Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Những phụ nữ đam mê sáng tạo

Những phụ nữ đam mê sáng tạo

09/03/2014

Ảnh: Báo Nam Định

Trên lĩnh vực giáo dục, cô giáo Trần Thị Thanh Xuân với bề dày thành tích nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT, Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh khen thưởng. Đặc biệt năm học 2011-2012 cô vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trong công cuộc đổi mới, ở các địa phương trong tỉnh, luôn xuất hiện những phụ nữ điển hình trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả nhưng ở họ đều có điểm chung là niềm đam mê với công việc. Nhiều đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm của các chị áp dụng vào thực tiễn sản xuất, khám, chữa bệnh, giảng dạy cho học sinh đã đạt được những kết quả thiết thực.

Tốt nghiệp Trường Đại học Thủy sản Nha Trang năm 2003, chị Cao Thị Nga về công tác tại Sở Thủy sản, nay là Sở NN và PTNT. Từ năm 2008 đến nay, chị đã có 5 sáng kiến, đề tài nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Trong đó, chị tâm đắc nhất là đề tài nghiên cứu “Cải tiến kỹ thuật nuôi cá bống bớp qua đông tại Nam Định”. Ưu điểm lớn nhất của đề tài này là giúp các hộ nuôi duy trì sản xuất, bảo vệ đàn cá tránh được thời tiết lạnh vào mùa đông, hạn chế ô nhiễm môi trường do sự phân hủy của các vật liệu chống rét, tiết kiệm được chi phí sản xuất và năng suất, chất lượng cá lại cao hơn hẳn phương pháp nuôi truyền thống. Hiện, phương pháp nuôi cá bống bớp qua đông của chị Nga đang được nhiều hộ nuôi thủy sản ở huyện Nghĩa Hưng áp dụng và bước đầu mang lại kết quả tốt. Với sức trẻ và niềm say mê học hỏi, nghiên cứu khoa học, chị Nga tích cực tham gia các phong trào do đơn vị, ngành tổ chức như: Dự án MCD phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển cộng đồng... Đam mê khoa học, hết mình trong công việc, chị Nga nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được Công đoàn ngành NN và PTNT khen thưởng.

Một tiết dạy có ứng dụng công nghệ thông tin của cô giáo Trần Thị Thanh Xuân. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Một tiết dạy có ứng dụng công nghệ thông tin của cô giáo Trần Thị Thanh Xuân. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Chị Phạm Thị Thu Hà sinh, sinh năm 1972, hiện là Trưởng Khoa Tai, mũi, họng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Khoa hiện có 15 cán bộ, trong đó có 5 bác sĩ, 10 điều dưỡng. Trong quá trình công tác, dù ở cương vị nào chị cũng luôn phát huy vai trò của người cán bộ y tế phục vụ thật tốt sức khỏe nhân dân. Ngoài việc tích cực tham gia các khóa tập huấn, khóa học chuyên khoa nâng cao kiến thức; chị luôn tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp để vừa làm tốt công tác quản lý, vừa cố gắng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nghiên cứu tài liệu và đề xuất nhiều sáng kiến có giá trị thực tiễn như đưa kỹ thuật thăm dò chức năng đo thính lực và nhĩ lương nhằm chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh lý tai xương chũm; áp dụng những kỹ thuật mới vào công tác khám, chữa bệnh như: kỹ thuật sử dụng máy Hummer trong phẫu thuật nội soi mũi xoang, kỹ thuật mổ mở và mổ nội soi tuyến giáp, kỹ thuật phẫu thuật vá màng nhĩ trong bệnh lý tai xương chũm... Nhờ đó, công tác khám, chữa bệnh tại Khoa ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi năm, Khoa Tai, mũi, họng do chị phụ trách tiếp nhận và phẫu thuật cho gần 1.000 lượt bệnh nhân và không để lại di chứng. Nhiều năm liền chị là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Trên lĩnh vực giáo dục, cô giáo Trần Thị Thanh Xuân với bề dày thành tích nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT, Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh khen thưởng. Đặc biệt năm học 2011-2012 cô vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Thành quả này có được là nhờ quá trình học tập, nghiên cứu khoa học không ngừng trong hơn 10 năm công tác. Là học sinh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cô từng ấp ủ mơ ước trở thành giáo viên giỏi và quyết tâm thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, cô được nhận về công tác tại trường. Trong các giờ lên lớp, cô luôn tìm những phương pháp giảng dạy mới, cách giảng bài hay nhằm thu hút học sinh. Năm 2008, cô được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi; trong quá trình giảng dạy, cô luôn có ý thức phân tích, đánh giá những hạn chế về phương pháp của cả học sinh và giáo viên để khắc phục. Năm 2009, cô đã nghiên cứu đề tài “Giải quyết khâu tự học - một giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi”. Năm 2011, để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học cô đã thực hiện đề tài “Sử dụng CNTT trong dạy và học môn Sinh học bậc THPT”. Hiện nay, cô đang làm nghiên cứu sinh với Đề tài “Vận dụng phương pháp giải quyết vấn đề trong dạy học phần tính quy luật của hiện tượng di truyền ở trường THPT” được ấp ủ từ năm 2008. Những đề tài, sáng kiến, kinh nghiệm của cô giáo Trần Thị Thanh Xuân không chỉ giúp học sinh tự tin, sáng tạo, năng động, có ý thức học tập; mà còn biết cách giải quyết vấn đề trong học tập và vận dụng vào cuộc sống. Yêu nghề, say mê khoa học, tuy tuổi còn trẻ song cô Xuân đã sở hữu “gia tài” là 40 giải Quốc gia môn Sinh học của học sinh do cô đào tạo bồi dưỡng; trong đó có 6 giải nhất, 23 giải nhì, 10 giải ba và 1 giải khuyến khích, 2 học sinh của cô được chọn tham gia đội tuyển Quốc gia đi thi Ô-lim-pích quốc tế Sinh học tại Đài Loan với 1 HCĐ và 1 Bằng khen năm 2011; 2 học sinh tham dự Ô-lim-pích Quốc tế Sinh học tại Xinh-ga-po đạt 1 HCB, 1 HCĐ năm 2012.

Là những phụ nữ luôn hết mình vì công việc, say mê nghiên cứu sáng tạo và đạt được nhiều thành tích, nhưng khi nói về bản thân họ đều khiêm tốn với mong ước được góp phần nhỏ bé của mình trong công việc để phục vụ quê hương, đất nước./.

Nguồn tin: Báo Nam Định