Thành công của học sinh là thành đạt của thầy
21/11/2010theo TPO- Thầy Cao Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng, thầy phải là người 'thổi lửa" cho học sinh và chính thầy luôn coi sự thành công của học sinh là sự thành đạt của mình. Nhà giáo Ưu tú Cao Xuân Hùng. (bài phỏng vấn tại buổi gặp mặt đại diện các NGND, NGUT tại Hà Nội)
Thầy Cao Xuân Hùng vào ngành giáo dục khi đất nước còn rất khó khăn, giáo viên phải xoay đủ nghề kiếm sống. Những lúc nản lòng, thấy được sự khát khao học tập của học sinh, thầy lại dành trọn tâm, trí lực cho việc dạy. Thầy Hùng vừa được nhà nước phong tặng danh hiện Nhà giáo Ưu tú (năm 2010).
Giáo viên là người “thổi lửa”
Là nhà giáo với hơn 20 năm công tác, thầy đánh giá như thế nào về đời sống của những người “lái đò” thời @?
Nhà giáo Ưu tú Cao Xuân Hùng: Trên báo chí, người ta chỉ nhìn một góc, vào lực lượng giáo viên có điều kiện sống nào đó, nhìn vào một số bộ môn có thể dạy thêm, thu nhập thêm. Có bài báo viết không thực tế lắm về “thu nhập khủng của giáo viên”.
Nếu nhìn toàn diện, đời sống của giáo viên còn vô cùng khó khăn. Giáo viên mới ra trường lương gần hai triệu cộng cả phụ cấp. Những người công tác lâu năm hơn, lương 3 - 3,5 triệu đồng một tháng. Với số tiền đó, họ phải đảm bảo cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học. Không phải ai cũng có điều kiện dạy thêm.
Theo thầy, đây là khó khăn khiến các bạn trẻ không dám dấn thân vào nghề giáo?
Tôi chưa có điều kiện để xem tại sao nghề này người ta không dấn thân. Đa số những người đang tập trung say mê về chuyên môn đều có sự hỗ trợ của gia đình.
Thực tế, làm bất kì nghề gì, ai cũng có nguyện vọng giỏi nghề đã. Giáo viên được hỗ trợ thông qua sinh hoạt đồng nghiệp, phân công chuyên môn... Giáo viên phải tự phấn đấu vươn lên.
Thầy từng nói về việc giáo viên vào lớp là phải “thổi lửa” cho học sinh?
Đấy là điều quan trọng nhất. Khi bước vào lớp, giáo viên phải gạt bỏ mọi ưu phiền đời thường, dù cuộc sống đời thường vướng mắc. Nhiều khó khăn về tư tưởng, tình cảm nhưng khi bước vào lớp, thầy giáo phải nhập hồn vào việc giảng dạy, làm cho học sinh khí thế.
Tôi có nói với giáo viên cần làm cho học sinh phải yêu chính mình đã, khi yêu mình, yêu bộ môn của mình thì sẽ học. Chúng ta phải tránh việc học sinh dị ứng với thầy cô, trông thấy thầy cô đã chán rồi thì làm sao mà học được.
Điều đầu tiên phải làm học sinh quý mình, có những học sinh nghịch, nhưng về kể với gia đình là “ cô giáo con bảo”, “cô giáo con nói thế này”. Khi “thích” rồi thì động cơ học xuất phát từ nội tâm, hiệu quả hơn rất nhiều.
Là một trong những giáo viên dạy học sinh giỏi quốc gia nhiều năm, thầy có thể chia sẻ những khó khăn gặp phải?
Những năm trước, khó khăn trong định hướng tài liệu cho học sinh. Đến bây giờ, khó khăn đó qua đi, tài liệu cho học sinh rất nhiều nhưng xuất hiện những cái mới. Khi tài liệu quá nhiều, việc xử lý tài liệu, lựa chọn, định hướng cho các em là một khó khăn.
Trong điều kiện mở cửa thế này, các em có rất nhiều con đường để lựa chọn. Ngoài việc tập trung sâu vào một môn, các em có con đường khác như học ngoại ngữ để du học. Con đường lựa chọn nhiều hơn, rộng hơn, việc tập trung các em vào đội tuyển học sinh giỏi cũng bị phân tán.
Nghĩa là việc chọn học sinh đi thi quốc gia khó hơn trước vì hiện nay các em có nhiều lựa chọn?
Khi các em có lựa chọn khác thì mình tôn trọng, không áp đặt. Mình đã dự đoán trước điều ấy thì làm công tác tư tưởng sớm hơn, khiến các em học chính bằng niềm đam mê, say mê, không tính toán, không vụ lợi. Khi đã say mê rồi thì sẽ thành công.
Nhiều người cho rằng, các trường chuyên chỉ đào tạo ra “gà nòi”, ý kiến của thầy thế nào?
Tôi không cho như vậy. Trường tôi, tỷ lệ tốt nghiệp 100%, tới 40% loại giỏi, 49% loại khá, điều ấy không thể nói các em chỉ giỏi một số môn mà cho thấy các em học đều, nhiều môn đạt được ở mức khá. Học tập trung sâu vào một số môn chứ không nói các em là “gà nòi”.
Dự án trường chuyên mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra có khó khăn với trường khi thực hiện không, thưa thầy?
Mình cố gắng theo lộ trình của Bộ thôi. Cái khó nhất là dạy học sinh của mình bằng tiếng Anh. Đối với các thầy 40, 50 tuổi thì khó khăn, còn đối với người trẻ thì không khó khăn lắm.
Trường có định dạy thí điểm môn nào không, thưa thầy?
Chúng tôi đang xây dựng lộ trình. Thực ra không nên định hình môn nào trước mà phải nhìn vào tiềm lực của môn ấy, bộ môn ấy. Mình có giáo viên nguyên là học sinh chuyên, học lớp cử nhân tài năng của sư phạm, vốn tiếng Anh tốt. Ngay đầu tiên, mình không dạy đồng loạt một lúc mà dạy một số bài, giờ trước. Có lộ trình thì sẽ làm được.
Hạt nhân là những người trẻ hay những thầy giàu kinh nghiệm?
Tôi không nghĩ sẽ bổ sung tiếng Anh cho những người ở tuổi cao mà tập trung vào thế hệ trẻ. Không thể nói dạy toàn bộ được mà có thể dạy được số giờ, một số bài. Lộ trình đó được xây dựng dần lên.
Thế bao giờ trường dạy thí điểm một giờ, một buổi bằng tiếng Anh?
Ngay
quá trình này, trong một giờ, phần nào mình có thể nói với học sinh
bằng tiếng Anh. Tôi không cầu toàn cả một giờ dạy bằng tiếng Anh.
Tôi không đặt ra cái gì đó xong phải có ngay. Quan điểm tôi thế. Nếu lúc nào mình cũng cầu toàn thì không làm được.
Được biết, thầy là một trong những người xây dựng ý tưởng về thư viện điện tử cho trường của mình?
Chúng tôi tự mò mẫm, tự xây dựng ý tưởng để đưa ra một mô hình thư viện điện tử của riêng nhà trường. Vì thư viện điện tử nó có những cái ứng dụng rộng rãi, năng động hơn so với hình thức khác. Chúng tôi tự xây dựng ý tưởng và học sinh cũ là người thực hiện ý tưởng của chúng tôi.
Mỗi giáo viên được cấp không gian trong thư viện để tự đưa giáo án, tài liệu, chia sẻ tài liệu điện tử của mình. Các em học sinh trong trường có thể vào tải tài liệu.
Thư viện điện tử gồm hai phần. Phần thư viện số, lưu trữ , giao lưu chia sẻ tài liệu, các bài giảng điện tử, các tư liệu, hình ảnh, thí nghiệm điện tử. Phần thứ hai là thư viện giấy, quản lý đầu sách trong thư viện giấy. Khi đưa ý tưởng đó tham dự cuộc thi đồ dùng dạy học tự làm, chúng tôi được Bộ GD&ĐT trao giải nhất.
Điều gì thôi thúc thầy quan tâm đến dự án thư viện điện tử?
Tôi làm không có ý đồ thành cái gì mà thực tế xuất phát từ nhu cầu nội tại. Nếu như cái đó phát triển lên, nó có thể dùng chung cho toàn ngành được vì nó chạy trên mạng.
Xin cảm ơn thầy!
Tin liên quan
- Đón đoàn công tác của Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai – len thăm và làm việc tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định
- Thầy Nguyễn Văn Huyên- Người “kiến tạo” những tấm Huy chương
- Gặp gỡ, chúc mừng đồng chí Bùi Thị Bích Phượng – Nguyên giáo viên môn Tiếng Anh nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
- Thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được vinh danh, trao thưởng
- Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt kết quả xuất sắc tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng tỉnh Nam Định năm 2024