Ngôi trường số hóa sách giáo khoa
01/02/2016Trường THPT Quang Trung (thành phố Đà Nẵng) hiện áp dụng mô hình bài giảng điện tử e-Learning có thuyết minh và đồng bộ hóa 100% sách giáo khoa các khối bằng bài giảng điện tử.
Thầy Phạm Sỹ Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, cho biết, năm học 2008-2009, trường bắt đầu triển khai mô hình e-Learning. Đến năm học 2015-2016, mô hình đồng bộ SGK bằng giáo án điện tử mới thực sự trở thành “cuộc cách mạng” trong dạy học của trường với việc tham gia thiết kế của 70 giáo viên.
Một tiết học áp dụng phương pháp trình chiếu e-Learning của Trường THPT Quang Trung. Ảnh: Tiền Phong. |
Hào hứng
Một tiết học của Trường THPT Quang Trung không diễn ra như những trường khác khi toàn bộ nội dung bài giảng các môn thuộc ba khối đều được thu âm thành đĩa DVD có thuyết minh lời của giáo viên.
Khi tiết học bắt đầu, thay vì cầm phấn viết lên bảng, giáo viên trình chiếu bài giảng dưới dạng slide kèm hình ảnh, đồ họa bắt mắt cùng thuyết minh đã thu âm sẵn.
Đến phần bài tập, giáo viên nhấn chuột chọn đề sau đó gọi học sinh lên bảng giải bài. Cuối cùng, giáo viên trình chiếu phần đáp án hoàn thiện của đề đó.
Điều đặc biệt, cùng một đề, có đến 5 - 6 bài giảng của các giáo viên khác; dựa vào đó, học sinh có quyền chọn cho mình phương pháp giải dễ hiểu nhất.
Học sinh Tô Hồng Lan Phương (lớp 11/1) nói: “Đây là phương pháp dạy học hoàn toàn mới cho bọn em. Trước kia, mỗi tuần chỉ có một vài buổi lên phòng chuyên môn học máy chiếu theo dạng Powerpoint thì nay 100% các tiết, em được học theo phương pháp trình chiếu e-Learning có kèm phần thu âm bài giảng của thầy cô. Một bài giảng được trình bày với các kiểu chữ, hình ảnh bắt mắt nên bọn em đều rất hào hứng”.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên môn Toán khối 12, việc áp dụng mô hình bài giảng e-Learning giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian cho các thao tác giảng bài. Thay vì viết lên bảng, giáo viên chỉ cần kích chuột. Tất cả các bài tập giáo viên đều phải soạn, mỗi đề có sự tham gia giảng của nhiều đồng nghiệp. Đây cũng là điều kiện để giáo viên học hỏi nhau, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Thông thường, một tiết học chỉ kéo dài 20-25 phút, thời gian còn lại, giáo viên sử dụng xen kẽ để bổ sung kiến thức nâng cao cho học sinh. Với phương pháp này, học sinh có thể xem trước bài giảng ở nhà nhiều lần trước khi đến lớp.
Áp lực
Tất cả các bài giảng của giáo viên Trường THPT Quang Trung đều được tải lên trên trang web của trường. Học sinh trong trường hoặc các trường khác đều có thể truy cập miễn phí để tham khảo và học tập với nhiều cách giải khác nhau. Tuy nhiên, đây là phương pháp dạy học mới nên các giáo viên của trường gặp nhiều khó khăn trong việc thiết kế bài giảng.
Theo cô Nguyễn Thị Linh Na, giáo viên tiếng Anh, để hoàn thành tốt một bài giảng điện tử, giáo viên phải có kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, am hiểu các phần mềm kỹ thuật thu âm, nén dung lượng...
“Để không lẫn tạp âm, giáo viên phải thực hiện thu âm thời điểm 1-2 giờ sáng tại nhà riêng khi cả gia đình đều đã đi ngủ. Thời gian đầu do chưa biết cách giảm dung lượng và thu âm vấp lỗi nên cứ phải làm đi làm lại nên rất cực, có lúc gần suốt sáng. Nhưng vì các học trò nên ai nấy đều cố gắng để làm tốt”, cô Na nói.
Trong khi đó, một số phụ huynh lại lo ngại việc các bài giảng được đưa công khai lên trang mạng của trường sẽ khiến cho một số học sinh có tâm lý ỷ lại, lười tự học, nhất là những trường hợp yếu, kém.
Về vấn đề này, thầy Phạm Sỹ Liêm cho biết: “Khi gọi học sinh lên bảng giải bài, giáo viên có trách nhiệm “vặn” ngược lại thí sinh. Những em nào copy bài giảng trên hệ thống về thì giáo viên chỉ cần kiểm tra vài câu hỏi là nhận ra ngay, từ đó có biện pháp xử lý cá nhân học sinh đó”.
Theo thầy Liêm, đến năm học 2015-2016, trường đã đồng bộ hóa 33 bộ SGK thành bài giảng điện tử cho ba khối lớp. Thời gian qua, nhà trường phát miễn phí các đĩa DVD cho học sinh khối 10, riêng khối 11 và 12, các em có thể tự nguyện mua hoặc học tập trên hệ thống điện tử của trường.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám Đốc Sở GD&ĐT, cho biết, Sở khuyến khích các trường khác vận dụng phương pháp dạy học mới này nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và năng lực của học sinh.