Vệ tinh 300 triệu USD của Việt Nam sắp lên bệ phóng
10/05/2012(Dân trí) - Vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam sẽ được phóng vào rạng sáng 16/5 tới. Tập đoàn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đã đầu tư khoảng 300 triệu USD cho vệ tinh thứ 2 này. (ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT nguyên HS Lê Hồng Phong, đã về trường và tặng nhà trường mô hình Vinasat - 1. BBT)
Vệ tinh Vinasat-2 do Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất, sử dụng công nghệ khung A2100A, một trong những công nghệ vệ tinh tiên tiến nhất hiện nay. Lockheed Martin cũng là đối tác cung cấp vệ tinh, thiết bị trạm điều khiển và dịch vụ phóng, sau thành công của dự án Vinasat-1.
Vệ tinh này có 24 bộ phát đáp băng tần Ku (băng thông 36Mhz). Theo cam kết, Vinasat-2 có thể khai thác lên tới 25 bộ phát đáp, tính đến cuối thời gian sống. Vùng phủ sóng của Vinasat-2 bao gồm khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Tuổi thọ thiết kế của vệ tinh là 15 năm. Dung lượng truyền dẫn của Vinasat-2 tương đương 13.000 kênh thoại/internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.
Được biết địa điểm lần này vẫn là bãi phóng Kouru (Guyana - Nam Mỹ), nơi đã phóng thành công vệ tinh Vinasat-1. Cùng Vinasat-2 của Việt Nam trong lần phóng này còn có vệ tinh JCSAT-13 của Nhật Bản.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT cho biết, theo phương án của VNPT, trung tâm điều khiển vệ tinh Vinasat - 2 và Vinasat - 1 tại Quế Dương (Hà Nội) và trạm dự phòng đặt ở Bình Dương, với cùng đội ngũ vận hành Vinasat 1, nhưng có sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài.
Ông Hoàng Công Lâm, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) cho biết thêm, dự án Vinasat-2 có tổng vốn đầu tư khoảng gần 300 triệu USD, đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 12/2009. Trong đó vốn của VNPT đạt 20%, còn lại là vốn đi vay. Dự kiến khoảng giữa tháng 7/2012 Vinasat - 2 sẽ chính thức được khai thác thương mại.
Trước đó, ngày 19/4-2008, vệ tinh Vinasat-1 của Việt Nam đã được phóng thành công lên quỹ đạo tại vị trí 132oE. Đến thời điểm này, Vinasat-1 đã khai thác 90% dung lượng.
Theo ông Lâm, vệ tinh Vinasat-2 và Vinasat-1 sẽ tạo thành một hệ thống các vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dung lượng vệ tinh cho khách hàng; đồng thời củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông, phòng chống thiên tai…
Thanh Trầm
Tin liên quan
- Bộ GDĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Đảm bảo công bằng, giảm tải áp lực
- Thư viện số 100 năm trao tặng 2.000 Thẻ Thư viện số 100 năm cho THPT Lê Hồng Phong, Nam Định và tư vấn chiến lược phát triển CLB đọc sách
- Cô giáo Việt đầu tiên giành giải thưởng 100.000 USD về giáo dục
- Nam Định tuyên dương 93 gương mặt tiêu biểu dự thi học sinh giỏi quốc gia