Đất học Thiên Trường - Nam Định
06/10/2012(Báo Nam Định) Thiên Trường - Nam Định là một trong những địa danh nổi tiếng về truyền thống hiếu học. Trên mảnh đất khoa cử này, việc học hành được nhân dân coi trọng, không chỉ là đạo lý “Tôn sư trọng đạo” thông thường, dường như đã trở thành phong cách sống, phạm trù đạo đức để mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ, làng xã noi theo. Mảnh đất biết bao tinh anh địa linh nhân kiệt, kết hợp kỳ diệu với những thơm thảo hữu tình của vùng quê phì nhiêu Nam đồng bằng sông Hồng đã góp phần chung đúc nên tài năng nhiều bậc tiên hiền.
Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp các nhà khoa bảng đất Thiên Trường - Nam Định trong các triều đại phong kiến, chúng ta nhận thấy những bài học vô cùng quý báu.
1. Các bậc đại khoa, trước khi thành đạt chủ yếu xuất thân từ các gia đình nghèo, gắn bó với cuộc đời gian khổ chân lấm tay bùn của người lao động, nhưng ham học, thông minh và có ý chí vươn lên. Quê hương chính là chiếc nôi nuôi dưỡng vun đắp mơ ước và khát vọng cao đẹp của họ. Trạng nguyên Nguyễn Hiền, vị trạng nguyên trẻ tuổi nhất (12 tuổi) trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam, vốn mồ côi cha từ nhỏ. Người mẹ nghèo thấy ông sáng dạ đã gửi ông cho cụ sư chùa Hà Dương (làng Dương A, Nam Thắng, Nam Trực). Ông bắt đầu nổi danh “thần đồng” khi ông thông thuộc kinh sách rất mau lẹ. Trong bài viết kỳ thi đình đậu Trạng nguyên (năm 1247), ông đã đặt tên cho bài thi “Áp tử từ kê mẫu du hồ phú” (Bài phú vịt con từ giã mẹ gà đi chơi hồ nước), gọi tắt là bài phú “Mẹ gà con vịt”. Ông đã lấy một hình ảnh có thực từ cuộc sống dân dã, với cảm quan trẻ trung tài hoa và minh triết của vị niên thiếu đầy mẫn cảm, rồi khái quát đạo lý làm người. Không có cuộc sống hồn nhiên, sinh động phong phú và đầy ắp tình cảm nhân văn, không thể có triết lý nhân sinh thấm thía như vậy. Chính ông, thuở còn là một cậu bé chăn trâu linh lợi đã làm cho sứ Tàu phải kinh ngạc, khi ông tìm ra giải pháp đơn giản nhưng đầy chất trí tuệ để xâu sợi chỉ mỏng manh qua vỏ con ốc nhồi. Sau khi đậu Trạng nguyên, được triều đình tin tưởng giao trọng trách đi đánh giặc Chiêm, cũng như đảm trách việc đắp đê quai vạc sông Hồng mở mang nghề nông, bảo vệ mùa màng bội thu, ông luôn tận trí, tận tâm, tận lực với chí khí của bậc đại khoa. Ông được nhà vua quý trọng ban tặng “Đệ nhất hiền quý quan”.
Em Trần Thị Mai Hương, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định đoạt huy chương Đồng trong kỳ thi Ô-lim-píc quốc tế năm 2012, môn Hoá học (thứ 4 từ trái sang). |
2. Tuổi trẻ và sự hình thành những ý tưởng thông minh luôn đồng hành trong quá trình hình thành nhân cách danh nhân của các nhà khoa bảng. Con đường học hành thành đạt, lập thân lập nghiệp của các bậc đại khoa Thiên Trường - Nam Định hanh thông khi tuổi đời còn rất trẻ. Trạng nguyên Nguyễn Hiền đậu trạng nguyên năm 1247 mới 12 tuổi; Trạng nguyên Đào Sư Tích đậu trạng nguyên năm 1374 khi 24 tuổi; Trạng nguyên Lương Thế Vinh đậu trạng nguyên năm 1463 khi 23 tuổi; Trạng nguyên Trần Văn Bảo đậu trạng nguyên năm 1550 khi 27 tuổi. Hoàng giáp Trần Bích San đậu Giải nguyên khoa Giáp Tý 1864 lúc 26 tuổi, đậu Hội nguyên và Đình nguyên Hoàng giáp năm1865 lúc 27 tuổi…
Các em Bùi Xuân Hiển và Đinh Việt Thắng, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định đoạt huy chương Đồng trong kỳ thi Ô-lim-píc quốc tế năm 2012 môn Vật lý (thứ 3, thứ 4 từ trái sang). |
3. Một sự trùng phùng kỳ diệu đã trở thành truyền thống cao đẹp của mảnh đất hiếu học này là: Có dòng họ hiếu học và có cháu con phương trưởng, có thầy giỏi và có trò giỏi, có cha tài và con giỏi nối nghiệp. Câu nói dân dã ca ngợi các vùng quê có nhiều người học giỏi: “Ông đồ Thành Nam”, “Ông đồ xứ Nghệ”, “Ông đồ xứ Quảng”… đã khẳng định vị trí của đất học Thiên Trường - Nam Định. Tìm hiểu con đường học hành thành đạt của các bậc đại khoa Thiên Trường - Nam Định ta thấy nhiều điều thú vị.
Trạng nguyên Đào Sư Tích (sinh tại Cổ Lễ, Trực Ninh) sinh trưởng trong một dòng họ (Đào tộc) giàu truyền thống khoa bảng. Cụ Đào Toàn Bân, cha của Trạng nguyên Đào Sư Tích đã từng đậu Hoàng giáp năm 1362 và được bổ nhiệm Thượng thư bộ Lễ. Cụ có ba học trò đều đậu giải cao: Học trò Đào Sư Tích là con trai cụ đỗ Trạng nguyên, học trò Lê Hiến Giản đỗ Phó bảng, học trò Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sỹ; cả bốn thầy trò đều làm quan trong triều. Trạng nguyên Lương Thế Vinh cũng có hai học trò đỗ đạt cao như tiến sỹ Nguyễn Tất Đạt (Thái Bình), bảng nhãn Lương Đắc Bằng (Thanh Hóa). Trạng nguyên Trần Văn Bảo làng Cổ Chử (Nam Trực) là một danh sỹ nổi tiếng từng được vinh danh (cùng với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) là bậc “Đức nghiệp chi Nho”. Ông xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, thân mẫu phải đi cấy thuê để kiếm sống, rồi bị chết vì đói rét. Lúc đó ông còn quá nhỏ. Ông đã dụng công học hành, tu thân tích đức để thay đổi số phận, đồng thời nuôi dạy con cái để nên người. Ông có ba người con trai thành đạt, trong đó có hai con trai đỗ đạt: con lớn Trần Đình Huyên, đỗ Tiến sỹ năm 1586 được bổ nhiệm làm quan đến chức Công khoa đô cấp sự trung; con thứ Trần Văn Thịnh đỗ khoa Tứ trường, được làm đến Thượng thư trong triều đình. Làng Hành Thiện nổi tiếng là vùng đất học. “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, làng Cổ Am thuộc đất Hải Phòng, làng Hành Thiện của Xuân Trường (Nam Định) nổi danh với dòng họ Đặng. Tiến sỹ tam giáp đệ nhất danh Đặng Xuân Bảng là một nho sỹ khoa bảng nổi tiếng của Hành Thiện. Ông nội của tiến sỹ là cụ Đặng Nguyên Quế một nhà nho chuyên tâm nghề dạy học. Thân phụ của tiến sỹ là cụ Đặng Viết Hòe đã từng đỗ 7 khoa Tú tài. Tiến sỹ Đặng Xuân Bảng thuở nhỏ được học từ chính người cha ruột của mình. Năm 18 tuổi ông thi đỗ Tú tài, năm 22 tuổi đỗ Cử nhân, năm 28 tuổi đỗ Tiến sỹ. Tiến sỹ được triều đình giao nhiều trọng trách ở nhiều tỉnh, thành, trước khi về hưu cụ là đốc học Nam Định. Đồng chí Trường Chinh (Đặng Xuân Khu) nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCNVN, là con trai nhà nho làng Hành Thiện Đặng Xuân Viện và chính là cháu nội của Tiến sỹ Đặng Xuân Bảng.
Các em Trần Đức Huy, HCĐ và Nguyễn Thu Trang, HCB môn Sinh học, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định đoạt huy chương trong kỳ thi Ô-lim-píc quốc tế năm 2012 (thứ 3, thứ 4 từ trái sang) |
5. Tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương Thiên Trường xưa, ngày nay đất học Nam Định đã phát huy lên tầm cao mới. Bao ước ao khát vọng của cha ông nay đang trở thành hiện thực. Đất học Nam Định đã hoàn thành phổ cập tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đang triển khai phổ cập trung học phổ thông. Nơi đây đã ươm mầm nhiều tài năng trẻ, chắp cánh cho hàng nghìn con em nhân dân lao động thành đạt nên người, trong đó nhiều tấm gương vượt khó học giỏi, giành các giải học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Tên tuổi các vị đại khoa Thiên Trường - Nam Định đã trở thành tên các trường học của Nam Định: Trường Đại học Lương Thế Vinh, Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản), Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Nam Định); Trường THPT Trần Văn Bảo (Nam Trực), Trường THCS Nguyễn Hiền (Nam Trực), Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh), Trung tâm GDTX Vũ Tuấn Chiêu, Trường THPT Phạm Văn Nghị (Ý Yên), Trường THCS Trần Bích San (TP Nam Định)…
Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. Tìm hiểu nghiên cứu về những tấm gương hiếu học của cha ông ta, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý báu đối với sự nghiệp “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương đất nước.
Đã có 750 năm mảnh đất này được mang tên Thiên Trường - Nam Định. Trước những di sản đồ sộ về văn hóa trên đất Thiên Trường - Nam Định, việc tìm hiểu nghiên cứu những giá trị văn hoá kết tinh trong các danh nhân sẽ còn là công việc đòi hỏi nhiều công sức của các thế hệ. Bài viết này bày tỏ lòng ngưỡng mộ, niềm tự hào và sự trân trọng thành kính đối với những tấm gương hiếu học và thành đạt của cha ông chúng ta./.
Nam Định, tháng 8 năm 2012
Ths Nguyễn Công Thành
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia