Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với các Bộ, ngành về triển khai năm học 2021-2022

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với các Bộ, ngành về triển khai năm học 2021-2022

16/10/2021

Chiều 12/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc với một số Bộ, ngành về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022.

Dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ; Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Đắc Hưng.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp (Ảnh: TTXVN)
 
Chủ động tổ chức dạy học, linh hoạt giải pháp bù đắp kiến thức cho học sinh
Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GDĐT đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện những giải pháp ứng phó với dịch Covid-19, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GDĐT, địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022; chủ động xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong trường hợp học sinh chưa được đến trường hoặc học sinh đang học mà phải tạm dừng đến trường.

Tính đến ngày 12/10/2021, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã tổ chức triển khai khá tốt, linh hoạt trong dạy học. Trong đó các địa phương thuộc vùng xanh tổ chức dạy học theo hình thức dạy học trực tiếp; các địa phương thuộc vùng cam và vùng đỏ chủ động tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sớm ổn định và tiếp tục học tập tại địa phương nơi cư trú, Bộ GDĐT đã 2 lần có văn bản gửi các sở GDĐT về việc tiếp nhận và tạo điều kiện học tập cho học sinh di chuyển về cư trú tại địa phương. Các địa phương đều tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận học tập cho các học sinh ở các tỉnh khác đang tạm trú trên địa bàn do thực hiện giãn cách không kịp về nơi cư trú hoặc học sinh di chuyển về nơi cư trú tại địa phương sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

Trao đổi về giải pháp bù đắp kiến thức cho học sinh khi quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Giải pháp đầu tiên được Bộ tính đến là chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong việc kết thúc năm học, trong đó chấp nhận việc phải kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh. Việc này sẽ tùy thuộc vào tình hình từng địa phương để có xử lý cho phù hợp.

 
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc
 
Thứ hai, theo Bộ trưởng, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp thì việc học trực tuyến, qua truyền hình vẫn sẽ tiếp tục là công cụ duy trì trong việc bù đắp, củng cố kiến thức cho học sinh. Thời gian qua, Bộ GDĐT đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng qua truyền hình cho nhiều khối lớp, đặc biệt là lớp 1, lớp 2. Hệ thống bài giảng này sẽ là nguồn học liệu mở được sử dụng để hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho học sinh khi các em quay trở lại trường học trực tiếp.

Bên cạnh việc ban hành chương trình dạy học cốt lõi để sử dụng trong cả điều kiện học sinh học trực tuyến và khi đã trở lại trường học, một giải pháp khác cũng được Bộ trưởng nhắc tới, đó là thời gian qua, nhiều hoạt động đã được thực hiện nhằm hướng dẫn cho học sinh năng lực tự học. Đây vừa là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, song cũng vừa là để thay đổi phương pháp dạy và học, nâng cao khả năng tự học, nghiên cứu tài liệu của học sinh.

“Bộ GDĐT sẽ có những điều chỉnh trong kiểm tra, đánh giá theo hướng phù hợp với tinh thần cốt lõi và khuyến khích tinh thần tự học của học sinh”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho rằng: Trong việc củng cố kiến thức cho học sinh, vai trò của phụ huynh, gia đình, người thân, xã hội, các tổ chức hỗ trợ rất quan trọng. Vì vậy, để thực hiện được cần phải tính đến các giải pháp tổng hợp.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, củng cố kiến thức cho học sinh không chỉ được ngành Giáo dục thực hiện trong năm học 2021-2022 mà sẽ còn được tiếp tục ở những năm tiếp theo. Để hỗ trợ giáo viên thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GDĐT sẽ biên soạn các tài liệu nhằm lưu ý về một số kỹ năng cho giáo viên khi dạy củng cố kiến thức cho học sinh.

95% trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm 2  mũi vắc xin trong quý IV năm 2021
Chia sẻ xung quanh các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay: Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vắc xin phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn vắc xin để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi, với số lượng vắc xin cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này.

Đối với trẻ em từ 3-11 tuổi (khoảng trên 14 triệu trẻ em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vắc xin phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.

 
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại cuộc làm việc
 
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo sở GDĐT chủ trì cùng Sở Y tế rà soát lại các văn bản hướng dẫn về đảm bảo an toàn trường học đã được Bộ Y tế, Bộ GDĐT ban hành, qua đó đánh giá, củng cố và hoàn thiện công tác phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục, sẵn sàng mở lại trường học đón học sinh đến trường.

Tại cuộc làm việc, thông tin liên quan đến việc triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng được trao đổi và thống nhất các biện pháp triển khai, nhằm đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho học sinh khó khăn trên cả nước có điều kiện học tập trực tuyến.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, với sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng nỗ lực của các nhà mạng, hiện “sóng” đã bảo đảm cho việc học trực tuyến tại tất cả các địa phương đang thực hiện giãn cách.

Đối với “máy tính”, hiện đã có đủ nguồn kinh phí để mua 1 triệu máy tính, các nhà tài trợ đã và đang thực hiện các thủ tục mua sắm theo quy định, đảm bảo các yêu cầu về chủng loại, giá cả và chất lượng. Dự kiến trong tháng 10 sẽ có đợt máy tính đầu tiên được cung cấp đến học sinh tháng 11 tiếp tục đợt thứ 2 với tổng số khoảng 100.000 máy.

“Cố gắng tới cuối năm hoặc chậm nhất quý I năm 2022 sẽ có đủ số lượng máy tính phục vụ việc học tập trực tuyến của những học sinh thuộc đối tượng thụ hưởng theo chương trình”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho hay

Tổ chức tiêm vắc xin sớm và thật an toàn cho học sinh
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: Năm học 2020-2021, dù trong điều kiện dịch bệnh nhưng ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học; kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Trong khó khăn đã xuất hiện nhiều cách làm mới đáng khích lệ; tinh thần tự học của học sinh, đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên được thúc đẩy thêm một bước…

Nhận định năm học 2021-2022 sẽ khó hơn nhiều, Phó Thủ tướng chia sẻ: Đến thời điểm này nhiều địa phương chưa thể học trực tiếp, nhiều nơi trong vùng dịch rất khó khăn. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng một phần yêu cầu, song dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình chỉ là hình thức bổ trợ và không tránh khỏi những tác động không mong muốn.

 
Quang cảnh cuộc làm việc

“Chúng ta cần có các giải pháp rất nhanh cho năm học này”, Phó Thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu phải có kế hoạch, giải pháp rất chủ động để hoàn thành kế hoạch năm học; cùng với đó là chủ động có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh bằng các hình thức phù hợp, trong ngắn hạn cũng như trong một vài năm tới.

Thống nhất với phương án của Bộ GDĐT là kế hoạch năm học 2021-2022 sẽ kết thúc linh hoạt, tùy vào tình hình của địa phương, Phó Thủ tưởng lưu ý, sự linh hoạt không chỉ ở cấp tỉnh mà còn sâu hơn xuống cấp huyện, cấp xã; việc thi cử, đánh giá kết quả học tập định kì, cuối năm phải được thực hiện rất linh hoạt.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành Giáo dục sát sao hơn nữa trong việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hình thức cuốn chiếu. Trong đó, việc chuẩn bị sách giáo khoa, từ thẩm định, xuất bản, đến phát hành đến tay học sinh, phụ huynh - thời gian qua dù dịch bệnh nhưng đã làm tương đối tốt - cần tiếp tục làm tốt hơn nữa; đẩy mạnh ứng dụng đặt hàng thương mại điện tử, đưa sách đến tận tay học sinh.

Về đảm bảo an toàn trường học, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ GDĐT rà soát kỹ các quy định bảo đảm an toàn học đường. Đồng thời, phải tổ chức tiêm vắc xin sớm và thật an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngay việc đăng ký tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi, để sẵn sàng khi có vắc xin sẽ tổ chức tiêm nhanh và an toàn nhất cho các cháu.

Với tinh thần đến trường phải an toàn, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ GDĐT rà soát lại, chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường, đảm bảo tất cả học sinh đến trường học đều có đầu mối cụ thể theo dõi sức khỏe. Ngoài an toàn về sức khỏe, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc chăm sóc, giáo dục học sinh toàn diện; đặc biệt là vấn đề tâm lý học đường.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã huy động cơ sở vật chất trường học để phục vụ phòng chống dịch, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh/thành căn cứ tình hình dịch bệnh, nơi nào không nhất thiết phải sử dụng các cơ sở giáo dục thì sớm tu sửa, củng cố thêm một bước hạ tầng thông tin phục vụ học tập; đảm bảo khi dịch đi qua, học sinh có môi trường học khang trang, sạch sẽ, đáp ứng được yêu cầu học tập.

Bên cạnh các nhiệm vụ trước mắt của năm học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý đến một số nhiệm vụ dài hạn. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT tiếp tục rà soát các chương trình về củng cố trường lớp học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; trường lớp học gắn với sóng và internet… Đồng thời, bám sát các nội dung Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; chuẩn bị sơ kết đánh giá từng nội dung; kiến nghị những nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục
Nguồn: moet.gov.vn