Nhân lên ngọn lửa sáng tạo và đam mê học tập
17/08/2012(GD&TĐ)- Chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) luôn là vấn đề cốt lõi trong giáo dục toàn diện nói chung và trong phát hiện, bồi dưỡng HSG nói riêng. Tại các trường THPT chuyên, GV dạy giỏi và có kinh nghiệm là yếu tố quan trọng trong công tác bồi dưỡng HSG. Năm 2012, đoàn học sinh giỏi (HSG) các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh của Việt Nam tham dự các kì thi Olympic khu vực Châu Á và Quốc tế đã xuất sắc dành được 29 tấm huy chương.
Có được kết quả này, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, phần lớn dựa trên nền kiến thức của HS các trường THPT chuyên các tỉnh, thành phố trên cả nước. Kiến thức mà cả thầy và trò cùng nhau phát triển trong trường THPT chuyên có vai trò quyết định đến kết quả các kì thi của các em. Kết quả xuất sắc của các đoàn HSG trong các kì thi Olympic quốc tế vừa qua đã phản ánh được chất lượng giáo dục nói chung và sự bền vững từ trước đến nay trong chất lượng dạy-học của hệ thống trường chuyên nói riêng.
Chọn HSG thông qua năng lực
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ngoài cùng bên phải) tặng hoa và bằng khen cho đoàn HSG đạt huy chương kì thi Olympic toán học quốc tế. Ảnh gdtd.vn |
Là tổ phó tổ chuyên môn Hóa-Sinh-Công nghệ, một GV trực tiếp phụ trách phát hiện, bồi dưỡng HSG, cô Trần Thị Thanh Xuân- GV trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định chia sẻ: đặc thù của HS chuyên Sinh học tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là số lượng đầu vào tương đối ít. Các GV được nhà trường bố trí dạy “đuổi” từ lớp 10 để thuận lợi trong việc phát hiện năng lực của từng HS. Do vậy, các GV phải đặc biệt chú trọng đến công tác tuyển chọn, phát hiện và bồi dưỡng HSG từ những buổi đầu tiên khi HS bắt đầu nhập học.
Cô Xuân cho biết, trong tuyển chọn HSG, GV ở trường không cứng nhắc thông qua kết quả kiểm tra đánh giá mà căn cứ vào năng lực sáng tạo của HS. Trong quá trình giảng dạy, qua kiểm tra, đánh giá, hoặc những bài thảo luận ở trên lớp, GV sẽ đánh giá được những HS nào có năng lực sáng tạo nổi trội.
Theo kinh nghiệm của cô Xuân, trong một lớp chuyên Sinh chỉ có 1, 2 HS có năng lực nổi trội như vậy, do vậy GV phụ trách đội tuyển phải theo sát, kèm cặp các em. Chuyên sinh là khối có rất ít ngành nghề đào tạo ở các trường CĐ-ĐH, do vậy trong quá trình học HS dễ bị phân tán. Bên cạnh môn Sinh học, HS phải san sẻ thời gian cho hai môn Toán và Hóa, không thể chỉ tập trung vào một môn Sinh được; nên GV phụ trách đội tuyển phải hướng dẫn động viên, khuyến khích HS bố trí thời gian một cách khoa học và đầu tư công sức học tập cho môn Sinh sao cho đạt hiệu quả nhất.
Thổi bùng ngọn lửa đam mê
Theo cô Xuân, GV phải thực sự đam mê môn học mà mình giảng dạy và truyền ngọn lửa đam mê đó cho HS. Làm cho HS yêu thích và thực sự đam mê môn học để tập trung vào học tập, nghiên cứu. Người GV phải biết giữ lửa trong HS. Bằng cách là kịp thời động viên, khuyến khích thường xuyên trong quá trình học tập trên lớp cũng như quá trình ôn luyện để HS lạc quan, có động lực phấn đấu, vươn lên; Song song với đó, GV phải không ngừng nghiên cứu tìm tòi phương pháp mới, kĩ năng giảng dạy mới để truyền đạt, hướng dẫn cho HS; cập nhật những phương pháp, hình thức và nội dung kiểm tra, đánh giá tiên tiến nhất trong khu vực và trên thế giới để biết và giới thiệu cho các em.
TP.Hải Phòng khen thưởng những GV dạy giỏi có học sinh đoạt giải quốc gia, khu vực và quốc tế trong năm 2012. Ảnh, gdtd.vn |
Vai trò tự học của HS trong phát triển kĩ năng là cực kì quan trọng. Về mặt lý thuyết môn học thì vô cùng rộng, GV là người đóng vai trò tổng hợp kiến thức, tổng hợp tài liệu và hướng dẫn cho các em HS tự nghiên cứu. HSG phải biết biến kiến thức trong sách vở mình đã nghiên cứu thành kiến thức của mình để vận dụng một cách sáng tạo trong giải quyết các vấn đề được đưa ra tại các kì thi. Muốn được như vậy HSG phải có một nền tảng chắc chắn, phải biết đi lên từng bước vững chắc. Do vậy, người GV cũng truyền đạt kiến thức từng bước một, không quá khó để hệ thống kiến thức của HS dần hình thành bề dày của nó theo quá trình cô và trò cùng nhau phát triển.
Có nhiều cách để thắp lửa và duy trì ngọn lửa đam mê trong HS. Là người trực tiếp dẫn dắt đội tuyển môn Lịch sử của trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, GV Nguyễn Thúy Nga, chia sẻ: GV phải thổi ngọn lửa đam mê vào tâm tư, suy nghĩ của học trò, làm cho các em thích học môn Lịch sử.
Hiện đây là môn học không được nhiều HS yêu thích, nhưng GV dạy sử phải biết cách để các em thực sự yêu thích và muốn học môn này. Bên cạnh đó, GV phải biết đưa ra mục tiêu cụ thể giúp HS để các em có khát vọng chinh phục. Từ khát vọng đó, HS mới có động lực học tập để duy trì ngọn lửa đam mê học tập. Riêng đối với môn lịch sử, ngoài sự thông minh, còn đòi hỏi rất cao ở HS là tinh thần chịu khó, ham học.
Muốn HS giỏi môn Sử, theo cô Nga, phải chú ý rèn luyện kiến thức, kĩ năng cho các em. Đầu tiên, HS phải có được kiến thức nền tốt, đồng thời phải có sự kiên trì, nhẫn lại, vượt khó; sau đó GV tập trung vào việc rèn luyện các kĩ năng cơ bản về trình bày bài, sửa bài, sửa bài... bổ trợ cho kĩ năng trình bày một bài thi viết môn Lịch sử. Đây là môn có kiến thức rộng và khó nhớ, tuy nhiên vẫn tuân theo tính quy luật lịch sử. GV phải thổi sự đam mê cho HS chịu học và tự học để các em nắm vững kiến thức, quy luật của lịch sử; từ đó, HS sẽ nắm vững kiến thức của môn học, sâu chuỗi được các sự kiện lịch sử một cách chặt chẽ, trình bày bài viết một cách lôgic theo tiến trình lịch sử, quy luật của lịch sử.
Thông minh và tự rèn luyện
Đồng tình với quan điểm HS muốn giỏi phải tự học, cô Trần La Giang, GV trường THPT chuyên Sơn La còn cho rằng để tạo lập thói quen tốt là tự học cho HS, trước hết GV phải tranh thủ nhen nhóm tính tự giác trong mỗi các em. Đức tính kiên trì, nhẫn lại cộng với sự đam mê, tính tự giác cao sẽ tạo cho HS một nghị lực phấn đấu phi thường, làm nên những kì tích trong học tập.
Từ trái sang: cô Trần La Giang cùng Ngô Phi Long- HC vàng Olympic Vật lý quốc tế (thứ 3) chụp ảnh với thầy hiệu trưởng trường THPT Sơn La Cầm Duy Thịnh. Ảnh, gdtd.vn |
Theo cô Giang, bộ 3 tiêu chí về kết quả đánh giá các chỉ số thông minh (IQ), chỉ số xúc cảm (EQ) và chỉ số vượt khó (AQ) trong quy chế mới của Bộ GD-ĐT quy định về tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên là hết sức khoa học nếu các trường có đủ điều kiện để triển khai thực hiện trong công tác thi tuyển đầu vào. Bởi nếu HSG (có thông minh IQ cao) chưa đủ, các em cần có thêm quá trình tự học, tự rèn luyện liên tục từ cấp THCS lên đến THPT.
Muốn có được quá trình dài, bền bỉ đó, HS phải có sự đam mê trong học tập. Các yếu tố thông minh, đam mê, tự giác là hết sức cần thiết cho một HSG. Bên cạnh đó là người thầy trực tiếp hướng dẫn,giảng dạy HS. Ở trên lớp, nhiệm vụ của GV là theo sát kết quả của các lần kiểm tra đánh giá để phát hiện năng lực của từng HS. Sau đó nhen nhóm thành nhóm HSG để tập trung bồi dưỡng.
Cô Giang đặc biệt đánh giá cao vai trò của những đợt tập trung bồi dưỡng và thi tuyển chọn HSG của Bộ GD-ĐT để chọn ra đội tuyển HSG dự các kì thi khu vực và quốc tế. Theo cô Giang các đợt tập trung này có tác dụng đặc biệt, nhất là đối với kĩ năng thực hành của HS. Bởi lẽ, không chỉ riêng ở trường THPT chuyên Sơn La, hiện nay, tại các trường THPT chuyên ở các địa phương khác, tình trạng thiếu thiết bị thực hành là phổ biến. Các trường này đều có phòng và thiết bị thí nghiệm. Tuy nhiên, những thiết bị này chỉ dùng để làm những bài thực hành minh họa lý thuyết hay đo đa các đại lượng cơ bản. Do vậy, khi tập trung bồi dưỡng HSG, các trường gặp khó trong hướng dẫn thực hành thí nghiệm cho các em.
Nhiều khó khăn trong phát hiện, bồi dưỡng HSG
Về tình trạng thiếu thiết bị thực hành thì trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tỉnh Nam Định cũng đang gặp phải và bức xúc về vấn đề này. Hiệu trưởng nhà trường, NGƯT Cao Xuân Hùng cho biết, trường có phòng thí nghiệm nhưng thiết bị nghèo nàn và chật trội, không đủ diện tích cho các em học trong những tiết thực hành.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tỉnh Nam Định. Ảnh, gdtd.vn |
Thêm vào đó, có thiết bị nhưng nhà trường không có cán bộ sử dụng, hướng dẫn HS thực hành. Do vậy công tác dạy thực hành thí nghiệm cho HS rất hạn chế. Trong bồi dưỡng HSG những năm gần đây, nhất là năm 2012 nhà trường phải vận dụng sáng kiến phối hợp với một trường cao đẳng chuyên nghiệp tại địa phương để tận dụng thiết bị thí nghiệm và người hướng dẫn để trang bị kĩ năng thực hành thí nghiệm cho HS.
Không chỉ trong công tác bồi dưỡng HSG, trong quản lý, tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn có những sáng kiến để nâng cao chất lượng. Có thể kể ra các hoạt động như: hoạt động tự học trong HS, trong đó HS tự sưu tầm các đề kiểm tra đánh giá để hoàn thành và tự chấm điểm cho nhau, chỉ ra những cái sai cái đúng; thi Olimpic liên môn gồm 11 môn thi cho tất cả HS của 3 khối lớp 10, 11, 12 tham gia nhằm phát triển toàn diện các kiến thức kĩ năng của mình…
Thầy Cao Xuân Hùng khẳng định, muốn có được thành tích cao trong phát hiện, bồi dưỡng HSG, các trường THPT chuyên phải dựa trên nền tảng bền vững của chất lượng giáo dục toàn diện. Phải nâng cao và duy trì qua từng năm chất lượng các hoạt động giáo dục toàn diện trong trường để tạo lập môi trường học tập tốt cho HS phấn đấu với nhau. Trên cơ sở đó mới mong phát hiện, tuyển chọn được những HS ưu tú có năng lực để bồi dưỡng.
Từ nhiều năm nay, với cách quản lý, điều hành trên đây, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn là đơn vị đứng trong tốp đầu cả nước trong các kì thi HSG quốc gia và quốc tế. Tính từ năm 1995 đến nay, trường có 1.216 HS đoạt giải trong các kì thi HSG quốc gia; 36 danh hiệu, huy chương và bằng khen trong các kì thi HSG khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, về lâu dài, vấn đề mà hiệu trưởng Hùng băn khoăn nhất không phải là cơ sở vật chất trường, lớp học mà là đội ngũ GV. Nguy cơ thiếu GV dạy giỏi, nhiều kinh nghiệm giảng dạy đang hiện hữu ở các trường THPT chuyên hiện nay. Tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong 5 năm trở lại đây, số GV luân chuyển đi và đến lên con số hơn 10 người; số chuyển đi thì nhiều hơn chuyển đến và hiện nay nhà trường đang thiếu GV đứng lớp; GV thì không thiếu nhưng GV dạy giỏi thì rất hiếm.
Theo thầy Hùng, hiện nay chất lượng đầu vào của các trường sư phạm không cao như trước đây; thêm vào đó là quá trình thực tập sư phạm trong quy trình đào tạo GV của các trường sư phạm hiện có nhiều bất cập so với thực tế giảng dạy ở các trường phổ thông hiện nay… Do vậy khó có thể tuyển được một GV vào giảng dạy ở trường THPT chuyên trong đội ngũ GV mới ra trường!?
Vấn đề thiếu GV dạy giỏi, nhiều kinh nghiệm giảng dạy của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng là vấn đề của trường THPT chuyên khác như trường THPT chuyên Sơn La, trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa…và nhiều trường THPT chuyên khác trên cả nước./.
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia