Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Bộ Giáo dục giải đáp những câu hỏi về thi trắc nghiệm

Bộ Giáo dục giải đáp những câu hỏi về thi trắc nghiệm

19/09/2016

Những ngày qua, thi trắc nghiệm được nhiều thí sinh quan tâm. Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, mọi câu hỏi gửi về Bộ qua website hoặc đường bưu điện sẽ được Bộ kịp thời trả lời.

Những thay đổi của học sinh khi chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) cho biết, trắc nghiệm khách quan (TNKQ) hay tự luận chỉ là hình thức của câu hỏi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Cùng một nội dung kiến thức có thể kiểm tra bằng câu hỏi TNKQ hoặc tự luận. Câu hỏi tự luận không cho trước đáp án mà đòi hỏi thí sinh phải "tìm" đáp án; còn câu hỏi TNKQ thì học sinh phải "chọn" đáp án trong số những lựa chọn của câu hỏi. Để "chọn" được đáp án đúng thì thí sinh phải biết "tìm" đáp án một cách nhanh chóng và chắc chắn. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai hình thức này là thí sinh phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi tự luận) hay không phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi TNKQ). Như vậy, hình thức câu hỏi TNKQ hay tự luận không ảnh hưởng gì đến cách dạy và cách học. Dù câu hỏi theo hình thức nào thì học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kĩ năng thì mới "tìm" rồi "chọn" được đáp án đúng một cách nhanh nhất, chắc chắn nhất.

Bo Giao duc giai dap nhung cau hoi ve thi trac nghiem - Anh 1

Nhiều thí sinh lo lắng về thi trắc nghiệm.

Nhiều thí sinh thắc mắc với hình thức thi mới này thì sách giáo khoa có những thay đổi gì không. Đại diện Bộ GD – ĐT cho rằng, sách giáo khoa trong chương trình, cung cấp tri thức nền tảng, hệ thống, toàn diện và được lựa chọn theo các quy luật sư phạm; hướng dẫn hoạt động học, hỗ trợ hoạt động dạy. Vì vậy, không có sách giáo khoa nào biên soạn riêng cho thi tự luận hay cho thi TNKQ.

Dù là thi theo hình thức tự luận hay TNKQ thì học sinh vẫn cần phải nắm vững và sử dụng cùng một kiến thức, kĩ năng theo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thể hiện trong sách giáo khoa để trả lời câu hỏi. Gần mười năm nay các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức TNKQ nhưng giáo viên và học sinh vẫn sử dụng sách giáo khoa hiện hành để dạy-học và vẫn cho kết quả tốt, điều đó cho thấy việc dùng sách giáo khoa hiện hành không ảnh hưởng gì đến việc thi theo hình thức TNKQ hay tự luận.

Mặc dù cấu trúc bài thi TNKQ có thay đổi so với các năm trước (với các bài Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội) nhưng hình thức câu hỏi TNKQ và phương án trả lời sẽ không thay đổi so với trước đây. Vì vậy, sẽ không gây khó khăn gì cho thí sinh khi làm bài thi TNKQ. Về cơ bản mẫu Phiếu trả lời trắc nghiệm của các môn thi độc lập sẽ giữ như năm 2015, 2016. Phiếu trả lời trắc nghiệm của các bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội sẽ bố trí phù hợp với yêu cầu thi các môn thành phần. Việc chấm thi bằng máy sẽ thực hiện tương tự như những năm trước: bài thi của thí sinh với mã đề thi xác định sẽ được quét vào máy tính, phần mềm chấm sẽ nhận dạng phương án trả lời của thí sinh, đối chiếu với đáp án để quy điểm. Bộ sẽ cung cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm và yêu cầu các Hội đồng thi thống nhất sử dụng phần mềm chấm thi này để đảm bảo an toàn trong chấm thi và độ tin cậy của kết quả thi.

Phân biệt bài thi tổ hợp và thi trắc nghiệm được làm như thế nào

Các bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH) là bài thi tổ hợp, mỗi bài thi gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác. Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhằm hạn chế việc thí sinh có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Để được xét tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc, thí sinh chọn thi thêm bài thi KHTN hoặc bài thi KHXH. Nếu có nguyện vọng, thí sinh có thể thi cả 2 bài thi này để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ nhiều ngành khác nhau. Khác với các năm trước, năm nay thí sinh biết trước các môn thi ngay từ đầu năm, do đó giúp thí sinh chủ động hơn trong ôn tập.

Để có bộ đề thi trắc nghiệm chuẩn hóa với yêu cầu đánh giá và phân loại được thí sinh một cách rõ ràng, khách quan nhất thì cần phải có thời gian chuẩn bị, sử dụng thử, điều chỉnh...

Hiện nay, Bộ GD- ĐT đang phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội (đơn vị đã được giao thí điểm đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2013 và đã áp dụng thành công việc sử dụng đề TNKQ để đánh giá năng lực thí sinh) rà soát, đánh giá, chuẩn hóa đề thi thêm một bước nữa cho phù hợp với mục đích của kỳ thi THPT quốc gia, bổ sung ngân hàng câu hỏi để xây dựng đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Dự kiến đề thi minh họa sẽ được công bố đầu tháng 10 tới để thí sinh biết định dạng của đề thi, yên tâm ôn tập.

Các đề thi trắc nghiệm môn Toán đang lan truyền trên mạng xã hội không phải là đề thi minh họa của Bộ. Thí sinh nên tham khảo ý kiến các thầy cô giáo khi nghiên cứu các đề thi này, tránh nhầm lẫn với đề thi minh họa chính thức của Bộ GD- ĐT. Đề thi minh họa của Bộ sẽ công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ: http://www.moet.gov.vn

 
- Theo Báo mới -