Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học 'Nữ sinh đặc biệt' của Đại học Bách khoa được Bộ trưởng tặng quà

'Nữ sinh đặc biệt' của Đại học Bách khoa được Bộ trưởng tặng quà

27/08/2017

Trải qua bao khó khăn, vất vả, cô học trò khuyết tật đặc biệt Đinh Phương Nam đến từ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong- Nam Định đã trở thành tân sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tặng quà Đinh Phương Nam trong lễ khai giảng sáng 24/8Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tặng quà Đinh Phương Nam trong lễ khai giảng sáng 24/8


Năm nay, trong số các tân sinh viên nhập học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có em Đinh Phương Nam, mặc dù khuyết tật không đi lại được nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, em đã trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tại lễ khai giảng năm học 2017-2018 của Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra sáng nay (24/8), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gửi lời động viên đến em và trao tặng một phần quà nhỏ với mong muốn, em sẽ tiếp tục nỗ lực trên những chặng đường tiếp theo.

Với số điểm 3 môn Toán, Vật lý, Ngoại ngữ đạt 25,5 (chưa kể điểm cộng vùng, điểm cộng là người khuyết tật) cùng với 3 năm đều là học sinh giỏi, Đinh Phương Nam được xét thẳng vào khoa Công nghệ thông tin của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đây thực sự là niềm vui rất lớn với cô gái có đôi chân không lành lặn.

Cô gái đầy nghị lực Đinh Phương Nam 

Cuối năm lớp 9, Phương Nam mắc phải căn bệnh u tủy sống, can thiệp phẫu thuật cắt bỏ khối u đã khiến đôi chân của em trở nên “im lặng”. Em phải ra vào bệnh viện thường xuyên để điều trị. Chính vì vậy, việc học của em bị gián đoạn. Phương Nam phải nghỉ học hai năm để ở nhà chữa bệnh. Nhưng rồi em vẫn quyết định thi vào trường chuyên Lê Hồng Phong.

Những ngày đầu đi học lớp 10, gia đình đã quyết định thuê nhà trọ gần trường để em thuận tiện hơn trong việc di chuyển. Thời gian này, mẹ là người đồng hành cùng em trên con đường tới trường hàng ngày. Tuy nhiên, khi đã quen với môi trường học tập, em đã xin phép bố mẹ cho em được tự đi lại trên chiếc xe lăn điện từ nhà tới trường

Sự tảo tần chăm sóc, động viên của mẹ cùng niềm tin, hy vọng, kiên trì của bố đã giúp Phương Nam tự tin mở ra cánh cửa mới cho tương lai mình. Phương Nam là trường hợp khuyết tật thuộc diện xét tuyển thẳng vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Để trở thành sinh viên của trường đại học danh giá, "nữ sinh đặc biệt" này đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Không chỉ vượt lên những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày mà em phải chiến đấu với chính mình bằng việc vượt qua rất nhiều mặc cảm, những ánh mắt thương hại từ mọi người.

Đường đến giảng đường của Đinh Phương Nam trải qua rất nhiều khó khăn vất vả

Phương Nam chia sẻ: Thầy cô giáo và bạn bè đã giúp đỡ em rất nhiều, khiêng cả em và xe lên lớp học ở tầng cao. Chính nhờ sự động viên của mọi người, em thấy mình càng phải có gắng hơn.

Dù biết học khối kỹ thuật sẽ vất vả nhưng em sẽ cố gắng hết sức mình. Em nghĩ, không có gì là không thể, chỉ cần cố gắng thì mình sẽ làm được. Nhà em có hai anh em đều thích Bách khoa. Anh trai em không đỗ được vào Bách khoa nên em quyết tâm đặt ra mục tiêu phải học thật tốt để vào Bách khoa.

Khi được hỏi lý do em chọn chương trình công nghệ thông tin Việt – Nhật, Phương Nam cho biết: Từ nhỏ em đã thích công nghệ thông tin. Hơn nữa, khi em bị liệt cả hai chân thì việc học ngành này sẽ dễ dàng nhất trong các ngành và mang lại cho em nhiều cảm hứng nhất. Đặc biệt là em cũng rất thích tiếng Anh nên em càng có động lực để lựa chọn chương trình Việt – Nhật.

Là tân sinh viên của Đại học Bách khoa là niềm vui lớn đối với Phương Nam. Tuy nhiên mọi người vẫn lo lắng trước chặng đường học tập phía trước của cô gái đầy nghị lực này.

Anh Đinh Văn Đông, bố của Phương Nam trăn trở: Con bị liệt từ bụng xuống chân nên bắt buộc phải có người giúp con các vấn đề sinh hoạt hàng ngày. Thuê một người ở cùng con để lo việc ăn ở của con thì không khó nhưng lo những vấn đề khác cho con thì thực sự không đơn giản.

Với tình trạng sức khỏe của con, chỉ có thể ở ký túc xá cho tiện việc đi lại. Tuy nhiên, con không thể ở cùng các bạn khác nên phải thuê một phòng riêng cho con. Việc con đi học xa nhà khiến vợ chồng tôi không yên tâm.

“Ban đầu, chúng tôi định hướng cho con học ở trường ngay thành phố Nam Định nhưng con không chịu. Ước mơ của con là được học công nghệ thông tin và con chỉ có duy nhất nguyện vọng ấy nên dù khó khăn, tốn kém thế nào chúng tôi cũng giúp con thực hiện. Con đã rất thiệt thòi nên chúng tôi chỉ mong con được làm những điều con thích, được sống vui nhất có thể”.

- Theo GD & TĐ -