Trường phổ thông cấp III Lê Hồng Phong cho tôi vốn hành trang vào đời
05/01/2010"Chúng tôi là những thanh thiếu niên Miền Nam tập kết ra Bắc học tập, chúng tôi được về học tại trường cấp III Lê Hồng Phong, được người dân Nam Định đùm bọc, dạy dỗ. Chúng tôi được học tập ở đây, lớn khôn từ đây, sự nghiệp được khởi đầu từ đây, tình yêu cũng từ đây...". Đó là lời tâm sự trong buổi trở lại thăm trường của các cô, bác mái đầu đã bạc, nguyên là học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc học tập trong những năm tháng đất nước còn chìm trong khói lửa của cuộc chiến tranh xâm lược của Đế Quốc Mỹ . Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Trương Công Phú nguyên là học sinh của trường.
|
VS.TSKH Trương Công Phú Ủy viên Đoàn Chủ tịch, chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đầu tư – Phát triển Cựu học sinh của trường |
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (1954), nước ta tạm thời chia làm hai miền. Để đào tạo cán bộ cho miền Nam, theo quyết định của Đảng và Bác Hồ, hơn 30.000 thanh thiếu niên miền Nam tập kết ra miền Bắc học tập. Từ năm 1955-1975 nhiều trường hộ sinh miền Nam đã được xây dựng và đi vào hoạt động ở Hải Phòng, Đông Triều, Hà Đông, Hà Nam, … Ở Nam Định, gần 500 học sinh miền Nam chúng tôi được bố trí học chung với các bạn học sinh miền Bắc ở các trường Lê Chân, Nguyễn Khuyến, cấp III Liên khu III, cấp III Nam Định. Sau đó, trường cấp III Nam Định được tách ra thành lập hai trường cấp III mới là Lê Hồng Phong và Lý Tự Trọng. Tôi được học ở trường cấp III Lê Hồng Phong.
Ngoài nhiệm vụ học tập, tôi được chi bộ Đảng giao nhiệm vụ phụ trách Đoàn Thanh niên Lao động của trường. Qua các kỳ Đại hội Đoàn, tôi được bầu làm bí thư Đoàn thanh niên Lao động toàn trường từ năm 1958-1961. Thời đó, theo chủ trương chung, Hiệu Đoàn – một tổ chức của tất cả học sinh – tự giải thể. Từ đó, vai trò và trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Lao động trong trường càng quan trọng và nặng nề.
Phong trào “Dạy tốt, học tốt” do thầy Định, thay mặt Ban giám hiệu nhà trường phát động, đã được các thầy cô và học sinh chúng tôi thực hiện nhiệt tình, nghiêm túc. Với khẩu hiệu “Vì học sinh thân yêu”, ngoài giờ lên lớp chính khóa, các thầy cô còn tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu kém, nói chuyện ngoại khóa để mở rộng và làm sâu sắc thêm kiến thức môn học. Ở các lớp, bí thư Chi đoàn cùng với trường lớp (thường là phó bí thư Chi đoàn) theo dõi tình hình học tập của lớp, phát hiện kịp thời những học sinh yếu kém, báo cáo với giáo viên chủ nhiệm phân công học sinh giỏi (thường là cán sự môn học) giúp đỡ, kèm cặp để đuổi kịp và vượt trình độ chung. Nhờ đó, số học sinh khá giỏi của trường chiếm tỷ trọng cao và hầu như không có học sinh yếu kém phải học lưu ban.
Hồi đó, mỗi tuần chúng tôi học 6 ngày và nghỉ ngày chủ nhật. Mỗi ngày học một buổi (4 hoặc 5 tiết học), còn một buổi thì hoạt động ngoại khóa. Như vậy, thời gian học bài, làm bài tập và xem trước bài giảng ngày hôm sau chủ yếu vào buổi tối và ngày chủ nhật.
Chấp hành quyết định của chi bộ, được Ban giám hiệu cho phép và khuyến khích, Đoàn đã mời các thầy cô giáo, các nhà văn, nhà sử học, các nhà hoạt động chính trị và xã hội đến nói chuyện ngoại khóa cho thanh, thiếu niên trong trường. Nội dung các cuộc nói chuyện thường tập trung vào các vấn đề: lý tưởng và mục đích sống của thanh niên; 12 bài tu dưỡng của thanh niên; tình bạn, tình đồng chí và tình yêu; … Những vấn đề này được các diễn giả trình bày dưới đạng nghị luận chính trị, nghị luận văn học nên rất hấp dẫn đi vào lòng người. Các buối nói chuyện ngoại khóa đã góp phần giáo dục lòng yêu nước, trang bị cho thanh thiếu niên nhà trường những kiến thức ban đầu, nhưng rất cơ bản về nhân sinh quan cách mạng, về thới giới quan duy vật biện chứng, duy vật lịch sử.
Thực hiện phương châm: học tập gắn với lao động sản xuất, nhà trường tổ chức cho học sinh học nghề mộc, rèn, đúc, tiện, làm gạch ngói, tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, giúp nông dân làm mùa và thu hoạch nông sản, … Riêng đối với nữ sinh còn được học nữ công: may, thêu, đan len, chế biến thực phẩm, … Tham gia lao động sản xuất không chỉ nâng cao ý thức lao động mà còn bổ sung kiến thức cho học sinh chúng tôi. Câu nói nổi tiếng của Bác Phạm Văn Đồng khắc sâu trong tâm trí của chúng tôi: “Lao động là vinh quang, lao động là nghĩa vụ, lao động là cần thiết cho bản thân, có lợi cho dân, cho nước”.
Phong trào văn thể phát triển sâu rộng và trở thành phong trào quần chúng, thu hút được mọi người trong trường tham giá, kể cả các thầy cô giáo. Toàn trường có ban ca nhạc, ban múa, ban kịch làm nòng cốt, đầu tầu trong hoạt động văn nghệ. Các lớp cử người có năng khiếu văn nghệ làm nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn các hoạt động văn nghệ của lớp. Bên cạnh các hoạt động văn nghệ, trường cũng có các đội bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, điền kinh, bơi lội. Các lớp bầu người có tố chất phụ trách công tác thệ dục thể thao của lớp. Tất cả các hoạt động nói trên là nhằm chuẩn bị cho học sinh trở thành những người lao động trong tương lai “vừa hồng, vừa chuyên”, có kiến thức, có sức khỏe, có phẩm chất, đạo đức tốt, sống vị mọi người.
Kết quả học tập, rèn luyện ở trường cấp III Lê Hồng Phong là vốn hành trang vào đời của tôi. Chính nhờ hành trang này mà trong 50 năm qua đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ được giao, trở thành công dân hữu ích của đất nước. Tôi không bao giờ quên những ngày sống ở Nam Định; học tập, rèn luyện ở trường cấp III Lê Hồng Phong. Những năm sau kháng chiến chống thực dân Pháp, đời sống của nhân dân và học sinh Nam Định còn nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần nhường cơm, xẻ áo, nhân dân Nam Định đã bảo đảm cho chúng tôi – học sinh miền Nam – ăn no, mặc ấm. Mùa đông giá rét, nhân dân các khu phố dùng xe ba gác chở củi đến ký túc xá để chúng tôi đốt, sưởi ấm. Ngày Tết, ngày lễ đồng bào cho chúng tôi bánh chưng, giò chả, thịt lợn, thịt gà….
Tôi ghi lòng tạc dạ công ơn to lớn của cấp ủy và chính quyền tỉnh Nam Định, của đồng bào Nam Định đã nuôi dưỡng tôi thành người có ích cho xã hội.
Tôi vô cùng biết ơn các thầy Đào Văn Định, Hoàng Trung Tích, Lại Đức Khái, thầy Bồng, thầy Tấn, thầy Nhuyên, thầy Cung, thầy Mười, thầy Phứt, thầy Dực, thầy Văn, cô Hồng, cô Như và các thầy cô khác cùng các nhân viên của nhà trường. Tôi nhớ như in, hình ảnh các thầy cô, tối tối đến ký túc xá học sinh miền Nam hướng dẫn, giúp đỡ, động viên chúng tôi học tập, rèn luyện.
Các bạn học sinh miền Bắc luôn hợp tác, giúp đỡ, động viên chúng tôi trong học tập và sinh hoạt, thỉnh thoảng mời chúng tôi về nhà và được các cụ yêu quý, coi như con cháu.
Tôi vui mừng nhận thấy rằng, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định ngay nay không chỉ tiếp thu những kinh nghiệm, những thành quả mà ta thường gọi là truyền thống của College Nam Định, chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền – Cù Chính Lan, cấp III liên khu III và cấp III Lê Hồng Phong mà còn vận dụng những kinh nghiệm đó, phát huy những thành tựu đó một cách sáng tạo phù hợp với điều kiện kinh tế - xa hội và trình độ phát triển của khoa học, công nghệ từng thời kỳ. Nhờ đó các thế hệ thầy và trò của trường đã làm phong phú, sâu sắc và đa dạng thêm truyền thống của trường.
Tin liên quan
- Đón đoàn công tác của Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai – len thăm và làm việc tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định
- Thầy Nguyễn Văn Huyên- Người “kiến tạo” những tấm Huy chương
- Gặp gỡ, chúc mừng đồng chí Bùi Thị Bích Phượng – Nguyên giáo viên môn Tiếng Anh nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
- Thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được vinh danh, trao thưởng
- Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt kết quả xuất sắc tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng tỉnh Nam Định năm 2024