Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Nhiều trường công bố chỉ tiêu tuyển sinh 2012

Nhiều trường công bố chỉ tiêu tuyển sinh 2012

02/02/2012

(GD&TĐ)-Trước khi phương án kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 được quyết định trong thời gian tới, nhiều trường ĐH lớn đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh cũng như cho biết sẽ mở thêm ngành mới trong đợt tuyển sinh năm nay.

Theo TS.Nguyễn Thành Nam (ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM), kỳ tuyển sinh 2012, ĐHQG HCM sẽ tuyển sinh với tổng 13.420 chỉ tiêu, trong đó có 12.570 chỉ tiêu ĐH và 850 chỉ tiêu CĐ. Trường vẫn chung thủy với phương án “3 chung”.

ĐKDT vào trường, nếu thí sinh không trúng tuyển vào ngành ĐKDT (NV1), nếu có nguyện vọng sẽ được chuyển vào ngành cùng khối thi còn chỉ tiêu và có điểm trúng tuyển thấp hơn tại các đơn vị đào tạo trong ĐHQG-HCM (NV1B). 

TS.Nguyễn Thành Nam cũng cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới của ĐH Bách khoa HCM năm 2012 là 3950 chi tiêu, trong đó 3800 chỉ tiêu các ngành đào tạo ĐH và 150 các ngành đào tạo CĐ. Trường mở thêm 2 chuyên ngành mới tuyển sinh khối A gồm: hóa dược thuộc ngành kỹ thuật hóa học và kỹ thuật thiết kế thuộc ngành kỹ thuật cơ khí. 

Trường tuyển sinh ngành Kiến trúc thi khối V gồm Toán, Vật Lí thi theo đề khối A cộng với môn năng khiếu “Vẽ đầu tượng” thi riêng (Toán - hệ số 2, Lí và Năng khiếu - hệ số 1). Điều kiện tiên quyết môn năng khiếu có điểm thi từ 5 trở lên. Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng đăng ký vào ngành Kiến trúc phải thi các môn năng khiếu và điểm thi phải từ 5 trở lên mới được xét trúng tuyển.

Trường cũng tuyển 170 SV Chương trình hợp tác Việt - Pháp đào tạo kĩ sư chất lượng cao (PFIEV). Đối tượng là tất cả thí sinh trúng tuyển vào trường ĐH Bách khoa HCM có điểm thi tuyển sinh từ 42,0 trở lên – tính hệ số (Toán x3 + Vật lý x2 + Hóa x1). Sinh viên học chương trình này có chế độ hỗ trợ học bổng, khi tốt nghiệp được nhận bằng của ĐHBK và bằng của trường đối tác Pháp (tương đương Master châu Âu)

Bốn trường thành viên khác của ĐHQGHCM là ĐH Khoa học xã hội nhân văn, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc tế  và ĐH Khoa học tự nhiên sẽ mở thêm ngành mới. Cụ thể, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn mở ngành Ngữ văn Ý (khối D1) với 50 chỉ tiêu; ĐH Khoa học tự nhiên tuyển ngành kỹ thuật hạt nhân (khối A); ĐH Kinh tế - Luật tuyển ngành kinh doanh quốc tế (khối A và D1); Trường ĐH Quốc tế mở thêm ngành dược (tuyển sinh khối A, A1 và B với 50 chỉ tiêu) và ngành kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro (tuyển sinh khối A và A1) với 30 chỉ tiêu.

Trường ĐH Tài chính Marketing cũng cho biết vừa được Bộ GD&ĐT cho phép mở thêm 3 ngành học mới tuyển sinh khối A và D1. Đó là ngành Kinh doanh quốc tế; bất động sản và quản trị khách sạn.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM năm 2012 mở thêm 2 chuyên ngành mới là quản trị dự án xây dựng (khối A) và kỹ thuật kết cấu công trình (Khối A). Trường ĐH Văn hóa TP.HCM mở thêm chuyên ngành truyền thông và văn hóa thuộc ngành văn hóa học, tuyển sinh khối C và D1 với 50 chỉ tiêu. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM mở thêm chuyên ngành địa chính - quản lý đô thị trong ngành quản lý đất đai, tuyển sinh khối A và D1 với 50 chỉ tiêu.

Năm 2012, ĐHQG Hà Nội vẫn giữ nguyên chỉ tiêu như năm trước là 5.500 đồng thời mở thêm hai ngành bác sĩ đa khoa và dược học. Hai chương trình này sẽ được áp dụng một số quy trình của các mô hình đào tạo chất lượng cao và đào tạo đạt chuẩn quốc tế.

Giống như ĐHQG Hà Nội, một số ĐH khác cũng cho biết sẽ giữ nguyên chỉ tiêu như năm trước như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, Học viện Bưu chính - Viễn thông...

 

Cục Khảo thí sẽ chủ trì công tác thi tuyển sinh 

Bộ GD&ĐT đã có quyết định chuyển nhiệm vụ chủ trì công tác thi tuyển sinh CĐ, ĐH từ Vụ Giáo dục ĐH sang Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Theo đó, từ năm 2012, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ đảm nhiệm việc xây dựng và trình bộ trưởng phê duyệt, ban hành các văn bản quy định pháp luật, đề án, hướng dẫn về chủ trương, chính sách, công tác thi tuyển sinh; chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH, hướng dẫn các UBND cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc triển khai công tác chuẩn bị thi, tổ chức thi; phối hợp với thanh tra, Vụ Giáo dục ĐH và các đơn vị liên quan trong việc thanh tra các kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH.

 


Hiếu Nguyễn

Nguồn: Báo GD&TĐ