Đổi mới thi 2017: Thi THPT dự kiến sẽ có 5 bài thi
05/09/2016Bộ GD&ĐT vừa có dự thảo ban đầu về đổi mới phương án thi năm 2017. Theo đó, Bộ dự kiến sẽ giao cho các Sở GD&ĐT dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh/thành phố. Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi. Dự thảo này Bộ GD&ĐT sẽ công bố rộng rãi lấy ý kiến trong thời gian tới.
Theo Tiền phong đưa tin, đối với việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp, Bộ dự kiến sẽ giao cho các Sở GD&ĐT dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh/thành phố. Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi.
Cách thức ra đề thi cũng dự kiến với 5 bài thi. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh có quyền lựa chọn một trong 2 bài thi khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên để làm bài. Dự kiến bài thi theo định dạng tổng hợp ở kỳ thi THPT sẽ được thiết kế để thi trên giấy.
Về tuyển sinh ĐH: Có hai phương án tuyển sinh ĐH được đưa ra, đó là Bộ GD&ĐT đứng lên tổ chức một kỳ thi chung, các trường có thể tự nguyện tham gia lấy kết quả xét tuyển, nhưng phải sử dụng chung một phần mềm do Bộ quy định để tránh tình trạng ảo như năm 2016. Hoặc các trường đứng ra tự tổ chức một kỳ thi nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không để xảy ra tình trạng luyện thi; thí sinh phải di chuyển về các thành phố lớn để thi như trước đây.
Sẽ công bố dự thảo phương án thi vào đầu năm học mới
Trước đó, trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, mặc dù nỗ lực đổi mới thi tuyển sinh tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được ghi nhận, nhưng đúng là vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Băn khoăn phổ biến nhất là khó có thể đạt được hai mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ khác nhau.
Thứ hai, xã hội băn khoăn rằng trên thực tế chỉ có khoảng 60-70 trường ĐH có tính cạnh tranh cao trong tổng số gần 450 trường ĐH, CĐ, vậy có cần thiết tổ chức thi chung để phục vụ tuyển sinh cho tất cả các trường? Thứ ba, nhiều người cũng đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức thi theo kiểu truyền thống như hiện nay hay chuyển sang phương thức thi hiện đại hơn theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực của thí sinh với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin?
Đến thời điểm này, Bộ đã nhận được văn bản của các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo.
Thống kê sơ bộ thì nhiều Sở GD&ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; trong khi đó các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình. Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ sớm công bố vào đầu năm học tới.
Góp ý thi năm 2017, trao đổi với Dân trí, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long cho biết, tôi ủng hộ ý kiến đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương. Điều này là đúng chức năng nhiệm vụ của các Sở GD&ĐT, làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông thống nhất từ năm đầu cấp đến năm cuối cấp ( lớp 12); Hơn nữa việc này cũng vừa khả thi và nhẹ nhàng, vừa đúng với hiện trạng giáo dục của chúng ta.
Còn đối với các trường đại học để các trường được tự chủ tuyển sinh là đúng luật Giáo dục. Lâu nay thì các trường vẫn tự chủ tuyển sinh tuy có một số khâu như ra đề, điểm sàn…vẫn do Bộ GD& ĐT đảm nhiệm. Khi tự chủ tuyển sinh, có một số điều cần phải lường trước và chủ động ngăn chặn để tránh hậu quả: sau vài năm tình trạng luyện thi có thể quay trở lại do áp lực cạnh tranh; chất lượng đầu vào đại học quá chênh lệch do áp lực nguồn thu của các trường, trong khi chất lượng nguồn nhân lực không được kiểm soát.
Đối với việc áp dụng bài thi đánh giá năng lực vào tuyển sinh ĐH, GS Long cho rằng, đối với đại học, phương cách tuyển sinh thi đánh giá năng lực như ĐHQG Hà Nội triển khai vừa qua cũng là một mô hình tốt, sau một khóa tốt nghiệp cần có tổng kết, rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên cách lựa chọn phương cách tuyển sinh phụ thuộc vào sứ mạng và mục tiêu của từng trường, phát triển trường theo định hướng nghiên cứu hay theo định hướng ứng dụng.
Đồng thời nếu tuyển sinh cho đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ hoặc các ngành nghề đặc thù hoặc các ngành nghề khác thì có thể chọn cách thi khác. Dù theo phương cách nào thì vẫn phải thi và vẫn phải quy định cứng các môn thi công cụ Toán, Văn, Ngoại ngữ vì 3 môn này đánh giá chính xác nhất năng lực của thí sinh, đồng thời là công cụ suốt cho cả quá trình lao động với tư duy sáng tạo sau này.
Đầu vào cũng chỉ là một tiêu chí của chuẩn chất lượng đào tạo đại học, nhưng trong quá trình đào tạo thì việc đảm bảo được tiêu chí này phải là nhân tố đầu tiên cần quan tâm .
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị đủ và chất lượng ngân hàng đề thi, hoặc giao cho một số trung tâm làm ngân hàng đề thi theo chuẩn mực quy định thì công tác tuyển sinh hoàn toàn giao cho các trường.
Theo ông Bành Tiến Long, năm 2017 nên giao ngay thi tốt nghiệp cho các địa phương. Kỳ thi được tổ chức ngay tại các trường phổ thông. Rất nhẹ nhàng, khả thi và đảm bảo chất lượng kỳ thi.
Đối với tuyển sinh đại học thì do các trường quyết định. Nhưng theo tôi là phải có thi. Điểm thi đầu vào đại học có hơi thấp nhưng phải mạch lạc, rõ ràng, đúng chất lượng. Không nên chỉ xét tuyển vào đại học theo học bạ. Việc vừa thi vừa xét chỉ thực hiện khi đã có kết quả các môn thi công cụ và chỉ xét môn định hướng chuyên ngành cho học đại học (nếu các trường có quy định).
Một số trường có thể tổ chức thi theo đánh giá năng lực như ĐHQG HN, phù hợp với tính chất đào tạo của trường.
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia