Sáng kiến trong dạy và học ở Ấn Độ
14/09/2017Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, điều quan trọng là làm cho việc dạy và học trở thành một trải nghiệm toàn diện. Quan tâm đến điều này, các trường học ở Ấn Độ đang áp dụng nhiều sáng kiến hay mang lại cho học sinh niềm vui trong học tập, mau tiến bộ và phát triển nhân cách.
Lớp học là “cỗ máy” chính của việc học và là “nhà kính” nuôi dưỡng tài năng cùng sự sáng tạo. Sự năng động của giáo viên và học sinh là nền tảng quan trọng đánh giá thành tích của lớp. Để tối ưu hóa quá trình dạy và học, các trường phổ thông ở Ấn Độ đang ứng dụng nhiều phương pháp tiên tiến, trang bị các công nghệ giáo dục mới nhất, đồng thời khuyến khích giáo viên phát huy tinh thần sáng tạo.
Dưới đây là một số phương pháp mà giáo viên đang áp dụng để làm cho việc học hiệu quả, hấp dẫn, sinh động.
Thiết bị nghe nhìn
Nhiều cơ sở giáo dục ở Ấn Độ có các lớp học được trang bị thiết bị nghe – nhìn để tạo thuận lợi cho việc học và hiểu nơi học sinh. Các giáo viên dạy những môn học khó như Vật lý, Toán, Hóa học bằng biểu đồ, được sự hỗ trợ của bảng thông minh.
Với việc học ngôn ngữ, thiết bị nghe nhìn là một công cụ rất cần thiết. Giáo viên có thể chiếu những đoạn trích từ các bộ phim nổi tiếng để rèn luyện kỹ năng nghe, nói và diễn kịch của học sinh.
Các giáo viên bộ môn đang tận dụng các phương tiện nghe nhìn như là phương pháp gây chú ý, kích thích sự tò mò của học sinh qua các biểu đồ, hình ảnh và câu đố, qua đó khuyến khích các em tư duy một cách sáng tạo. Trên hết, nó làm thỏa mãn nhu cầu được nghe, thấy của học sinh, đồng thời giúp chúng hiểu thấu những gì đang học.
Lớp học đảo ngược (Flip Classroom)
Phương pháp này đơn giản là chuyển trách nhiệm chính về phía học sinh và làm cho chúng trở thành những người tham gia tích cực vào quá trình học tập. Các cơ sở giáo dục như Viện nghiên cứu Quản lý và nghiên cứu SP Jain (SPJIMR) và Trường Kinh doanh Ấn Độ (ISB) nằm trong số các trường tiên phong về lớp học đảo ngược này.
Tại đây, các giáo viên chuyển sang vai trò nhà cung cấp tài nguyên hay vật liệu qua email hay intranet, còn học sinh tiến hành các bước thuộc giai đoạn chủ yếu qua việc tập hợp các khái niệm, xây dựng kiến thức và rút ra kết luận.
Một khía cạnh quan trọng khác của phương pháp này là giáo viên luôn bám sát, tổ chức các buổi thảo luận về chủ đề nhất định mà học sinh tham gia là chủ yếu. Buổi thảo luận nêu được tính chất quan trọng của bài học. Ngoài thảo luận, còn có tổ chức thuyết trình nhóm, tranh luận và thi viết tiểu luận.
Diễn kịch
Phương pháp này mang yếu tố giải trí vào lớp học. Được yêu thích bởi nhiều học sinh, diễn kịch tạo thuận lợi cho sự hiểu biết của các em, giúp chúng hiểu rõ về các nhân vật đã đọc.
Từ trường mầm non đến trung học, các cơ sở giáo dục tại Ấn Độ đang thực hiện phương pháp này vì nó là một nguồn tuyệt vời giúp học sinh thấm nhuần các giá trị và lý tưởng sống, khi chúng vào vai các nhân vật lịch sử như Mahatma Gandhi, Pandit Nerhu, Nelson Mandela và Martin Luther King hay các nhân vật truyền thuyết như Caesar, Mark Anthony và Charlie Chaplin.
Học sinh được khuyến khích tạo ra phiên bản riêng về nhân vật mà chúng đóng vai và thể hiện họ trong bối cảnh hiện tại. Qua đóng kịch, học sinh cũng học được nhiều khía cạnh khác nhau về sân khấu, từ diễn xuất đến giọng nói- và phát hiện tài năng diễn xuất của chúng.
Kỹ thuật này cũng giúp giáo viên khám phá sự sáng tạo, tư duy phê phán trong học sinh. Sân khấu hóa là một phương pháp có tác động mạnh mẽ, nâng cao khả năng học tập và cũng giúp người học cơ hội sống trải nghiệm qua các giá trị đồng cảm và gắn kết.
Đôi bạn cùng học
Đây là một trong những phương pháp được xem là hiệu quả nhất để mang lại thành tích cho lớp học. Thông thường, giáo viên kết hợp một học sinh giỏi với một học sinh kém về môn học nào đó. Các em được khuyến khích tình nguyện hoặc được chọn ngẫu nhiên để nhận nhiệm vụ như là giáo viên bộ môn. Phương pháp này đưa ra một nền tảng kiến thức mang tính chia sẻ trong học sinh, ngoài cạnh tranh học tập lành mạnh .
Khía cạnh thú vị của đôi bạn học tập là học sinh có khuynh hướng phản ứng tích cực hơn khi một trong hai em giữ vai trò giáo viên. Lớp học trở nên sinh động và tương tác hơn vì có sự thách thức mang tính xây dựng trong học sinh.
Với các buổi học đôi thường xuyên như vậy, học sinh bắt đầu nắm bắt các khái niệm, thể hiện sự chín chắn, tính kỷ luật cao và cũng phát triển tốt hơn các kỹ năng giao tiếp. Phương pháp này đang được sử dụng rộng rãi ở các cấp học tại Ấn Độ
Trò chơi
Các bài học về trò chơi khá phổ biến trong học sinh các cấp và là một phương pháp thành công được ngành giáo dục lưu tâm. Nếu các buổi học mà chơi này được các giáo viên thiết kế cẩn thận và thực hiện hoàn hảo sẽ giúp củng cố kiến thức liên quan đến nhận thức, đặc biệt là các khái niệm toán học, khoa học và từ vựng trong học sinh. Hiện các giáo viên đang thử nghiệm nhiều loại hình, mức độ từ ngữ và trò chơi trí tuệ như câu đố, giải trí, Scrabble, Sudoku, v.v ...
Trò chơi giúp kết hợp chặt chẽ kiến thức môn học với ứng dụng và là một câu trả lời cho việc học tập hiệu quả và thông minh. Kỹ thuật này được tạo bởi Công ty công nghệ Quest Alliance ở Bangalore. Họ đã thiết kế một trò chơi gọi là Anandahala Gupshup, nhằm tăng cường sự giao tiếp giữa cha mẹ và học sinh.
Trò chơi làm tăng nhận thức của cha mẹ về nhu cầu của trẻ, cải thiện thành tích lớp học. Trò chơi thứ hai, được gọi là Career Quest, dành cho học sinh trường nghề, giúp họ củng cố lại các khái niệm kỹ thuật, cũng như đào tạo các em những kỹ năng về cuộc sống.
Hợp tác
Trong một cơ sở giáo dục, kỹ năng hợp tác này có thể được phát huy tốt nhất trong lớp học bằng cách cho phép học sinh làm việc theo nhóm. Các nhà giáo dục đang gieo hạt giống về tinh thần hợp tác sớm nhất ở trường tiểu học, ở đây các em được khuyến khích tạo ra, lên kế hoạch và tổ chức các buổi trình diễn theo nhóm về kịch châm biếm, hoặc đọc thơ, truyện. Ngay từ đầu, giáo viên giúp học sinh phác họa kế hoạch, cung cấp cho các em những điểm chính, giám sát công việc và xây dựng tinh thần đồng đội nơi các em.
Nhiều trường đã thực hiện dự án hợp tác làm việc như một phần của chương trình giảng dạy. Giáo viên thiết kế các bài học cho các hoạt động nhóm, có thể là nghiên cứu hoặc trình bày trước lớp học.
Lớp học dã ngoại
Nhà trường cần làm cho học sinh biết về thế giới chung quanh và bản thân, mở rộng quan điểm, giúp chúng tìm kiếm sự thật. Hiện nay, các trường học đang có xu hướng đưa học sinh ra khỏi lớp học. Cho dù khám phá một đường mòn tự nhiên, hoặc đi thăm các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, học sinh đều được trực tiếp tương tác với những gì các em đọc trong sách. Các em tiếp nhận kiến thức dễ dàng khi nhìn thấy và trải nghiệm trong các viện bảo tàng hơn là được dạy lý thuyết trong lớp.
Chuyến đi thực địa là một phần không thể tách rời của chương trình học. Những đổi mới và nỗ lực sáng tạo của giáo viên sẽ làm cho các lớp học thêm nhiều hoạt động sinh động, học sinh tư duy chính xác hơn. Mỗi học sinh đều được truy cập vào kho lưu trữ các tài nguyên để có thể học một cách độc lập và hiệu quả.
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia