Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tin Giáo dục-Khoa học

Trang chủ Tin Giáo dục-Khoa học Văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, xã hội

Văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, xã hội

23/11/2021

Phát biểu tại hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” tổ chức ngày 21.11, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, văn hóa học đường là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng. Trường học không phải là ốc đảo tách biệt, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, xã hội.

"Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò"

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, văn hóa học đường bao gồm các thành tố, các hoạt động của trường học, cùng các yếu tố có liên quan; nhưng cốt lõi là hệ thống các chuẩn và hệ các giá trị, trong đó bao gồm bộ quy tắc ứng xử cả hoạt động dạy và học, các quan hệ ứng xử. Khi những điều đó đạt tới chuẩn mực và các giá trị được xác định thì lúc đó đạt tới giá trị của văn hóa.

Theo Bộ trưởng, trong nhà trường, hoạt động quan trọng nhất là dạy và học; quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò; giá trị có thể khái quát nhất chính là chân - thiện - mĩ. Đặc biệt, nhân tố hệ trọng và trung tâm chính là người thầy. Khi làm chính sách, đây là khâu đặc biệt quan trọng, có tính chất hạt nhân, cốt lõi để triển khai các phương diện về văn hóa học đường.

"Điều đầu tiên là cả thầy, trò, trường học phải củng cố và làm thật tốt tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, hoàn thiện và làm thật tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn về đạo đức của nhà giáo, các chuẩn trường học, chuẩn ứng xử.

Có như vậy mới rõ ràng để thực thi; có tiêu chí, tiêu chuẩn để hành động; có chỗ để thưởng phạt, khen chê… Làm nghiêm các phương diện đó sẽ làm ngay ngắn được trường học. Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò thì sau đó mới nói đến các giá trị khác" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo Giáo dục 2021. Ảnh: Thế Đại
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo Giáo dục 2021.
Nhìn lại những việc đã làm được trong giai đoạn vừa qua về xây dựng văn hóa học đường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đã có những việc làm được, nhưng còn nhiều việc phải tiếp tục làm. Trong đó, bao gồm rà soát hệ thống các văn bản, quy định; triển khai mạnh mẽ tự chủ trong giáo dục; đồng thời quan tâm cải thiện cơ sở vật chất trường học. 

“Văn hóa học đường là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, rất nhiều việc phải làm phía trước. Trường học không phải là ốc đảo tách biệt, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, xã hội. Cho nên gây dựng, phát triển văn hóa học đường trước hết bắt đầu từ thầy và trò trong nhà trường nhưng có thành công hay không là chuyện của tất cả” - Bộ trưởng nêu rõ.

Tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định về xây dựng văn hóa học đường

Phát biểu tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, chủ trương về xây dựng môi trường văn hóa, trong đó có văn hóa trường học luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Tuy nhiên, việc tiếp cận một cách tổng thể về xây dựng văn hóa học đường, xây dựng hệ giá trị văn hóa trong trường học còn nhiều hạn chế, bất cập; bộ quy tắc ứng xử cần tiếp tục hoàn thiện để dễ nhớ, dễ thực hiện hơn.

Trước thực trạng trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hóa học đường. Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa học đường; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến văn hóa học đường. Trong đó, có quy tắc ứng xử của nhà giáo, quy tắc ứng xử của cơ sở giáo dục.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Thế Đại
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng nhấn mạnh việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội. Nâng cao vai trò, tinh thần nêu gương của giáo viên, giảng viên, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu nhà trường. Đặc biệt, cần tạo điều kiện để đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về văn hóa học đường.
- Theo báo Lao Động -