TIẾP TỤC ĐỔI MỚI THEO QUỸ ĐẠO KHOA HỌC
19/01/2010(GS-TS-VS Phạm Minh Hạc) Gần một thế kỷ qua những năm tháng lịch sử thăng trầm, Trường ta đã vượt qua biết bao gian nan, thử thách, bao công lao vất vả, nhọc nhằn dựng xây, các thế hệ thầy cô, cán bộ, nhân viên và học sinh cùng với lãnh đạo và nhân dân địa phương đầy lòng đầy tự hào về những đóng góp tạo dựng nên một điểm sáng nổi bật trong nền giáo dục nước nhà. Năm nay – năm 2010 - ở thời khắc lịch sử của Trường, bên cạnh tình cảm tự hào tốt đẹp trào dâng cùng với những vận hội cơ may thuận lợi chưa từng có, trí não chúng ta cũng nặng trĩu những suy tư về bước đường tiếp nối - kế thừa và phát huy truyền thống - để vượt qua vô số thách đố, giải quyết những mâu thuẫn của phát triển, thực hiện sứ mệnh cao cả của một Trường Chuyên trong thời đại mới.
Từ Đại hội VI Đảng cộng sản Việt nam nước nhà đi theo đường lối Đổi mới, mở ra thời đại mở cửa, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước theo kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) - một thời đại mới trên đường kiên định lý tưởng “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, đưa nước ta từ một nước kém phát triển đến năm nay đã đạt mức Nước có thu nhập trung bình (tiếng Anh viết tắt là MIC) – GDP/đầu người đạt 1200 USD, phấn đấu đến năm 2020 thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Hơn bao giờ hết, sứ mệnh của hệ thống giáo dục nói chung, của trường chuyên nói riêng gắn bó máu thịt với sự nghiệp trọng đại này của dân tộc. Vị thế và tầm vóc Trường chuyên Lê Hồng Phong được xác định chính trong quá trình này. Tất cả chúng ta, nhất là các thầy các cô và các em học sinh, các vị phụ huynh đều mong ước như vậy. Các bạn đang dấn bước trên đường vinh quang đầy gian khó.
Các bạn đều biết, cách mạng công nghiệp – công nghiệp hoá ở Tây Âu, Mỹ, Nhật hai, ba thế kỷ nay, và cả các nước công nghiệp mới ở Hàn quốc, Đài loan bốn, năm thập kỷ qua là kết quả vận dụng các phát minh khoa học - kỹ thuật thông qua phát triển mạnh giáo dục - đào tạo, ở Tây Âu là cả một thế kỷ Ánh sáng (thế kỷ XVIII), đưa suy nghĩ của con người lên trình độ tư duy duy lý có vốn hiểu biết về thiên nhiên, xã hội và con người cao hơn hẳn trước đó, sáng tạo ra các công cụ lao động, phương tiện giao thông, liên lạc ... và có kỹ năng sử dụng các máy móc và các phương tiện kỹ thuật khác, nói gọn lại, tạo nên một nguồn nhân lực chất lượng hoàn toàn mới với những người tài là đầu tầu. Loài người đã khẳng định vai trò của nhân tài đối với tiến bộ xã hội từ lâu, nhưng đến thời Văn minh công nghiệp được đề cao rõ rệt và chú ý đặc biệt. Theo đó, tâm lý học nghiên cứu năng lực, tài năng được hình thành từ nửa sau thế kỷ XIX, mở đầu bằng hai tác phẩm “Thiên tài di truyền” (1869) và “Thừa kế tự nhiên” (1889) của F. Gantông (1822-1891, người Anh). Sau đó, năm 1905 đánh dấu một mốc lớn ứng dụng vào phát hiện và bồi dưỡng tài năng là năm hai nhà bác học Pháp Binê – Simông sáng tạo ra bộ công cụ đầu tiên đo chỉ số thông minh. Thuật ngữ “chỉ số trí tuệ” (tiếng Anh viết tắt là IQ) xuất hiện từ năm 1916 ở Đại học Stanford (Mỹ).
Từ nửa sau thế kỷ XX khi các nước đã phát triển bước vào thời kỳ “hậu công nghiệp” - “hậu hiện đại” với cách mạng thông tin (truyền thông) và công nghệ mới, nhất là chuẩn bị vào thế kỷ mới và chính trong những năm này, cuộc cạnh tranh về “vốn người”, nhất là người tài, nguồn nhân lực, cả lao động giá rẻ lẫn nhân lực trình độ cao, đã và đang nổi lên gay gắt. Ở mình thì, như một vị chủ tịch tỉnh đã nói:”Tỉnh ta người làm gì cũng thiếu, chỉ có người làm thơ...là thừa” (Nguyễn Thế Thịnh. Thu hút nhân tài. Báo Thanh niên ngày 5.1.2010). Nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng, giáo dục các học sinh giỏi, học sinh tài ba, học sinh năng khiếu (tiếng Anh: gifted, talented). Việt nam có trường chuyên, học sinh các trường này gọi là “học sinh chuyên”. Năm 1977 Hội đồng thế giới học sinh năng khiếu được thành lập. Có nước, như nước Anh, thành lập Hội toàn quốc học sinh năng khiếu. 37 bang ở Mỹ có tổ chức giáo dục học sinh chuyên, bang Louisiana lập Liên đoàn giáo dục tài năng. Nhiều nước thành lập viện giáo dục (cả nghiên cứu và giảng dạy) học sinh năng khiếu, tổ chức các dự án, chương trình, trung tâm, trường mùa hè dạy chuyên từng môn (âm nhạc, thể thao, ngoại ngữ, toán, khoa học...) theo chế độ tự chọn, chương trình phân hoá và học ngoài giờ học ở các trường bình thường. Một số trường đại học có lớp chuyên (có nơi nhận từ mẫu giáo), chương trình dạy chuyên mẫu giáo và phổ thông qua mạng (tiếng Anh: elearning), ví dụ, chương trình này của ĐH Stanford (Mỹ) thu hút đến 50.000 học sinh. Ít nghe nói “Trường chuyên” như ở ta. Hình như có trường La France (Pháp) là Trường chuyên từ tiểu học đến hết phổ thông; và trường Mahidol Wittayanusom Pattaya (Thái lan)...
Các tổ chức giáo dục học sinh năng khiếu ở các nước, qua tìm hiểu sơ bộ, phần nhiều theo tự nguyện nhập học và “đào thải tự nhiên” (không học được thì thôi); một số cơ sở có tuyển chọn chủ yếu theo trắc nghiệm chỉ số trí tuệ (IQ), vài thập kỷ gần đây thêm chỉ số “tình cảm trí tuệ” (EQ, coi trọng cảm xúc trí tuệ - EI), gần đây nữa có nơi đo cả chỉ số sáng tạo (CQ) - có nhận định tư duy thời nay có những đặc điểm mới, như hỗn độn, phức hợp, tốc độ thay đổi cực nhanh, cho nên đòi hỏi đặc biệt chú ý chỉ số sáng tạo – năng lực (kỹ năng) phát hiện và giải quyết vân đề; thêm nữa có chỉ số đam mê (PQ), có nơi vừa thi tự luận, vừa trắc nghiệm, lại có tham khảo kết quả học tập ở các lớp trước đó. Đấy là mặt chất lượng của người học. Còn về mặt số lượng, hầu hết các công trình tâm lý học và giáo dục học dựa trên kết quả trắc nghiệm chỉ số trí tuệ, lấy các em đạt trên 130 điểm, có khi lấy 140 điểm (100 điểm là mức phát triển trí tuệ trung bình), đều đi đến kết luận: số học sinh năng khiếu, học sinh tài ba chiếm 2% tổng số học sinh cùng lứa tuổi; một ít công trình nghiên cứu gần đây nâng số đó lên 5%. Còn số học sinh giỏi theo cách xếp hạng hằng năm ở các trường là 15-20% tổng số học sinh trong lớp (mạng Google, 2-3 tháng 1-2010). Ở Việt nam, theo số liệu điều tra học sinh từ 11 đến 18 tuổi của Chương trình khoa học – công nghệ nhà nước KX – 05, 1996-2001 (GS. Phạm Minh Hạc làm chủ nhiệm; PGS. Trần Kiều làm chủ nhiệm đề tài): chỉ số trí tuệ, 3.6% các em xếp vào loại cao (trên dưới 110 điểm), 0.2% - loại rất cao (trên 130 điểm); chỉ số tình cảm, 2.6% - loại cao, 0% - loại rất cao; chỉ số sáng tạo, 6.3% - cao, 0% - rất cao; các chỉ số phần nhiều đạt trung bình. Đúng là, các chỉ số đo đạc được chỉ là một lát cắt ở một thời điểm, với các mục (items) chưa hoàn toàn phù hợp đồng đều, lại chưa có số liệu so sánh với nước khác, nhưng cũng có thể tham khảo, phần nào nói lên nội dung và phương pháp giáo dục của chúng ta, hơn thế, có thể phần nào phản ảnh lối tư duy, tác phong sinh hoạt, cách làm ăn... của một xã hội còn chủ yếu là nông nghiệp (hay mới và đang thoát thai từ nông nghiệp), bao cấp, nghèo khổ. Nhà trường chúng ta, đặc biệt là các trường chuyên có sứ mệnh đi tiên phong trong giáo dục nên con người và nguồn nhân lực với đầu tầu là những người tài làm việc trong các lĩnh vực, nhất là quản lý – lãnh đạo, khoa học - kỹ thuật và doanh nghiệp. Trường chuyên chúng ta có trách nhiệm góp phần đặt nền móng đào tạo nên những con người và nguồn nhân lực có nhân cách khắc phục được các yếu kém do hoàn cảnh xã hội - lịch sử để lại, và có ý chí vươn lên, có năng lực tư duy, năng lực hành động đáp ứng yêu cầu của thời đại mới - điều kiện cốt yếu bảo đảm CNH, HĐH thành công, giữ gìn được đất nước, hội nhập và phát triển.
Việc tuyển chọn học sinh vào các trường, lớp chuyên ở ta cần trao đổi, rút kinh nghiệm, hình như phần nhiều qua kết quả học sinh làm bài thi, chỉ đánh giá được phần nào trình độ hiểu biết kiến thức của các em. Cần tổ chức việc này thực sự khoa học (ở ta hay nói thêm: cần khách quan - thực ra khoa học là khách quan; rồi lại nói thêm “công bằng”, khoa học bảo đảm công bằng), làm sao tuyển chọn ở đây đúng là phát hiện và đào tạo các tài năng trẻ: ưu tiên hàng đầu là khả năng và triển vọng tư duy (tinh thần nghi vấn, đầu óc phê phán...), sáng tạo (thông minh) theo lý thuyết “vùng phát triển gần” của Vưgốtski (1896-1934, Nga). Về số lượng chung cả nước, số học sinh chuyên là 49.904 trên tổng số học sinh THPT là 2.862.081, chiếm 1.74% (Bộ GD-ĐT, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các trường THPT chuyên giai đoạn 2007-2009...ngày 26-12-2009), các tỉnh, cả Nam định chúng ta có thể tham khảo kết quả nghiên cứu nước ngoài để hoạch định số lượng tuyển sinh, số trường trên từng địa bàn, có thể đặt vấn đề tổ chức trường trung học phổ thông chuyên ở quận, huyện.
45 năm (1965-2010) từ một lớp chuyên toán, sau đó được thêm một ít trường chuyên, vào thời kỳ đổi mới với tư tưởng chỉ đạo phát triển giáo dục “đại trà và mũi nhọn” nở rộ các trường chuyên, có lúc có nơi xuống cả tiểu học, trung học cơ sở, Hội nghị TƯ 2 khoá VIII (1996) chủ trương chỉ mở trường chuyên ở bậc PTTH (không kể nghệ thuật, thể thao), đến nay đã có 67 trường PTTH chuyên và 9 khối PTTH chuyên, đã đạt được những thành tựu hết sức tốt đẹp, trước hết hay được kể đến số huy chương trong các kỳ thi ôlanhpic trong nước và nước ngoài. Trong mối quan hệ hạn hẹp, nhưng một số anh chị em cũng nhất trí với tôi nhận xét: các học sinh trường chuyên trở thành toàn những người tốt và giỏi. Đấy là những thành tích đáng tự hào của các trường chuyên, trong đó có Lê Hồng Phong chúng ta. Rất tiếc, chưa có tổng kết xem cả đội ngũ này sau khi ra trường học gì, rồi vào đời làm gì, chưa đánh giá mục tiêu đào tạo, chương trình, tài liệu học tập, phương pháp giảng dạy – giáo dục, hình như chưa có một công trình nghiên cứu học sinh các trường này. Tôi rất đồng tình với lời khen các thầy cô dạy giỏi, tận tuỵ..., các em học sinh thì đã giỏi lại ngoan. Mặt khác lại phàn nàn tặng cho các em “danh hiệu” “gà nòi”, “gà công nghiệp”, kỹ năng giao tiếp kém; phân tích sâu hơn một chút, nhưng vẫn là kinh nghiệm chủ nghĩa, thì có ý phê phán: thông minh sách vở thôi, quá nặng về “dạy chữ” cốt để đi thi, chưa chú ý “dạy người”; theo quy định của Bộ, có dạy tri thức , kỹ năng, thái độ, thì mới làm được phần đầu, ít chú ý hình thành và phát triển nhân cách trong nhiều trường hợp sẽ là vốn liếng đi theo suốt cuộc đời. Tôi rất mong muốn hệ các trường chuyên có một đề tài nghiên cứu các học sinh và hoạt động dạy-học trong các trường này, tiếp tục đổi mới theo quỹ đạo khoa học, tạo thêm cơ sở để việc giáo dục các cháu ngày càng hiệu quả hơn, góp phần vào công việc trọng đại của đất nước - phát hiện, tuyển chọn, đào tạo nhân tài – ngày càng đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của xã hội mở cửa, hội nhập, phát triển.
Bây giờ có cả phong trào “giáo dục kỹ năng sống”, trong chương trình giáo dục phổ thông các nước đi vào kinh tế tri thức rất chú trọng dạy các môn khoa học xã hội nhân văn, dạy cả các môn, như tâm lý học, lôgíc học...để học sinh có tri thức hiểu về con người nói chung và hiểu thật đúng chính bản thân mình, có vậy mới phát huy tối đa sức mạnh tiềm tàng, cả thể lực, tâm lực và trí lực. Theo tinh thần đó, nhiều nước rất chú ý giáo dục giá trị (Phạm Minh Hạc. Giáo dục giá trị. Tạp chí Khoa học giáo dục, số 37, tháng 10 năm 2008 và một số bài đăng trong tạp chí Nghiên cứu con người) quảng bá tư tưởng “con người là giá trị gốc – giá trị tạo ra mọi giá trị”, “con người là thước đo của các giá trị”, mỗi người phải tạo lập cho mình giá trị bản thân, nhà trường cùng gia đình và xã hội hỗ trợ quá trình tạo lập ấy, tạo môi trường thuận lợi (có các chính sách tương thích, từ đào tạo đến tuyển dụng, sử dụng...) cho mọi người phát huy giá trị bản thân, trọng dụng người tài. Giá trị con người, nguồn nhân lực, nhân tài là nhân tố quyết định nhất trong nội lực của đất nước. Thực hiện tốt đường lối này, non sông Việt nam nhất định ngày càng tươi đẹp hơn, dân tộc ta xứng danh vinh quang cùng sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ đã gửi gắm vào các thế hệ học sinh chúng ta.
Nhân dịp này, tôi xin chúc Trường chuyên Lê Hồng Phong sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của mình.
Hà nội ngày 7-1-2010
** Giáo sư - Viện sĩ Phạm Minh Hạc, sinh ngày 26-10-1935 tại thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.Nguyên học sinh Chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền - Một trong những ngôi trường tiền thân của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định ngày nay.
** Học đại học Văn khoa Hà Nội (1954-1955), tốt nghiệp Đại học Tâm lý học (1962); Tiến sĩ Tâm lý học (1971), Tiến sĩ Khoa học Tâm lý học (1977) tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Mátxcơva; được phong Giáo sư (1984), phong Viện sĩ Hàn lâm khoa học chính trị Nga (1999).
** Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, VII, VIII (1986-2001); Đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII (1981-1991); Ủy viên thư ký Ủy ban KHKT của Quốc hội khóa VII; Viện phó, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục (1980-1987); Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1985-1990); Thứ trưởng thứ nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo (1990-1996); Bí thư Đảng ủy khối khoa giáo trung ương (1991-2000); Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam 91989-1996); Phó chủ tịch Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình (1990-1996); Chủ tịch Ủy ban quốc gia chống mù chữ (1989-2001); Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Khoa giáo Trung ương (1996-2001); Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương (1996-2001), Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu giáo dục (1983-1987), Tạp chí Thông tin khoa học giáo dục (1983-1987), Báo Dân trí (1997-2001).
** Chuyên gia cao cấp Ban Khoa giáo Trung ương (từ 2003); Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (2001-2006); Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (1999-2006); Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Khoa học xã hội Việt Nam (từ 1999); Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ 2005).
** Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học Liên đoàn nghiên cứu giá trị thế giới (từ 2002); Ủy viên Hội đồng khoa học của Hội Nghiên cứu giá trị và triết học (một tổ chức quốc tế ở Oasinhtơn, từ 2003); Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương (từ 2001); Phó chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam (1990-1996); Ủy viên Ủy ban UNESCO Việt Nam (từ 1996); Ủy viên thường trực Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (1998-2005); Chủ tịch Hội Tâm lý - giáo dục Việt nam (từ 1990); Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam (từ 2003); Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu con người (từ tháng 5-2002 đến 2006); Giám đốc Dự án điều tra giá trị ở Việt Nam (2002-2006).
Tin liên quan
- Đón đoàn công tác của Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai – len thăm và làm việc tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định
- Thầy Nguyễn Văn Huyên- Người “kiến tạo” những tấm Huy chương
- Gặp gỡ, chúc mừng đồng chí Bùi Thị Bích Phượng – Nguyên giáo viên môn Tiếng Anh nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
- Thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được vinh danh, trao thưởng
- Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt kết quả xuất sắc tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng tỉnh Nam Định năm 2024