Khai mạc Hội thảo khoa học các trường THPT Chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ.
Dự và phát biểu tại khai mạc hội thảo có bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; cùng dự có bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai; ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT)…
Đặc biệt có sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các trường THPT Chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ; hơn 800 thầy cô giáo đến từ 41 đơn vị thành viên và quan sát viên hội các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ…
Đây là lần đầu tiên Lào Cai đăng cai sự kiện, cũng là vinh dự đối với giáo dục Lào Cai, Trường THPT Chuyên Lào Cai, thể hiện sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh với ngành GD&ĐT Lào Cai nói chung và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia của Trường THPT Chuyên Lào Cai nói riêng.
Phát biểu tại khai mạc, bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Xác định rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, luôn coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, tỉnh Lào Cai đã tập trung nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục. Điều đó được thể hiện thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ, đặc biệt là nhiệm kỳ nào Tỉnh ủy Lào Cai cũng ban hành Đề án về phát triển giáo dục. Vì vậy, giáo dục Lào Cai đã có những bước tiến quan trọng,
Từ khởi đầu thiếu thốn về mọi mặt, đến nay Lào Cai đã xây dựng được hệ thống giáo dục cơ bản toàn diện, đồng bộ từ vùng thấp đến vùng cao: Mạng lưới trường, lớp và quy mô giáo dục phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân;
Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại lễ khai mạc.
Cơ sở vật chất trường, lớp học được ưu tiên đầu tư trên cơ sở quy hoạch mặt bằng tổng thể chi tiết đến từng trường, theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa từ vùng thấp, đến vùng cao; chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến rõ rệt; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước được nâng cao chất lượng; hợp tác quốc tế được mở rộng; công tác xã hội hoá giáo dục được tăng cường…
Theo bà Giàng Thị Dung, mục tiêu phát triển của giáo dục Lào Cai trong thời gian tới là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, tiên phong triển khai thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi; phát triển giáo dục dân tộc, chuẩn hóa giáo dục vùng cao, từng bước đột phát về chất lượng giáo dục.
Tất cả những mục tiêu đó được thực hiện qua 3 giải pháp đột phá: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; dạy và học ngoại ngữ - hội nhập quốc tế; trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao, trường quốc tế; phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản các chỉ số giáo dục vùng cao đứng tốp đầu cả nước; Tin học - Ngoại ngữ đạt mức trung bình, đến năm 2030 dẫn đầu khu vực…
Ông Đoàn Thái Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng), Chủ tịch Hội các trường chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ cũng cho rằng Hội thảo là hoạt động chuyên môn quan trọng được xác định trọng tâm nhằm khuyến khích tinh thần say mê khoa học, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong công tác giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi. Các thầy cô giáo các nhà trường đã tích cực chuẩn bị các chuyên đề trong 1 năm qua.
306 chuyên đề của 12 bộ môn chuyên là kết quả sáng tạo hết sức ý nghĩa của các thầy cô giáo các trường THPT chuyên tham gia Hội thảo gửi đến Ban tổ chức. Các chuyên đề đã được chuyển tới các trường trong Hội đồng thẩm định đánh giá và áp dụng trong giảng dạy thực tế đạt hiệu quả cao.
Đại diện các đoàn tham dự nhận cờ lưu nhiệm.
Qua Hội thảo lần này các trường cũng được nghe những trao đổi chi tiết các báo cáo chuyên đề xuất sắc đồng thời định hướng các nội dung chính nghiên cứu trong năm tới để chuẩn bị cho Hội thảo năm 2023 tại Vĩnh Phúc. Đồng thời đi đến thống nhất cấu trúc đề thi cho kỳ thi Học sinh giỏi của Hội năm 2023 tại Hải Dương.
Ông Đoàn Thái Sơn cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nền kinh tế tri thức thời đại 4.0 hiện nay đòi hỏi những người làm giáo dục phải tự đổi mới mình trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của đất nước. Những thành tựu trong nhiều năm gần đây đã khẳng định uy tín của Hội các trường chuyên khu vực Duyên Hải và Đồng bằng Bắc Bộ.
Tuy nhiên Hội vẫn còn phải đối mặt với nhiều thử thách như nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, tăng cường trình độ Ngoại ngữ và tin học cho giáo viên và học sinh, đặc biệt là công tác chuyển đổi số trong giáo dục…
Để hướng tới sự phát triển bền vững, ông Đoàn Thái Sơn đề nghị các trường thành viên cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động Hội. Đồng thời bày tỏ tin tưởng với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo các địa phương, với sự đoàn kết, trí tuệ của các trường thành viên - sẽ vượt qua thách thức, đưa các hoạt động của Hội phát triển lên tầm cao mới.
Ban tổ chức Hội thảo năm nay đã nhận được 306 chuyên đề của 12 môn (Toán: 32 chuyên đề; Vật lý: 32 chuyên đề; Hóa học: 30 chuyên đề; Sinh học: 30, Tin học: 27, Ngữ văn: 33, Lịch sử: 33, Địa lý: 33, Tiếng Anh: 31; Tiếng Trung Quốc: 8, Tiếng Pháp: 12, Tiếng Nga: 5) của các trường tham dự gửi về.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của Tỉnh, Bộ GD&DT, ngành GD&ĐT các địa phương
Sau quá trình tổ chức chấm, Ban tổ chức đã trao giải cho 63 chuyên đề đạt giải. Trong đó: 12 giải Nhất; 21 giải Nhì; 30 giải Ba. Các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh: Mỗi môn 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba; Các môn: Tiếng Trung Quốc, Tiếng Pháp, Tiếng Nga: Mỗi môn 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba). Trường THPT Chuyên tỉnh Lào Cai đạt 6 giải (3 Nhất, 2 Nhì, 1 Ba).
Có thể nói, Hội thảo khoa học các trường THPT Chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ là hoạt động chuyên môn quan trọng, bổ ích giúp cán bộ quản lí, giáo viên trong hệ thống trường THPT Chuyên của cả nước được chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu và tổ chức các hoạt động giáo dục trọng điểm khác.
Sau 14 năm phát triển, Hội thảo khoa học ngày càng thu hút sự tham gia của các trường THPT Chuyên trong cả nước; quy mô và chất lượng các hoạt động tại Hội thảo ngày càng cao. Hội thảo trở thành diễn đàn để cán bộ quản lí, giáo viên các trường THPT chuyên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về công tác chuyên môn và quản lí nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại Lễ khai mạc Hội thảo, bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã khẳng định: Góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục Lào Cai, đặc biệt giáo dục mũi nhọn và nghiên cứu khoa học kỹ thuật, có sự đóng gióp quan trọng của Trường THPT Chuyên Lào Cai.
Dù trường còn non trẻ trong hệ thống trường THPT Chuyên của cả nước, nhưng với gần 20 năm thành lập, xây dựng và phát triển, trường đã nỗ lực, tâm huyết, có những bước đột phá để dần khẳng định chất lượng và vị thế của mình; đóng góp đáng kể cho Giáo dục Lào Cai trong công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, chuyển đổi số, hội nhập và hợp tác quốc tế; phát hiện và bồi dưỡng sớm nhân lực, nhân tài...
Sự trưởng thành của Trường THPT Chuyên Lào Cai có dấu ấn quan trọng của sự hợp tác, chung sức, chia sẻ của hệ thống trường THPT chuyên của cả nước. Việc Trường THPT Chuyên Lào Cai tham gia Hội các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ với vai trò quan sát viên, sau đó thành viên chính thức là dấu mốc giúp trường được tiếp cận, giao lưu, học hỏi, nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm qua…