Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường THÔNG BÁO KẾT QUẢ PHONG TẶNG DANH HIỆU NGND-NGƯT LẦN THỨ 11 - NĂM 2010

THÔNG BÁO KẾT QUẢ PHONG TẶNG DANH HIỆU NGND-NGƯT LẦN THỨ 11 - NĂM 2010

21/11/2010

(BGD-ĐT)Ngày 9/11/2010 Chủ tịch nước đã ký quyết định số 1917/QĐ/CTN phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 132 nhà giáo và quyết định số 1916/QĐ/CTN phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 1062 nhà giáo đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp Giáo dục của đất nước. Trong đợt này, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chúng ta có 3 Nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà Giáo Ưu Tú.

Đó là các Nhà Giáo:
1. Trần Xuân Đáng - Giáo viên Toán;
2. Phạm Thị Minh Hạnh - Giáo viên Tiếng Anh, Tổ trưởng tổ Ngoại Ngữ;
3. Cao Xuân Hùng - Giáo viên Toán, Hiệu trưởng nhà trường.
Trong đợt này, toàn tỉnh Nam Định còn có 9 Nhà Giáo khác.
Đây là vinh dự lớn đối với các Nhà Giáo và trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chúng ta. Trong buổi lễ tuyên dương đại diện các Nhà giáo ưu tú tại Bộ GD-ĐT và tại Sở GD-ĐT, Thầy Cao Xuân Hùng đã thay mặt cho các NGƯU của tỉnh, của trường phát biểu cảm ơn sự quan tâm, động viên của các cấp lãnh đạo, của các hội đồng xét duyệt các cấp, của các bạn đồng nghiệp. sau đây là bài phát biểu của thầy Cao Xuân Hùng tại buổi lễ truyên dương tại Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định:
             Kính thưa các vị đại biểu            
             Hôm nay, chúng tôi thật vinh dự được đón nhận danh hiệu NGƯT. Chúng tôi hiểu, đây là danh hiệu cao quý của Nhà nước tặng thưởng cho đội ngũ Nhà giáo nói chung và đội ngũ Nhà giáo của tỉnh Nam Định nói riêng mà chúng tôi là những người may mắn được làm đại diện.

Trước hết, tôi xin phép thay mặt các NGƯT của tỉnh được phong tặng năm 2010 xin trân trọng gửi đến các đ/c lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở GD-ĐT và các thành viên của hội đồng xét tặng NGƯT các cấp lời kính chúc sức khỏe và lời cảm ơn chân thành nhất.

Được nhận danh hiệu NGƯT lần này, mỗi chúng tôi không khỏi xúc động, tự nhìn lại quá trình giảng dạy, công tác của bản thân; nhìn lại  những năm tháng lăn lộn, chia sẻ vui buồn cùng đồng nghiệp để vượt lên mọi khó khăn, dồn hết tâm lực, trí lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tôi nhớ lại những năm cuối thập kỷ 80, khi tôi mới vào nghề. Ngày đó, kinh tế đất nước đang trong giai đoạn khó khăn, nhiều trường học trong tỉnh xuống cấp nghiêm trọng: lớp học dột nát, không có cánh cửa; bàn ghế, bảng đen chắp nối, xộc xệch. Đời sống của hầu hết giáo viên vô cùng khó khăn, họ làm đủ nghề kiếm sống: Trồng lúa, nấu rượu, nuôi lợn, đi buôn… Nhiều người đã bỏ nghề chuyển sang công việc khác. Thực trạng đó không khỏi làm cho những giáo viên mới như tôi băn khoăn. Tuy vậy, tôi nhận thấy trong hoàn cảnh chồng chất những khó khăn đó, vẫn có nhiều trường trong tỉnh có chất lượng giảng dạy cao, tôi vẫn được gặp nhiều nhà giáo say sưa với chuyên môn, tận tụy tâm huyết với học sinh. Điều đó làm tôi cảm phục, ngưỡng mộ và quyết bám trụ với nghề dạy học.

Từ thực tế, tôi cũng dễ dàng nhận ra: Vùng dân cư nào có ngôi trường tốt, người dân ở vùng đó có đời sống khá giả hơn. Mặc dù nhà trường và môi trường có tác động thúc đẩy lẫn nhau song không thể phủ nhận vai trò của nhà trường trong sự phát triển của vùng dân cư nơi trường đóng. Trong cùng một nhà trường, học sinh nào được học thầy giỏi hơn thì có cơ hội đỗ đạt cao hơn so với những học sinh không có may mắn đó. Trong mỗi năm học, tương lai của hàng trăm học sinh phụ thuộc rất nhiều vào người thầy trực tiếp đứng lớp. Mỗi nhà trường đều là “hạt nhân” trong sự phát triển của một vùng dân cư rộng lớn. Tương lai, số phận của hàng vạn con người phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của nhà trường đóng tại vùng đó. Nếu mỗi nhà trường, mỗi giáo viên xác định rõ vai trò, trách nhiệm, vị thế của mình để cố gắng hơn, tâm huyết hơn, tự nâng tầm của mình cao hơn thì chắc chắn nền Giáo dục của chúng ta phát huy đúng vai trò trong sự nghiệp đổi mới.

Vậy, làm nghề dạy học thật khó: Người thầy cũng có thể là người có công song cũng có thể là kẻ có tội. Từ nhận thức đó, tôi tự xác định nếu đã theo nghề dạy học thì không thể thiếu trách nhiệm, không thể trở thành kẻ “có tội”; phải đầy ắp tính NGƯỜI trong con người mình. Đó là một trong những động lực thúc đẩy tôi phải phấn đấu để dạy giỏi.

Khi làm quả lý nhà trường, tôi càng lo toan, trăn trở hơn. Tư tưởng, quan điểm của bản thân mình sẽ làm ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến đông đảo đồng nghiệp và học sinh hơn. Tôi càng phải thận trọng hơn, học hỏi nhiều hơn.

Tôi mạnh dạn chia sẻ tâm tư cá nhân, bởi tôi chắc chắn nhiều Nhà giáo tâm huyết đồng cảm và có cùng suy tư, trăn trở. Chính sự chân thành, cởi mở, không che dấu khiếm khuyết, luôn mong muốn được học hỏi của bản thân tôi mà trong suốt thời gian trực tiếp giảng dạy, rồi làm quản lý nhà trường tôi luôn được sự cộng tác, sự hỗ trợ của đồng nghiệp, sự động viên và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp quản lý.

Hôm nay, được nhận danh hiệu cao quý do Chủ tịch nước trao tặng, chúng tôi vừa tự hào, vừa tự nhận cho mình trách nhiệm cao cả. Bởi, mỗi NGƯT không chỉ là nhà giáo của một đơn vị nhỏ mà còn có trách nhiệm tạo sự lan tỏa và tầm ảnh hưởng tốt trên phạm vi rộng, là tấm gương mẫu mực hơn cho cho học sinh, cho đồng nghiệp, đặc biệt là với thế hệ Nhà giáo trẻ.

Danh hiệu chúng tôi được nhận chắc chắn không phải của riêng mỗi người, đó là sự ghi nhận và động viên chung cho cả một tập thể nơi chúng tôi công tác và của toàn ngành. Trong đội ngũ Nhà giáo của chúng ta, còn rất nhiều người xứng đáng được phong tặng danh hiệu NGƯT, song vì nhiều lí do, họ chưa có cơ hội để được khẳng định.

Tôi xin thay mặt các NGƯT được phong tăng lần này xin hứa với các đ/c lãnh đạo Tỉnh, các đ/c lãnh đạo Ngành GD-ĐT và toàn thể quý vị đại biểu, chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để ngày càng xứng đáng với danh hiệu cao quý mà chúng tôi mang theo.

Một lần nữa, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các cấp lãnh đạo, các quý vị đại biểu, các bạn đồng nghiệp và các em học sinh yêu quý. Chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm, động viên và hiểu được sự nhọc nhằn của đội ngũ Nhà giáo, tiếp tục ghi nhận công lao, vinh danh nhiều hơn những Nhà giáo tâm huyết để tiêu chuẩn đạt danh hiệu NGƯT vừa là mục tiêu, vừa là động lực giúp các nhà giáo, các nhà trường tự nâng mình lên ở tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn!