Lời phê học bạ có khi thay đổi số phận một con người
24/05/2018Tôi đã đọc nhiều ý kiến trái ngược nhau về lời phê học bạ của những người đồng nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong suốt thời gian làm nghề dạy học, tôi thừa nhận có những lời phê học bạ còn thiếu cái tâm của một vài thầy cô giáo.
Năm 2006, tôi đọc bài "Lời phê của cô giáo" của tác giả Thảo Mộc đăng trên báo Giáo dục & Thời đại số ra tháng 8 năm 2006. Thấy hay và bổ ích, tôi liền photo lại bài viết này và phát cho các thầy cô giáo trường tôi. Năm 2008, khi ở một trường mới tôi lại thấy cần thiết phải trao đổi với các thầy cô giáo của mình về những lời phê, lời nhận xét đối với học sinh (không chỉ là lời phê trong học bạ); không tìm được tư liệu cũ, tôi mượn lại bản photo của một cô giáo trường cũ để in phát cho giáo viên trường mình. Trong một cuộc họp gần đây, tôi thấy một số phụ huynh và giáo viên có những lời nhận xét chưa hay về những học sinh còn chưa tốt. Tôi lại thấy cần thiết gửi tới các thầy cô và mọi người bài viết của tác giả Thảo Mộc.
Tôi rất tâm đắc với những lời nhận xét của tác giả Thảo Mộc về cô giáo chủ nhiệm Renard và xin nói thêm: Lời nhận xét của thầy cô đối với học sinh của mình vừa thể hiện cái tâm của một người thầy giáo, vừa thể hiện trình độ hiểu biết về phương pháp sư phạm của một người làm nghề dạy chữ - rèn người. Nội dung bài viết của tác giả Thảo Mộc:
Lời phê của cô giáo
Một anh bạn dưa cho tôi cuốn học bạ rồi nói: Chị hãy xem lời nhạn xét của giáo viên chủ nhiệm. Những câu chữ tuyệt đẹp làm sao cho một cậu bé, cô bé.
Tôi đã đọc những lời phê và rưng rưng. Tôi không thể đưa ra một lời bình luận nào. Tôi chỉ chép nguyên bản ra đây để cho những thầy, cô giáo và bạn dọc tham khảo và chia sẽ với sự tâm đắc của tôi.
TRƯỜNG GIÁO DỤC CƠ SỞ MONTOJIE (BỈ)
Họ và tên: Nguyễn Sơn Tuấn
Lớp: 5C
Năm học: 2003-2004
Nhận xét của giáo viên chủ nhiệm (cô Renard)
Học kỳ I: Hoan hô Sơn Tuấn! cô chưa có điều gì phải phàn nàn về em!
Học kỳ II: Hoan hô! Mọi điều vẫn luôn luôn tốt đẹp. Tuy nhiên, cô muốn em tươi cười hơn, diễn đạt nhiều hơn! Hãy dũng cảm lên!
Học kỳ III: Em luôn luôn xứng đáng với mình. Em học tập tập trung, tham gia tốt vào hoạt động của lớp, chăm chút bài vở ... Hoan hô, hãy tiếp tục như vậy.
` Học kỳ IV: Hoan hô Sơn Tuấn, em đã năng động hơn trong lớp. Hãy tiếp tục.
Học kỳ V: Hoan hô Sơn Tuấn, em tiếp tục bước tiến tốt đẹp.
ĐÁNH GIÁ:
Học kỳ I: Hoan hô Sơn Tuán! Em cần cố gắng hơn trong môn tiếng Pháp nhưng cô tin tưởng vào em: em là một học sinh chăm chỉ! Hãy tiếp tục!
Học kỳ II: Tuyệt vời, cô tự hào về em! Hãy tieps tục! Chúc em kỳ nghỉ Noel vui vẽ và chúc mừng năm mới.
Học kỳ III: Hoan hô Sơn Tuấn, kết quả học tập luôn luôn tốt. Hơn nữa cô đã thấy em cười và hỏi bài, phát biểu..... Hoan hô, hãy tiếp tục!
Học kỳ IV: Hoan hô Sơn Tuấn về kết quả học tập tốt đẹp trong suốt năm học của em! chúc em thành công trong năm học lớp 6 tới, chúc em trở về nước may mắn tốt đẹp! Hãy viết thư báo tin cho các bạn trong lớp! Chúc kỳ nghỉ hè tốt lành.
HIỆU TRƯỞNG
Cô giáo Kerkhof
(đã ký)
Bài của thầy giáo Nguyễn Thành Phương
Nguồn: Trang THCS Châu Văn Liêm, Thuận An, Bình Dương (Violet)
Thêm câu chuyện về lời phê học bạ:
Vừa về đến nhà, chị dâu tôi tá hoả chạy sang:
- Thím Hương, thím xem cho chị lời phê học bạ của thằng Huân thế này có vấn đề gì không mà chị xin chuyển trường cho cháu, ông hiệu trưởng trường này nhất định không nhận, ông ấy bảo không nhận học sinh trái tuyến - nhưng năm ngoái chị chuyển cho cái Hân họ nhận ngay, có sao đâu? Nhờ cậy mãi chị mới biết lý do chính là tại cái lời phê trong học bạ!
Tôi cầm quyển học bạ, nhìn kết quả cả năm: Học lực: TB (trung bình); Hạnh kiểm: K (khá), rồi đọc những dòng chữ viết tay hơi cẩu thả: "Còn vi phạm nội quy lớp học, hay có những hành động bất thường". Trong khi tôi còn đang suy nghĩ về lời nhận xét của giáo viên chủ nhiệm thì chị dâu tôi nói tiếp:
- Các thầy, cô ấy bảo rằng: hay có những hành động bất thường không bị thần kinh thì cũng thuộc dạng cá biệt, cứng đầu, con em trong xã thì phải dạy chứ xã ngoài nhận làm gì cho nó phá bĩnh lớp học ra. Khổ quá, thằng Huân thì em biết rồi, nó đâu đến nỗi, mà chị đi họp phụ huynh tuyệt nhiên cô giáo không nhắc nhở gì về việc cháu có những hành động bất thường thím ạ. Thím bảo chị phải làm thế nào?
Thật tình, tôi cũng không biết nói thế nào với chị bởi có thể do nhận thức mà một số thầy, cô hạ bút phê vào học bạ cho học trò khiến nhiều khi dở khóc, dở cười. Hoặc là rất chung chung: Lực học khá, lao động tốt, sức khoẻ tốt; hoặc là quá cụ thể: đôi khi còn không học bài, còn vi phạm nội quy; hoặc lặp lại thông tin ở phần kết quả: Lực học khá, hạnh kiểm tốt, còn hay nghỉ học (vì ô ghi HL: K, ô ghi HK: T, ô ghi số buổi nghỉ trong năm học: 15); hoặc cá biệt như lời phê trong học bạ của thằng cháu tôi trên kia.
Vẫn biết rằng với đa số học sinh, lời nhận xét của giáo viên trong học bạ không mấy quan trọng nhưng từ câu chuyện trên tôi nghĩ: Lời phê trong học bạ của học sinh phải làm cho các em thấy nhược điểm, ưu điểm trong tính cách của mình để có hướng phát huy tích cực, sửa đổi hạn chế. Giáo viên không nên đưa những lỗi cụ thể của học sinh - đặc biệt là những lỗi không thành hệ thống ra để phê bình gây cảm giác khắt khe, nhỏ mọn; cũng không nên nhận xét quá chung chung em nào cũng giống em nào thể hiện sự thờ ơ, không am hiểu học sinh của giáo viên. Hãy để những lời nhận xét của mình giống như lời lưu bút cho trò, ví dụ với những em kết quả học tập chưa cao vì lười học giáo viên có thể ghi: Khả năng nhận thức khá, nhưng còn chưa chăm chỉ; hoặc những em học chưa tốt do hoàn cảnh gia đình, giáo viên có thể nhận xét: Sống khép mình, ngại giao tiếp trao đổi (có thể do hoàn cảnh gia đình)- cần sự quan tâm đặc biệt; hay với những học sinh học khá, sôi nổi trong các hoạt động tập thể giáo viên động viên: Khả năng nhận thức nhanh, có năng lực tập hợp, lãnh đạo nhóm; sống sôi nổi hoà đồng... Tất nhiên để lời nhận xét được chính xác và ý nghĩa, đòi hỏi mỗi giáo viên chủ nhiệm vừa là thầy lại phải vừa là chị, là anh của các em.
Lại một năm học đi qua, việc ghi nhận xét trong học bạ cho học sinh là công việc thường niên cũng là một việc làm đáng cẩn trọng của giáo viên chủ nhiệm, xin góp một ý kiến nhỏ thêm vào hành trang của người làm thầy để không một học sinh nào gặp chuyện đáng tiếc như cháu tôi.
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia