Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Bàn về Giáo dục

Trang chủ Bàn về Giáo dục Tại sao học sinh “lười phát biểu”?

Tại sao học sinh “lười phát biểu”?

20/12/2012

(GD&TĐ) - Lười phát biểu xây dựng bài trong lứa tuổi học sinh đã và đang để lại những hậu quả bất lợi cho cả thầy và trò, cho chất lượng dạy và học, trong đó người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là các em.

(ảnh minh họa: Internet)
(ảnh minh họa: Internet)

Có dịp đi dự giờ thăm lớp và được các đồng nghiệp trao đổi, bàn tán về việc chán nản trước hiện tượng lớp học này, lớp học kia lười phát biểu, xây dựng bài. Nhiều lần thầy cô giáo ra câu hỏi, dù chỉ là những câu hỏi trong sách giáo khoa nhưng hỏi đi hỏi lại 2, 3 lượt nhưng các em vẫn ngồi im thin thít như tượng gỗ, và chính thầy cô là người phải trả lời câu hỏi do mình đặt ra, những tình huống như vậy thường gây tâm lí ức chế cho thầy cô rất nhiều, thậm chí chán nản, không tha thiết với công việc của mình.

Bên cạnh đó, việc lười phát biểu của các em còn nảy sinh tâm lí thụ động, chờ đợi co cụm, ỷ lại nên học sinh khó nắm bắt và làm chủ kiến thức của bài học, lâu ngày sẽ tạo thành thói quen thiếu tự tin, hạn chế tính tư duy sáng tạo của người học, vì vậy trí nhớ giảm sút, học lực giảm, không phát huy được ưu điểm cũng như không khắc phục được nhược điểm của mình; đồng thời việc rèn luyện kỷ năng, khả năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử của các em với cộng đồng sẽ gặp nhiều hạn chế. Điều đó sẽ đào tạo ra một lớp người lạc hậu, kém năng động, kém sáng tạo, không dám khẳng định mình, co mình như con rùa rụt cổ, không dám mạnh dạn đứng lên phê phán, chống lại cái sai, cái ác, bảo vệ cái đúng cái thiện, thậm chí đồng tình, đồng lõa với các thói hư tật xấu là điều khó tránh khỏi.

Rõ ràng, học sinh càng lên lớp lớn càng lười, ngại phát biểu trong giờ học, không còn là hiện tượng hiếm, cá biệt, mà là hiện tượng phổ biến trong nhà trường, nhất là ở bậc THPT. Nguyên nhân chủ yếu là: Do các em lười học, không chịu, hoặc rất ít chuẩn bị bài trước ở nhà mà có thói quen đợi đến lớp chờ thầy cô giảng rồi chép vào vở nên không đủ, hay không có kiến thức để trả lời các câu hỏi của giáo viên; thiếu tự tin vào bản thân mình, ngại ngùng, rụt rè khi đứng lên và trả lời trước đám đông, nhất là các bạn nữ; mặt khác khả năng truyền đạt, phương pháp giảng dạy của thầy, cô giáo còn hạn chế, chưa cuốn hút, sinh động, thiếu những câu hỏi hay, vừa sức, gây hứng thú, gợi suy nghĩ, tìm tòi cho học sinh, còn nặng về đọc- chép". Theo chúng tôi, để tìm lời giải cho thực trạng trên cần làm tốt một số vấn đề sau:

Về phía người dạy, các thầy cô phải tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư cho chất lượng các bài giảng trước khi lên lớp, căn cứ vào từng tiết học, từng bài học cụ thể, giáo viên có thể vận dụng các phương pháp dạy học khác nhau, để thu hút sự tò mò, hiếu kỳ, kích thích sự hứng thú của người học. Hệ thống câu hỏi cũng phải hết sức chú ý không nên dễ quá hoặc khó quá, cũng không nên quá ngắn hoặc quá dài, câu hỏi cũng nên theo kiểu gợi mở, gắn liền với đời sống thực tiễn.

Mặt khác, trước mỗi giờ dạy, bằng khả năng nghiệp vụ của mình, giáo viên có thể tạo ra một bầu không khí gần gũi, cởi mở giúp rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò như kể một câu chuyện vui có tính giáo dục, một tình huống pháp luật, để “mỗi thầy cô thực sự là một tấm gương về tự học và sáng tạo”. Giáo viên chủ nhiệm cần giao cho mỗi tổ học sinh một cuốn sổ theo dõi các thành viên, trong đó mục “xung phong” xây dựng phát biểu bài mới là một trong nhưng tiêu chí đánh giá ý thức học tập của thành viên tổ mình; cuối mỗi tuần, mỗi tháng, trong giờ sinh hoạt lớp bao giờ cũng dành một ít thời gian cho công tác đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh; 

Về phía nhà trường, cần tổ chức các câu lạc bộ, các chuyên đề, các buổi thảo luận, ngoại khóa để tăng cường khả năng tranh luận, khả năng giao tiếp, ứng xử của các em. Nhà trường cũng nên quan tâm mua sắm thêm các thiết bị thí nghiệm thực hành, tránh tình trạng chỉ học lý thuyết chung chung làm cho việc học không gắn với hành, với khả năng ứng dụng vào đời sống thực tiên. Tránh hiện tượng nhàm chán trong các em.

Về phía người học, cũng cần được cung cấp thông tin về vai trò tác dụng to lớn của việc tham gia phát biểu xây dựng bài, cần tự giác thực hiện nghĩa vụ học tập của mình, trước khi muốn thầy cô giảng dạy nhiệt tình, hết mình cho bài giảng, bởi có một thực tế hiện nay là, yêu cầu của xã hội, của học sinh, phụ huynh ngày càng cao, đòi hỏi ngày càng lớn từ phía thầy cô, nhà trường, nhưng người học lại coi thường bộ môn, số ít khác chỉ quan tâm đến quyền mà quên mất nghĩa vụ của mình.

Lê Thị Thúy Mong

Nguồn: báo Giáo dục và Thời đại