Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Văn hóa đọc

Trang chủ Văn hóa đọc Những nguồn sáng từ một cuốn sách

Những nguồn sáng từ một cuốn sách

02/05/2022

BBT: NGUT. Đỗ Thanh Dương - Nguyên Tổ trưởng tổ Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định là người thầy mẫu mực của bao thế hệ học trò, đặc biệt là những học trò chuyên Văn. Trong kí ức của PGS.TS Trần Văn Toàn, cựu học sinh trường cấp 3 Lê Hồng Phong, Nam Định khoá 1986 - 1989, đó là người thầy “nghiêm cẩn, mực thước”, luôn khao khát trao truyền những tri thức văn chương đến với học trò, để ươm mầm tài năng, để nuôi lớn nhân cách học trò. Có lẽ chính điều này đã đưa thầy đến gần hơn với phê bình nghiên cứu văn chương, đã xuất bản nhiều cuốn sách là tài liệu tham khảo quý cho đồng nghiệp và học trò như Trần Nhân Tông nhân cách văn hoá lỗi lạc (NXB Đại học quốc gia năm 2003); Thơ Trần Nhân Tông, thưởng thức, cảm thụ (NXB Hội Nhà văn 2006); Tri âm thơ (Hội VHNT Nam Định năm 1998),… Trong những ngày tháng 5 lịch sử này,  NGUT. Đỗ Thanh Dương đã ra mắt cuốn phê bình nghiên cứu thơ Hồ Chí Minh  NGUỒN SÁNG TỪ THƠ BÁC. Đây là món quà quý mà người thầy vĩ đại dành tặng đồng nghiệp và các thế hệ học trò, để những nguồn sáng thơ Bác luôn dẫn lối người yêu văn đến với chân trời thơ ca của Người, yêu Người và sống đẹp hơn.

BBT trân trọng giới thiệu những cảm nhận sâu sắc của PGS. TS Trần Văn Toàn nhân đọc cuốn sách Nguồn sáng từ thơ Bác.

 
 NHỮNG NGUỒN SÁNG TỪ MỘT CUỐN SÁCH
(Vài cảm nhận nhỏ nhân đọc công trình Nguồn sáng từ thơ Bác
của thầy giáo - nhà nghiên cứu Đỗ Thanh Dương)
PGS. TS Trần Văn Toàn
Phó trưởng khoa, Trưởng môn Văn học Việt Nam hiện đại,
Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội
 
Hồ Chí Minh là một phong cách nghệ thuật độc đáo, đa dạng. Ông dụng bút trên nhiều thể loại và ở thể loại nào cũng để lại những điển phạm. Không hiếm trong đó là những thể loại mới mẻ mà cuộc đời của một nhà cách mạng, một lãnh tụ đòi hỏi Hồ Chí Minh phải học tập, làm quen và sử dụng chúng đến độ điêu luyện. Tuy nhiên, từ nền tảng văn hoá của mình, thơ chữ Hán với Hồ Chí Minh có lẽ là một cố nhân. Với thơ chữ Hán, những tâm sự - cảm xúc của Hồ Chí Minh dường như được hiện ra một cách tự nhiên, gần gũi nhất. Không ngẫu nhiên khi ông đã đến với thơ chữ Hán khi viết Nhật ký trong tù. Ở một khía cạnh nào đó, những bài thơ chữ Hán ngoài Nhật ký trong tù cũng có thể xem là những dòng nhật ký ghi lại những sự kiện, những xúc cảm nảy sinh từ cuộc đời thường nhật của vị lãnh tụ, của người cha già dân tộc. Đó là tiếng nói ân tình với bằng hữu, với chiến sĩ, với các cháu thiếu nhi… Đó cũng là tiếng nói, là sự trò chuyện trong sự gắn bó sâu xa, thân thuộc với thiên nhiên hay hóm hỉnh với chính mình.

Nhưng với người đọc hiện đại, nhất là với học sinh trong nhà trường phổ thông thế giới thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh lại là một thế giới không dễ để bước vào. Trước tiên, đó là khoảng cách của văn tự. Với đa số người đọc hiện đại, chữ Hán là thứ văn tự được tiếp nhận trong tâm thế kính nhi viễn chi. Nhưng không chỉ có thế. Đây còn là chữ Hán trong văn bản thơ và vì thế  đòi hỏi phải được cắt nghĩa bằng mã nghệ thuật – một thứ mã với sự đan cài hết sức tinh tế giữa mã biểu đạt của Đường thi và mã tâm hồn của người cách mạng lão thành. Chưa hết, tính chất nhật ký khiến mỗi bài thơ của Hồ Chí Minh luôn gắn với một bối cảnh, một tình huống cụ thể mà thiếu một sự thông tỏ về nó thì thật khó để có thể tri âm được với tác giả. Tất cả những điều đó không chỉ đòi hỏi một sự am hiểu về những mã nghệ thuật của văn bản mà còn cần đến một công phu khảo cứu về bối cảnh, về những yếu tố ngoài văn bản. Và đây là lí do để người đọc luôn cần đến những cuốn sách như Nguồn sáng từ thơ Bác của thầy Đỗ Thanh Dương.

Nguồn sáng từ thơ Bác giới thiệu với chúng ta 20 bài thơ tuyển chọn từ 35 bài thơ chữ Hán ngoài Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Là một nhà sư phạm thuần hậu, thầy Đỗ Thanh Dương đến với thơ Hồ Chí Minh trong tâm thế ngưỡng vọng về một nhân cách văn hoá vĩ đại. Ở nhân cách văn hoá ấy, thầy Đỗ Thanh Dương nhận thấy “nguồn ánh sáng diệu kỳ” của lòng tận trung (với nước) tận hiếu (với dân), của lẽ sống tình thương và sự hồn hậu an nhiên (với con người và tạo vật). Đó là một khái quát sâu sắc về thơ Bác của một tâm hồn mẫn cảm, tinh tế với văn chương nhưng cũng là của một nhà sư phạm. Dường như, giới thiệu những tác phẩm thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh, với thầy Đỗ Thanh Dương, không chỉ để giúp người đọc hiểu về vẻ đẹp của một phong cách nghệ thuật độc đáo mà còn để giúp họ nhận thấy ở đó một đạo lý, một cách thế sống. Bằng cách đó, người đọc không chỉ yêu thơ Bác mà còn biết sống đẹp hơn với đời, với tạo vật và với chính mình!
Cũng rất tinh tế và sư phạm là những lời bình chú của thầy Đỗ Thanh Dương cho từng bài thơ. Tất cả đều là những chú giải, những lời bình rất gọn, thoáng nhưng cần yếu  về bối cảnh ra đời và những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật. Thầy không muốn đưa ra một tiếng nói quyền uy mà chỉ là những dẫn gợi để người đọc trực tiếp bước vào tác phẩm, trực tiếp cảm nhận về ánh sáng trong tâm hồn của Hồ Chí Minh.

Suốt một đời đọc văn và dạy học văn, thầy Đỗ Thanh Dương không chỉ để lại những bài giảng thông tuệ mà còn để lại những bài viết, những công trình đầy sức nặng học thuật về Trần Nhân Tông, về Văn Cao, về Nguyên Hồng…[1]. Năm nay đã 82 tuổi, mỗi ngày đều phải đối diện với trọng bệnh nhưng thầy vẫn kiên trì để hoàn thành cuốn sách về thơ Bác. Thầy xem đó là bổn phận của mình với những bạn đọc học sinh – những người mà thầy đã yêu quý, gắn bó trọn đời với họ. Tôi chỉ là một học trò nhỏ trong biết bao những thế hệ học trò đã và đang thụ giáo thầy. Nhưng có lẽ tôi đã là người may mắn hơn để được đọc bản thảo, để được thầy cho phép viết lời giới thiệu cho cuốn sách này. Trong suốt quá trình đọc bản thảo cuốn sách tôi như được nghe lại giọng nói, những lời giảng của thầy năm nào. Và tôi bỗng nhớ lại một kỉ niệm: trong một buổi dạy ngoại khoá về thơ Đường cho chúng tôi, thầy Dương đã tự tay viết lên bảng bài Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch bằng chữ Hán. Trong suốt thời gian đó, chúng tôi ngồi ở dưới, tò mò háo hức dõi theo từng nét chữ của thầy. Viết xong thầy quay xuống lớp, đẩy gọng kính lên, nhìn cả lớp và nói như tâm sự:

- Thầy cũng đã có giai đoạn miệt mài học chữ Hán nhưng rồi không mấy khi dùng đến. Rơi rụng cũng nhiều. Bây giờ, để viết lại mấy dòng thơ này cũng là một cố gắng lắm đấy!
Và thầy cười. Nụ cười đôn hậu quen thuộc. Cùng với những lời giảng của thầy, những dòng chữ Hán đó đã đem lại cho chúng tôi thật nhiều niềm say mê về một thế giới văn chương đẹp đẽ, tinh tế và tao nhã. Và vầng trăng Đường thi ấy đã đi theo chúng tôi trong suốt cuộc đời cho dù phần lớn những bạn học của tôi ngày ấy đã tạm biệt văn chương để rẽ theo những ngả đường khác. Một bạn học của tôi – thẩm phán Nguyễn Trọng Hối, sau rất nhiều xa cách, khi gặp lại đã đọc cho tôi nghe trọn vẹn Tĩnh dạ tứ bằng âm Hán việt! Và tôi hiểu, đó cũng là một sự đê đầu trước người thầy của chúng tôi ngày nào!

Nguồn sáng từ thơ Bác hiển hiện ánh sáng nhân cách và tài năng nghệ thuật của Hồ Chí Minh nhưng tôi tin người đọc cũng sẽ nhận thấy ở đây ánh sáng tinh tế, ấm áp của trí tuệ và tấm lòng của người thầy suốt đời sống với tình yêu văn chương và niềm vui dạy văn – trồng người.

Trân trọng giới thiệu với các bạn học sinh và bạn đọc gần xa!
                                                               
 

 
[1] Cuốn “Trần Nhân Tông nhân cách văn hoá lỗi lạc”, NXB Đại học quốc gia năm 2003; Cuốn “Thơ Trần Nhân Tông, thưởng thức, cảm thụ” NXB Hội Nhà văn 2006; Cuốn “Tri âm thơ”, Hội VHNT Nam Định năm 1998; Cuốn “Danh nhân đất Thiên Trường Nam Định, viết chung - NXB Văn học 2012.