Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong Nam Định mãi mãi khắc ghi

Lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong Nam Định mãi mãi khắc ghi

13/01/2021

Trân trọng giới thiệu bài tham luận của NGƯT Đỗ Thanh Dương (Hội CGC Trường Lê Hồng Phong - Nam Định) "Lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong Nam Định mãi mãi khắc ghi" do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/12/2018 nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1994 - 22/12/2018) và 5 năm ngày mất của Đại tướng.

Là một trường học Anh hùng ở Nam Định- trung tâm vùng Nam dồng bằng Sông Hồng có vinh dự được đón tiếp nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm. Trong đó có những lần đã trở thành dấu son kỷ niệm mà thầy, trò nhà trường mãi mãi không bao giờ quên.
 
1.Một trong những kỷ niệm đó- Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm trường.
 
Đó là chiều thứ hai, ngày 9/11/1992 (tức ngày rằm tháng Mười năm Nhâm Thân), một buổi chiều chớm đông, nắng vàng như mật, heo may trải nhẹ không gian. Trên đường về dâng hương Đức Thánh Trần, Đại tướng dành thời gian thăm trường Lê Hồng Phong tại khu B, khu dành cho học sinh khối chuyên. Vì là đang giờ học buổi chiều, nên được vinh dự đón tiếp Đại tướng chỉ có Ban giám hiệu và đại biểu giáo viên, học sinh.
 
Bước vào phòng Hội đồng, được trang trí trang trọng và giản dị,với tác phong khoan thai, nụ cười trìu mến, Đại tướng thân mật bắt tay từng người. Hiệu trưởng Vũ Đức Thứ báo cáo với Đại tướng và đoàn cán bộ tháp tùng quá trình thành lập trường, những thành tích của thày và trò. Đặc biệt, đồng chí nhấn mạnh  đến thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, nêu rõ cố gắng của thầy, cô và học sinh các lớp chuyên. Hệ thống lớp chuyên khi ấy có lớp chuyên Toán, chuyên Văn ( tiền thân là lớp “Toán đặc biệt”, “Văn đặc biệt” thành lập vào năm học 1965-66), lớp chuyên Vật lý (mở năm 1982), chuyên Nga (năm 1983), chuyên Pháp (năm 1987), chuyên Anh, chuyên Hoá và chuyên Tin ( năm 1992).
 
Nghe đến đây, Đại tướng hỏi ngay : “Thế không có chuyên Sử à?”. Cử tọa trong phòng họp ồ lên, bất ngờ… Kể cũng lạ, trong nhóm học sinh năng khiếu chuyên biệt, không ít em có khuynh hướng và năng khiếu  các môn khoa học xã hội, mà Lịch sử,  Địa lý là những môn học quan trọng  góp phần xây dựng nhân cách, bồi dưỡng tình yêu đất nước, quê hương cho thế hệ trẻ. Thế mà sao ngày ấy, từ Bộ Giáo dục đến các Sở Giáo dục đều chưa có chủ trương lập  các lớp chuyên Sử, Địa ? Ý nghĩ trường Lê Hồng Phòng phải có lớp chuyên Sử, chuyên Địa được nhen nhóm  trong Ban Giám hiệu và Hội đồng Sư phạm nhà trường từ đấy.
 
Tiếp đó, qua thăm phòng truyền thống, Đại tướng chăm chú theo dõi quá trình hình thành và phát triển  của nhà trường, từ các trường tiền thân như Thành Chung Nam Định, trường cấp 3 Nguyễn Thượng Hiền, trường cấp 3 Liên Khu Ba, xem hình ảnh lớp học nhà hầm, chiếc mũ rơm của học sinh đi học thời chống Mỹ, những lá đơn tình nguyện nhập ngũ, trong đó có lá đơn viết bằng máu, Đại tướng xúc động và ghi vào sổ vàng truyền thống của nhà trường. Dưới đây là toàn văn lưu bút của Đại tướng
:
“Tôi nhiệt liệt khen ngợi những thành tích xuất sắc của Trường Lê Hồng Phong.
 
Tôi mong rằng các thày giáo cô giáo, các em học sinh gái trai không thỏa mãn với thành tích ấy. Toàn thể phải phấn đấu hơn nữa không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập
 
Và luôn nhớ lời Bác dạy :
 
Nước ta sánh vai được với các nước trên thế giới hay không, một phần quan trọng là do 
 
các thày cô giáo có dạy thật giỏi hay không
 
các cháu học sinh có học thật giỏi hay không
 
Chúc nhà trường vươn lên mạnh mẽ, đạt những thành tích cao hơn nữa.
 
Nam Định 9/12/1992
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp”
 
Hơn một giờ gặp mặt nhà trường đã trôi qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí cùng đi lên xe  về phía Đền Trần, để lại ánh mắt nhìn theo đầy lưu luyến của những người đưa tiễn.
 
2. Kể từ ngày ấy, thầy trò trường Lê Hồng Phong luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Đại tướng.
 
2.1 Trước hết, các thầy cô ra sức đầu tư  vào chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục – giảng dạy “dạy thật giỏi”, các khóa học sinh nối tiếp nhau quyết tâm, say mê học tập – rèn luyện”học thật giỏi” như lời căn dặn, cũng là trao nhiệm vụ của Đại tướng cho thày và trò:
 
“luôn nhớ lời Bác dạy :
 
Nước ta sánh vai được với các nước trên thế giới hay không, một phần quan trọng là do các thày cô giáo có dạy thật giỏi hay không
các cháu học sinh có học thật giỏi hay không   ”
 
Trong nhiều năm, Trường có số học sinh tốt nghiệp phổ thông 100%, trúng tuyển vào các trường Đại học theo nguyện vọng 1 từ 86,2% đến 98,5%.
 
Đặc biệt, đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia luôn có tỷ lệ đạt giải  vào thứ hạng cao nhất cả nước, có nhiều giải Nhất ở các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Văn, Sử, Địa, Nga, Anh, Pháp.  Từ năm học 1994-95 đến năm học 2013-14, Trường có 43 học sinh đạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong các kỳ thi học sinh giỏi khu vực châu Á- Thái Bình Dương và thi Ô lim pic Quốc tế về các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Nga văn. Em Đinh Thị Hương Thảo hai năm liền  (2015,2016) đạt Huy chương Vàng tại kỳ thi Ô lim pic Quốc tế  môn Vật lý, năm 2016, em không những là học sinh đạt Huy chương Vàng Ô lim pic   môn Vật lý, mà còn là nữ sinh châu Á có điểm thi cao nhất …
 
Nhiều học sinh khi ra trường được nhận học bổng du học ở các nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Xinggapo, Ôtrâylia, Trung quốc… khi về nước một số em đã là cán bộ giảng dạy , nhà khoa học, những doanh nhân được xã hội khẳng định.
 
2.2 Tiếp theo, trước câu hỏi Đại tướng đặt ra về chuyên Sử, Trường đã lập tờ trình, được Sở Giáo dục duyệt y, từ năm học 1997-98 đã có lớp chuyên Sử (trước đó có nhóm năng khiếu Sử Địa trong lớp chuyên Văn). Đây là lớp chuyên Sử đầu tiên của trường phổ thông trên phạm vi cả nước. Thực hiện lời dạy của Đại tướng, Trường đã thu được thành quả ngọt ngào: học sinh hứng thú học môn Lịch sử.Trong các môn thi Tốt nghiệp phổ thông tự chọn nhiều em đăng ký dự thi Lịch sử. Thi học sinh giỏi Quốc gia, ngay từ năm học 1997-98 em Nguyễn Thị Kiều Trang đã đạt giải Nhất. Từ đó đến nay có thêm 6 em đạt giải Nhất và nhiều em đạt giải Nhì, Ba, Khuyến khích…Em Nguyễn Thị Kiều Trang hiện là cán bộ giảng dạy khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
 
3. Thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm trường Lê Hồng Phong không lâu, nhưng những lời nói và việc làm của Đại tướng đã ghi lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho thầy trò nhà trường.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà yêu nước vĩ đại, một nhà quân sự kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn, một nhân cách Việt Nam cao đẹp, ngời sáng. Theo suy nghĩ của chúng tôi, Đại tướng còn là một nhà khoa học Sư phạm, một Thầy giáo mẫu mực bởi các lẽ sau:
 
- Trước khi đến với cách mạng, Võ Nguyên Giáp là thầy giáo ở Trường Tư thục Thăng Long, Thầy có những học trò danh tiếng, trọn đời biết ơn thầy như đồng chí Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Điện Biên, sau là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nhà văn – dịch giả Nguyễn Thụy Ứng, người từng viết 100 chữ Thọ theo lối thư pháp với hình dáng, kích cỡ khác nhau trên bức trướng mừng thọ Đại tướng.
 
- Đại tướng luôn quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là với học sinh năng khiếu , trông đợi ở đây sự hình thành nhân cách các nhà khoa học tương lai.
 
- Đại tướng chú ý đến vị trí, tầm quan trọng của bộ môn Lịch sử trong nội dung giáo dục toàn diện của bậc học phổ thông. Điều này dến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa.
 
Hội Cựu giáo chức Việt Nam thật có lý khi ngay từ Đại hội thành lập  đã suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch Danh dự Hội Cựu giáo chức Việt Nam.
 
8/12/2018
   ĐTD

NGƯT Đỗ Thanh Dương (Hội CGC Trường Lê Hồng Phong - Nam Định) 
Theo báo Văn hiến Việt Nam