ chẳng thể chắp cánh bay xa nếu như không có sự ủng hộ, quan tâm của gia
đình. Và công tác giáo dục trong nhà trường muốn thành công, không thể “trăm sự nhờ thầy”, mà
luôn cần đến sự chung tay, đồng hành, đồng thuận từ phụ huynh học sinh.
Hải Tú