Ba nữ thủ khoa xinh đẹp của Học viện Cảnh sát (trong đó có hai em là cưu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định)
09/11/2015Mê màu áo xanh quân phục, mong muốn được giúp đỡ cộng đồng, Mỹ Châu, Khánh Linh và Ngân tích cực ôn tập để thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân, kết quả trở thành thủ khoa đầu vào của trường có tỷ lệ chọi cao chót vót
Đinh Thị Mỹ Châu (19 tuổi) sinh ra trong gia đình bố mẹ làm kinh doanh ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Từ bé, cô con gái "rượu" chẳng phải động chân tay vào công việc nặng nhọc. Thế nhưng trước mùa thi năm 2014, Châu quyết định đầu quân vào Học viện Cảnh sát nhân dân - môi trường đào tạo vốn có tiếng khắc nghiệt với phái nữ.
"Ước mơ ngày nhỏ của em là làm hướng dẫn viên du lịch để được đi nhiều nơi. Tuy nhiên, sau khi xem phim Chạm tay vào nỗi nhớ, thấy các anh chị học trường cảnh sát mặc quân phục màu xanh thật đẹp, cuộc sống đồng đội vui vẻ, em đã đặt mục tiêu thi đỗ vào Học viện này", Châu tâm sự.
Đinh Thị Mỹ Châu, thủ khoa khối C Học viện Cảnh sát nhân dân. Ảnh: Dương Hải Anh. |
Mùa thi năm 2014, nữ sinh THPT Hương Sơn đạt 25,5 điểm, không đỗ vào ngôi trường mơ ước. Thất vọng nhưng không từ bỏ mục tiêu, Châu nỗ lực ôn tập thi tiếp. Với 27,8 điểm khối C trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, em trở thành thủ khoa của Học viện Cảnh sát nhân dân. "Ngày nhập học em được các bạn dẫn đi tham quan khắp trường. Cảm giác lúc đó thật hạnh phúc vì giấc mơ đã hiển hiện rõ ràng", tân binh lớp B16 - Kỹ thuật hình sự chất lượng cao nói.
Giọng vui vẻ của nữ thủ khoa bỗng trầm đi khi nhắc về ngày đầu ở ký túc xá. Do quen được chiều chuộng nay phải sống trong môi trường "kỷ luật sắt", xung quanh đều là bạn người miền Bắc, không ai hiểu giọng miền Trung khiến Châu thấy lạc lõng. "Em khóc mất mấy ngày, chẳng dám nói chuyện với ai và chỉ muốn về quê", nữ sinh kể. Dần dần được đồng đội động viên, dạy cho cách nói để mọi người cùng hiểu, cô gái quê Hà Tĩnh bắt đầu tự tin hơn. Sau một tháng ở trường, Châu đã có thể "líu lo" nói cười suốt ngày.
Một tháng tập thể lực phải chống đẩy, hít xà, chạy 5 vòng sân dưới trời nắng khiến làn da trắng mịn của Châu trở thành "đen nổi bật" giữa hàng ngũ bè bạn. "Thói chảnh chọe chê cơm bếp khó ăn em cũng bỏ được vì sau mấy ngày không ăn thì đói quá. Tập luyện dưới nắng lâu, giờ được vào hội trường có điều hòa tập võ, em lại thấy không quen", nữ sinh cười dí dỏm, bảo yêu lắm ngôi trường nhiều kỷ luật nhưng lắm tình nghĩa, giàu niềm vui này.
Nguyễn Thị Khánh Linh (18 tuổi) thủ khoa khối D1 có bố làm trong ngành nên ban đầu đã mường tượng những khắc nghiệt của môi trường Học viện Cảnh sát. Tuy vậy, thực tế rèn luyện ở đây khiến nữ sinh quê Nam Định trải qua 2 tuần đầu tập điều lệnh mà cảm giác như 2 năm khổ sai.
"Chúng em phải tập ke chân, đứng nghiêm 50 phút dưới nắng, sáng thức giấc từ 4h30, có những buổi hành quân đeo balo nặng 10 kg...", Linh kể. Nhiều hôm trở về phòng, cơ thể đau mỏi rã rời, Linh không nhấc người lên được. Dù vậy, chưa lúc nào em hối hận vì chọn thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân, bởi "quá yêu màu áo xanh và cuộc sống đồng đội thực tế ở đây rất vui vẻ, khóa trên, khóa dưới hòa đồng, có nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi".
Nguyễn Thị Khánh Linh - thủ khoa khối D1 Học viện Cảnh sát nhân dân, "tân binh" D41, lớp B10 Ngôn ngữ Anh. Ảnh: Dương Hải Anh. |
Một lý do nữa khiến Linh thấy gắn bó với màu áo xanh quân phục là ước mơ được cống hiến sức mình cho xã hội, giúp đỡ mọi người. Áp lực vì tỷ lệ chọi vào Học viện Cảnh sát nhân dân mỗi năm một lớn (năm 2015 có 26.000 hồ sơ đăng ký đã qua sơ tuyển, chỉ tiêu tuyển vào chỉ 1.170), nữ sinh lớp chuyên Anh THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) phải thức khuya, dậy sớm để ôn tập.
Thi xong em thất vọng vì nghĩ bị trượt đầu vào nên lúc nhận được tin trở thành thủ khoa với 26,75 điểm khối D1, Khánh Linh "vỡ òa" trong niềm vui sướng. "Em cứ ngồi cười mất một lúc rồi mới có thể gọi điện về thông báo cho bố mẹ", học viên D41 lớp B10 Ngôn ngữ Anh chia sẻ.
Với Trần Thị Ngân (18 tuổi), ngày biết tin mình là đồng thủ khoa đầu vào khối D1, đã hò hét, nhảy cẫng giữa sân trường Học viện Cảnh sát nhân dân. Gần một tháng sau khi nhập học, nữ sinh quê Nam Định mới nhận được thông báo này.
Em cho biết, ước mơ ban đầu không phải trở thành nữ cảnh sát mà là hướng dẫn viên du lịch để thỏa thích đi đây đó. Đến cuối lớp 12 sau khi được họ hàng động viên, đặc biệt là sự ca tụng không ngừng của cô bạn thân có anh học trường Cảnh sát..., Ngân chuyển hướng thi vào học viện.
Thủ khoa khối D1 Học viện Cảnh sát nhân dân Trần Thị Ngân. Ảnh: Dương Hải Anh. |
Vốn tính lạc quan, hay cười, nữ sinh từng đoạt giải Ba cấp tỉnh môn Văn năm lớp 12, không hề vất vả trong ôn luyện dù hình thức thi năm nay đổi mới. Phương pháp học của em là "học hết sức, chơi hết mình", trên lớp tập trung nghe giảng để nắm vững trọng tâm bài, chỗ nào chưa hiểu sẽ hỏi thầy cô, bạn bè, về nhà chỉ ôn lại và tham khảo thêm tài liệu. Những lúc căng thẳng, em nghỉ xả hơi cho tinh thần thoải mái rồi tiếp tục tập trung cao độ vào bài.
"Em nghĩ học trường nào cũng có cái vất vả, nhưng ở Học viện Cảnh sát nhân dân em thấy được nhiều niềm vui hơn. 14 bạn cùng phòng ký túc xá với em ai cũng hòa đồng, chúng em cười nói râm ran suốt ngày. Ở trường còn được chơi trò chơi, cổ vũ bóng đá, bóng chuyền. Em thấy thật đúng đắn khi lựa chọn màu áo xanh cảnh sát và vinh dự được là học viên của trường", nữ sinh lớp B1 Quản lý hành chính từng nhiều lần bị phạt vì cười trong lúc tập đi nghiêm, chia sẻ.
Ngân cho biết không quan trọng sau này sẽ làm việc ở đâu, chỉ mong sao được tiếp tục khoác màu áo xanh để giúp ích mọi người.
Quỳnh Trang
Tin liên quan
- Đón đoàn công tác của Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai – len thăm và làm việc tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định
- Thầy Nguyễn Văn Huyên- Người “kiến tạo” những tấm Huy chương
- Gặp gỡ, chúc mừng đồng chí Bùi Thị Bích Phượng – Nguyên giáo viên môn Tiếng Anh nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
- Thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được vinh danh, trao thưởng
- Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt kết quả xuất sắc tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng tỉnh Nam Định năm 2024