65 giáo sư, 641 phó giáo sư được công nhận mới
22/11/2009(GD&TĐ)- Ngày 20/11, Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2009 đã được tổ chức long trọng tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Theo Giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, đợt xét năm 2009 là đợt xét dồn của 2 năm 2008 - 2009. Có tổng số 1.176 hồ sơ đăng ký đề nghị công nhận, trong đó có 164 hồ sơ xin xét đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư và 1.003 hồ sơ xin xét đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư. Kết quả, Hội đồng đã xét và phong tặng 65 Giáo sư và 641 Phó giáo sư. Trong 65 giáo sư được xét phong tặng có 57 nhà giáo thuộc biên chế của các trường học và các học viện, 8 nhà giáo thuộc viện nghiên cứu. Trong số 641 Phó Giáo sư được phong tặng có 572 nhà giáo thuộc biên chế của các trường đại học, học viện”.
GS trẻ tuổi nhất trong đợt phong tặng này là ông Võ Văn Hoàng (sinh năm 1964) ĐH QG TP.Hồ Chí Minh, ngành Vật lý. PGS trẻ nhất là ông Bùi Thế Duy (sinh năm 1978), ĐH Quốc gia Hà Nội.
GS cao tuổi nhất trong đợt phong tặng lần này là ông Lê Hồng Kế, 69 tuổi, ngành Kiến trúc, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. PGS cao tuổi nhất là ông Lương Kim Chung, 71 tuổi, ngành Thể dục - Thể thao.
Đặc biệt, có 3 GS, PGS đã được bổ nhiệm tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài (Mỹ và Nhật Bản) nộp hồ sơ để được xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam. Đó là nhà giáo Vũ Hà Văn, 39 tuổi, được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Toán học ở ĐH Rutgers, Mỹ; nhà giáo Thái Duy Bảo, 48 tuổi, đã được bổ nhiệm chức danh PGS ngành Ngôn ngữ ở ĐH Nagoya, Nhật Bản; nhà giáo, bác sĩ Trần Hải Anh, 39 tuổi, đã được bổ nhiệm Phó Giáo sư ngành Y học ở ĐH Toyama của Nhật Bản.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Từ năm 1980 đến nay tổng cộng đã phong, công nhận 1.336 GS và 7.062 PGS. Phỏ Thủ tướng khẳng định, các GS, PGS là tinh hoa trí tuệ, văn hóa của Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho đất nước. Khi được Nhà nước công nhận thì trách nhiệm của các thầy cô lại nặng nề hơn, cần tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục như đào tạo ra các tiến sĩ, vì hiện nay,100 giảng viên mới có 1 tiến sĩ, quá ít so với đòi hỏi của thực tế”.
Đan Thảo
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia