Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Bạn cần biết: Chương trình “Mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm” ( OCOP)

Bạn cần biết: Chương trình “Mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm” ( OCOP)

01/06/2020

Chương trình “Mỗi xa, phường một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP)  là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Mục tiêu của chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Việc thực hiện chương trình OCOP đang mở ra hướng phát triển với các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở các vùng miền. Nhiều sản phẩm có chất lượng tốt từ chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong nước, có mặt trên một số chuyến bay quốc tế.
Chương trình OCOP cũng đã góp phần mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân trong việc phát triển kinh tế, làm chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân, nhất là ở vùng nông thôn trong việc thay đổi tập quán sản xuất cũ, nhỏ lẻ, tự phát.
Không chỉ đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, chương trình OCOP còn có ý nghĩa trong việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Trong các nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động của chương trình Khởi nghiệp, liên hệ với các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tham gia chương trình OCOP, tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế giúp học sinh tìm hiểu, học hỏi về các sản phẩm OCOP của địa phương, qua đó hình thành cho các em định hướng về nghề nghiệp, phù hợp với phát triển ngành nghề của địa phương, của tỉnh.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, sự quan tâm phối hợp thực hiện của các cấp, ngành, địa phương đến nay Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020 của tỉnh Nam Định đã đạt được những kết quả tích cực.
Tại huyện Ý Yên, Công ty TNHH Toản Xuân là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Sản phẩm “Gạo sạch Toản Xuân” đã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP với số điểm tương đương xếp hạng 5 sao.
           
Ngoài sản phẩm gạo sạch Toản Xuân, toàn tỉnh Nam Định đã có 36 sản phẩm của 19 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên. Trong đó, huyện Hải Hậu có 14 sản phẩm, huyện Ý Yên có 4 sản phẩm, huyện Giao Thủy có 3 sản phẩm, huyện Trực Ninh có 3 sản phẩm và thành phố Nam Định có 12 sản phẩm. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận qua hơn 1 năm thực hiện Chương trình. Qua đánh giá chấm điểm, 22 sản phẩm dự tuyển của các huyện, Hội đồng cấp tỉnh đã lựa chọn xếp hạng 1 sản phẩm đạt 5 sao là gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân; 14 sản phẩm đạt hạng 4 sao là: giò nóng 7 phút - Nam Phát, dồi sụn nướng -  Nam Phát của Công ty Cổ phần đầu tư Nam Phát; muối hạt sạch, muối biển nhạt Royal của Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định; khoai tây sấy vị tự nhiên, khoai tây sấy vị phô mai, ngô nếp tươi sấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Dương; nghêu sạch Lenger của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Lenger Việt Nam; tép moi sấy khô, chả cá Hùng Vương của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hải sản Hùng Vương; Ngao sạch Giao Thủy của Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung; rau muống, giá đỗ, rau mùng tơi của Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh; 7 sản phẩm đạt hạng 3 sao là: dưa chuột Nhật; rau muống; đậu bắp của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường; giò jambon - Nam Phát của Công ty Cổ phần đầu tư Nam Phát; trứng gà sạch; thịt gà sạch của Công ty Cổ phần Vina - HTC; kẹo sừu châu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Dương
Hiện nay, đa phần người tiêu dùng khi được hỏi đều cho biết, một trong những tiêu chí quan trọng để họ lựa chọn, quyết định mua sản phẩm chính là chất lượng an toàn vệ sinh của sản phẩm. Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần khuyến cáo hợp tác xã, doanh nghiệp phải tiếp tục hoàn thiện, nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, tạo tiền đề thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh tiếp tục phát triển.

 
- Ban thông tin tuyên truyền -