Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Bàn về Giáo dục

Trang chủ Bàn về Giáo dục Nếu tích hợp khiến Lịch sử dễ học hơn, chúng em ủng hộ!

Nếu tích hợp khiến Lịch sử dễ học hơn, chúng em ủng hộ!

24/11/2015

GD&TĐ - Liên quan đến kiến thức lịch sử trong chương trình mới, nhiều học sinh, sinh viên thẳng thắn bày tỏ quan điểm không quan tâm đến tên gọi môn học mà chỉ quan tâm mình sẽ được học nội dung giáo dục lịch sử như thế nào trong nhà trường.

Nếu tích hợp khiến Lịch sử dễ học hơn, chúng em ủng hộ!

Nguyễn Thị Thanh Hoa - Sinh viên năm nhất khoa Quản lý đất đai (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường): Tích hợp hay không chỉ khác nhau tên gọi
Nguyễn Thị Thanh Hoa 

Môn Lịch sử là một môn học không thể thiếu trong chương trình học, đặc biệt ở cấp THPT. Hiện nay các chuyên gia đang bàn luận xem có nên tích hợp môn Lịch sử với một số môn học khác hay vẫn để là môn riêng. Vừa tốt nghiệp chương trình THPT cách đây không lâu, em cho rằng việc bàn luận này phải xuất phát từ nhu cầu của người học.

Không thể không thừa nhận rằng sách giáo khoa Lịch Sử ở Việt nam hiện nay đã đầy đủ nội dung nhưng chưa thực sự thu hút học sinh. Cũng chính vì điều này mà giáo viên dạy Sử cũng khó khăn trong việc truyền đạt khiến môn Sử trở lên…chưa gần gũi với học sinh.

Nhưng là học sinh, sinh viên, em nghĩ chúng em không quan tâm tới những điều “lớn lao” là có để Lịch sử tách riêng hay tích hợp mà chúng em quan tâm tới việc học Lịch sử như thế nào? Bởi, có tích hợp hay Lịch sử vẫn là một môn học riêng, thì vẫn là những kiến thức lịch sử bao đời nay như thế, có chăng nó chỉ khác nhau tên gọi của một môn học.

Nhiều môn học đã tích hợp liên môn nhưng các môn học khác chưa tích hợp liên môn thì chúng em vẫn được học những kiến thức liên quan, được thầy cô hướng dẫn và giới thiệu khiến nó trở lên sinh động, dễ học hơn. Và nếu được tích hợp để môn Sử trở thành môn học không khô khan, giàu cảm xúc, cũng là điều học sinh mong chờ.

Nguyễn Thị Ngọc - Sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương: Hoàn toàn ủng hộ nếu tích hợp khiến Lịch sử hay hơn, dễ học hơn

Nguyễn Thị Ngọc 

Nếu Bộ GD&ĐT có chủ trương tích hợp môn Lịch sử với bộ môn khác trong nhà trường để môn Lịch sử hay hơn, dễ học hơn và thêm nhiều ưu điểm hơn thì chúng em hoàn toàn ủng hộ.

Em nghĩ, không chỉ riêng em và rất nhiều học sinh đồng tình với quan điểm này. Bởi, từ trước đến nay, chúng em vốn yêu lịch sử dân tộc, tự hào với những trang sử có bề dày của người đi trước, nhưng cũng chính từ sự “dày” ấy mà học sinh cảm thấy khó “cảm” khi học Sử.

Vậy, nên chăng, chúng ta cần thay đổi một cách tích cực nhất để môn Sử gần gũi, dễ học hơn với học sinh. Đã từng có nhiều môn học tích hợp liên môn như Toán, Lý, Hóa, lồng ghép các chương trình liên quan với nhau để môn học trở lên khoa học hơn. 

Vậy thì, việc tích hợp môn Sử để phong phú hơn, sống động hơn khi nó được kết hợp với môn Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng cũng là một phương án thay đổi tích cực. 

Nguyễn Thị Phương Thúy - Sinh viên năm nhất Trường CĐ Y tế Hà Đông: Tích hợp không phải là "xóa sổ" môn Lịch sử

Chuyện tích hợp liên môn Lịch sử với môn học khác, em không coi là việc “xóa sổ” môn Lịch sử. Những kiến thức học vẫn là những năm tháng ấy, trang sử chói lọi ấy, giờ lại được tích hợp vào những vấn đề về giáo dục con người và tình yêu Tổ quốc là một ý tưởng mà nhiều học sinh mong đợi. 

 

Nguyễn Thị Phương Thúy 
Vừa tốt nghiệp chương trình THPT, có thời gian để “ngẫm” lại việc học Lịch sử, em cảm thấy việc học môn này trước đây rất khó khăn.

Giáo viên không biết cách làm sao để “câu chuyện hóa” những dấu mốc lịch sử, học sinh nhìn Lịch sử là một môn học toàn chữ chỉ có nguyên nhân, diễn biến, kết quả và bài học kinh nghiệm,…Còn sách giáo khoa, nếu muốn thay đổi để đảm bảo đủ chương trình mà có thể “sơ đồ hóa” cũng cần có thời gian, lộ trình.

Em nghĩ, sẽ rất nhiều các bạn, các em học sinh đang học Sử sẽ thấy vui mừng khi có sự thay đổi về môn Lịch sử. Việc tích hợp là làm cho môn học hay hơn, hấp dẫn hơn chứ không phải là việc xóa bỏ môn học này, thay đổi thành môn học khác. 

Và điều học sinh chúng em quan tâm là sau khi tích hợp, kiến thức học hấp dẫn như thế nào, học được những gì từ lịch sử và cuộc sống, tiếp cận dễ dàng hơn với môn học ra sao...

Vũ Ngân Hà - Học sinh lớp 12 Văn - Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm: Em muốn được học theo cách tích hợp

Vũ Ngân Hà 

Thực ra, em không quan tâm đến tên gọi của môn học mà chỉ quan tâm chúng em được học những gì trong nhà trường, tức là nội dung giáo dục về lịch sử.

Gần đây, em có biết về chủ trương tích hợp môn học Lịch sử. Quan điểm cá nhân, em mong muốn được học theo cách tích hợp, bởi như vậy sẽ tạo khả năng liên kết các nội dung kiến thức có liên quan lại với nhau, từ đó, học sinh sẽ tầm tri thức rộng mở hơn, tư duy logic hơn, nói chuyện sẽ có chiều sâu hơn.

Nếu học riêng rẽ theo từng môn, ví dụ Lịch sử riêng, Địa lý riêng, dù kiến thức có thể sâu hơn, nhưng thực sự, khi ra ngoài đời, chúng em không cần thiết phải có kiến thức chuyên sâu đến như vậy.

Ngoài nội dung giáo dục Lịch sử, điều mà học sinh chúng em quan tâm còn là độ hấp dẫn trong bài giảng của thầy cô, là nội dung trong sách giáo khoa... Hiện tại, vẫn còn nhiều bài giảng chỉ bám sát theo sách, đọc con số, sự kiện cho học sinh ghi chép lại... Điều đó khiến học sinh khó có thể hứng thú với môn Lịch sử.

Chúng em mong rằng, các thầy cô, qua mỗi bài dạy, mỗi sự kiện lịch sử, giúp chúng em rút ra những bài học bổ ích trong cuộc sống, hơn là chỉ bắt học sinh ghi nhớ những sự kiện và con số khô khan. 

Nguyễn Hồ Quang Duy - học sinh lớp 11 chuyên Sử, Trường THPT chuyên Bến Tre (tỉnh Bến Tre): Đam mê từ những câu chuyện lịch sử

 

Nguyễn Hồ Quang Duy 
Điều chúng em quan tâm không phải là tên môn học mà là nội dung giáo dục Lịch sử sẽ được học trong chương trình mới như thế nào?

Từ khi vào THPT, em bắt đầu yêu thích, hứng thú học Lịch sử cũng chính bởi những câu chuyện như Bác Hồ tìm đường cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ một giáo viên dạy Lịch sử đã trở thành vị Đại tướng của dân tộc... 

Những câu chuyện này đã truyền cho em hứng thú, niềm tự hào dân tộc. Với em, mỗi trang sách Sử, mỗi chi tiết đều vô cùng bổ ích.

Tuy nhiên, cũng giống như các bạn, em luôn mong muốn có những tiết học Lịch sử hấp dẫn, thầy cô hạn chế viết bảng và sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp như học qua trò chơi, hoặc tổ chức các cuộc thi như "Tự hào lịch sử Việt Nam" chẳng hạn.

Với sách giáo khoa Lịch sử mới, em nghĩ rằng nên đưa thêm vào các sự kiện lịch sử gần đây và bớt nội dung lịch sử thế giới. Bên cạnh đó, cần thêm nhiều hình ảnh sống động vì nếu sách mở ra chỉ thấy toàn chữ khiến người học cảm thấy nặng nề.

Đặc biệt, nếu trong sách giáo khoa cung cấp các địa chỉ để học sinh chúng em có thể qua đó tìm kiếm tư liệu tham khảo tin cậy, bổ sung cho kiến thức trong sách giáo khoa sẽ vô cùng hữu ích. 

Trần Minh Tiến - Học sinh lớp 11 Sử (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định): Học Lịch sử không phải để thuộc lòng

Trần Minh Tiến 

Em quan tâm nhiều hơn đến nội dung về giáo dục lịch sử trong nhà trường và việc đổi mới phương pháp dạy - học Lịch sử sao cho hấp dẫn học sinh hơn. 

Em nghĩ rằng, trên lớp chỉ học các kiến thức cơ bản, giáo viên cần cho học sinh tự tìm hiểu kiến thức lịch sử trước mỗi bài học. Điều quan trọng là việc áp dụng các biện pháp dạy học tích cực khiến mỗi giờ giảng Lịch sử trở lên hấp dẫn.

Ví dụ, học về một diễn biến nào đó, giáo viên có thể cho học sinh học theo hình thức đóng kịch. Cách này giúp giờ học sống động, hấp dẫn và học sinh luôn khắc sâu được kiến thức lịch sử, nội dung bài học.

Em cho rằng, học Lịch sử không phải để thuộc lòng mà quan trọng là từ mỗi giai đoạn lịch sử, sự kiện lịch sử mình liên hệ với cuộc sống hiện tại, từ đó rút ra được những bài học bổ ích cho mình. 

Nguyễn Minh Nguyệt - Cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định- HCV Olympic tiếng Nga năm 2014: Chúng em thích học Lịch sử qua những câu chuyện

 

 

 Nguyễn Minh Nguyệt
Em rất thích học môn Lịch sử. Tuy nhiên, môn Lịch sử có cuốn hút học sinh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự truyền cảm hứng của các thầy cô. 

Hiện nay, học sinh bọn em thích học Lịch sử qua những câu chuyện, qua những mối liên hệ gần gũi với đời thường chứ không phải qua những bài giảng khô khan với những sự kiện khó nhớ. Em từng xem chương trình Trường học vui vẻ của Đài truyền hình Việt Nam về một giờ học Lịch sử, nơi thầy giáo truyền cho học sinh những cảm hứng rất đặc biệt về môn học, có những đoạn phim dễ hiểu, gần với đời sống và hợp với thị hiếu của học sinh hiện nay. Em thích những thầy cô giảng Lịch sử với phong cách trẻ trung và hiểu học sinh.

 

Em thấy, để học sinh tiếp thu tốt môn này, có hai yếu tố quan trọng. Trước hết là sự hứng thú, và sau là ý thức của học sinh về tầm quan trọng của môn này.

 

Nhiều năm tiếp xúc với tiếng Nga và hiện đang gắn bó với nước Nga, em nhận thấy nước Nga đầu tư rất nhiều vào các chiến dịch tuyên truyền lòng yêu nước, họ rất chú trọng đến việc dạy môn Lịch sử. 

Tuy nhiên việc lịch sử không dừng lại trong sách giáo khoa. Người Nga học Lịch sử không chỉ qua môn học trong nhà trường mà học cả trong những môn liên quan như Địa lý, Văn học... Điều này sẽ giúp người học có hứng thú hơn và không bị khô khan như một môn học hàn lâm. 

Em Lý Tất Thành - lớp 12A1 (Trường THPT Mù Cang Chải - Yên Bái): Học tích hợp rất dễ hiểu

Hiện nay việc học môn Lịch sử vẫn còn nặng nề với chúng em. Khó nhất là phải nhớ những sự kiện, những mốc lịch sử hoặc là các số liệu... Điều này khiến em và các bạn trong lớp cảm thấy áp lực khi học môn này.

 

Vì vậy, tới đây nếu Bộ GD&ĐT tích hợp môn Lịch sử mà khắc phục được những hạn chế nêu trên thì tốt cho chúng em quá. Như thế, bài học cũng không bị nhàm chán, không nặng nề.

 

Trước đây chúng em cũng đã được học tích hợp một số môn như: Giáo dục công dân, Địa lý. Với những bài học tích hợp như vậy, chúng em thấy dễ hiểu, dễ tiếp thu và còn mở rộng được kiến thức bài học. Đặc biệt là chúng em phát triển được khả năng tư duy logic, biết liên hệ với thực tiễn. 

Với những ưu điểm vậy, em nghĩ tại sao môn Lịch sử lại không thể dạy tích hợp như các môn trên! 

Nhóm PV

Báo GD&TĐ