GS Ngô Bảo Châu: 'Sinh viên Mỹ tiến bộ nhanh vì tự học nhiều'
16/09/2016Nhiều năm nghiên cứu ở Pháp và hiện giảng dạy tại Đại học Chicago (Mỹ), GS Ngô Bảo Châu nhận thấy sinh viên Mỹ có kiến thức đầu vào, số giờ học Toán ít hơn, nhưng sau 4 năm kiến thức của họ lại vượt hơn hẳn sinh viên Việt Nam.
Chiều 12/9, GS Ngô Bảo Châu có cuộc trò chuyện thân mật với sinh viên Đại học FPT xoay quanh chủ đề đại học khai phóng, hệ thống giáo dục Mỹ và chia sẻ phương pháp học, cách nghiên cứu có hiệu quả.
Nhà toán học cho biết hầu hết đại học ở Mỹ là trường nghiên cứu với những chuyên ngành đào tạo khác biệt. Mỗi trường có thế mạnh riêng nên nhiều đại học quy mô không lớn nhưng rất có tên tuổi. Ông nhận thấy, vấn đề lớn nhất của đại học ở Việt Nam là hầu như không có nghiên cứu khoa học, hoặc có thì rất yếu và thường tách rời giữa nghiên cứu với đào tạo, cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác.
"Nhiều viện, trường có kết quả nghiên cứu không xứng với mức đòi hỏi của xã hội. Nếu không có nghiên cứu khoa học mạnh thì các trường khó tiếp cận trình độ quốc tế để cạnh tranh, xếp hạng kể cả với trường trong khu vực", ông nhận định.
GS Ngô Bảo Châu cho biết, phương pháp học có ảnh hưởng rất lớn đến nghiên cứu khoa học. Ảnh: Ngọc Thành. |
Thế giới có nhiều mô hình và đại học khai phóng (Liberal Arts College) là từ còn khá lạ lẫm với giáo dục Việt Nam. Ở môi trường này, sinh viên được học nhiều kiến thức chung thay vì đào tạo một ngành nghề cụ thể ngay từ ban đầu. Chương trình học thường có 1/3 là kiến thức bắt buộc như Triết học, Toán học, Vật lý, 1/3 là môn chuyên ngành, còn lại là các môn sinh viên được tự chọn theo sở thích. Ngay cả sinh viên học chuyên ngành y, bác sĩ hoặc luật thường chọn Liberal Arts College 4 năm trước khi thi vào trường chuyên ngành.
Điểm khác biệt của sinh viên chọn đại học khai phóng là sau khi tốt nghiệp, họ có thể sẵn sàng đối mặt với những khó khăn kể cả khi chưa có chuyên môn rõ ràng. Họ có vốn văn hóa, vốn kiến thức để khi rơi vào bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có khả năng tự tiến bộ. "Tôi rất thích mô hình đại học khai phóng của Mỹ nhưng nếu áp dụng vào Việt Nam thì có lẽ chưa phù hợp bởi cần điều kiện kinh tế. Nhưng sớm muộn gì Việt Nam cũng phải hình thành những ngôi trường này", GS Châu nói.
Ông cho rằng phương pháp học tập ảnh hưởng lớn đến sự tiến bộ. Có nhiều năm nghiên cứu ở Pháp và hiện giảng dạy tại Đại học Chicago (Mỹ), ông nhận thấy sinh viên Mỹ có kiến thức đầu vào, số giờ học Toán ít hơn so với sinh viên Pháp, Việt Nam. Nhưng trong 4 năm thì kiến thức của họ lại vượt hơn hẳn, một phần do thời gian tự học nhiều hơn.
Mỗi học kỳ sinh viên Mỹ chỉ học 3 hoặc 4 môn. Từ năm thứ hai, sinh viên có định hướng nghiên cứu rõ nét và thường tìm đến giảng viên giỏi trong khoa để trao đổi. Thời gian trao đổi giữa thầy trò không nhiều nhưng hiệu quả khá rõ rệt. Sinh viên thường tự tổ chức thảo luận (seminar) và mời giảng viên tham dự.
"Những hoạt động này đều do các bạn ấy tự đặt ra chứ không phải do giảng viên bắt buộc, có lẽ vì thế mà họ tiến bộ nhanh. Vậy mấu chốt là sự chủ động trong nghiên cứu khoa học và học tập", ông kết luận.
Thực hành nghiên cứu là bước rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của sinh viên. GS Ngô Bảo Châu nhắn nhủ sinh viên Việt Nam, đừng nghĩ nghiên cứu khoa học là điều gì cao xa, đôi khi đơn giản là tìm hiểu vấn đề cụ thể được đề cập đến trong một bài báo, tìm ra hướng đi mới trong công nghệ, kỹ thuật được người khác làm rồi. Miễn là làm một cách nghiêm túc, trung thực, đúng phương pháp, có sự hướng dẫn đầy đủ của giảng viên.
Nhà toán học đặt câu hỏi đến sinh viên "Các bạn có hạnh phúc khi học ở ngôi trường này không?" và nhận được câu trả lời của một nữ sinh "Chúng em thấy hạnh phúc vì có quyền được lên tiếng về cả tiêu cực lẫn tích cực". Song điều mà nữ sinh này không hài lòng là muốn trường tạo cơ hội, có hoạt động ngoại khóa lẫn thực hành nhiều hơn vì mục tiêu của sinh viên sau khi ra trường đều là công ăn việc làm.
GS Châu cho biết, ông cũng gặp nhiều áp lực trong cuộc sống và đến nay "còn chưa tìm ra phương pháp để khắc phục". Song điều ông có thể làm là giữ kỷ luật cho bản thân, luôn đúng giờ hẹn, học đúng tiến độ. Sinh viên nếu gặp thất bại vì học không đủ, không hiểu, bị điểm thấp thì cũng không nên gây áp lực cho bản thân. "Thay vì tự tạo sức ép cho mình thì hãy chấp nhận thất bại và dồn tâm sức để hoàn thành một điều gì đó và luôn duy trì cuộc sống có kỷ luật", ông nói.
Trước cuộc trao đổi, GS Ngô Bảo Châu cùng Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc đã có chuyến thăm trụ sở chính tập đoàn, tham quan Trung tâm dữ liệu (Data Center), Làng phần mềm Fville tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, không gian làm việc sáng tạo của gần 1.800 cán bộ nhân viên Công ty phần mềm FPT Software.
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia