Thúc đẩy triển khai STEM vào giáo dục phổ thông
27/07/2017Nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 16CT-TTg, yêu cầu các Bộ, ban, ngành tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp và nhiệm vụ.
Trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT, thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017 - 2018.
Đào tạo nhân lực thời đại mới
STEM là cách viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Các kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày.
Giáo dục STEM sẽ phá đi khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường làm việc có tính sáng tạo cao và sử dụng trí óc có tính chất công việc ít lặp lại trong thế kỷ 21. Một thống kê tại Mỹ cho thấy, từ năm 2004 - 2014 các việc làm liên quan đến khoa học và kỹ thuật tăng 26%, gấp hai lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của các ngành nghề khác. Trong khi đó việc làm STEM có tốc độ tăng trưởng gấp 4 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của các ngành khác nếu tính từ năm 1950 - 2007.
Tinh thần giáo dục STEM
Với học sinh phổ thông, việc theo học các môn học STEM còn có ảnh hưởng tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Khi được học nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, học sinh sẽ chủ động thích thú với việc học tập thay vì thái độ e ngại hoặc tránh né một lĩnh vực nào đó, từ đó sẽ khuyến khích các em có định hướng tốt hơn khi chọn chuyên ngành cho các bậc học cao hơn và sự chắc chắn cho cả sự nghiệp về sau.
Được đánh giá sẽ là mô hình giáo dục diện rộng trong tương lai gần của thế giới, tại Việt Nam, giáo dục STEM đang được Bộ GD&ĐT thí điểm đưa vào giảng dạy ở một số trường phổ thông, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là một trong những việc chuẩn bị để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), giáo dục STEM đã được đưa vào nhiệm vụ năm học của các Sở GD&ĐT từ hai năm nay. Bộ GD&ĐT đã kết hợp với một số công ty giáo dục tổ chức các câu lạc bộ STEM trong các trường tiểu học, THCS và cùng Hội đồng Anh thí điểm Giáo dục STEM trong chương trình chính khóa ở 9 trường phổ thông.
“Chương trình giáo dục tổng thể sắp tới cũng “quán triệt” tinh thần giáo dục STEM, đưa phương thức giáo dục này sâu hơn vào chương trình chính khóa, thay vì câu lạc bộ khoa học ở các trường phổ thông. Bên cạnh đó, gần đây, Liên minh STEM gồm những người tâm huyết với phương thức giáo dục này đã đào tạo cho gần 2.000 giáo viên ở nhiều tỉnh trên cả nước”, ông Vũ Đình Chuẩn nêu rõ.
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia