Kỳ 2 - Cơ sở vật chất và số lớp của trường Thành Chung
30/06/2022
Kỳ 2
Vào đầu thế kỷ XX, dân số nước ta khoảng hai mươi triệu người, hầu hết là nông dân nghèo, ít người có điều kiện cho con theo học các trường Pháp – Việt, loại hình trường vừa có chương trình rất khó lại vừa đòi hỏi chi phí cao. Trong khi đó, mục đích giáo dục của người Pháp chỉ là đào tạo người thừa hành cho bộ máy cai trị, và khai thác thuộc địa, nên họ thiết lập ở Việt Nam một hệ thống trường học vừa ít ỏi, vừa nhỏ bé. Tỉ lệ học sinh toàn xứ Đông Dương lúc đó ước tính chỉ khoảng 1 học sinh/10.000 người dân; đến năm 1936-1937 là thời điểm thịnh vượng nhất cũng chỉ có khoảng 2% dân số đi học. Xuất phát từ nguồn tuyển sinh ít ỏi như thế nên người Pháp chọn phương án mở rộng dần trường Thành Chung theo kiểu nuôi con thơ. Con lớn đến đâu, may quần áo vừa vặn đến đấy. Khi con trưởng thành thì sắm cho bộ cánh tươm tất.
Vào tháng 10 năm 1920, hai tháng sau khi có quyết định thành lập, trường Thành Chung bắt đầu đi vào hoạt động. Gọi là trường nhưng lúc này chỉ có 45 học sinh với một lớp học đặt tại căn phòng đi mượn ở gần Bưu điện tỉnh Nam Định hiện nay.
Đến năm học 1921-1922, trường có hai lớp, năm thứ nhất và năm thứ hai, nhưng vẫn chưa có phòng học nên phải mượn ngôi nhà của trường Cửa Bắc[1]. Ngôi nhà kiểu đình chợ, chiều dài khoảng bốn mươi mét, chiều rộng khoảng hai mươi mét, gọi là nhà Préau, nghĩa là sân chơi trong trường học. Ở đây có xà đơn, xà kép, bãi nhảy, dây leo v.v… để học sinh tập thể dục. Mượn được ngôi nhà này, trường Thành Chung ngăn ra làm hai lớp cho học sinh.
Năm Học 1922-1923, theo yêu cầu của Nha Học chính Bắc Kỳ, Công sứ Nam Định cho dựng hai dãy nhà tranh tre, nứa lá làm lớp học và văn phòng cho trường Thành Chung trên mảnh đất rộng khoảng 2.250 m2 ở phố Gốc Ngái (nay là khu đất của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Nam Định). Lúc này trường đã phát triển thành ba lớp học.
Năm học 1923-1924 trường Thành Chung đã phát triển thành bốn lớp và chuyển ra địa điểm mới ở đầu phố Bến Ngự (nay là địa điểm trường Tiểu học Phạm Hồng Thái).
Cũng năm1924, vào ngày 23, tháng 9, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định số 2419 đổi tên trường Thành Chung thành trường Cao đẳng tiểu học Pháp –Việt (Ecole Primaire Supérieure Franco- indigèe).
Năm học 1924-1925 nhà trường tuyển thêm hai lớp (khoảng 80 học sinh) nâng số lớp của năm học này thành 6. Đến năm học 1926-1927, do thiếu phòng học nên trường chỉ tuyển thêm một lớp học với 40 học sinh. Như vậy đến đây, sau 6 năm phát triển, trường Thành Chung từ chỗ chỉ có một lớp, nay đã phát triển thành 7 lớp, với gần 300 học sinh.
Từ sau năm 1926, cơ sở vật chất của trường được chú ý phát triển. Người Pháp đã cho xây dựng hai dãy nhà tường gạch, cửa chớp, kèo gỗ, mái lợp ngói tây. Mỗi dãy nhà chia thành bốn phòng làm bốn lớp học. Tổng cộng nhà trường lúc này có tám lớp cho bốn năm học, mỗi năm học hai lớp. Văn phòng là dãy nhà xây, mái ngói khang trang. Sân trường rộng rãi có một vài cây bàng lấy bóng mát. Những dãy nhà và sân trường này tồn tại đến cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX mới bị dỡ bỏ để xây dựng trường Tiểu học Phạm Hồng Thái như ngày nay.
Năm học 1937-1938, trường Thành Chung chuyển ra phố Cổng Hậu (Đầu phố Thành Chung, giáp đồn công an phường Cửa Bắc ngày nay). Ngôi trường này được xây dựng theo kiểu kiến trúc Pháp trên một khu đất trải rộng từ đường Thành Chung đến khu Quân Nhân ngày nay. Trường có một dãy nhà làm văn phòng và hội trường, một dãy nhà hai tầng làm lớp học. Trường có hai sân. Sân phía trước có các bồn hoa, sân phía sau học thể dục và chơi bóng. Trường có hai lối vào. Lối trước, qua cổng (Ở phía khu Quân Nhân) đi theo một con đường nhỏ, hai bên trồng trúc đào để vào sân trường. Đây là lối đi của giáo viên và học sinh nữ. Lối sau, đi từ phía đường nhựa (nay là phố Thành Chung) vào. Lối này dành riêng cho học sinh nam. Ở phía cuối dãy nhà hai tầng có một phòng dành cho học sinh nữ ra chơi. Học sinh nam chơi ở sân bóng phía sau trường.
Các lớp học được lát gạch hoa, có bàn ghế đầy đủ, bục giảng phía trên được xây cao, có bảng đen và bàn giáo viên, xung quanh tường treo các loại tranh ảnh và bản đồ phục vụ việc dạy và học. Ở tầng hai có một phòng thí nghiệm được thiết kế khá đặc biệt. Phòng thí nghiệm ở chính giữa. Hai bên là hai lớp học. Một lớp để học môn Vật lý và Hóa học, một lớp để học môn Vạn vật. Hai lớp học có các dãy bàn được kê cao dần về phía sau trên các bậc tam cấp, thuận tiện cho học sinh quan sát dù ngồi ở cuối lớp. Lớp nào có giờ thí nghiệm thì lên đó học. Phòng thí nghiệm có bàn giáo viên tương đối dài, được lát gạch men trắng để làm thí nghiệm. Chiếc bảng đen có thể kéo lên, kéo xuống để phòng thí nghiệm thông sang phòng chứa dụng cụ, rất tiện cho việc chuẩn bị thí nghiệm cũng như cất đi sau khi tiết học kết thúc. Dụng cụ thí nghiệm khá phong phú, hầu như bài học nào của môn Vật lý và Hóa học cũng có thí nghiệm. Môn vạn vật có rất nhiều mô hình, kể cả bộ xương người thật để học về giải phẫu cơ thể. Người có công lớn trong việc xây dựng phòng thí nghiệm là ông Phan Thế Roanh (1904-1964) giáo viên dạy môn Vật lý và Hóa học. Có thể nói, vào thời điểm năm 1937, ngôi trường như thế là khang trang, hiện đại.
Quy mô trường lúc này ổn định số lượng tám lớp, được chia thành bốn khối gọi là khối Đệ nhất, khối Đệ nhị, khối Đệ tam, khối Đệ tứ. Mỗi khối có hai lớp gọi là A và B. Lớp Đệ nhất A, lớp Đệ nhất B. Lớp Đệ nhị A, lớp Đệ nhị B. Lớp Đệ tam A, lớp Đệ tam B. Lớp Đệ tứ A, lớp Đệ tứ B.
Ngày 9 tháng 3, năm 1945, Nhật đảo chính Pháp bắt Hiệu trưởng và hai cô giáo người Pháp giải đi. Sau đó quân Nhật ra lệnh cho Hiệu trưởng tạm quyền là ông Phan Thế Roanh phải chuyển trường đi nơi khác để chúng chiếm trường làm doanh trại. Trường Thành Chung lại phải chuyển về cơ sở cũ ở đầu phố Bến Ngự.
Ngày 19 tháng 4, năm 1945, phát xít Nhật dựng lên Chính phủ Đế quốc Việt Nam do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng. Những trường học trước đây có tên gọi bằng tiếng Pháp đều được Chính phủ Trần Trọng Kim cho thay bằng tên gọi tiếng Việt. Trong bối cảnh ấy trường Collège indochinois de Nam Dinh (trường Thành Chung Nam Định) được Khâm sai Bắc Bộ Phan Kế Toại ra quyết định đổi tên thành trường Trung học Nguyễn Khuyến vào tháng 6 năm 1945[2].
Ngày 14 tháng 8, năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân đội Tưởng Giới Thạch tràn vào thành phố Nam Định giải giáp quân Nhật. Quân Tưởng Giới Thạch lại chiếm trường Thành Chung làm nơi đóng quân.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Quân đội tưởng Giới Thạch rút đi. Trường Thành Chung ở Cổng Hậu được tẩy uế. Thầy và trò lại chuyển từ phố Bến Ngự về đây giảng dạy và học tập.
Có thể nói, năm học 1945, là năm nhiều biến động của trường Thành Chung. Trong một năm, trường đã hai lần chuyển đi, chuyển về và trải qua ba chế độ chính trị khác nhau: Pháp thuộc, Nhật thuộc và Dân chủ Cộng hòa./.
Cơ sở vật chất và số lớp của trường Thành Chung
(Trích từ bản thảo sách “100 năm trường Thành Chung - Lê Hồng Phong Nam Định” sắp xuất bản
của nhà giáo Trần Xuân Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)
của nhà giáo Trần Xuân Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)
Vào đầu thế kỷ XX, dân số nước ta khoảng hai mươi triệu người, hầu hết là nông dân nghèo, ít người có điều kiện cho con theo học các trường Pháp – Việt, loại hình trường vừa có chương trình rất khó lại vừa đòi hỏi chi phí cao. Trong khi đó, mục đích giáo dục của người Pháp chỉ là đào tạo người thừa hành cho bộ máy cai trị, và khai thác thuộc địa, nên họ thiết lập ở Việt Nam một hệ thống trường học vừa ít ỏi, vừa nhỏ bé. Tỉ lệ học sinh toàn xứ Đông Dương lúc đó ước tính chỉ khoảng 1 học sinh/10.000 người dân; đến năm 1936-1937 là thời điểm thịnh vượng nhất cũng chỉ có khoảng 2% dân số đi học. Xuất phát từ nguồn tuyển sinh ít ỏi như thế nên người Pháp chọn phương án mở rộng dần trường Thành Chung theo kiểu nuôi con thơ. Con lớn đến đâu, may quần áo vừa vặn đến đấy. Khi con trưởng thành thì sắm cho bộ cánh tươm tất.
Vào tháng 10 năm 1920, hai tháng sau khi có quyết định thành lập, trường Thành Chung bắt đầu đi vào hoạt động. Gọi là trường nhưng lúc này chỉ có 45 học sinh với một lớp học đặt tại căn phòng đi mượn ở gần Bưu điện tỉnh Nam Định hiện nay.
Đến năm học 1921-1922, trường có hai lớp, năm thứ nhất và năm thứ hai, nhưng vẫn chưa có phòng học nên phải mượn ngôi nhà của trường Cửa Bắc[1]. Ngôi nhà kiểu đình chợ, chiều dài khoảng bốn mươi mét, chiều rộng khoảng hai mươi mét, gọi là nhà Préau, nghĩa là sân chơi trong trường học. Ở đây có xà đơn, xà kép, bãi nhảy, dây leo v.v… để học sinh tập thể dục. Mượn được ngôi nhà này, trường Thành Chung ngăn ra làm hai lớp cho học sinh.
Năm Học 1922-1923, theo yêu cầu của Nha Học chính Bắc Kỳ, Công sứ Nam Định cho dựng hai dãy nhà tranh tre, nứa lá làm lớp học và văn phòng cho trường Thành Chung trên mảnh đất rộng khoảng 2.250 m2 ở phố Gốc Ngái (nay là khu đất của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Nam Định). Lúc này trường đã phát triển thành ba lớp học.
Năm học 1923-1924 trường Thành Chung đã phát triển thành bốn lớp và chuyển ra địa điểm mới ở đầu phố Bến Ngự (nay là địa điểm trường Tiểu học Phạm Hồng Thái).
Cũng năm1924, vào ngày 23, tháng 9, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định số 2419 đổi tên trường Thành Chung thành trường Cao đẳng tiểu học Pháp –Việt (Ecole Primaire Supérieure Franco- indigèe).
Năm học 1924-1925 nhà trường tuyển thêm hai lớp (khoảng 80 học sinh) nâng số lớp của năm học này thành 6. Đến năm học 1926-1927, do thiếu phòng học nên trường chỉ tuyển thêm một lớp học với 40 học sinh. Như vậy đến đây, sau 6 năm phát triển, trường Thành Chung từ chỗ chỉ có một lớp, nay đã phát triển thành 7 lớp, với gần 300 học sinh.
Từ sau năm 1926, cơ sở vật chất của trường được chú ý phát triển. Người Pháp đã cho xây dựng hai dãy nhà tường gạch, cửa chớp, kèo gỗ, mái lợp ngói tây. Mỗi dãy nhà chia thành bốn phòng làm bốn lớp học. Tổng cộng nhà trường lúc này có tám lớp cho bốn năm học, mỗi năm học hai lớp. Văn phòng là dãy nhà xây, mái ngói khang trang. Sân trường rộng rãi có một vài cây bàng lấy bóng mát. Những dãy nhà và sân trường này tồn tại đến cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX mới bị dỡ bỏ để xây dựng trường Tiểu học Phạm Hồng Thái như ngày nay.
Năm học 1937-1938, trường Thành Chung chuyển ra phố Cổng Hậu (Đầu phố Thành Chung, giáp đồn công an phường Cửa Bắc ngày nay). Ngôi trường này được xây dựng theo kiểu kiến trúc Pháp trên một khu đất trải rộng từ đường Thành Chung đến khu Quân Nhân ngày nay. Trường có một dãy nhà làm văn phòng và hội trường, một dãy nhà hai tầng làm lớp học. Trường có hai sân. Sân phía trước có các bồn hoa, sân phía sau học thể dục và chơi bóng. Trường có hai lối vào. Lối trước, qua cổng (Ở phía khu Quân Nhân) đi theo một con đường nhỏ, hai bên trồng trúc đào để vào sân trường. Đây là lối đi của giáo viên và học sinh nữ. Lối sau, đi từ phía đường nhựa (nay là phố Thành Chung) vào. Lối này dành riêng cho học sinh nam. Ở phía cuối dãy nhà hai tầng có một phòng dành cho học sinh nữ ra chơi. Học sinh nam chơi ở sân bóng phía sau trường.
Các lớp học được lát gạch hoa, có bàn ghế đầy đủ, bục giảng phía trên được xây cao, có bảng đen và bàn giáo viên, xung quanh tường treo các loại tranh ảnh và bản đồ phục vụ việc dạy và học. Ở tầng hai có một phòng thí nghiệm được thiết kế khá đặc biệt. Phòng thí nghiệm ở chính giữa. Hai bên là hai lớp học. Một lớp để học môn Vật lý và Hóa học, một lớp để học môn Vạn vật. Hai lớp học có các dãy bàn được kê cao dần về phía sau trên các bậc tam cấp, thuận tiện cho học sinh quan sát dù ngồi ở cuối lớp. Lớp nào có giờ thí nghiệm thì lên đó học. Phòng thí nghiệm có bàn giáo viên tương đối dài, được lát gạch men trắng để làm thí nghiệm. Chiếc bảng đen có thể kéo lên, kéo xuống để phòng thí nghiệm thông sang phòng chứa dụng cụ, rất tiện cho việc chuẩn bị thí nghiệm cũng như cất đi sau khi tiết học kết thúc. Dụng cụ thí nghiệm khá phong phú, hầu như bài học nào của môn Vật lý và Hóa học cũng có thí nghiệm. Môn vạn vật có rất nhiều mô hình, kể cả bộ xương người thật để học về giải phẫu cơ thể. Người có công lớn trong việc xây dựng phòng thí nghiệm là ông Phan Thế Roanh (1904-1964) giáo viên dạy môn Vật lý và Hóa học. Có thể nói, vào thời điểm năm 1937, ngôi trường như thế là khang trang, hiện đại.
Quy mô trường lúc này ổn định số lượng tám lớp, được chia thành bốn khối gọi là khối Đệ nhất, khối Đệ nhị, khối Đệ tam, khối Đệ tứ. Mỗi khối có hai lớp gọi là A và B. Lớp Đệ nhất A, lớp Đệ nhất B. Lớp Đệ nhị A, lớp Đệ nhị B. Lớp Đệ tam A, lớp Đệ tam B. Lớp Đệ tứ A, lớp Đệ tứ B.
Ngày 9 tháng 3, năm 1945, Nhật đảo chính Pháp bắt Hiệu trưởng và hai cô giáo người Pháp giải đi. Sau đó quân Nhật ra lệnh cho Hiệu trưởng tạm quyền là ông Phan Thế Roanh phải chuyển trường đi nơi khác để chúng chiếm trường làm doanh trại. Trường Thành Chung lại phải chuyển về cơ sở cũ ở đầu phố Bến Ngự.
Ngày 19 tháng 4, năm 1945, phát xít Nhật dựng lên Chính phủ Đế quốc Việt Nam do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng. Những trường học trước đây có tên gọi bằng tiếng Pháp đều được Chính phủ Trần Trọng Kim cho thay bằng tên gọi tiếng Việt. Trong bối cảnh ấy trường Collège indochinois de Nam Dinh (trường Thành Chung Nam Định) được Khâm sai Bắc Bộ Phan Kế Toại ra quyết định đổi tên thành trường Trung học Nguyễn Khuyến vào tháng 6 năm 1945[2].
Ngày 14 tháng 8, năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân đội Tưởng Giới Thạch tràn vào thành phố Nam Định giải giáp quân Nhật. Quân Tưởng Giới Thạch lại chiếm trường Thành Chung làm nơi đóng quân.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Quân đội tưởng Giới Thạch rút đi. Trường Thành Chung ở Cổng Hậu được tẩy uế. Thầy và trò lại chuyển từ phố Bến Ngự về đây giảng dạy và học tập.
Có thể nói, năm học 1945, là năm nhiều biến động của trường Thành Chung. Trong một năm, trường đã hai lần chuyển đi, chuyển về và trải qua ba chế độ chính trị khác nhau: Pháp thuộc, Nhật thuộc và Dân chủ Cộng hòa./.
[1] Trường Cửa Bắc là trường Tiểu học Pháp - Việt ra đời năm 1917. Trường được xây dựng ở phía cửa Bắc đoạn thành cổ Nam Định còn sót lại nên gọi là trường Cửa Bắc. Đây là trường tiểu học lớn của thành phố Nam Định thời Pháp thuộc. Vào năm đông nhất, trường có mười chín lớp tiểu học, với 836 học sinh. Trường Cửa Bắc tồn tại đến năm 1945. Hiện nay trường Cửa Bắc không còn lại dấu vết nào, vì toàn bộ khu đất của trường ở khu vực từ Bệnh viện Công an Nam Định, phố Hà Huy Tập đến giáp bờ đê Bao Bì ( có thời gian đê Bao Bì được gọi là đường Rặng Xoan, nay là đường Lương Thế Vinh) đã thành khu dân cư. Trước đây, từ chợ Rồng đến trường Cửa Bắc là một bãi đất rất rộng, mọc đầy cỏ, người dân mang bò đến đây chăn thả nên gọi là Bãi Bò.
[2] Cùng đợt này, Khâm sai Bắc Bộ Phan Kế Toại cũng ra quyết định đổi tên trường Lycée du Protectorat (trường Bưởi) thành trường Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An.