Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – Nỗ lực vượt lên chính mình

Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – Nỗ lực vượt lên chính mình

09/05/2020

Lớn lên từ truyền thống... Đối diện với thách thức... Nỗ lực vượt lên chính mình...

Vũ Thị Bích Ngọc – Tổ trưởng tổ Ngữ văn
Lớn lên từ truyền thống…
            Tổ Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định có lẽ là tổ chuyên môn đặc biệt bởi 16/19 thành viên với 3 thế hệ đều lớn lên và trưởng thành từ ngôi trường 100 năm tuổi này, trong đó đa số là cựu học sinh chuyên Văn. Chúng tôi tự hào được thừa hưởng truyền thống của một tổ chuyên môn với bề dày thành tích từng vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba; một tổ chuyên môn với lớp lớp những người thầy uyên bác, tài hoa, tâm huyết với nghề; đó cũng là những người thầy, người cô đã vun đắp, tiếp lửa để cho người dạy Văn hôm nay có một nền tảng tri thức và nhân cách, một niềm tin để chọn nghề, yêu nghề và sống chết với nghề.
Đối diện với thách thức…
            Lớn lên từ truyền thống là một vinh dự, là một cơ may nhưng cũng đặt ra cho chúng tôi sự trăn trở: làm thế nào để giữ vững truyền thống đáng tự hào của tổ chuyên môn song cũng không được ngủ quên dưới bóng những cây đại thụ? Thời đại mới với những cách đánh giá, nhìn nhận mới về các giá trị sống, với những thế hệ học trò khác xưa về tâm sinh lí và thị hiếu, với sự hiện đại từng ngày của giáo dục về chương trình, về phương pháp dạy học đã đặt ra cho những người dạy Văn hôm nay những thách thức không nhỏ.
Nỗ lực vượt lên chính mình…
            Trước những yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, nhất là việc áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học Ngữ văn, tổ đã có những cuộc thảo luận sôi nổi xoay quanh các vấn đề như: áp dụng công nghệ hiện đại như thế nào để không phá vỡ đặc trưng của môn học; để không dẫn đến tình trạng thay việc đọc - chép thành nhìn - chép; nghệ thuật chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh ra sao để phát huy tính tích cực của người học nhưng vẫn không mất đi cái hồn của người thầy mà nhiều khi chỉ qua một ánh mắt, một lời bình, một câu dẫn dắt cũng đủ sức ám ảnh học trò suốt một đời… Những buổi thảo luận, những giờ dạy thử nghiệm để rút kinh nghiệm, những buổi học phần mềm dạy học hiện đại do chính giáo viên trong tổ nghiên cứu và truyền đạt cho nhau theo kiểu “cầm tay chỉ việc” mỗi buổi một chút đã giúp những thầy cô đã có tuổi không còn ngại. Những phần mềm sơ đồ tư duy đã khiến những học sinh theo học các môn chuyên tự nhiên thấy học Văn không còn ngại; phần mềm ứng dụng thực tế ảo có sức khích thích sự khám phá và bồi dưỡng cho học sinh năng lực tự học; Forms thuận lợi cho việc giao bài, đánh giá kết quả và tập hợp ý kiến của người học…Đặc biệt, trong những ngày nghỉ học phòng chống dịch Covid - 19 vừa qua, giáo viên của tổ đã không quản ngại nghiên cứu một số phần mềm dạy học trực tuyến thuận lợi, có hiệu quả như: Zoom, Teams, Classroom, … để 100% giáo viên trong tổ có thể thực hiện đầy đủ thời khóa biểu dạy học online của nhà trường, để có thể tự tin dạy trên truyền hình, trên YouTube…
            Để đổi mới phương pháp dạy học và kích thích niềm say mê với môn học, tổ chuyên môn còn chú trọng đến việc tổ chức những hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Kế hoạch trải nghiệm được tổ xây dựng từ đầu năm học và được Ban giám hiệu nhà trường phê duyệt. Bên cạnh những hoạt động được duy trì nhiều năm như: thăm quê hương các nhà văn; Câu lạc bộ văn học dân gian; mời các nhà thơ, nhà văn nói chuyện; tổ chức cho học sinh xem chèo, năm học này tổ chuyên môn đã kết hợp cùng Đoàn trường, đẩy mạnh phong trào của Câu lạc bộ sáng tác với nhiều chương trình có ý nghĩa. Chương trình giới thiệu cuốn sách làm thay đổi đời tôi, hưởng ứng ngày sách Việt Nam đã góp phần nâng cao văn hóa đọc cho một lứa học trò thích nghe nhìn hơn đọc sách; Chương trình “Thơ lục bát với điệu hồn dân tộc” không chỉ giúp các em hiểu sâu hơn về một thể thơ dân tộc mà còn tạo cho các em có cơ hội phát huy năng lực ngâm thơ và sáng tác thơ lục bát; Chương trình “Kịch Việt Nam trong vòng tay nhân loại” là dịp để đông đảo học sinh có trải nghiệm làm đạo diễn, diễn viên, …khi các em  “sân khấu hóa” những trích đoạn kịch của Việt Nam và thế giới được học trong chương trình một cách sáng tạo. Những cuộc thi sáng tác về chủ đề “Thầy cô, mái trường” nhân dịp kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20 -11 và hướng tới lễ kỉ niệm 100 năm thành lập trường đã góp phần phát hiện những cây bút có năng lực sáng tác. Và còn nữa là những trải nghiệm về nghệ thuật thư pháp, làm tranh Đông Hồ,…Hoạt động trải nghiệm thực sự đã kéo gần khoảng cách giữa người dạy và người học, giữa người sáng tác và người đọc trong sự thấu hiểu và đồng điệu, là cơ hội học sinh được tự tin thể hiện mình, góp phần đánh thức những năng lực còn tiềm ẩn và để các em nhận ra giữa cuộc đời và những trang sách không còn là sự vời xa…
            Là một tổ chuyên môn trong một trường chuyên chúng tôi ý thức được một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Giữa bộn bề những khó khăn, bất cập không khỏi có lúc chúng tôi cảm giác như hụt hơi và cả sự bất lực nhưng chưa lúc nào thôi khát khao phá vỡ giới hạn của chính mình. Nhiều thầy giáo, cô giáo đứng ở lớp chuyên không ngừng tích lũy kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, nuôi dưỡng đam mê, sự tận tâm; tổ chuyên môn có lộ trình trong bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ và từng bước tìm cho mình một đường đi có hiệu quả; đồng nghiệp đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để quyết tâm giữ vững thành tích học sinh giỏi. Đặc biệt, năm học 2017- 2018, 2019- 2020, thầy giáo lãnh đội học sinh giỏi quốc gia Phạm Bá Quyết đã khiến niềm vui của tổ như vỡ òa với 02 giải Nhất quốc gia – quả ngọt mà chúng tôi khao khát hơn mười năm nay mới được hái về!
            Bên cạnh đó, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm của tổ cũng đạt được những thành tích đáng tự hào, góp một phần không nhỏ trong chiến lược tự bồi dưỡng của tổ chuyên môn. Hàng năm, 100% giáo viên trong tổ có sáng kiến kinh nghiệm được tổ chuyên môn thẩm định, đánh giá, xếp loại với những đề tài hữu ích, có tính ứng dụng cao trong quản lí, giảng dạy. 100% sáng kiến gửi dự thi cấp Tỉnh được Sở Giáo dục và Đào tạo xếp loại Khá, Tốt.  Liên tục các năm gần đây tổ có sáng kiến được Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận Sáng kiến cải tiến khoa học kĩ thuật, đó là đề tài về hoạt động trải nghiệm trong trường phổ thông của cô giáo Trần Hải Tú, đề tài về rèn tư duy phản biện qua bài nghị luận xã hội của các cô giáo Vũ Thanh Huyền, Đỗ Thị Hương Giang,…
            Ghi nhận những nỗ lực của tổ chuyên môn là biết bao lượt Bằng khen, Giấy khen, là rất nhiều danh hiệu thi đua của tập thể và cá nhân được Chủ tịch nước, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn lao động tỉnh, Công đoàn Giáo dục … trao tặng. Nhưng có lẽ phần thưởng mà những người thầy, người cô tổ Ngữ văn luôn tự hào đó là sự tin yêu của các thế hệ học sinh, là sự tin tưởng của nhân dân, là sự mến yêu của đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh.
            Nỗ lực để vượt lên chính mình, để có một cách tiếp cận mới một áng văn quen, để trong cuộc đời phức tạp và bộn bề lo toan này còn níu giữ một niềm tin về những giá trị của Chân - Thiện - Mĩ mãi là bất biến, để đưa những giá trị của những trang văn kết nối với trang đời, mỗi thầy giáo, cô giáo trong tổ Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nguyện mãi là người giữ lửa và truyền lửa…
Viết giữa những ngày dịch Covid 19, tháng 4 năm 2020                                  


 Các thầy giáo, cô giáo tổ Ngữ văn năm học 2019- 2020
 
Hoạt động trải nghiệm của học sinh: Liên hoan sân khấu kịch
 
Hoạt động trải nghiệm của học sinh: Trải nghiệm nghệ thuật thư pháp
  
Hoạt động trải nghiệm của học sinh: Thơ Lục bát trong điệu hồn dân tộc