Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường Tiếp bước khúc quân hành

Tiếp bước khúc quân hành

21/12/2020

Ngày 22/12/1944 thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Cũng từ đó, ngày 22/12 trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại, cũng là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, tiếp mở những trang vàng chói lọi lịch sử dân tộc.

Tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự...".
Chính vì vậy, vào ngày 22/12/1944, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức thành lập với 3 tiểu đội gồm 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ vùng Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.

Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. (Nguồn Báo Quân đội nhân dân - https://www.qdnd.vn/)
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng và đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bác Hồ và Cố Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. (Nguồn Báo Quân đội nhân dân - https://www.qdnd.vn/)
Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã long trọng đọc 10 lời tuyên thệ. Việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quân kỳ của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chấp hành chỉ thị của Hồ Chủ tịch là: "phải đánh thắng trận đầu", vì vậy ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo hạ đồn Phay Khắt (24/12) và Nà Ngần (25/12/1944) trong hoàn cảnh "ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày hai trận".

Lực lượng tham gia đánh đồn Phay Khắt và Nà Ngần. (Nguồn Báo Quân đội nhân dân - https://www.qdnd.vn/)
Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Việt Nam giải phóng quân có vai trò rất quan trọng, là đơn vị chủ lực Việt Nam giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho tổng khởi nghĩa toàn quốc.
Lực lượng vũ trang đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chính trị, tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ sau 15 ngày đã đập tan ách đế quốc thực dân và chế độ phong kiến hàng ngàn năm.
Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945, quân đội Việt Nam mang tên Vệ quốc đoàn, đánh dấu thời kỳ hình thành của quân đội Việt Nam.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945
Và trong kháng chiến chống Pháp quân đội ta mang tên quen thuộc nhất cho đến ngày nay là Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, quân đội ta đã bước vào thời kỳ trưởng thành.

Giải phóng Điện Biên Phủ. (Nguồn Báo Quân đội nhân dân - https://www.qdnd.vn/)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như mọi bộ phận khác của nó với tên gọi lịch sử là Giải phóng quân miền Nam đã góp phần thành công trong cuông cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa Xuân 1975.

Xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập 30/4/1975. (Nguồn Báo Quân đội nhân dân - https://www.qdnd.vn/)
Trên cơ sở của một cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, quân đội ta từ một lực lượng nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ đã vươn lên thành một đội quân hùng hậu, chính quy hiện đại, gắn bó với nhân dân, tô đậm truyền thống vẻ vang mà Bác Hồ, người cha của các lực lượng võ trang Việt Nam, đã dạy: "... Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng..."
Trong chặng đường vinh quang của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngôi trường trăm tuổi Lê Hồng Phong, Nam Định đã có biết bao thế hệ học sinh đã “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ, công tác trong mọi lĩnh vực của Quân đội, tham gia mọi mặt trận. Trong số đó, có người đã hòa vào đất mẹ, để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, những hi sinh đó góp phần làm nên nền độc lập, tự do của Tổ quốc; với thời bình ngày nay là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ. (Các thông tin và hình ảnh chi tiết của nội dung trên có lưu tại phòng truyền thống của nhà trường)

Đại tướng Mai Chí Thọ

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên – Cục trưởng cục quân Y
Những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng luôn được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm với nhiều hình thức tổ chức đa dạng đã, đang và tiếp tục vun đắp lên những thế hệ học sinh mang trong mình lý tưởng, ước mơ, hoài bão góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.

Chuyên mục khối hướng về ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Học sinh Trường Lê Hồng Phong trong tuần học quân sự tập trung
 - Trần Công Hưng tổng hợp -