Môn Công nghệ thúc đẩy giáo dục STEM ở phổ thông
18/01/2018Cùng với Toán và Tin, môn Công nghệ góp phần thúc đẩy giáo dục STEM ở phổ thông - xu hướng giáo dục được coi trọng tại nhiều quốc gia.
Dự thảo chương trình môn Công nghệ nêu rõ, trong mối quan hệ giữa khoa học và công nghệ thì khoa học hướng tới khám phá, tìm hiểu, giải thích thế giới; còn công nghệ dựa trên những thành tựu của khoa học, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, cải tạo thế giới, định hình môi trường sống của con người.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục công nghệ cho học sinh được thực hiện từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học và môn Công nghệ ở trung học. Công nghệ là môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản, là môn học lựa chọn thuộc nhóm Công nghệ và Nghệ thuật trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Cùng với Toán học, Khoa học tự nhiên, Tin học, môn Công nghệ góp phần thúc đẩy giáo dục STEM ở phổ thông - một trong những xu hướng giáo dục đang được coi trọng tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Ban soạn thảo, nội dung giáo dục công nghệ rộng, đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Trong Chương trình môn Công nghệ, có nội dung cơ bản, cốt lõi, phổ thông tất cả học sinh đều phải học. Bên cạnh đó, có nội dung có tính đặc thù, chuyên biệt nhằm đáp ứng nguyện vọng, sở thích của học sinh, phù hợp với yêu cầu của từng địa phương, vùng miền.
Chương trình môn Công nghệ có 5 mạch nội dung chính gồm: Công nghệ và đời sống; Công nghệ trong một số lĩnh vực sản xuất; Một số công nghệ phổ biến; Phát triển công nghệ; Hướng nghiệp.
Công nghệ ở tiểu học giới thiệu về thế giới kỹ thuật, gần gũi với học sinh thông qua các chủ đề đơn giản, một số sản phẩm công nghệ thường gặp trong gia đình, an toàn trong nhà; trải nghiệm với thiết kế kỹ thuật, công nghệ thông qua các hoạt động thủ công kỹ thuật, lắp ráp các mô hình kỹ thuật đơn giản, trồng và chăm sóc hoa, cây xanh trong môi trường gia đình, nhà trường.
Ở THCS, môn Công nghệ đề cập tới tri thức, kỹ năng về công nghệ trong phạm vi gia đình; những nguyên lý cơ bản về các quá trình sản xuất chủ yếu; cơ sở ban đầu về thiết kế kỹ thuật; phương pháp lựa chọn nghề cùng với thông tin về các nghề nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất chủ yếu thông qua mạch nội dung: Công nghệ trong gia đình; Nông - Lâm nghiệp; Thủy sản và Công nghiệp; Thiết kế kỹ thuật; Hướng nghiệp.
Môn Công nghệ trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) chú trọng tới kiến thức tổng quan, đại cương và định hướng nghề về công nghệ thông qua nội dung về bản chất của công nghệ, vai trò và ảnh hưởng của công nghệ với đời sống xã hội, mối quan hệ giữa công nghệ với các lĩnh vực khoa học khác; các tri thức, năng lực nền tảng phù hợp và kết nối được với các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thuộc một trong hai định hướng Công nghiệp và Nông nghiệp.
Dự thảo chương trình Công nghệ sắp được công bố cùng với các môn học khác để lấy kiến rộng rãi dư luận trước khi ban hành. Theo nghị quyết của Quốc hội, chậm nhất từ năm học 2020-2021 chương trình sách giáo khoa mới được áp dụng đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia