Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin tức nhà trường

Trang chủ Tin tức nhà trường Tri ân thế hệ học trò Lê Hồng Phong

Tri ân thế hệ học trò Lê Hồng Phong

12/09/2020

Suốt quá trình 100 năm hình thành và phát triển, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã đào tạo lớp lớp thế hệ học trò trí tuệ, nghĩa tình, góp phần làm đẹp giàu cho đất nước. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, học sinh trường Lê Hồng Phong đã xung phong lên đường ra trận ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, với tinh thần trách nhiệm và sự cống hiến hết mình của tuổi trẻ.

Biết ơn lớp lớp học sinh Lê Hồng Phong đã xả thân vì đất nước, nhằm giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hôm nay, chiều ngày 05 tháng 9 năm 2020, TS. Phạm Thị Huệ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng cùng các thầy cô giáo đã đến thăm hỏi gia đình và thắp hương tưởng nhớ người cựu chiến binh là cựu học sinh Lê Hồng Phong - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Hải Hồ. Trong cuộc gặp gỡ, câu chuyện về người anh hùng dũng cảm năm xưa được bà Lân (thân nhân của anh hùng Phan Hải Hồ) kể lại trong niềm xúc động xen lẫn tự hào.
 

TS. Phạm Thị Huệ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường thăm hương tri ân anh hùng Phan Hải Hồ

 
Anh hùng Phan Hải Hồ là cựu học sinh khóa đầu tiên khi trường mang tên Lê Hồng Phong. Mùa hè năm 1962, thanh niên tỉnh Nam Định nô nức tòng quân tham gia chống Mỹ cứu nước. Phan Hải Hồ (lớp 9A -Trường cấp 3 Lê Hồng Phong) cũng xung phong lên đường. Anh là thành viên trên “Đoàn tàu không số” chở vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong một lần chiến đấu với kẻ thù, chân phải của ông bị dính đạn, mảnh đạn găm vào chân khiến xương chân dập nát, chỉ còn lớp da dính ngoài, máu chảy lênh láng. Ông đã khẩn thiết đề nghị đồng đội chặt đứt hẳn một phần chân bị thương dập nát của mình để tiếp tục chiến đấu suốt đêm phá vòng vây của tàu địch. Vì thế, ông được vinh dự được chuyển Đảng chính thức ngay trong thời khắc ác liệt sinh tử đó. Với chiến công vĩ đại ấy, Phan Hải Hồ đã trở thành tấm gương về lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu quên mình, anh được đồng đội trìu mến gọi bằng tên: anh “La Văn Cầu trên biển”. Câu chuyện về ông sẽ tiếp tục truyền cho thế hệ cháu con hôm nay tinh thần đấu tranh quả cảm của ông cha, khát vọng viết thêm những trang sử vàng của truyền thống yêu nước và hiếu học của học trò trường Lê Hồng Phong.
 

Bà Lân kể chuyện về chiến công của người anh hùng Phan Hải Hồ

 
Cùng với người anh hùng Phan Hải Hồ, những cựu học sinh Lê Hồng Phong tiếp tục góp tài lực của mình để bảo vệ non sông, như GS. TS.Sĩ quan cao cấp Trần Văn Lộc (K 1957-1960), Đại tá Nguyễn Nước (K 1960-1963), Đại tá, Kĩ sư Trần Ban (K 1962-1965), Đại tá Nguyễn Viết Quang (K 1972-1975)…  Chính các anh là những thế hệ tiên phong để góp phần kiến tạo giá trị truyền thống thiêng liêng của ngôi trường trăm tuổi.
 

Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của Phan Hải Hồ

 
Hướng về quá khứ để thêm trân trọng giá trị truyền thống, để vươn mình mạnh mẽ trong hiện tại. Hoạt động tri ân các cựu chiến binh, liệt sĩ là cựu học sinh Lê Hồng Phong có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhắc nhở thế hệ học sinh Lê Hồng Phong hôm nay về đạo lý uống nước nhớ nguồn, và khát vọng vươn lên hội nhập trong tương lai.

P/s: Chúng tôi xin được giới thiệu một bài viết về người Anh hùng lượng lực vũ trang nhân dân Phan Hải Hồ tới bạn đọc gần xa.
 

HẢI TRÌNH MÁU LỬA

Bút kí
Mùa hè năm 1962, thanh niên tỉnh Nam Định nô nức tòng quân tham gia chống Mỹ cứu nước. Phan Hải Hồ (lớp 9A -Trường cấp 3 Lê Hồng Phong) cũng xung phong lên đường. Sau thời gian huấn luyện, Hồ được  phân công  làm báo vụ viên máy vô tuyến điện của  tàu vận tải quân sự 69 thuộc  đoàn vận tải 125 - Bộ Tư lệnh Binh chủng hải quân nhân dân.

Một đêm đông mưa phùn lạnh giá, biển Đồ Sơn (Hải Phòng) cồn sóng mịt mù. Suốt bãi biển dài không một bóng người qua lại, chỉ có tàu vận tải quân sự 69 chở gần 50 tấn vũ khí chuẩn bị nhổ neo. Theo quy định của Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân những con tàu khi làm nhiệm vụ vận tải vũ khí trên biển không được mang số hiệu cũ và đều có một tên chung là tàu không số. Chuyến đi đầu tiên, con  tàu vòng ra hải phận quốc tế, sau đó rẽ dọc biển Đông và thẳng tiến về phương Nam. Nơi giao vũ khí cho sư đoàn 629 của quân khu 9 là bến Vàm Lũng (Cà Mau). Hoàn thành nhiệm vụ, tàu nhận lệnh quay ra Bắc để nhận nhiệm vụ mới. Hai hải trình tiếp theo tới Vàm Lũng,  anh và đồng đội đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đêm 31 tháng 12 năm 1966 rạng ngày 01 tháng 01 năm 1967, tàu của anh tiếp tục nhận nhiệm vụ. Gió bấc gào hú ù tai, con tàu chồm lên những đợt sóng ầm ầm dưới mạn tàu. Ra đến hải phận quốc tế, báo vụ viên Phan Hải Hồ nhận được điện khẩn của cấp trên báo có tàu địch đang đuổi theo. Anh vội báo cáo  với thuyền trưởng Nguyễn Phước và chính trị viên Tăng Văn Huyền. Lúc đó anh Đoàn Rỹ đứng trên đài quan sát thông báo có 4 tàu cao tốc của địch đang dàn đội hình bậc thang đuổi theo sau. Theo chiến thuật hải quân trên biển, khi  đoàn tàu đang chạy nối đuôi nhau theo hàng dọc mà đột nhiên dàn đội hình  là chuẩn bị tiến công, bao vây đối phương. Các chiến sỹ trên tàu nhận được lệnh chuẩn bị chiến đấu. Những hòm đạn DKZ75, hộp đạn 12 ly 7, hộp đạn B41, hộp đạn AK và các hộp lựu đạn đưa lên boong tàu, mở tung nắp. Cách tàu của ta khoảng 200m, chúng chia làm đôi, bao vây hai bên mạn tàu. Trên trời, máy bay địch lượn vòng, bắn pháo sáng. Cả vùng biển sáng rực như ban ngày. Hai bên  nhìn rõ nhau. Các khẩu súng đồng loạt  nhả đạn về phía  mạn tàu địch. Trên tàu địch pháo cỡ 120 ly, 20mm, 12 ly 7 với những luồng đạn đan chéo nhau sáng rực vây lấy tàu không số. Trên trời máy bay địch phóng rốc két xuống. Trên đài quan sát, anh Đoàn Rỹ bị trúng đạn,  hy sinh. Lần lượt 6 chiến sỹ  đều bị thương. Một loạt đạn địch bắn vào cabin tàu, Phan Hải Hồ bị trúng đạn. Cổ chân bên phải gãy rời. Anh xé áo, tự băng bó rồi bò trên boong tàu  nhưng cái cổ chân bị gãy vướng vào những vỏ đạn còn nóng bỏng ngổn ngang trên boong. Anh nghiến răng chịu đựng và nói với thuyền phó Nguyễn Hấn: "Anh Hấn ơi ! Giúp tôi chặt đứt cái chân này đi, vướng quá, khó chiến đấu". Hấn lắc đầu: “Em cố gắng chịu đựng, băng bó lại, lui xuống hầm, để bọn anh trên này chiến đấu với bọn chúng.” Anh quay người, lê từng bước xuống hầm tàu, lấy con dao rựa, nghiến răng chặt đoạn chân còn dính làn da.  Lần thứ nhất …Lần thứ hai cổ chân mới chịu rời ra. Anh bò lên boong, tiếp tục cầm súng chiến đấu. Nhìn Phan Hải Hồ, chính trị viên Huyền hô to: "Nhân danh Bí thư chi bộ của tàu, tôi tuyên bố từ giờ phút này Đảng viên dự bị Phan Hải Hồ trở thành Đảng viên chính thức". Thuyền phó Hấn nói như gào lên át tiếng súng nổ và tiếng máy tàu gầm rú trên biển: "Noi gương chiến đấu dũng cảm như Phan Hải Hồ, hãy bắn nữa đi và trả thù cho đồng chí Rỹ".

Cuộc chiến trên biển kéo dài tới quá trưa hôm sau. Trên boong tàu, địch quăng dây, chuẩn bị đu xuống tàu không số. Khẩu đội DKZ  bắn liên tục làm thủng mạn tàu địch. Sóng biển ùa vào những lỗ thủng bên mạn tàu khiến  bọn chúng chạy tán loạn, la hét om sòm. Địch tăng cường thêm nhiều tàu cao tốc hung hăng đuổi theo, bắn như đổ đạn và phóng tên lửa chặn các hướng rút của tàu. Cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức. Trước tình hình nguy cấp, thuyền trưởng Nguyễn Phước suy tính. Yêu cầu tất cả nhảy xuống biển,  còn mình sẽ ấn nút cho nổ mìn hy sinh cùng tàu. Nhưng như thế địch sẽ thả xuồng máy xuống biển,bắt sống hoặc tiêu diệt các chiến sỹ. Một điều nữa là lũ  cá mập ngửi thấy mùi máu sẽ lao tới. Không được. Buông tay ra khỏi nút điện mìn tự phá, anh vọt lên boong, ra lệnh cho anh em chuẩn bị lưỡi lê, lựu đạn đánh giáp lá cà nếu địch nhảy sang. Tàu có 16 cán bộ chiến sỹ thì 6 người bị thương, 1 hy sinh. Trong cabin,  trung sỹ lái tàu Hoàng Thanh Loan đeo AK lên cổ, chĩa nòng súng về phía địch. Trên mặt bàn máy, anh đã đặt sẵn dao găm, lựu đạn, băng đạn dự trữ. Nhiều lúc một tay anh lái tàu, một tay bóp cò AK bắn vào những tên lính đang đu trên dây từ tàu địch, định nhảy sang tàu của ta. Lợi dụng sóng triều dâng cao, Loan giật tay ga, cho tàu chồm lên đỉnh sóng rồi cắm mũi lao xuống vực sóng, tạo ra những cú giật đột ngột, làm lạc hướng các họng súng của địch. Với cách này, Loan đã lái tàu tránh được nhiều loạt đạn nguy hiểm. Cuối giờ chiều, thùng dầu phía đuôi tàu bị trúng đạn, bốc cháy.  Mọi người vội lấy quần áo, chăn, bịt các lỗ thủng dập lửa. Cuộc chiến kéo dài. Đến đêm, thùng khói hỏa mù ở đuôi tàu trúng đạn, phun ra một vùng lóa sáng trước ánh đèn pha của tàu địch. Bị mất hướng tiến công, các tàu địch bắn loạn xạ. Thuyền trưởng Phước chớp thời cơ thoát hiểm, nhảy vào cabin ra lệnh cho trung sỹ Loan đột ngột lái tàu quay lại phía cửa biển Bồ Đề trên vùng biển Cà Mau. Các tàu địch bật hết đèn pha đuổi theo  bắn như đổ đạn. Vào tới gần bờ, thuyền trưởng bắn pháo sáng ra hiệu cứu nguy. Chỉ vài phút sau, từ trên bờ, các loạt pháo của quân giải phóng bắn ra đánh chặn đường tiến của địch. Thuyền trưởng Nguyễn Phước cho tăng ga, lấy đà lao vào bãi lầy trong rừng đước Cà Mau. Lập tức  bộ đội giải phóng và tự vệ quân khu 9 ùa ra đưa mọi người về căn cứ.

Thuyền trưởng Phước rút sau cùng. Anh nhìn con tàu bị trúng hàng trăm nghìn lỗ đạn, trong lòng cồn lên nỗi xót xa thương tàu như thương người đồng đội của mình. Anh tâm sự với một cán bộ giải phóng: "Một tàu của chúng tôi đã chọi lại với gần 10 tàu tiến công cao tốc và hàng chục máy bay địch. Đằng nào chúng tôi cũng hy sinh, nhất định không chịu để chúng bắt sống. Mỗi khẩu súng, mỗi viên đạn từ ngoài Bắc chuyển vào đất thép này, phải trả giá bằng những trận hải chiến ác liệt mới có được".

Phan Hải Hồ được  đưa vào quân y trạm tiền phương. Trong điều kiện chiến khu nằm cận kề với các căn cứ quân sự của địch, trạm quân y không có đầy đủ thuốc men và phương tiện,  y sỹ  phải dùng cưa gỗ để  cưa ống chân phải của anh, ngăn chặn tình trạng hoại tử có nguy cơ phải tháo khớp trên đùi. Phan Hải Hồ nghiến răng trong  ba lần cưa, nén chịu cơn đau tối tăm mắt mũi. Tuy thế vết thương mới chỉ tạm ổn định. Năm 1976 cấp trên tìm mọi cách đưa Phan Hải Hồ trở về Bắc để điều trị. Anh được phong quân hàm vượt cấp từ Trung sỹ lên Trung uý và được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1986, Trung uý Phan Hải Hồ được trở về gia đình ở làng Địch Lễ, xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Một buổi chiều, sau cơn mưa, Phan Hải Hồ chống nạng dạo trên đường quê. Đang lúng túng tìm cách vượt qua quãng lội, chợt từ xa, cô gái Nguyễn Thị Lân - cán bộ trung cấp hóa chất công ty Vật tư tổng hợp Nam Định đi tới, giúp anh. Kể từ đó, hai người trở nên gắn bó và nên duyên vợ chồng. Cảm phục chiến công oanh liệt  của chồng, chị xin nghỉ mất sức để có thời gian chăm lo  gia đình. Chị nhận cấy 6 sào ruộng, trồng thêm rau màu, nuôi lợn gà. Thương vợ vất vả, Hồ  lắp một chân gỗ, theo trâu xuống đồng đi cầy bừa. Toàn cảnh đồng quê "Chồng cầy, vợ cấy con trâu đi bừa"  là nét đẹp chỉ có vợ chồng Phan Hải Hồ mới có. Anh  được hợp tác xã mời làm cán bộ ban kiểm soát và làm kế toán hợp tác xã. Đảng ủy và UBND xã Nam Vân cấp đất cho vợ chồng anh xây nhà. 

Một ngày đẹp trời đầu thế kỷ 21, Trung uý thương binh Phan Hải Hồ chống nạng vô Nam, tìm về đất mũi Cà Mau thăm lại chiến trường xưa. Thời gian đã qua  nửa thế kỷ rồi mà con tàu không số năm ấy vẫn hiên ngang nằm trên bãi sình lầy rừng đước quanh năm sóng gió tràn bờ. Toàn thân con tàu còn ghi chiến tích hàng nghìn vết đạn của tàu địch trong trận chiến đẫm máu trên biển. Nghe tin Phan Hải Hồ về, nhiều cựu chiến binh quân khu 9 và bà con tiếp đón anh. Ai ai cũng hồ hởi ôn lại chuyện ngày đón các chiến sĩ trên tàu từ biển vào. Một cô gái đất Mũi xưa được chăm sóc, bảo vệ thương binh bây giờ tóc đã bạc, nắm vào cây nạng của Phan Hải Hồ, ân cần trong dòng nước mắt nghẹn ngào: "Bây giờ vết thương của con còn đau lắm không?”

Những lời nói, những ánh mắt thân thương ấy như có sức mạnh vô hình dâng trào trong lòng anh chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam. Trong 50 năm qua, anh đã  sống và chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng và xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Nhà nước trao tặng: "Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước".
Lưu Tuấn Hùng