THẦY VÀ TRÒ KHỐI CHUYÊN SINH KHÁM PHÁ VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG
19/11/2014Được sự nhất trí của BGH Nhà trường, theo kế hoạch định kì của tổ chuyên môn và học sinh khối chuyên, ngày 09/11/2014, thầy và trò khối chuyên Sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã tới vườn quốc gia Cúc Phương để tham quan học tập.
Mặc cho thời tiết mưa và lạnh, ngay từ sáng sớm, Thầy
Cô và các trò đã có mặt đông đủ, mang theo trang phục gọn gàng thuận tiện cho việc
leo núi. Đúng 6h30,
đoàn xe lăn bánh theo quốc lộ 10 thẳng tiến tới vườn rừng quốc gia Cúc Phương.
10h30, cả đoàn đã đến trung
tâm vườn rừng và bắt đầu cuộc hành trình đến với Cây chò ngàn năm. Với cung
đường chỉ khoảng 3 km đường đồi núi nhưng để đến đích là điều không thực sự dễ
dàng với tất cả mọi người. Có những đoạn đường gập ghềnh với những bậc dốc và hẹp,
lại có những đoạn đường bị cây mọc chắn ngang đường và nếu không tập trung, bạn
có thể bị vấp ngã. Ở những cung đường tương đối bằng phẳng, bạn sẽ được chiêm
ngưỡng một hệ động thực vật phong phú
đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Với cấu trúc phân tầng trong
không gian, ở tầng vượt tán có những cây gỗ rất lớn phát triển hệ rễ bạnh để
thích nghi với tầng đất mặt mỏng. Với địa hình dốc, có nhiều núi đá vôi nên rễ
của nhiều loài cây mọc chùm lên đá để bám và lấy chất dinh dưỡng. Ở tầng tán rừng
với mật độ che phủ dầy đặc, những tưởng không một tia sáng nào có thể lọt qua. Những
cây chuối trong rừng có thân thẳng tắp, cao vài ba mét như cố vươn lên lấy chút
ánh sáng cho quá trình quang hợp. Những cây thân leo ưa sáng dùng thân của mình
quấn quanh những cây gỗ lớn để vươn lên tầng trên đã tạo nên những kiệt tác tự
nhiên. Ở những tầng dưới cùng là những cây ưa bóng như cây dong rừng,… với bản
lá rộng, xanh đậm cho những bông hoa có sắc màu rực rỡ nhằm thu hút các loài động
vật đến thụ phấn.
Một bộ rễ cây mọc trên đá
Nấm “nở hoa” trong một gốc cây cổ thụ.
Một em học sinh lớp 10 chuyên Sinh đang chụp
ảnh bên cây thân leo.
Sau hơn một
giờ đồng hồ leo dốc, cuối cùng cả đoàn cũng đã đến nơi. Sừng sững trước mắt là
một cây Chò xanh cao tới 45 mét, đường kính 5 mét với tuổi đời lên tới hàng
ngàn năm. Cả đoàn dừng lại để nghỉ ngơi và cùng chụp ảnh lưu niệm bên gốc cây đại
thụ, rồi sau đó quay trở về địa điểm xuất phát.
Các Thầy Cô trong bộ môn Sinh học chụp ảnh
lưu niệm bên cây chò ngàn năm.
Đúng 13h30,
cả đoàn lên xe để đến thăm một số hang động còn lưu giữ những
dấu tích của người tiền sử, sống cách đây khoảng
7.500 năm đến 12.000 năm, đó là hang Đắng (động người xưa),
là di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử. Từ đường ô tô dừng đỗ, chỉ đi bộ
khoảng 300 mét là đến nhưng cũng phải leo dăm chục bậc đá dốc ngược mới tới được
cửa động. Có những đoạn gần như dốc đứng, mọi người bám vào
đá mà leo. Khi xuống thì phải đặt ngang bàn chân lên mỗi bậc và bước cẩn trọng
từng bước một.
Đoàn học sinh trong
hành trình khám phá Cúc Phương.
15h30, khi trời bắt đầu lất phất những hạt mưa, đoàn xe chuyển bánh đưa
thầy trò trở về Thành Nam. Hành trình khám phá thế giới thiên nhiên chỉ trong
một ngày nhưng đã để lại trong thầy và trò bao ấn tượng thật khó quên. Tạm biệt
Cúc Phương nhưng trong mỗi người vẫn còn vang vọng câu hát trong bài Nhớ về Cúc
Phương của nhạc sĩ Trần Chung:“Ơi
Cúc Phương ơi ! Chiều nay tôi đến thăm em bâng khuâng giữa Động Người xưa vui với
cây Chò ngàn năm. Ơi Cúc Phương ơi ! Mà nghe xao xuyến tên em ơi hương sắc rừng
Việt Nam cho đất nước một kỳ quan. Bên em một lần để rồi xa nhớ mãi tình rừng
xanh ngàn thu trầm dâng câu hát yêu thương về vui giữa đời”.
Trần Thị
Thanh Xuân
Tin liên quan
- Đón đoàn công tác của Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai – len thăm và làm việc tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định
- Thầy Nguyễn Văn Huyên- Người “kiến tạo” những tấm Huy chương
- Gặp gỡ, chúc mừng đồng chí Bùi Thị Bích Phượng – Nguyên giáo viên môn Tiếng Anh nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
- Thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được vinh danh, trao thưởng
- Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt kết quả xuất sắc tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng tỉnh Nam Định năm 2024