Hội nghị trực tuyến về tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
22/03/2022Ngày 11/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sáng 11-3, Bộ GD và ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố về tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: GD và ĐT, Tài chính, Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham luận tại điểm cầu tỉnh ta. |
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, từ năm học 2020-2021 và đầu năm học 2021-2022 đến nay, toàn ngành GD và ĐT đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; vừa triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6. Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đã và đang đáp ứng được mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cách tiếp cận trong việc xây dựng Chương trình GDPT 2018 khác biệt căn bản so với chương trình hiện hành là chuyển từ Chương trình định hướng nội dung sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK đã bước đầu có kết quả tích cực. Các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu dạy học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018; các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và năng lực tự chủ trong thực hiện Chương trình GDPT 2018... Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ khắc phục trong việc biên soạn SGK; tổ chức lựa chọn sử dụng SGK ở các địa phương; tài liệu giáo dục địa phương; thiếu giáo viên; điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất…
Thời gian tới, Bộ GD và ĐT tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường đầu tư trang thiết bị đảm bảo đầy đủ thiết bị tối thiểu theo các Thông tư 37, 38, 39 của Bộ GD và ĐT. Tích cực triển khai tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại và tuyển bổ sung, luân chuyển giáo viên bảo đảm đủ chủng loại, cơ cấu, đáp ứng triển khai chương trình GDPT 2018. Tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, tiếp cận công nghệ 4.0.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ kết quả công tác triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh, đồng thời kiến nghị Bộ GD và ĐT tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học tích hợp, môn học mới; nghiên cứu, hướng dẫn, cho phép địa phương tuyển giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng đạt chuẩn; hướng dẫn việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX có triển khai dạy Chương trình GDPT 2018.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ: Việc đổi mới giáo dục phổ thông là quan trọng, cần thiết nhằm từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bộ GD và ĐT đã triển khai rất nhiều hoạt động. Tuy nhiên, quá trình đổi mới cần phải có đánh giá, nhìn nhận để phát huy những kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả; đồng thời rút kinh nghiệm những khâu còn vướng mắc. Đặc biệt, việc đổi mới diễn ra trong bối cảnh khó khăn, thiếu hụt về nhân lực, kinh phí, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, toàn ngành GD và ĐT và các chính quyền các địa phương. Trước mắt, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở GD và ĐT tham mưu cụ thể hơn về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị và các yêu cầu khác phục vụ quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ năm 2022, 2023 đến năm 2024. Việc sử dụng sách giáo khoa phải phản ánh đúng tính lựa chọn khách quan, công tâm; cần nghiên cứu, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác này. Rà soát cơ chế, chính sách để giải quyết những hạn chế vướng mắc. Vận dụng tối đa các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Tiếp tục củng cố các hình thức, hệ thống dạy học trực tiếp, trực tuyến, các phần mềm dạy học, tích cực thực hiện chuyển đổi số... để ứng phó với tình hình dịch COVID-19. Các địa phương bám sát tình hình dịch để có những quyết định cụ thể nhằm đảm bảo an toàn trường học, sớm đưa học sinh quay trở lại trường học trên tinh thần bình tĩnh, linh hoạt, thích ứng an toàn./.
-baonamdinh.vn-
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia