Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Tăng cường hợp tác phát triển giáo dục chất lượng cao

Tăng cường hợp tác phát triển giáo dục chất lượng cao

30/10/2012

(GD&TĐ) -Ngày 30/10/2012, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) “Hội nghị bàn tròn quan chức cấp cao các nước ASEAN về giáo dục lần thứ VII (RMT VII) và diễn đàn hiệu trưởng các trường phổ thông khu vực Đông Nam Á lần thứ V (SEASPF IV)” đã chính thức khai mạc. Với chủ đề: “Giáo dục học sinh năng khiếu đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong các nước ASEAN”.

Hội nghị đã thu hút gần 100 nhà giáo dục, nhà khoa học, hiệu trưởng các trường phổ thông đào tạo học sinh năng khiếu từ các nước ASEAN và đại diện nhiều quan chức của các nước ASEAN tham dự. Đoàn của Bộ GD&ĐT Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển dẫn đầu. 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu khai mạc hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu khai mạc hội nghị

Mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng

Các nhà khoa học đều cho rằng đây là hội nghị quy mô và chuyên sâu nhất từ trước đến nay. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông năng khiếu, nhằm tạo ra một nguồn lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của từng nước và khu vực trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đánh giá của Bộ GD&ĐT Việt Nam cho thấy, việc đào tạo nhân tài trong hệ thống giáo dục Việt Nam được hình thành và phát triển từ rất sớm nhằm củng cố và xây dựng đội ngũ trí thức có khả năng sáng tạo và cạnh tranh ở tầm quốc tế.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Chính phủ Việt Nam hiểu rõ rằng đất nước rất cần nhân tài, nhất là trong lĩnh vực quản lý, khoa học – công nghệ, kinh tế để đưa đất nước vượt lên phía trước.

Đăng cai tổ chức Hội nghị bàn tròn về giáo dục các nước ASEAN và diễn đàn Hiệu trưởng các trường phổ thông, Việt Nam  mong muốn tạo ra cơ hội để các đại biểu chia sẻ về những chủ trương, chính sách về đạo tạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu của các trường cũng như để hiệu trưởng của các trường chia sẻ những kinh nghiệm hết sức cụ thể về việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

Là một chuyên gia hàng đầu của giáo dục phổ thông Indonesia, ông Yudi Her Man khẳng định rằng: “Đây là cơ hội rất quý báu để chúng ta cùng trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc đào tạo học sinh năng khiếu nhằm hướng tới một đội ngũ trí thức cao, có thể làm việc trong môi trường của nước mình cũng như các nước trong khu vực”.

Chỉ tính riêng trong năm 2011 và 2012, các nước trong khu vực ASEAN đã đào tạo chuyên sâu được trên 3 triệu học sinh năng khiếu, đây sẽ là nguồn lực tạo ra nhiều đột phá trong xã hội ngày càng phát triển về tri thức.

Nhà nghiên cứu giáo dục phổ thông Chan Poh Meng và nhiều nhà khoa học khác có chung quan điểm: “Thế giới đã bước vào thời kỳ hội nhập mạnh mẽ nên sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là rất cần thiết. Đây sẽ là một đòn bẩy kích cầu nền kinh tế phát triển, từ đó kéo giảm tỷ lệ đói nghèo, nâng cao tầm văn hóa, trí tuệ trong sự phát triển và biến động không ngừng của cuộc sống. Hội nghị này sẽ tạo sự hợp tác chặt chẽ song phương lẫn đa phương về giáo dục, nhất là giáo dục trong các trường năng khiếu”. 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đại diện nước chủ nhà trao quà cho đại diện các nước ASEAN tham gia hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đại diện nước chủ nhà trao quà cho đại diện các nước ASEAN tham gia hội nghị

Tạo sự đồng thuận và nâng cao chất lượng 

Đó là khẳng định của tiến sĩ Zainab Hussin- thư ký của RMT VII và SEASPF IV năm 2012 này. Cũng theo bà, các nước ASEAN cần tăng cường hơn nữa trong việc trao đổi kinh nghiệm giáo dục phổ thông.

Hội nghị và diễn đàn lần này sẽ phá bỏ mọi ngăn cách trong việc hợp tác đào tạo, tạo ra cuộc đối thoại nghiêm túc, chất lượng. Các cam kết được đưa ra sẽ thành công vì chúng ta đã cơ bản có được sự đồng thuận”.

Bà Hussin cũng chỉ ra rằng, nếu không có sự hợp tác, trao đổi sáng kiến với nhau để chia sẻ sự tương đồng, học hỏi sự khác biệt cả về quản lý lẫn đào tạo thì nền giáo dục sẽ rất khó có được sự bứt phá”.

Các đại biểu dự hội nghị lần này cũng thống nhất quan điểm: “không có sự chia sẻ, không có hợp tác sẽ không có thành công”. Diễn đàn đã chỉ rõ; sự hợp tác trong đào tạo học sinh năng khiếu giúp cho các mô hình đào tạo hay được nhân rộng.

Đại diện cho ngành giáo dục Malaysia, tiến sĩ Hainei Abu Bakar đã chia sẻ với diễn đàn rất nhiều sáng kiến hay trong việc nâng cao chất lượng trong đào tạo học sinh năng khiếu. Theo bà, diễn đàn lần này đã giải quyết sự khan hiếm các mô hình đào tạo học sinh năng khiếu có chất lượng cao.

Từ sự đồng thuận này, các nước ASEAN sẽ nuôi dưỡng và ươm mầm tài năng một đội ngũ hùng hậu học sinh năng khiếu và hiện thực hóa các năng khiếu đó. Diễn đàn và đối thoại đã thể hiện sức mạnh trong những thách thức, thu hút sự quan tâm của chính quyền và xã hội nhằm đưa việc đào tạo học sinh chất lượng cao như một mục tiêu của xã hội trong từng đất nước.

Thư ký của RMT VII và SEASPF IV - Tiến sĩ Zainab Hussin (bên phải) và tiến sĩ Abu Bakar trình bày giải pháp hay về đào tạo học sinh năng khiếu
Thư ký của RMT VII và SEASPF IV - Tiến sĩ Zainab Hussin (bên phải) và tiến sĩ Abu Bakar trình bày giải pháp hay về đào tạo học sinh năng khiếu

Từ năm 2006 đến nay, các nước trong khu vực ASEAN đã trao đổi với nhau trên 1.000 mô hình hay về đào tạo học sinh năng khiếu, mỗi năm có hàng trăm học sinh năng khiếu từ nước này sang học hỏi kinh nghiệm ở các nước khác trong khu vực, con số này chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa từ sự đồng thuận trong diễn đàn lần này.

Đánh giá tổng quát về hội nghị cũng như việc đào tạo học sinh năng khiếu của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việt Nam tự hào là nước có nhiều mô hình đào tạo hay cho học sinh năng khiếu. Rất nhiều nhân tài được quan tâm hỗ trợ từ rất sớm. Nhiều nước trong khu vực đánh giá cao điều này.

Ngay trong từng trường chuyên của Việt Nam đã có đề án cụ thể kích thích cho học sinh năng khiếu phát huy tối đa khả năng của mình. Đội ngũ giáo viên trong các trường chuyên luôn linh hoạt, sáng tạo, chất lượng học sinh ngày càng nâng cao. Hệ thống trường chuyên của Việt Nam luôn hướng đến đào tạo một đội ngũ học sinh giỏi trên nền tảng giáo dục toàn diện. Trong tương lai, các trường chuyên sẽ là hình mẫu cho các trường phổ thông khác.

Với tư cách chủ nhà, thông qua hội nghị và đối thoại lần này,Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN và chắc chắn sẽ tạo ra nhiều đột phá mới trong việc đào tạo học sinh năng khiếu”.

Hà Văn Đạo

Nguồn: báo Giáo dục và Thời đại