Tham dự Tọa đàm có sự hiện diện của: bà Phan Thị Huệ, Ủy viên BCH Đoàn TNCSHCM tỉnh Nam Định, Phó Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học; bà Dương Thị Hường, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn TNCSHCM TP Nam Định; ông Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng Giáo dục TP Nam Định; Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng ban đại diện CMHS trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định; Thầy Trần Bá Giao, nguyên Phó hiệu trưởng nhà trường, nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Phong Phú, Đại diện Ban liên lạc CHS Lê Hồng Phong khu vực Nam Định; ông Nguyễn Thế Khanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, CHS khóa 1960-1963; đại diện Ban liên lạc của các khóa CHS Lê Hồng Phong; các đồng chí giáo viên, cán bộ nhân viên và 1625 học sinh đang học tập dưới mái trường.
Hướng sự quan tâm đặc biệt tới học sinh đương thời, Tọa đàm 3 giúp các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau nhận thức sâu sắc về những điểm tựa để từ đó tự tin hiện thực hóa khát vọng, nâng tầm ngôi trường vươn ra thế giới. Tọa đàm 3, điểm đến thăng hoa của sự kết nối từ sức mạnh phát triển của các thế hệ Cựu học sinh Lê Hồng Phong với học sinh đương thời, điểm hội tụ của tinh thần, hào khí Lê Hồng Phong. Vì thế, ngay khi chưa chính thức diễn ra, Tọa đàm 3 đã là niềm mong đợi khôn nguôi của học sinh Lê Hồng Phong hiện tại, và khi chính thức bắt đầu, cả sân trường Lê Hồng Phong như thăng hoa và bùng nổ trong những xúc cảm rưng rưng tự hào.
Ảnh sân trường trong đêm Gala Tọa đàm 3
Chương trình được hiện thực hóa với sự công phu và tâm huyết từ kịch bản đến nội dung, diễn giả, người bình luận, khách mời tương tác đều bởi các Cựu học sinh thành đạt đang hướng về mái trường. Dấu ấn tài hoa, sáng tạo của các cựu học sinh trong lĩnh vực truyền thông, công nghệ thông tin và giáo dục được thể hiện từ khâu xây dựng kịch bản, đạo diễn nội dung (Phạm Hồng Định, CHS chuyên Pháp, khóa 1995-1998) cho đến người phụ trách tổ chức sản xuất (Trần Bích Thủy, CHS khóa 1996-1999), người đảm nhiệm vị trí MC (Trần Hương Linh, CHS chuyên Nga khóa 1989-1992; Lê Hoàng Linh, CHS chuyên Anh khóa 2003-2006), khách mời bình luận (PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân, chuyên gia Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, CHS chuyên Văn, khóa 1979-1982, nguyên giáo viên tổ Ngữ văn). Đặc biệt có sự tham gia của các Cựu học sinh xuất sắc trong tư cách diễn giả đó là: Đỗ Mạnh Cầm, sinh viên năm thứ 5, khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Hà Nội, CHS chuyên Hóa, khóa 2013-2016; Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc công ty giải pháp công nghệ EZ Solution,CHS chuyên Toán, khóa 1995-1998; Lưu Minh Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí thành phố Vũng Tàu, CHS chuyên Văn, khóa 1980-1983. Cùng với sự trở về đầy nhiệt huyết và trí tuệ của của các khách mời tương tác: Kĩ sư Công nghệ thông tin Trần Việt Hải, Giám đốc BKAV Electronics, thành viên sáng lập Bluezone, CHS chuyên Tin, khóa 2001-2004; ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon, CHS chuyên Lý, khóa 1986-1989. Tọa đàm 3 thực sự là một món quà đặc biệt, một tri ân lớn của các thế hệ cựu học sinh dành tặng thầy cô và mái trường nhân dịp trường Lê Hồng Phong tròn trăm năm tuổi.
Diễn giả, khách mời và những người dẫn chương trình
Trong lời phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đã xúc động khẳng định: “Đây là một buổi tối đặc biệt, là ngày trở về của những học sinh Lê Hồng Phong ưu tú nhân dịp trường tròn 100 tuổi. Những câu chuyện khi còn học tập, khi dấn thân lập nghiệp, thành danh họ mang đến Tọa đàm sẽ kết nối chúng ta trong niềm kiêu hãnh vì mình là học sinh, giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Tọa đàm hôm nay sẽ là cầu nối các thế hệ giáo viên và học sinh Lê Hồng Phong cùng hướng về tri ân mái trường này, nơi mỗi người đã, đang và sẽ tìm thấy những điểm tựa vững chắc,những khát vọng cao đẹp, cũng là khởi đầu cho những dự định, kế hoạch học tập rèn luyện để phát triển toàn diện, tự tin hội nhập cho Lê Hồng Phong, hôm nay và mai sau, cho quê hương đất nước văn minh, thịnh vượng”.
TS Phạm Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc
Các diễn giả và khách mời đã mang đến những câu chuyện vừa riêng mà lại rất chung về hành trình xây đắp khát vọng trở thành học sinh Lê Hồng Phong, về những điểm tựa từ mái trường này đã đưa khát vọng bay cao, về khát khao trở về để tiếp tục đồng hành trở thành điểm tựa tiếp sức cho các thế hệ tiếp nối.
Diễn giả đầu tiên chia sẻ câu chuyện từ những điểm tựa để hiện thực hóa khát vọng, nâng tầm bản thân là Đỗ Mạnh Cầm. Ngay khi bước lên sân khấu, thật xúc động trong tâm thế người học trò trở về trường cũ, Đỗ Mạnh Cầm đã mở đầu câu chuyện bằng lời tự sự thành thực của một chàng trai đã bứt mình khói chiếc kén nhút nhát để khẳng định: Với khát vọng thể hiện bản thân, Lê Hồng Phong chính là điểm tựa cho sự tự tin trong tôi. Điểm tựa mà Đỗ Mạnh Cầm có được chính là sự phát hiện và niềm tin tưởng từ những người thầy người cô đã trao cho em động lực, để người học trò ấy tự tin xây đắp ước mơ và dũng cảm bứt phá để phát triển, làm nên những điều tưởng như không thể. Được kết nạp Đảng từ tuổi 18, với Đỗ Mạnh Cầm, đó là thành quả đẹp đẽ của một hành trình phấn đấu và cống hiến trong ba năm theo học ở trường Lê Hồng Phong. Câu chuyện của diễn giả đầu tiên đã truyền đến học sinh đương thời một niềm tin mãnh liệt: khi có khát vọng, có những điểm tựa, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra được cách để hiện thực hóa ước mơ.
Diễn giả Đỗ Mạnh Cầm, CHS chuyên Hóa khóa 2013-2016 chia sẻ tại Tọa đàm
Diễn giả được học sinh Lê Hồng Phong hiện tại đặc biệt mong chờ và dành nhiều câu hỏi trong phần tương tác là Nguyễn Anh Hoa, CHS chuyên Toán khóa 1995-1998, người sở hữu điểm tuyệt đối 40/40 kỳ thi HSG Quốc gia môn Toán. Được mệnh danh là “người leo núi bền bỉ”, Nguyễn Anh Hoa đã mang đến Tọa đàm câu chuyện cuả người sở hữu những vị trí số Một, của người luôn đặt ra những mục tiêu chinh phục đỉnh cao, đã làm thì phải làm Giám đốc. Nguyễn Anh Hóa đã kể về quá trình mình đã biến những áp lực của người đứng đầu- áp lực của sự thành công thành động lực để dấn thân với không chỉ trí thông minh-như mỗi học sinh Lê Hồng Phong sở hữu- mà còn nhờ vào các kỹ năng mềm khác như khả năng quản lý bản thân, làm việc nhóm, thấu hiểu, động viên, thuyết phục người khác. Câu chuyện của Nguyễn Anh Hoa giúp mỗi học sinh hôm nay hiểu hơn về những thách thức của cuộc sống thực tế, song hơn hết khích lệ các em theo đuổi đam mê, sẵn sàng dấn thân, bởi theo Nguyễn Anh Hoa, đích đến không quan trọng bằng hành trình, những gì thực sự trải qua mới là điều ta mong muốn, và những ngã rẽ, bước ngoặt cuộc đời tất yếu sẽ đến, sẽ thử thách trí tuệ, quyết tâm và đam mê của chúng ta. Đứng giữa không gian sân trường xưa lắng bao dấu ấn tình thầy nghĩa bạn, thấm thía về những điểm tựa mái trường đã cho mình bệ phóng thắp sáng ước mơ, Nguyễn Anh Hoa mong muốn mình trở thành một điểm tựa tiếp sức cho thế hệ học sinh hiện tại tự tin phát huy năng lực của mình. Không chỉ là những kinh nghiệm được chia sẻ khi tương tác với học sinh, mà một Dự án giúp đỡ các học sinh tiếp cận với học bổng du học mang tên “Dreambig” do anh phối hợp cùng CHS và nhà trường đã được khởi tạo vô cùng ý nghĩa và thiết thực đối với hành trình nâng tầm học sinh Lê Hồng Phong. Trường Lê Hồng Phong tự hào về những người con như Nguyễn Anh Hoa, học sinh Lê Hồng Phong hôm nay như được tiếp thêm đôi cánh để tiến gần hơn đến những tầm vóc mới.
Diễn giả Nguyễn Anh Hoa, CHS chuyên Toán khóa 1995-1998 tặng quà cho học sinh
Người đem đến câu chuyện đầy cảm hứng cuối cùng là Lưu Minh Phương, CHS chuyên Văn, khóa 1980-1983 . Hình như anh chính là hình ảnh mơ ước trong tương lai của các học sinh hôm nay. Vốn là CHS chuyên Văn nhưng lại đoạt huy chương Vàng Olympic tiếng Nga, học ngoại ngữ nhưng thích làm thơ, cuối cùng lại làm nghề kỹ sư đóng tàu và bây giờ là Tổng Giám đốc Người có thể tự tin học giỏi tất cả các môn học, người có thể làm tốt và rất tốt trong nhiều lĩnh vực, người vừa giỏi nghề vừa thạo đàn giỏi hát, vừa trí tuệ lại rất tâm hồn. Lưu Minh Phương bằng chính một nửa cuộc đời mình đã viết nên trang hoa, tô thắm khí chất của học sinh Lê Hồng Phong: học giỏi mà tài hoa nghệ sĩ. Bản nhạc Nga do anh viết lời, được anh dạo lên hòa trong tiếng hát mê đắm ấy làm bao trái tim Lê Hồng Phong xao xuyến, và không gian sân trường trở nên tràn đầy cảm xúc. Những ánh đèn Flas đồng loạt bật lên, cả bầu trời đêm lấp lánh những ánh sao. Ngỡ tưởng như ta đang đứng trong khung trời Lê Hồng Phong, mỗi cá nhân thuộc về nơi đây là mỗi vì sao đang không ngừng tỏa sáng, đang thăng hoa trong xúc cảm và khát vọng bay bổng.
Diễn giả Lưu Minh Phương, CHS chuyên văn, khóa 1980-1983 chia sẻ tại Tọa đàm
Trong cương vị là những khách mời tương tác và bình luận, mỗi cựu học sinh có những cách thức tri ân ngôi trường và góp vào một tiếng nói riêng để cây cầu nối của hôm nay từ đây sẽ dài hơn, bền bỉ hơn trong niềm kiêu hãnh về mái trường. Kĩ sư Công nghệ thông tin Trần Việt Hải, Giám đốc BKAV Electronics, CHS chuyên Tin, khóa 2001-2004 tiếp tục đem đến những chia sẻ hóm hỉnh mà trí tuệ, đồng thời mở ra những cơ hội và sự hứa hẹn cho học sinh trong những bước đi sau này. Diễn giả Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon, CHS chuyên Lý, khóa 1986-1989, không chỉ cho chúng ta những góc nhìn đặc biệt về cuộc sống mà còn thực sự là một điểm tựa cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu ý chí vươn lên học giỏi khi ông là một trong những thành viên khởi xướng và thành lập Quỹ phát triển tài năng Thành Nam sẽ ra mắt chính thức trong Lễ kỷ niệm trường 100 năm tuổi. PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân, chuyên gia Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, CHS chuyên Văn, khóa 1979-1982, nguyên giáo viên tổ Ngữ văn, đã có những lời bình thấm thía, sâu lắng và tràn đầy cảm xúc về những câu chuyện của các diễn giả. Cô Nguyễn Thị Hồng Vân đã khẳng định, tình nghĩa thầy trò sâu nặng từ những năm tháng học trò dưới mài trường thân thương chính là điểm tựa để mỗi học sinh hướng đến chân trời khát vọng của mình và đó cũng là lý do để họ hội tụ, trở về, sẵn sàng trở thành điểm tựa tiếp sức, mở hướng cho các thế hệ tiếp nối.
Khách mời tương tác: Kĩ sư Công nghệ thông tin Trần Việt Hải, Giám đốc BKAV Electronics, thành viên sáng lập Bluezone, CHS chuyên Tin, khóa 2001-2004 (người đầu tiên từ bên trái sang)
Khách mời tương tác: Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon, CHS chuyên Lý, khóa 1986-1989 tặng quà cho học sinh
MC 1: Lê Hoàng Linh, CHS chuyên Anh, khóa 2003-2006 (người bên phải ảnh)
Khách mời bình luận: PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân, chuyên gia Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, CHS chuyên Văn, khóa 1979-1982, nguyên giáo viên tổ Ngữ văn (người bên phải ảnh); MC 2: Trần Hương Linh, CHS chuyên Nga, khóa 1989-1992 (người bên trái ảnh)
Bằng những hành động thiết thực, các Cựu học sinh thành đạt đã cùng nhau trở về để chia sẻ với nhà trường và học sinh hiện tại những dự định starup, truyền cảm hứng cho các em trên con đường xây dựng lộ trình học tập, phát triển toàn diện để tự tin hội nhập. Không có khoảng cách thế hệ, chỉ một tiếng nói chung, một điểm tựa bền vững từ mái trường và những khát vọng đẹp từ học sinh hôm nay không ngừng được thắp lên từ chính khát vọng của các thế hệ học sinh đi trước.
Những học sinh Lê Hồng Phong hôm nay đã có một đêm Gala ấn tượng, không thể nào quên, một đêm thăng hoa trong cảm xúc kết nối, ngày hội của những tình cảm tri ân, và nơi thắp lên những khát vọng, những ước mơ nâng tầm bản thân, tạo dựng tầm vóc mới cho ngôi nhà chung Lê Hồng Phong
Chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả, khách mời
Tọa đàm số 3 đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ: Từ điểm tựa truyền thống, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sẽ tiếp tục vươn tầm, các thế hệ đi trước sẽ là điểm tựa, là người đồng hành mở hướng, chỉ đường cho thế hệ học sinh đương thời vươn lên hiện thực hoá những ước mơ của bản thân và khát vọng làm giàu cho quê hương đất nước. Thế kỷ mới của ngôi trường trăm tuổi đang hứa hẹn những triển vọng mới và một sức sống mới.
Vũ Thanh Huyền