Kết quả bước đầu xây dựng mô hình trường chất lượng cao
05/08/2013Năm 2011, Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về việc phát triển một số cơ sở giáo dục chất lượng cao. Đến nay qua một năm học thực hiện Nghị quyết, đã làm thay đổi nhận thức, tư tưởng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cơ sở GD và ĐT chất lượng cao, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá và học tập tại các nhà trường, phù hợp với mục tiêu và yêu cầu đổi mới giáo dục.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ và Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở GD và ĐT đã hướng dẫn quy chế tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục chất lượng cao, bảo đảm tuyển sinh “đầu vào” những học sinh có năng lực, đạo đức tốt, tạo tiền đề cho việc phát triển của nhà trường. Sở GD và ĐT cũng đã thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên, tạo nguồn cho các cơ sở giáo dục chất lượng cao và tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng GD và ĐT, đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy và học tập. Đến nay, ở bậc THPT đã có 5 trường xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao là các trường: Trần Hưng Đạo (TP Nam Định), Tống Văn Trân (Ý Yên), Lý Tự Trọng (Nam Trực), Giao Thủy và Hải Hậu A; ở bậc THCS, mỗi huyện, thành phố xây dựng một trường chất lượng cao; bậc tiểu học chọn 2 trường: Trần Quốc Toản và Phạm Hồng Thái (TP Nam Định) xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao. Các trường được chọn xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao đều thực hiện tuyển sinh theo quy chế riêng. Trong năm học 2013-2014, năm thứ 2 thực hiện tuyển sinh trường chất lượng cao ở bậc THPT, điểm sàn để vào các trường này là 30 điểm, cao hơn điểm sàn chung của các trường THPT trong toàn tỉnh 10 điểm và tuyển 100% học sinh trong đợt 1; cùng với tiêu chuẩn đó, học bạ năm học lớp 9 của học sinh phải đạt loại khá, giỏi. Các trường THCS, tiểu học tuyển sinh theo hình thức xét hồ sơ, trong đó, học sinh tốt nghiệp tiểu học nộp đơn vào học tại các trường THCS chất lượng cao phải có học lực loại khá, giỏi và tham gia khảo sát ở hai môn Văn và Toán; nhà trường sẽ tuyển học sinh theo độ dốc từ kết quả khảo sát để vào trường. Ở các trường xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đều bảo đảm đủ số lượng và có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên đều có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, được đào tạo qua các lớp quản lý giáo dục, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, trình độ chuyên môn vững vàng. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các nhà trường luôn chú trọng yêu cầu giáo dục toàn diện học sinh.
Thầy và trò Trường THCS Nghĩa Hưng (Nghĩa Hưng) luôn phấn đấu dạy tốt, học tốt để xây dựng thành trường chất lượng cao của tỉnh. |
Các nội dung giáo dục kỹ năng sống và giáo dục tình yêu quê hương, đất nước được thực hiện thông qua các hình thức như tổ chức cho học sinh đi tham quan các làng nghề, tham dự các buổi nói chuyện về biển đảo quê hương, tổ chức hoạt động dạ hội ngoại ngữ, thi tiếng hát giáo viên, học sinh, thi nấu ăn, TDTT… Việc tổ chức dạy lồng ghép, tích hợp các chương trình như: An toàn giao thông, kỹ năng sống, tư vấn tâm lý học sinh trung học và hướng nghiệp cho học sinh… đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các trường xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao. Học sinh ở các cơ sở giáo dục này hầu hết đều có hạnh kiểm khá, tốt và tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi cao. Trong các kỳ thi giải Toán, thi Olympic tiếng Anh trên mạng internet, học sinh các trường chất lượng cao của tỉnh tham dự đều đạt kết quả cao. Tiêu biểu như Trường THCS Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) thi Olympic tiếng Anh cấp tỉnh đoạt 3 giải Nhất, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích; Trường THCS Nghĩa Hưng thi giải Toán qua mạng internet và thi Olympic tiếng Anh toàn quốc đã đoạt 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Đồng và một giải Khuyến khích; Trường THCS Hải Hậu đoạt 3 Huy chương Vàng toàn quốc trong kỳ thi giải Toán trên mạng internet và một giải Khuyến khích toàn quốc trong kỳ thi tiếng Anh trên mạng internet… Học sinh của các cơ sở giáo dục xây dựng chất lượng cao còn là lực lượng nòng cốt của các đội tuyển học sinh giỏi các môn văn hóa của các huyện, thành phố tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. 100% học sinh của các trường đều đỗ vào các trường THPT công lập, trong đó nhiều em thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, vào hệ THPT của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học quốc gia Hà Nội… Nhiều học sinh của các trường THPT chất lượng cao đã đạt kết quả cao trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, trong đó nhiều em đỗ ở cả 2 khối thi. Kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm học 2011-2012, cả 5 trường THPT xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao đều đứng trong tốp 200 trường THPT có điểm bình quân cao nhất trong toàn quốc. Các trường THPT xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao cũng luôn là những đơn vị đạt kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa. Tiêu biểu như Trường THPT Giao Thủy có 8/9 đội tuyển học sinh giỏi dự thi đạt kết quả cao, trong đó có 4 đội xếp thứ nhất toàn tỉnh. Nhiều trường đã có thành tích nổi bật trong việc đào tạo học sinh giỏi TDTT, đóng góp chung vào công tác giáo dục toàn diện học sinh như THPT Trần Hưng Đạo đạt giải Nhất, THPT Giao Thủy, THPT A Hải Hậu đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi TDTT năm học 2012-2013 toàn tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu dạy và học của cơ sở giáo dục chất lượng cao, ngay trong năm học 2011-2012, các phòng GD và ĐT, các trường THPT đã tập trung các nguồn lực, đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, như xây mới nhà công vụ cho giáo viên, trang bị phòng luyện âm, lắp hệ thống camera, nâng cấp đường truyền cáp quang internet… với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ 980 triệu đồng. Các trường THCS ngoài việc đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học, còn tích cực xây mới phòng học, phòng nội trú, mua sắm bàn ghế cho các phòng học, phòng chức năng, khu nhà nội trú cho học sinh. Đến nay, các trường đều có một bộ thí nghiệm đồng bộ theo chương trình đổi mới giáo dục, các trường đạt chuẩn quốc gia được cấp thêm một bộ thiết bị dành riêng cho trường chuẩn và có đầy đủ các loại tranh, ảnh phục vụ cho việc dạy và học… Tổng số tiền đã đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị ước tính khoảng 24 tỷ 057 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao vẫn còn một số tồn tại. Một số trường có diện tích đất quá ít như Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực) có 10m2/học sinh, THPT Giao Thủy có 11,98m2/học sinh (diện tích trung bình cần 15m2/học sinh). Một số công trình do đã được xây dựng từ lâu nên xuống cấp như các trường: THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định), Tống Văn Trân (Ý Yên), Giao Thủy, Lý Tự Trọng (Nam Trực). So với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, các trường vẫn còn thiếu các phòng học thực hành, phòng lắp máy chiếu cho các tổ bộ môn không thực nghiệm như: Văn, Sử, Địa… Bên cạnh đó, các thiết bị dạy học ở các nhà trường hiện nay còn lạc hậu và thiếu đồng bộ, hệ thống máy chiếu phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy học còn thiếu, một số thiết bị đã hư hỏng, hóa chất phục vụ cho thí nghiệm được cấp từ khi thực hiện chương trình đổi mới (năm 2002) đều đã hết hạn sử dụng nhưng chưa có phương án xử lý. Công tác quản lý, bảo quản thiết bị còn nhiều hạn chế do thiếu nhân viên, thiết bị… Mặt khác, do chưa có cơ chế, chính sách đãi ngộ riêng cho cán bộ, giáo viên và học sinh của các cơ sở giáo dục chất lượng cao nên chưa tạo được động lực thực sự để giáo viên và học sinh phấn đấu.
Để thực hiện tốt việc xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao trong tỉnh, thời gian tới Sở GD và ĐT tiếp tục phối hợp với các ngành hữu quan tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh ở các nhà trường. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thực hiện tốt việc điều chuyển những cán bộ, giáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao về các cơ sở đào tạo chất lượng cao để phát huy được năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của trường chất lượng cao. Tuyển dụng đủ giáo viên cho các nhà trường và tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên được đi học tập nâng cao trình độ, tăng cường đầu tư trang, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia