Những “cú hích” trong phát triển văn hóa đọc
03/06/2020VHO- Nhằm tích cực triển khai thực hiện hai Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” và “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã thúc đẩy một loạt các hoạt động, đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đang được Vụ Thư viện tích cực thực hiện
Vừa qua tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với NXB Phụ nữ Việt Nam ký kết văn bản hợp tác phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời cho phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng. Chương trình ký kết hợp tác lần này là bước đi quan trọng đối với phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng hiện nay. Gia đình là tế bào của xã hội. Việc phát triển văn hóa đọc ngay từ trong gia đình sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến toàn cộng đồng. Một gia đình ham đọc sách là minh chứng cho một xã hội ham học hỏi.
Thông qua chương trình ký kết hợp tác lần này, kỳ vọng sẽ xây dựng và hình thành thói quen đọc sách, thúc đẩy nhu cầu và phát triển văn hóa đọc trong gia đình, cộng đồng, đặc biệt cho đối tượng giới nữ (bao gồm phụ nữ, trẻ em gái, học sinh, sinh viên nữ…); tăng cường nguồn tài liệu và các dịch vụ thư viện; hình thành môi trường đọc thân thiện góp phần nâng cao dân trí, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, chú trọng người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Bên cạnh đó, chương trình cũng tạo cơ hội và khả năng tiếp cận thông tin, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của phụ nữ, trẻ em nói riêng và nhân dân nói chung.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, mỗi năm chúng ta xuất bản 400 triệu bản sách thì đã có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa. Còn lại chưa đến 100 triệu bản là sách tham khảo. Nếu chia trung bình đầu người dân Việt Nam thì mỗi người chưa đọc nổi 1 quyển sách tham khảo mỗi năm. Đây là hiện thực rất đáng buồn. Hơn nữa, việc đọc sách hiện nay hầu như chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Những nơi vùng sâu, vùng xa, việc mỗi gia đình, người dân tiếp cận sách vẫn còn hết sức khó khăn”. Bà Phượng cũng nêu rõ, văn hóa đọc nếu được đầu tư đúng mức, chú trọng sẽ tạo ra nền tảng văn hóa vững chắc cho một quốc gia, giúp đất nước phát triển. Việc cần làm nghiêm túc hiện nay là phát triển văn hóa đọc theo đúng những yêu cầu của Luật Thư viện. Nếu làm được điều này, văn hóa đọc sẽ rất được ưa chuộng.
Không chỉ thực hiện ký kết các văn bản hợp tác, Vụ Thư viện cũng đang phối hợp với nhiều đơn vị xây dựng Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam”. Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam” được xây dựng nhằm nâng cao năng lực của thư viện tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đảm bảo cung ứng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu người sử dụng; chủ động ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, tham gia bảo đảm an ninh, an toàn, công bằng xã hội trong cung cấp thông tin và tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, của nhân dân; góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện và phát triển đất nước bền vững...
Nguồn: Báo Văn Hóa điện tử