Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường PHẢN ÁNH CỦA CÁC BÁO VỀ NGƯT CỦA TRƯỜNG LÊ HỒNG PHONG

PHẢN ÁNH CỦA CÁC BÁO VỀ NGƯT CỦA TRƯỜNG LÊ HỒNG PHONG

21/11/2010

(theo báo điện tử ĐCSVN)- “Phương pháp giảng dạy tốt phải được bắt đầu từ việc xây dựng mối quan hệ thân thiện, có trách nhiệm với học sinh. Giáo viên vào lớp, trước hết phải “thổi lửa” cho học sinh, phải làm cho học sinh kinh nể, yêu quý bản thân mình, yêu thích bộ môn của mình. Điều đó tạo cho các em động cơ học tập xuất phát từ bản thân của em, giảm đi áp lực của việc học”.

Đó là những lời tâm huyết của thầy Cao Xuân Hùng, Nhà giáo ưu tú, hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) chia sẻ tại buổi gặp mặt đại biểu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú được phong tặng năm 2010.

Thầy Cao Xuân Hùng vào ngành Giáo dục năm 1985. Thầy tâm sự: “Ngày đó, kinh tế đất nước đang trong thời kỳ vô cùng khó khăn. Nhiều trường học ở các vùng nông thôn rất hoang tàn, không tường báo, không cánh cổng, các phòng học dột nát, bàn ghế, bảng đen chắp vá, xộc xệch… Lúc đó, giáo viên phải xoay xở đủ nghề kiếm sống như, trồng lúa, trồng khoai, nấu rượu, nuôi lợn, đi buôn… Điều đó làm cho những giáo viên mới vào nghề cảm thấy ái ngại, thậm chí nhiều người đã phải chuyển sang công việc khác. Thế nhưng, tôi được gặp những giáo viên tâm huyết, hằng ngày say sưa bàn luận về chuyên môn. Rồi tôi được dạy những học sinh luôn khao khát học tập. Mắn đó đã giữ tôi gắn bó với nghề dạy học”.

Năm 1992, thầy Hùng được về công tác tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định. Bắt đầu từ đây, thầy đã lao động hết mình, dành trọn thời gian, tâm lực, trí lực cho học sinh giỏi, coi sự thành công của học sinh sau mỗi chặng đường là sự thành đạt của chính bản thân mình.

Trong những năm giảng dạy của đời mình, thầy Hùng đã trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng rất nhiều học sinh giỏi đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, nhiều học sinh giành huy chương trong các kỳ thi khu vực và quốc tế, Nhiều học sinh cũ của thầy giờ đây đã trở thành những chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực xã hội, đã có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Trên các cương vị là giáo viên, tổ trưởng tổ Toán – tin, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy Hùng đều có những ý tưởng sáng tạo trong đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức học tập và tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh. Ngay từ đầu năm 2000, thầy đã đề xuất việc đưa mạng Internet vào nhà trường, lăn lộn cùng nhiều đồng nghiệp tìm tòi, khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tài liệu trên mạng, sử dụng phần mềm dạy học, xây dựng thư viện điện tử, xây dựng website, diễn đàn, xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến…

Năm 2008, với sự tín nhiệm cao, thầy Cao Xuân Hùng đã được UBND tỉnh Nam Định và Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. Thầy chia sẻ: “Công việc của một trường phổ thông thật không đơn giản. Từ việc quản lý hành chính, tài chính, xây dựng cơ sở vật chất… đến thầy, trò là cả một hệ thống các lĩnh vực khá phức tạp và khó khăn. Song, điều trước tiên chúng tôi phải khơi dậy, quy tụ và phát huy phẩm chất, trí tuệ, tiềm năng, cái tôi của từng thành viên trong nhà trường để cùng hướng tới mục tiêu chung là nâng tầm vóc của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu mới”.

Kết thúc cuộc trò chuyện, thầy chỉ mong, mỗi nhà trường đều là “hạt nhân” của một vùng dân cư rộng lớn. Tương lai, số phận của hàng vạn con người phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của nhà trường đóng tại vùng đó. Nếu mỗi nhà trường, mỗi giáo viên xác định rõ vai trò, trách nhiệm, vị thế của mình để cố gắng hơn, tâm huyết hơn, tự nâng tầm của mình cao hơn thì chắc chắn nền giáo dục của chúng ta phát huy hết vai trò trong sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Với nỗ lực của bản thân, thầy Cao Xuân Hùng đã vinh dự được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp lãnh đạo, Bằng khen Lao động sáng tạo, Bằng khen của Bộ GD-ĐT, Liên đoàn Lao động các cấp, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, năm 2009 thầy đã được nhận Huân chương Lao động hạng III.

Xem nguyên bản tại đây

Việt Anh

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Truyền thống tôn sư, trọng đạo là kim chỉ nam (19/11/2010)

(Đại đoàn kết)

Sáng 18-11-2010, tại Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ kỷ niệm “Ngày Nhà giáo Việt Nam” nhằm ôn lại truyền thống tốt đẹp tôn sư trọng đạo của dân tộc; đẩy mạnh mục tiêu xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo, hoàn thành sứ mạng cao cả trong sự nghiệp trồng người.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận
trao các phần thưởng cao quý cho các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú
                                                                                     Ảnh:  CT
 
 
Đội ngũ nhà giáo đạt nhiều bước tiến vượt bậc
Buổi lễ còn là dịp vinh danh, gặp mặt 250 nhà giáo nhân dân (NGND), nhà giáo ưu tú (NGƯT), những cá nhân suất sắc đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục, được Nhà nước phong tặng lần thứ 11 năm 2010. Điểm lại những thành tựu nổi bật của ngành giáo dục trong suốt những năm qua, NGƯT, PGS, TS, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Trần Công Phong khẳng định, hệ thống đội ngũ giáo viên đã được kiện toàn, có bước tiến vượt bậc về chất và lượng. Đặc biệt, sự phát triển của những thành công ngành giáo dục còn phải kể đến sự cống hiến, hy sinh của những tấm gương sáng thầy cô đã có nhiều tâm huyết trong sự nghiệp trồng người.
 
Nhìn lại chặng đường phát triển đầy thăng trầm của nền giáo dục nước ta, nhiều thế hệ nhà giáo đã tiếp nối phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, đóng góp và công hiến không tiếc máu xương trong thời chiến, nêu cao gương sáng người thầy mẫu mực trong thời bình. Nhiều cuộc vận động, phong trào thiết thực của mỗi thời kỳ luôn gắn với những tấm gương sáng mẫu mực, tận tâm, yêu nghề, hết mình vì sự phát triển của đất nước. Tiêu biểu, sau Cách mạng tháng Tám có phong trào Bình dân học vụ để diệt giặc đói, giặc dốt; phong trào Dạy tốt-học tốt, Tự học - tự rèn, Giỏi việc trường-đảm việc nhà, Xây dựng trường học thân thiện-học sinh tích cực. Hoặc các cuộc vận động Kỷ cương-tình thương-trách nhiệm, Xã hội hoá giáo dục, Dân chủ hóa nhà trường, Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo... Tất cả đều tạo nên những luồng gió mới, không khí thi đua rộng khắp toàn ngành giáo dục, khích lệ những tấm gương cống hiến cho giáo dục, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến và sự nghiệp đổi mới. Sau Cách mạng tháng Tám, đội ngũ giáo viên từ chỗ chỉ có vài ngàn giáo viên tiểu học và trung học đã phát triển lên 40 vạn giáo viên phổ thông, 11.900 giáo viên THCN, 17.300 giảng viên ĐH (trong đó chỉ có 22 giáo sư, 105 phó giáo sư và 8,6% tiến sĩ ) vào năm 1982. Đến nay, lực lượng giáo viên trên cả nước đã phát triển lớn mạnh, hùng hậu, hướng tới chuẩn hoá bằng cấp, đạt trình độ kỹ năng chuyên môn, sư phạm cao. Năm 2010, hệ thống giáo dục quốc dân đã có 1.088.081 nhà giáo trực tiếp đứng lớp. Trong đó, bậc mầm non có 195.852 giáo viên, bậc phổ thông có 804.183 giáo viên, bậc TCCN có 17.488 giáo viên. Hệ thống giảng viên các trường ĐH-CĐ tăng nhanh tới 70.558 người, trong đó có 227 giáo sư, 1925 phó giáo sư, 7.104 tiến sĩ và 26.715 thạc sĩ.
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao bằng khen cho các NGND,
NGƯT đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục
                                                                                    Ảnh: CT
 
 
Ngành GD quan tâm hơn nữa đời sống giáo viên

 Từ năm 1998 đến nay, Đảng và Nhà nước đã có 11 lần phong tặng, ghi nhận và tuyên dương 488 Nhà giáo Nhân dân, 6.165 Nhà giáo Ưu tú ở tất cả các cấp học. Riêng đợt phong tặng năm 2010, đã có thêm 132 Nhà giáo Nhân dân và 1.062 Nhà giáo Ưu tú được Nhà nước vinh danh.

 
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận gửi lời chúc đến hơn 1 triệu thầy cô trên cả nước nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, biểu dương những NGND, NGƯT đã được Nhà nước phong tặng năm 2010. Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành giáo dục nước nhà luôn ghi nhận, biểu dương những tấm gương sáng các thầy cô trên tất cả mọi miền Tổ quốc đã có nhiều tâm huyết, đóng góp cho sự nghiệp trồng người suốt những năm qua. Đội ngũ giáo viên, giảng viên đã luôn phát huy tốt vai trò, sứ mạng của Đảng, Nhà nước đã giao phó; xứng đáng là những người thầy tận tâm, mẫu mực, đam mê nghề trong công việc, tận tình dìu dắt và ươm những mầm xanh tương lai cho đất nước. Trong những năm gần đây, phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động đã phát triển sâu rộng trong toàn ngành với tinh thần khí thế mới. Cơ sở vật chất trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, thiết bị phục vụ giảng dạy, phòng thí nghiệm, thư viện, khuôn viên trường lớp đã liên tục được đầu tư theo hướng kiên cố hiện đại. Chất lượng giáo dục vì thế ngày càng được nâng cao, phần nào đáp ứng và theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội.
 
Theo ông Luận, để chất lượng giáo dục ngày một nâng cao, đội ngũ giáo viên ngày càng kiện toàn, chuẩn hoá, xuất hiện nhiều gương sáng thầy cô mẫu mực trong giảng dạy, đội ngũ nhà giáo cần thực hiện tốt 4 nội dung mà Ban Thường vụ Công đoàn ngành GDVN đã đề ra. Mỗi thầy cô hãy là một tấm gương đạo đức trong học tập và giảng dạy, góp phần giữ vững truyền thống tôn sư, trọng đạo luôn là kim chỉ nam cho mục tiêu phát triển, đổi mới của hệ thống giáo dục quốc dân. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều giải pháp chăm lo hơn nữa đời sống giáo viên, đặc biệt là hoàn thành hệ thống nhà công vụ, kiên cố hoá trường lớp học, triển khai nhiều chế độ ưu đãi đối với giáo viên vùng khó khăn.
 
Hoàng Anh Thắng
 
 
NGND, PGS.TS Trần Hữu Luyến,  trường ĐH Ngoại Ngữ-ĐHQGHN:
Sau bao năm lăn lộn chèo chống con thuyền giáo dục, tôi vẫn thấy những đóng góp của tôi cho sự nghiệp giáo dục là quá bé nhỏ. Nếu cho tôi một cuộc đời nữa, tôi vẫn xin được làm thầy giáo, để cố gắng có thêm đóng góp dù là ít ỏi cho ngành giáo dục, cho xã hội. Lòng yêu nghề, yêu người chính là động lực quan trọng nhất để người thầy tận tâm với công việc, có được những giờ dạy là “đời sống của trí tuệ”. Phần thưởng lớn nhất của nhà giáo là có nhiều thế hệ học trò thành đạt, có ích cho xã hội, cho đất nước, luôn giữ đúng truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc. Phần thưởng chính đáng ấy là cái không thể xin, nó chỉ đến với lao động của con người chân chính.
 
NGƯT Cao Xuân Hùng, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định:
Sự phát triển của nền giáo dục nước nhà sẽ không thể thiếu việc xây dựng một môi trường lành mạnh, dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và xã hội về mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ. Đội ngũ giáo viên phải luôn được kiện toàn, có tinh thần trách nhiệm cao; có trình độ chuyên môn, năng lực tốt. Các phong trào thi đua phải được đẩy mạnh, nhưng không tạo áp lực, chạy theo thành tích. Phương pháp dạy học phải luôn được đổi mới, không chỉ chú trọng việc học mà bỏ qua yếu tố dạy học sinh về nhân cách, kỹ năng sống. Giáo viên trước hết phải biết “thổi lửa” cho học sinh, thắt chặt tình thầy trò bằng sự tận tâm, nhiệt huyết, yêu nghề; có như thế mới luôn nêu cao được truyền thống tôn sư, trọng đạo, thầy mẫu mực, trò ham học.
 
NGƯT Lê Thị Lý, giáo viên trường tiểu học số 3 Nam Phước (Duy Xuyên - Quảng Nam)
Muốn trở thành một gáo viên giỏi, trước hết phải có cái tâm, cái đức, phải yêu nghề, mến trẻ. Đồng thời phải có lòng nhiệt huyết không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng chuyên môn để tránh tụt hậu, trì trệ. Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu đó là sự hỗ trợ chia sẻ của đồng nghiệp, của những người đi trước cùng sự thông cảm, chia bớt khó khăn của gia đình. Bản thân tôi, đứng trên bục giảng luôn là niềm vinh dự, vì thế tôi tự nhủ “Dù khó khăn thế nào đi nữa, tôi luôn phải đứng vững trên bục giảng vì niềm đam mê yêu nghề đã trở thành một phần máu thịt”.
HAT (ghi)