Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

SỨ MỆNH: Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo hiền tài

TẦM NHÌN: Xây dựng trường chuyên chất lượng cao, vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Tự tôn, Sáng tạo.

Tư liệu dạy và học

Trang chủ Tư liệu dạy và học Bí quyết đạt điểm 9, 10 môn Sinh tốt nghiệp THPT

Bí quyết đạt điểm 9, 10 môn Sinh tốt nghiệp THPT

30/06/2022

Tránh mắc lỗi

- Phân bổ thời gian làm bài không hợp lý

Một số học sinh thường dành quá nhiều thời gian cho một hoặc một số câu hỏi ở mức vận dụng cao, dẫn đến không đủ thời gian để làm hết các câu hỏi trong đề.

Các em cần nhớ, tất cả câu hỏi trong đề thi môn Sinh học đều có điểm bằng nhau; vì vậy cần phải có "chiến thuật" khi làm bài: làm chính xác các câu hỏi từ 81 đến 105 - đây là những câu hỏi ở mức biết, hiểu và vận dụng thấp.

- Không đọc kỹ đề

Đây là lỗi thường gặp của các thí sinh có tâm lý chủ quan. Các em đọc đề bài quá nhanh khi gặp những câu hỏi quen thuộc, mà không để ý một số chi tiết đã bị thay đổi hoặc đề bài hỏi về số phát biểu không đúng nhưng lại khoanh đáp án về số phát biểu đúng.

Để khắc phục lỗi này, các em cần đọc kỹ yêu cầu của đề bài, có thể dùng bút chì để gạch chân những cụm từ là "chìa khóa" trước khi khoanh đáp án.

Ví dụ: Cho biết quá trình giảm phân không xảy ra đột biến, mỗi gen quy định 1 loại tính trạng. Khi tiến hành phép lai AaBb × AaBb thu được số loại kiểu hình tối đa ở đời con là:

A.2 B. 9 C. 4 D. 1

Trong câu hỏi này, để xác định số loại kiểu hình tối đa ở đời con thì các em phải xét trường hợp alen trội là trội không hoàn toàn so với alen lặn và đáp án cần chọn là B. Nếu các em đọc đề bài không kỹ, bỏ qua cụm từ "tối đa" thì có thể chọn đáp án C.

- Tô lệch dòng hoặc nhầm câu trong phiếu trả lời

Để khắc phục lỗi này, các em nên làm đến đâu thì khoanh đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm đến đó (nên tô mờ, bởi nếu trả lời sai có thể tẩy đi để tô lại).


Cô Trần Thị Thanh Xuân, Tổ trường bộ môn Sinh học, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Biết nhận diện mức độ câu hỏi và phương pháp trả lời

Dựa vào mức độ nhận thức, các câu hỏi gốm bốn mức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Khi đề bài yêu cầu nhận diện những khái niệm hoặc thông tin cơ bản trong sách giáo khoa Sinh học 11 (bài 1-20) và Sinh học 12 cơ bản, đó là những câu hỏi nhận biết. Cách giải quyết những câu này là nắm chắc các khái niệm, kiến thức cơ bản.

Ví dụ: Câu 91/Mã đề 222 năm 2021

Trong lịch sử phát triển của sinh giới qua các đại địa chất, sự kiện nào sau đây xảy ra ở đại Trung sinh?

A. Phát sinh thú. B. Phát sinh bò sát.

C. Phát sinh côn trùng. D. Phát sinh thực vật.

Với mức thông hiểu, câu hỏi không chỉ dừng ở việc nhận biết mà phải hiểu, chuyển tải kiến thức từ dạng này sang dạng khác, sắp xếp thứ tự hoặc phân nhóm, so sánh các đơn vị kiến thức... Các dạng câu hỏi thường gặp: Câu lý thuyết có nhiều phương án lựa chọn; ghép nối thông tin giữa các cột trong bảng; giải thích kết quả thí nghiệm...

Để làm tốt được những câu hỏi này, các em cần hiểu bản chất kiến thức trong chương trình Sinh học lớp 12 và chương I của Sinh học lớp 11.

Ví dụ: Câu 99/Mã đề 222 năm 2021

Bằng phương pháp nhân bản vô tính, từ cừu cho trứng có kiểu gen bbDd và cừu cho nhân tế bào có kiểu gen BbDd có thể tạo ra cừu con có kiểu gen

A. bbDd. B. BBdd. C. bbdd. D. BbDd.

Đây là một hình thức chuyển đổi kiến thức: Trong nhân bản vô tính, con vật tạo ra sẽ có kiểu gen giống con cho nhân; vì vậy, các em chọn kiểu gen của cừu con là BbDd giống kiểu gen của cừu cho nhân (BbDd).

Còn lại, những câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao, đòi hỏi các em phải biết vận dụng kiến thức tổng hợp của nhiều bài và chương, sử dụng các thao tác tư duy để giải quyết vấn đề. Dạng câu hỏi thường gặp là những bài tập tính toán, phân tích đồ thị, bảng biểu...

Những năm gần đây, đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học thường tập trung vào một số dạng sau:

- Bài tập về mối quan hệ giữa gen và chuỗi polipeptit trong trường hợp bình thường và trường hợp xảy ra đột biến.

Các em cần nắm chắc các nguyên tắc: mạch mã gốc có chiều 3’-5’; các triplet được xác định từ triplet mở đầu 3’TAX 5’ đến bộ ba kết thúc (3’ATT5’, 3’ATX5’, 3’AXT5’); ảnh hưởng của đột biến điểm dạng thay thế, mất hoặc thêm một cặp nuclêôtit trên gen đến cấu trúc chuỗi polipeptit để có thể giải được dạng bài này.

- Dạng bài tập quy luật di truyền tổng hợp như hoán vị gen xảy ra với 2 gen nằm trên đoạn không tương đồng của NST X, tương tác gen kết hợp với liên kết gen hoặc hoán vị gen, tương tác gen kết hợp di truyền liên kết với giới tính.

Để giải quyết dạng này, các em nên:

+ Xét riêng sự di truyền của từng loại tính trạng để tìm quy luật di truyền chi phối từng loại tính trạng.

+ Sau đó xét đồng thời sự di truyền của 2 loại tính trạng, so sánh tỷ lệ kiểu hình thu được ở đời con khi các gen phân ly độc lập rồi với tỷ lệ kiểu hình ở đề bài, từ đó xác định được quy luật di truyền chi phối là phân ly độc lập, liên kết gen hay hoán vị gen.

+ Vận dụng một số công thức về mối tương quan giữa các kiểu hình ở đời con để giúp cho việc tính toán nhanh hơn. Cụ thể:

+ Công thức 1 (do tác giả Nguyễn Từ đề xuất): P : Aa,Bb x Aa,Bb

F1: (A-B-) – (aa,bb) = 50%; (A-bb) + (aa,bb) = 25%; (aaB-) + (aa,bb) = 25%

+ Công thức 2: P : Aa,Bb x Aa,bb

F1: (A-B-) – (aa,bb) = 25%; (A-bb) + (aa,bb) = 50%; (aaB-) + (aa,bb) = 25%

+ Công thức 3: P : Aa,Bb x aa,Bb

F1: (A-B-) – (aa,bb) = 25%; (A-bb) + (aa,bb) = 25%; (aaB-) + (aa,bb) = 50%

Hai năm gần đây, việc xác định quy luật di truyền có thể dựa vào số loại kiểu gen ở đời con. Các em cần ghi nhớ những số liệu sau:

+ Khi 2 bên P dị hợp tử về 2 cặp gen thì số loại kiểu gen ở đời con là 10 (nếu 2 cặp gen nằm trên 1 cặp NST thường và hoán vị gen xảy ra ở cả 2 giới); là 7 (nếu 2 cặp gen nằm trên 1 cặp NST thường và hoán vị gen xảy ra ở 1 giới). Trong trường hợp cả 2 gen nằm trên NST giới tính thì có tối đa là 8 loại kiểu gen ở đời con.

+ Khi xét 1 gen có 2 alen: nếu gen phân bố trên NST thường thì số loại kiểu gen ở đời con là 1 hoặc 2 hoặc 3; nếu gen phân bố trên vùng không tương đồng của NST X thì số loại kiểu gen ở đời con là 2 hoặc 4.

- Dạng bài tập của chương Di truyền học quần thể: để giải được bài tập chương này, các em cần thuộc công thức tính tần số kiểu gen ở quần thể tự phối, quần thể ngẫu phối; đặc biệt đánh giá tác động của các nhân tố tiến hóa đến cấu trúc di truyền của quần thể ngẫu phối.

- Chương Di truyền học người thường xuất hiện dạng bài tập phả hệ.

+ Dạng bài tập này có thể chỉ yêu cầu ở mức Vận dụng: xác định gen quy định tính trạng nằm trên loại NST nào hoặc cho biết gen nằm trên loại NST nào và yêu cầu xác định kiểu gen của những người có trong phả hệ.

+ Dạng bài tập này có thể yêu cầu ở mức Vận dụng cao như kết hợp với di truyền quần thể, phả liên quan đến 2 loại tính trạng trong đó có một gen nằm trên NST thường (có thể sự biểu hiện kiểu hình bị ảnh hưởng bởi giới tính) và một gen nằm trên NST giới tính.

- Dạng bài tập của chương Sinh thái học bao gồm phân tích đồ thị về giới hạn sinh thái, quan hệ giữa các loài trong quần xã, thay đổi số lượng loài và sinh khối trong diễn thế nguyên sinh thứ sinh, tháp sinh thái; phân tích lưới thức ăn, hậu quả tác động của con người đến môi trường; tính hiệu suất sinh thái.


Đề minh họa tốt nghiệp THPT môn Sinh học năm 2022.

- Dạng bài tập về chương Ứng dụng di truyền: phối hợp các phương pháp (công nghệ gen, công nghệ tế bào, gây đột biến, lai giống) để tạo ra một giống phù hợp với nhu cầu của con người.

Để kỹ năng giải bài tập nhanh và chính xác thì ngoài việc nắm được phương pháp giải mỗi dạng bài, các em cần giải nhiều đề để vận dụng nhuần nhuyễn các công thức, tăng mức độ linh hoạt của tư duy với các dạng bài khác nhau.

Trần Thị Thanh Xuân
Tổ trưởng bộ môn Sinh học, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định)