Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Hai bộ sách về văn học, văn hóa Hàn Quốc và văn học, văn hóa Đông Á

Hai bộ sách về văn học, văn hóa Hàn Quốc và văn học, văn hóa Đông Á

20/08/2020

Sự quan tâm của công chúng nước ngoài đối với văn chương xử sở Kimchi, có thể trong một ít trường hợp, bắt đầu từ niềm say mê làn sóng văn hóa đại chúng - qua phim truyện truyền hình, âm nhạc, truyện tranh, thời trang, ẩm thực,… Tuy nhiên, văn chương dù vẫn còn xa lạ với bạn đọc Việt Nam, nhưng nó vẫn có sức hấp dẫn riêng, góp phần giúp chúng ta cảm nhận về một hình tượng Hàn Quốc toàn vẹn, tinh hoa và sâu lắng hơn.

Thật may mắn với các thế hệ giáo viên, học sinh đặc biệt là câu lạc bộ sách của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định, khi vừa qua trong buổi Tọa đàm giáo dục số 1: “Ngôi trường trăm tuổi, hôm nay và mai sau”, GS.TS. NGƯT Phan Thị Thu Hiền, Giảng viên cao cấp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - nguyên cựu học sinh của trường khóa 1976-1979, cựu giáo viên của nhà trường năm 1984, đã trao tặng nhà trường hai bộ sách về văn hóa, văn học Hàn Quốc và văn hóa, văn học Đông Á (những công trình nghiên cứu được trực tiếp cô chắp bút và đặc biệt đã đưa vào thực tiễn giảng dạy). Qua những trang viết trí tuệ và tâm huyết này, bạn đọc sẽ được đến với văn chương Hàn Quốc qua từng giai đoạn, từng thể loại, có được cái nhìn tổng quan về sắc màu của một đất nước Hàn Quốc, “xứ sở bình minh tươi mát”, tạo nên sức hút thâm trầm còn mãi với thời gian.

Cuốn sách đầu tiên, câu lạc bộ trân trọng được giới thiệu với bạn đọc là cuốn Giáo trình văn học Hàn Quốc. Ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam đến nay đã có 23 năm hình thành và không ngừng phát triển, tìm hiểu văn học Hàn Quốc trở thành một nhu cầu xã hội và nhu cầu học thuật quan trọng, góp phần mở rộng giao lưu văn học với khu vực và các nước trên thế giới. Đáp ứng nhu cầu thiết yếu đó, cuốn “Giáo trình văn học Hàn Quốc” ra đời để giới thiệu về văn học Hàn Quốc từ khởi thủy cho đến hiện đại. Giáo trình bao quát về toàn bộ văn học trong các bối cảnh văn hóa ở Hàn quốc, nêu lên đặc trưng ý nghĩa của từng thể loại văn học từ thơ ca, truyện cổ dân gian, sân khấu dân gian, văn học thời Tam quốc và Silla thống nhất, văn học thời Joseon, thời kì cận đại, thời kì hậu chiến và chia cắt đất nước cho đến những năm 1960-1990 trong giai đoạn công nghiệp hóa và văn hóa đại chúng. Giáo trình khái quát về đặc trưng Văn học Hàn Quốc với ba nét cơ bản: xu hướng tự do và yêu chuộng vẻ đẹp tự nhiên trong thi luật và phong cách văn chương, sự hợp nhất giữa hai phương diện hài và bi, đồng thời ưa chuộng kết thúc có hậu. Được biên soạn một cách công phu, cẩn trọng, tác phẩm đã thể hiện quan điểm lịch sử, tinh thần của văn học đồng thời so sánh, làm nổi bật những thành tựu, đóng góp cơ bản của văn học Hàn Quốc trong bối cảnh khu vực. Quả thật, chúng ta không thể phủ định rằng ấn phẩm này không chỉ là một giáo trình phục vụ giảng dạy Đại học mà còn là một cuốn sách hay giới thiệu về văn hóa, văn học Hàn Quốc cho công chúng độc giả, góp phần bổ sung và nâng cấp “Làn sóng văn hóa Hàn” đi vào chiều sâu ở Việt Nam.

Bản sắc của một dận tộc nằm ngay ở cội nguồn dân gian, những cuốn sách tiếp theo, câu lạc bộ trân trọng được giới thiệu với bạn đọc là những cuốn sách về văn hóa văn học dân gian Hàn Quốc: Hợp tuyển văn học dân gian Hàn Quốc, Chuyện tình ma nữ trong truyền kì Đông Á, Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á. Bộ “Hợp tuyển văn học dân gian Hàn Quốc” được biên soạn với mục đích dịch và giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc quan tâm. Cuốn sách với nhóm soạn giả có kinh nghiệm nghiên cứu và dịch thuật đã tuyển chọn, giới thiệu những tác phẩm trong kho tàng truyện kể dân gian, tục ngữ, thơ ca dân gian, sân khấu dân gian xứ Hàn. Độc giả có thể khám phá những nét riêng độc đáo, thú vị phản ánh hiện thực cuộc sống cũng như tâm hồn, khát vọng bao đời của con người trên bán đảo Hàn. Cuốn “Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á” (Trung Quốc – Hàn Quốc - Nhật Bản - Việt Nam), mở ra cho chúng ta những huyền thoại về buổi đầu dựng nước, kể về những vị thần, những nhà vua đầu tiên mở nước, hình thành dân tộc. Huyền thoại lập quốc không chỉ tiết lộ không gian văn hóa, chủ thể văn hóa, thời gian văn hóa khởi nguồn một quốc gia mà còn cho thấy chân dung tinh thần dân tộc, sự tự ý thức của dân tộc. Khái niệm “huyền thoại” ở đây hiểu như phương thức tư duy và thể hiện. Huyền thoại lập quốc có thể vừa mang tính chất của thần thoại vừa mang tính chất truyền thuyết đồng thời mang cả một số yếu tố của truyện cổ tích thần kì. Đó là những biểu tượng văn hóa, cổ mẫu linh thiêng, báu vật vô giá của mỗi dân tộc.

Văn học dân gian Hàn Quốc thực sự hấp dẫn hơn khi chúng ta đến với những câu chuyện mang đậm tính kì bí, huyền ảo. Thường khi nhắc đến ma quỷ, ai cũng sẽ nảy sinh ra cảm giác sợ hãi, nhưng khi đến với: “Chuyện tình ma nữ trong truyền kì Đông Á”, người đọc sẽ có cái nhìn khác về những nàng ma nữ trong tác phẩm này. Chủ đề nổi bật ở phần lớn các câu chuyện là mong ước được về bên nhau của những đôi lứa phải chịu cản biệt ly, cũng như khát khao sự gắn kết giữa trai đơn gái chiếc. Tuy rằng cái kết của những đoạn tình cảm này đều là sự bi kịch nhưng chúng đã để lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu sắc và cả nỗi day dứt, tiếc nuối cho những mối tình còn dang dở. “Chuyện tình ma nữ trong truyền kì Đông Á” còn là một chỉ dẫn cho người nghiên cứu chuyên sâu về con đường học tập qua tiếp cận tác phẩm từ văn học so sánh. Ở đây, cuốn sách là sự kết hợp tuyệt vời của: “Tiễn đăng tân thoại” (Cù Hựu), “ Kim Ngao tân thoại” (Kim Si Seup), “Truyền kỳ mạn lục” (Nguyễn Dữ), “Vũ nguyệt vật ngữ” (Ueda Akinari) - những tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyền kỳ trong văn học cổ điển của Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản.  Murakami Tomoyuki - một học giả người Nhật đã từng nói: “Nó là ngôi sao quái dị nhưng mỹ lệ, nó sáng ngời và óng ánh như ngọc quý, nó kiều diễm như chân tay trắng nõn của mỹ nhân, nó có đường vân hoa diệu xảo như gấm dệt, có sắc xanh quánh của xương cổ xưa. Ngoài ra, nó còn có sự tĩnh lặng của đêm khuya, độ sâu thẳm của vực nước, lời than thở cảm khái nghẹn ngào…” Đó là lời xưng tụng về “Tiễn đăng thần thoại” nhưng về cơ bản cũng là lời nhận xét về cả ba tác phẩm còn lại và đặc biệt là những chuyện tình ma nữ trong cuốn sách này. Cuốn sách mong muốn gửi tới độc giả một chuyến hành trình thú vị khi đọc qua bốn tác phẩm để thấy được nét tương đồng trong loại hình này giữa các Quốc gia. Đây chắc chắn là một sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai đam mê những câu chuyện kì bí trong thời gian đặc biệt này.

Nằm trong Hán tự văn hóa quyển, văn học Việt Nam cũng như văn học Hàn Quốc có sự tiếp biến với văn học Trung Quốc để tạo nên nền văn học trung đại đồ sộ và độc đáo. Câu lạc bộ sách xin được tiếp tục giới thiệu với bạn đọc những cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu có tính khoa học, học thuật cao về văn học cổ điển trung đại Hàn Quốc: Hợp tuyển văn học cổ điển Hàn Quốc, Văn học cổ điển Hàn Quốc – Tiến trình và bản sắc, Dạo Bước Vườn Văn Hàn Quốc, Thi tăng Đông Á, Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Á, Những kì nữ trong thơ ca Đông Á.  Bạn là người rất thích Hàn Quốc - xứ sở Kim Chi? Bạn từng ao ước được đặt chân tới vùng đất đầy thơ mộng này? Vậy chắc chắn bạn không thể bỏ lỡ về nền văn học đồ sộ và đầy hấp dẫn nơi đây nhất là giai đoạn văn học vô cùng quan trọng của đất nước này được khắc họa trong cuốn “Văn học cổ điển Hàn Quốc – Tiến trình và bản sắc” do GS.TS. Phan Thị Thu Hiền cùng với 25 tác giả, dịch giả uy tín của Hàn, Mỹ, Nhật và Việt Nam thực hiện có một trữ lượng lớn thông tin đáng tin cậy về văn học Hàn Quốc mà theo GS. TS. Bae Yang Soo thì đây chính là một chuyên khảo công phu và cẩn trọng thể hiện cái nhìn toàn diện, tinh tế về một giai đoạn quan trọng của văn học Korea. Tuy hai nền văn học khác nhau và có vẻ khá xa lạ với độc giả Việt Nam nhưng lại bắt gặp được những nét thân quen trong đó: Phần thơ ca cổ điển Hàn Quốc cũng cho thấy những dạng thức rất sát sao với văn học Việt Nam như dòng văn học của quý tộc và tăng lữ, hiện tượng kỳ nữ sáng tác văn chương, những áng thơ “thần” có sức mạnh của mười vạn quân, những chuyện tình văn nhân - ca nữ… Đồng thời qua đó chúng ta cũng thấy được những thành tựu quan trọng, làm nổi bật những đặc điểm của văn học Hàn Quốc. Quyển sách nằm trong bộ sách “Văn học Hàn Quốc” gồm sáu cuốn sách với nội dung chủ yếu về học thuật, chuyên sâu, phù hợp với công tác nghiên cứu, giảng dạy hứa hẹn là một món ăn tinh thần vừa mới lạ vừa bổ ích trong mùa hè nóng nực này. Và những biên độ của sự hiểu biết về văn học cổ điển Hàn Quốc càng được mở rộng khi độc giả tìm tới cuốn Hợp tuyển văn học cổ điển Hàn Quốc. Cuốn sách không chỉ bình luận về văn học cổ điển mà nó còn chứa đựng cả những nhận thức về văn học, đặc biệt văn học cổ điển giúp ta thấy được lối sống và ý thức của những vị tiền nhân xưa. Chúng ta không thể thấy được những niềm vui nỗi buồn hiện thực bên ngoài những tác phẩm, đó cũng là lí do khiến văn học cần được phổ biến và phát triển đến mọi người. Đây chính là mục đích để đầu sách trên được ra đời. Để từ những tiền đề đó, chúng ta sẽ Dạo bước vườn văn Hàn Quốc. Đây cũng là tên của một cuốn sách độc đáo do GS.TS. NGƯT Phan Thị Thu Hiền biên soạn. Cuốn sách đã được Kim Hunggyu, một nhà nghiên cứu uy tín của Hàn Quốc, nhận xét: “Quan điểm chung cho rằng có thể hiểu được hành xử truyền thống, thế giới quan, cảm thức thẩm mỹ và cái nhìn cảm xúc của một cộng đồng thông qua văn chương mà họ sáng tạo và phát triển là đặc biệt thích hợp với văn chương Hàn Quốc. Do vậy, tìm hiểu văn chương Hàn Quốc trở thành một hành trình bổ ích giúp chúng ta khám phá những giấc mộng và nỗi lo âu, vinh quang và thất bại, niềm vui và nỗi buồn của người Hàn qua các thời đại”. Cuốn sách “Dạo bước vườn văn Hàn Quốc” như một đại tiệc văn chương với rất nhiều sơn hào hải vị, cũng không ít món bình đạm thanh tao. Cuốn sách này chắc chắn mang đến cho bạn đọc những xúc cảm ngọt ngào, những suy tư sâu sắc và cả những ngạc nhiên thú vị về nền văn học đậm đà bản sắc của xứ Hàn. Thế nên bạn đọc hãy cầm sách này lên và sẵn lòng dạo bước vườn văn xứ sở Kim Chi và khám phá những điều mới lạ của văn học Hàn Quốc.

Không dừng ở đó, chuyến du ngoạn Hàn Quốc qua chiếc gương soi văn hóa, văn học sẽ lại được mở ra với những góc nhìn chuyên sâu khác. Nếu là người yêu thích thi ca thiền vị thì cuốn sách “Thi tăng Đông Á” chính là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. “Thi tăng Đông Á” mang đến nhiều thông tin về bốn vị thi tăng, danh tăng thuộc hàng tiêu biểu trong văn học Đông Á: Hàn Sơn (Trung Quốc), Tuệ Thầm (Korea), Huyền Quang (Việt Nam) và Nhất Hưu (Nhật Bản). Dẫu những xứ sở, những thời đại khác nhau, những cá tính, giọng điệu khác nhau, sáng tác của họ đều thấm đẫm mỹ cảm thi ca và thiền vị giác ngộ, thanh lọc tâm hồn người đọc, thức tỉnh nơi mỗi người khát khao đạt đến sự tại vô ngại, trở về thế giới nguyên sơ, với bản tâm thuần khiết của chính mình. Với những tác phẩm được chọn lọc, những phân tích thơ ca tôn giáo sâu sắc, cuốn sách chắc chắn sẽ mang đến nhiều tri thức thú vị, hữu ích cho bạn đọc. Hiểu về thơ ca của các thi tăng thiền sư để ta muốn tìm đến những khía cạnh đời sống của họ và cuốn sách Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Álà một gợi ý thú vị. Đến với “Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Á”, người đọc có cơ hội được hiểu hơn về một “vật thể” rất đỗi quen thuộc trong đời sống nhưng những ý nghĩa xâu xa của nó có thể còn khá lạ lẫm với số đông độc giả: mái lều - ngôi nhà. Gaston Bachelard từng viết trong Thi pháp không gian: “Ngôi nhà là một trong những năng lực tích hợp vĩ đại nhất cho những suy tư, những hồi ức cũng như những giấc mộng của loài người”. Dưới nhãn quan của Đạo giáo, ngôi nhà thể hiện nguyên lý tứ tượng, bát quái trong vũ trụ đồng thời được đồng nhất với thân thể con người.”. Đặc biệt, Đông Á còn có truyền thống riêng của dòng văn học, văn hóa ẩn sĩ với những mái lều ẩn cư. Nếu như ngôi nhà là một loại hình kiến trúc vững chãi, kiên cố thì lều lại là hình thức trú chân tạm bợ .Vì vậy nó còn mang ý nghĩa của sự từ bỏ, sự lánh đời. Cuốn sách “Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Á” là sự tuyển chọn từ bốn tác phẩm về mái lều ẩn cư của bốn tác gia danh tiếng: Bạch Cư Dị (Trung Quốc), Kamo no Chômei (Nhật Bản), Lee Hwang (Korea), Nguyễn Hàng (Việt Nam). Qua đó bạn đọc có thể cảm nhận một nguồn mạch truyền thống chung của văn chương thảo am Đông Á đã được tiếp nối và phát triển, sáng tạo độc đáo qua từng tác gia, từng nền văn học dân tộc. Và trong hệ hình truyền thống cổ điển, gương mặt thi nhân là những nam nhân, cuốn “Những kì nữ trong thơ ca Đông Á” sẽ đem đến cho bạn đọc một góc nhìn mới lạ độc đáo của văn chương qua những sáng tác của nữ nhi trong vòng cương tỏa nam quyền. “Những kì nữ trong thơ ca Đông Á” vẽ nên một bộ tranh tứ bình tuyệt đẹp, lấy tâm là bốn người phụ nữ trong văn học Á Đông được khắc họa qua cuộc đời, qua thơ ca mang dấu ấn của chính họ. Họ là Tiết Đào (Trung Quốc), Ono no Komachi (Nhật Bản), Hwang Jin Yi (Hàn Quốc) và “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương của Việt Nam. Sinh ra là phận phụ nữ, họ được mến mộ, say đắm bởi hương sắc, bởi cái tài trong thơ ca hội họa, cả bởi số phận và tính cách của riêng họ. Tài và tình nâng họ thành giai nhân tri âm tri kỷ với bậc tài tử, vượt ra khỏi định kiến xã hội để ghi dấu ấn trong sách sử mãi sau này. Mọi truân chuyên của kiếp hồng nhan không làm gục ngã được họ, không làm biến chất được cái tôi cá nhân mạnh mẽ ấy, trái lại chỉ khiến họ trở về bản chất cùng kiệt cũng là năng lực nguyên sơ của nữ tính. Không chịu tuân theo chuẩn và định kiến thế gian, họ trở thành những hoa tiêu mở đường thắp sáng sự đi lên của một kiếp người, của cả xã hội, một cuộc sống xứng đáng với con người mà người nữ bình thường trong đời thường nhật xưa không từng biết, không từng tưởng tới. Hơn nữa, họ đã cùng nhau khẳng định chính mình, mang lại một cuộc cách mạng tư tưởng sâu sắc trong mọi tầng lớp, lấy lại chỗ đứng vốn có cho phận má hồng trong xã hội đầy định kiến oan sai. Cuốn sách trình bày rõ ràng, cuốn hút, hợp lý mọi sự về cuộc đời, về sự nghiệp sáng tác, tình yêu của bốn người đàn bà tài sắc xưa, với lối hành văn cổ điển thu hút lòng người đã nhanh chóng chiếm lấy cái nhìn của biết bao độc giả, họa nên một tổng thể rõ nét, đầy sắc hương của bốn kỳ nữ nơi xã hội Á Đông tồn tại đầy bất công, ngang trái.

Trên con đường hiện đại và hội nhập, gương mặt dân tộc Hàn Quốc sẽ không đầy đủ và toàn diện khi chúng ta không nhắc đến văn học đương đại. Câu lạc bộ xin khép lại hành trình khám phá Hàn Quốc qua những cuốn cách quý của GS.TS. NGƯT Phan Thị Thu Hiền, ở việc giới thiệu cuốn “Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc. “Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc” với mười hai truyện ngắn phản ánh nhiều phương diện hiện thực Hàn Quốc qua các mối quan hệ nhân sinh, đặc biệt là cách mà những người trẻ tuổi tiếp nhận và thích ứng với những thay đổi mạnh mẽ kinh tế, chính trị cũng như văn hóa, xã hội trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng, nèn ép. Những câu chuyện phản ánh những nét đặc thù cuộc sống xứ sở Kimchi đồng thời khái quát các vấn đề mang tính toàn cầu (tình trạng cô đơn, xa lạ cõi người trong xã hội thực dụng, vị kỉ, ngạt thở vì định kiến, li tán, xung đột, chiến tranh,…). Những câu chuyện cho ta cái nhìn mới về một khía cạnh có vẻ gai góc hơn về cuộc sống của những con người thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội Hàn Quốc, mỗi một câu chuyện dẫn người đọc đến thế giới nội tâm phức tạp đầy biến động và đôi chút “điên rồ” mà bạn chưa từng nghĩ tới.

Câu lạc bộ sách trân trọng giới thiệu những cuốn sách này với bạn đọc. Xin dược gửi lời cảm ơn sâu sắc đến GS.TS. NGƯT Phan Thị Thu Hiền, khi cô đã trao tặng món quà quý cho nhà trường trong thời điểm thật ý nghĩa – 100 năm thành lập trường, 60 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Hi vọng rằng, thông qua những cuốn sách trên, bạn đọc sẽ thêm tự hào về mái trường Lê Hồng Phong, trân quý hơn những con người đã đang gắn bó với mái trường này và mở rộng những góc nhìn văn hóa văn học khi được đến gần hơn với xử Kimchi, không chỉ qua âm nhạc, phim ảnh mà còn qua con đường đầy sắc hương của ngôn từ…
                    
Câu lạc bộ sách trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định