Bộ Giáo dục và Đào tạo trao thưởng cho 213 bài giảng điện tử của giáo viên
20/10/2022Ngày 8.10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức trao thưởng cho 213 bài giảng điện tử của các nhà giáo trên cả nước, trong đó có 12 giải nhất cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử năm 2021.
42.983 bài giảng điện tử dự thi
Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp với Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức.
Báo cáo tổng kết cuộc thi, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) Nguyễn Sơn Hải cho biết, sau khi phát động cuộc thi trên phạm vi toàn quốc, đến ngày 11.11.2021, ban tổ chức đã tiếp nhận 42.983 sản phẩm dự thi. Trong đó, ở bậc mầm non có 1.035 bài, tiểu học có 20.253 bài, THCS có 15.524 bài và THPT có 6.171 bài.
Sản phẩm bài giảng điện tử tập trung nhiều vào các môn học thuộc lớp 1, 2 và lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018 với 16.000 sản phẩm (chiếm 36%).
Bộ GDĐT đã thành lập các hội đồng giám khảo gồm đội ngũ các chuyên gia giàu kinh nghiệm để tổ chức đánh giá, thẩm định chuyên môn và xét giải cuộc thi.
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, cuộc thi lần này đã đổi mới mạnh mẽ về cách thức tổ chức dựa trên công nghệ số. Toàn bộ thông báo của ban tổ chức, giấy chứng nhận đều được thực hiện trực tuyến tới các thầy cô giáo qua nền tảng igiaoduc.vn.
Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, thành công lớn nhất của cuộc thi là tạo phong trào, sự lan toả mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo từ cấp mầm non đến đại học tinh thần làm quen và làm chủ công nghệ, sự đổi mới sáng tạo trong dạy và học.
Mỗi bài giảng đều chứa tâm huyết của mỗi nhà giáo nhằm mang đến những tri thức, điều tốt đẹp nhất cho người học.
Qua cuộc thi còn góp phần xây dựng xã hội học tập, khuyến khích sự học hỏi lẫn nhau để nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực tự học của mỗi nhà giáo.
Tôn vinh sự sáng tạo
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc Bộ GDĐT tổ chức cuộc thi là nhằm mục đích xây dựng kho học liệu số dùng chung, miễn phí, để nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo viên, nhà trường, đồng thời tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của nhà giáo góp phần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.
Cuộc thi ngay từ lần đầu tổ chức đã tạo ra phong trào thi đua xây dựng bài giảng điện tử rộng khắp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức cuộc thi ở cấp tỉnh, cấp huyện nhận được sự hưởng ứng của đông đảo giáo viên tham gia, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học tới từng nhà trường, từng giáo viên.
Nhiều diễn đàn, nhiều kênh giao tiếp được lập ra trên môi trường mạng để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng bài giảng điện tử, trao đổi nghiệp vụ rất sôi nổi. Sau mỗi lần cuộc thi được tổ chức, phong trào thi đua xây dựng bài giảng điện tử lại được lan tỏa sâu rộng hơn, chất lượng hơn, tích cực hơn.
Trên cơ sở nguồn kinh phí trao giải và thực tế số lượng bài dự thi, ban tổ chức đã quyết định trao thưởng cho 213 bài giảng. Trong đó, có 12 giải Nhất, 25 giải Nhì, 29 giải Ba, 40 giải Khuyến khích, 6 giải ý tưởng sáng tạo và 100 giải phong trào.
Ban tổ chức cũng đã lựa chọn được 2.130 bài giảng (bao gồm cả 213 bài giảng được giải) đưa lên kho học liệu số dùng chung, miễn phí toàn ngành để chia sẻ với các nhà trường, giáo viên, học sinh trên cả nước tại địa chỉ igiaoduc.vn.
Từ nhiều năm trước, kho học liệu này đã được giới thiệu đến tất cả các địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh trên toàn quốc để khai thác hiệu quả, đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, học sinh không được đến trường. Trong thời gian tới, ngành GDĐT tiếp tục cập nhật, bổ sung làm giàu kho học liệu này, đáp ứng nhu cầu học tập không chỉ trong ngành GDĐT mà cho toàn xã hội cùng khai thác, sử dụng.
Ngày 8.10, Bộ GDĐT đã trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho các nhà giáo đoạt giải.
Trong đó, 12 giải nhất đã thuộc về các tác giả:
- Nguyễn Thị Thu Uyên - Trường Tiểu học Lomonoxop, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Lê Văn Danh - Trường Tiểu học Phú Long, Phú Tân, An Giang
- Nguyễn Thị Thu Hà, Lương Y Phượng, Phạm Thị Nga, Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội
- Nguyễn Thành Hiệp, Trường Tiểu học Hòa Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai
- Nguyễn Thị Trúc Quỳnh, Nguyễn Hồng Ngọc, Trường Tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
- Nguyễn Mạnh Tuyển - Trường THCS Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội
- Tôn Lê Phương Dung, Trường THCS Hoàng Sa, Sơn Trà, Đà Nẵng.
- Nguyễn Thị Thùy Dung - Trường TH Đạ Sar, Lạc Dương, Lâm Đồng; Nguyễn Nhật Minh Đăng - Trường TH Thạnh Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng; Nguyễn Bích Ngọc - Trường TH Lê Lợi, Đạ Tẻh, Lâm Đồng.
- Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Hải, Dương Thị Ngà, Trường THCS Đặng Thai Mai, TP.Vinh, Nghệ An
- Lê Khánh Linh - Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, Thanh Kê, Đà Nẵng
- Nguyễn Văn Nam, Lê Hồng Quý, Trường THCS Lộc Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình.
- Phạm Hồng Mơ, Trường THPT Phước Long, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh.
- Theo laodong.vn -
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia