Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Bí quyết thạo 3 kỹ năng chiếm lĩnh kiến thức Sinh học

Bí quyết thạo 3 kỹ năng chiếm lĩnh kiến thức Sinh học

06/10/2016

Dưới đây là những chia sẻ của giảng viên Lê Thị Thanh (Trường ĐH Đồng Tháp) giúp người học những kinh nghiệm hay trong việc sử dụng đúng và có hiệu quả 3 kỹ năng này trong học Sinh học.

Kỹ năng nghe để duy trì hứng thú học

Một tiết dạy, thời gian nghe chiếm 2/3, nếu người nghe hiểu được nội dung và ý định của người giảng, tự suy nghĩ và phát hiện những vấn đề trong khi nghe thì việc nghe mới thu được nhiều kiến thức.

Do đó, khi ngồi học, học sinh phải tập trung chú ý đến bài thì mới hiểu nội dung của bài từ đó mới hiểu bài khác hoặc liên hệ thực tế tốt. Các kiến thức ở các mục trong bài hoặc các bài trong chương thường có sự xâu chuỗi.

Nếu không tập trung, kiến thức thường bị gián đoạn, dẫn đến không hiểu bài hoặc phải mất công sức và thời gian để củng cố; đặc biệt sẽ khó khăn khi thực hành nếu kiến thức bài thực hành có liên quan tới lý thuyết.

Ngược lại, khi người học tập trung nghe giảng sẽ thấy được sự thú vị của bài học, môn học, kích thích tinh thần ham học hỏi, tránh nhàm chán khi học.

Ví dụ, bài 5 trong chương trình Sinh học 8 - "Quan sát tế bào và mô", để học tốt bài này, học sinh cần nắm rõ kiến thức về tế bào trong bài 3 và kiến thức mô trong bài 4.

Kỹ năng để nghe tập trung cũng như các kỹ năng khác phải được rèn luyện kiên trì mới hình thành, khi đã hình thành phải thường xuyên củng cố, duy trì.

Kết hợp nghe và ghi chép

Để chắc chắn việc ghi nhớ kiến thức, người học thường phải kết hợp nghe và ghi chép. Kiến thức ghi nhận qua hình thức nghe có thể mờ nhạt nếu trí nhớ kém, nhưng ghi chép sẽ lưu lại bằng chứng trên giấy giúp in đậm kiến thức vào não, bởi nghe ghi vào não lần một, ghi chép sẽ ghi nhận kiến thức lần hai. Ngoài ra, khi tự học ở nhà, học sinh sẽ có cơ sở xem lại.

Tuy nhiên, cần lưu ý việc ghi chép phải cẩn thận, đầy đủ, chính xác, sáng tạo những kiến thức mới, nội dung chính của bài; đánh dấu những kiến thức chưa rõ hoặc đang phân vân để kiểm tra, tìm tài liệu đọc thêm hoặc hỏi giáo viên.

Sau khi ghi chép, cần có thời gian kiểm tra lại hệ thống ghi chép trong vở. Để có đầy đủ kiến thức học sinh cần tập ghi nhanh, một số chữ phổ biến nên ghi tắt hoặc dùng kí hiệu, ví dụ tế bào viết tắt là TB, nhiễm sắc thể viết tắt là NST...

Học sinh chú ý ghi ý chính, kết quả thí nghiệm phải ghi trung thực, các bước thực hành phải ghi theo thứ tự rõ ràng. Các công thức tính (phần di truyền) hay một số kiến thức thường dùng, trọng tâm nên đánh dấu, bôi đỏ hoặc đóng khung để dễ tra cứu.

Đọc và biết cách đọc tài liệu

Đọc và biết cách đọc tài liệu giúp thu thập, mở rộng kiến thức và bồi dưỡng năng khiếu. Không nên đơn thuần chỉ đọc tài liệu mà cần đọc kiến thức liên môn, liên ngành theo hệ thống.

Ví dụ, để hiểu tế bào phải đọc kiến thức về hóa sinh tế bào về sinh lý tế bào; để hiểu học thuyết Đacuyn cần đọc thêm cuốn “Nguồn gốc các loài”, để hiểu quần thể, quần xã đọc cuốn “Sinh thái học”... bên cạnh kiến thức trong sách giáo khoa.

Đọc có hệ thống có nghĩa là đã logic được kiến thức với nhau theo hệ thống. Ví dụ đọc về tế bào rồi mới đến mô, cơ quan, hệ cơ quan, cơ thể hay muốn đọc về động vật phải đọc và có kiến thức về phân loại, hình thái, sinh học và sinh thái học của động vật.

Bên cạnh đó, đọc một tài liệu không chỉ học hỏi về kiến thức mà còn học về cách trình bày và hướng giải quyết một vấn đề khoa học, ngoài cách giải quyết vấn đề như vậy còn có cách giải quyết khác không?

Đọc không chỉ chú trọng số lượng trang sách mà quan trọng là lĩnh hội được gì? Nảy sinh và phát hiện vấn đề gì? Học hỏi được điều mới, điều bổ ích không?...

Tự học cần tiến hành trên nhiều môn nhất là những môn cùng lĩnh vực. Để học tốt môn Sinh học cũng phải chắc kiến thức các môn tự nhiên khác như Toán học, Hóa học, Vật lý, Ngoại ngữ...

Tự học lý thuyết phải được gắn liền với liên hệ thực tế, thực hành, thí nghiệm để lý thuyết được củng cố, vững bền và vận dụng vào thực tiễn.

Cần có kế hoạch tự học cụ thể

Một vấn đề cũng hết sức quan trọng giúp học sinh nắm vững kiến thức là kế hoạch tự học theo từng chủ đề, chương, bài hay nội dung cụ thể trong thời gian nhất định; sau đó hành động để thực hiện mục tiêu đặt ra.

Hiện nay, trên thị trường cung cấp nhiều tài liệu tham khảo hẹp, ví dụ sách tham khảo về di truyền có tài liệu hướng dẫn cách giải bài tập di truyền, câu hỏi và bài tập di truyền biến dị.

Tự học phần nào, học sinh nên tìm tài liệu liên quan rồi nghiên cứu phần đó. Kiến thức khi được tích lũy, muốn duy trì phải thường xuyên củng cố, ôn luyện.

Khi tự học, nhiều vấn đề nảy sinh được giải quyết trong thảo luận giữa người học với nhau hoặc với người dạy, nhưng trước đó hãy tự giải quyết và tư duy dựa vào kiến thức đã có và tư liệu tham khảo.

"Phong cách học tập của mỗi người xuất phát từ thói quen, nếu thói quen học tập đó mang lại hiệu quả trong học tập thì nên củng cố thường xuyên, duy trì, nếu thói quen học tập đó không đem lại kết quả học tập tốt thì nên thay đổi để nhằm đạt đến kết quả tốt hơn".

-Theo Báo mới -